Chuyện những người hiến máu 'đặc biệt' và những người sống nhờ máu của... người dưng

Với đặc thù là nhóm máu 'chuyên cho', và người có nhóm máu O chỉ có thể nhận nguồn máu cùng nhóm với mình, nên dễ hiểu vì sao loại máu này rất dễ rơi vào tình trạng khan hiếm như những ngày qua. Gạt qua những nỗi sợ mơ hồ, tôi tới Viện Huyết học Truyền máu Trung ương để hiến máu, với suy nghĩ đơn giản là góp phần giúp được phần nào những người bệnh đang mòn mỏi chờ tiếp máu. Và tại đây, tôi bất ngờ được gặp những người tình nguyện hiến máu rất đặc biệt.

Không có cảm giác bước chân vào bệnh viện

Những nỗi sợ mơ hồ của một người lần đầu đi hiến máu sẽ dần giảm đi khi vừa đặt chân tới cổng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Bởi từ bác bảo vệ cho tới nữ nhân viên tư vấn đều nở nụ cười rất tươi và niềm nở: “Anh đi hiến máu ạ? Mời anh đi xe xuống hầm!”. Đây là khu vực ưu tiên dành cho những người tới chia sẻ dòng nhiệt huyết của mình.

Đoạn đường từ sảnh lên khu vực hiến máu trên tầng 2 tiếp tục là “đoạn đường của những nụ cười”, để người tới hiến máu cảm thấy bản thân thực sự được trân trọng, và mỗi hành động của nhân viên tại đây như một sự tri ân nho nhỏ.

Sự tận tâm của những y, bác sĩ tại Viện Huyết học khiến người hiến máu tình nguyện cảm thấy thực sự an tâm và thoải mái

Khi đứng trước quầy đăng ký thông tin, tôi đã khá bất ngờ và ấn tượng trước… 3 khay giấy đăng ký dành cho người tới hiến máu. Khay chính giữa - tiện lấy nhất - được đặt mẫu phiếu màu xanh dành cho người hiến máu và nhận tiền hỗ trợ. Hai khay bên cạnh chứa phiếu màu hồng dành cho người hiến máu tình nguyện.

Mặc dù tiện lấy nhất, nhưng khay giữa lại gần như còn đầy nguyên các phiếu, trong khi hai khay bên cạnh vơi rõ, gần như chạm đáy…

Tôi cứ đứng đấy, ngây người, nhìn ngắm 3 cái khay vô tri vô giác ấy, mà cảm thấy lòng ấm áp kỳ lạ. Tất cả sự trân trọng, cởi mở, và tình người, được bộc lộ từ điều bé nhỏ ấy. Và tôi hiểu, những lời kêu gọi mà báo chí và các bác sĩ chia sẻ trong thời gian qua đã có tác dụng tích cực…

Những khay giấy đăng ký vô tri nhưng lại tạo được ấn tượng khó quên tới lạ kỳ

Vốn là người không mấy dễ chịu khi bị chiếc kim tiêm nhọn hoắt cắm vào huyết mạch, tôi cảm nhận vài giọt mồ hôi xuất hiện trên cánh mũi và cằm mình. Nhưng nụ cười và bàn tay mềm mại nhẹ nhàng ấn, chọn ven của nữ nhân viên y tế đã giúp giải tỏa sự căng thẳng đó.

Và điều khá tình cờ xuất hiện, khi tôi chợt nhận ra trong ngày mình đi hiến máu, có những người tình nguyện hiến máu rất đặc biệt!

Họ mặc áo blouse trắng, vui vẻ trò chuyện, đùa nhau vài câu, và mỉm cười rất tươi khi những chiếc kim cắm vào mạch máu.

“Hôm nay có một nhóm bác sĩ ở Bệnh viện Xanh Pôn rủ nhau tới hiến máu. Cũng chẳng theo chương trình nào cả, họ nghe thấy thông tin kho máu nhóm O cạn kiệt nên tới. Các bác sĩ, nhân viên y tế ở Viện Huyết học đã hiến từ nhiều hôm trước rồi. Còn mình hôm nay mới thu xếp để đi hiến được!”, người nằm gần ghế của tôi chia sẻ.

Hỏi chuyện một hồi, tôi biết được chị là bác sĩ Hoàng Thị Thanh Nga – Khoa Huyết thanh học nhóm máu, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương. Chị nói rằng, việc các bác sĩ, nhân viên y tế của Viện hay từ các bệnh viện khác hiến máu là điều rất bình thường, bởi hơn ai hết, các anh các chị là những người thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân, và họ rất hiểu sự cần thiết của nguồn máu dự trữ đối với sinh mệnh người bệnh.

Bác sĩ Hoàng Thị Thanh Nga hiến máu. Đây là lần hiến thứ… ‘hơn 10’ của chị - do đã hiến nhiều lần nên bác sĩ Nga không thể nhớ chính xác

Cứ thế, không khí vốn đã vui vẻ, đậm tình người trong khu vực hiến máu lại càng trở nên sôi nổi hơn, khi các nhân viên y tế hỗ trợ lấy máu cho những đồng nghiệp của mình.

Hiến xong, mọi người được mời ra bàn để ăn bánh, uống sữa, sau đó, người hiến máu tình nguyện sẽ được trao một giấy chứng nhận, cùng món quà nhỏ.

Tại đây, tôi lại có thêm cơ hội chứng kiến khoảnh khắc ấn tượng khó quên. Đó là khi các bác sĩ ra nhận quà lúc đã hiến máu xong xuôi. Ánh mắt tư lự, chọn lựa con thú bông phù hợp khiến những bác sĩ vốn có tinh thần thép ấy như trở về tuổi thơ, và biểu lộ cảm xúc dễ mến tới khó tả.

Nữ cán bộ của Bệnh viện Xanh Pôn nở nụ cười khi được nhận món quà kỷ niệm

Đằng sau ánh mắt đó, có lẽ là suy nghĩ lựa chọn con thú bông nào để làm quà tặng cho những đứa bé ở nhà. Khi về, hẳn những vị bác sĩ đó sẽ nói với con họ rằng, “hôm nay bố/mẹ đi hiến máu và được tặng đấy!”.

Nếu có cơ hội nói thay họ, tôi sẽ trao con thú bông đó cho bọn trẻ, và nói “Bố/mẹ các cháu vừa có thêm một lần cứu người, sau rất nhiều lần cứu người khác! Hãy tự hào vì điều đó!”.

Khi nguồn máu được ví như hơi thở

Trong rất nhiều trường hợp, như mổ cấp cứu, nguồn máu có vai trò quyết định sống còn đối với sinh mệnh người bệnh. Nhưng không chỉ có vậy, tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, có những bệnh nhân – lớn có, bé có – vẫn hằng tháng phải coi nguồn máu như khí thở không thể thiếu.

Đó là những bệnh nhân mắc chứng tan máu bẩm sinh (Thalassemia). Đây là căn bệnh do gen di truyền, không thể chữa khỏi, và người mắc phải truyền máu định kỳ hằng tháng cho tới suốt cuộc đời. Nếu thiếu máu truyền, họ sẽ phải đối mặt với điều tồi tệ nhất…

Sau khi trò chuyện với các bác sĩ, tôi được dẫn vào khoa bệnh chuyên Thalassemia. Tại đó, người bệnh và bác sĩ quen nhau như người nhà, bởi họ luôn phải gặp nhau theo cách không mong muốn nhất – định kỳ hằng tháng.

Dây truyền, ống kim tiêm là những thứ phổ biến nhất tại đây

Trong căn phòng bệnh nhi gồm toàn bé gái, tôi thoáng rùng mình khi chứng kiến những ánh mắt trẻ thơ non nớt, nụ cười giòn tan hồn nhiên, tất cả song hành cùng màu trắng của ga giường và những bộ đồng phục bệnh nhân ám ảnh.

Gặp người lạ, các bé tỏ ra thích thú, tò mò. Gần như ngay lập tức, tôi nhận ra một điểm chung giữa các bé, là những cái bụng chướng to bất thường, nước da xanh xao, dẫu nụ cười vẫn đậm chất thơ ngây, dễ mến.

Ngồi xuống giường bệnh, tôi bắt chuyện với anh Nguyễn T. (dân tộc Tày, trú tại Tuyên Quang). Anh T. có con gái mắc Thalassemia, phát hiện từ lúc em mới được 3 tháng tuổi. Đến giờ đã là 12 năm, gia đình em làm quen với phòng bệnh.

12 năm là khoảng thời gian rất dài, để cả gia đình chống chọi với căn bệnh quái ác. Nhưng những chi tiết qua lời kể của anh T. vẫn rất nhẹ nhàng, thi thoảng anh vẫn nở nụ cười, đặt tay lên người cô bé đang nằm truyền máu bên cạnh để động viên. Có lẽ việc quá quen đối mặt với khó khăn và bệnh tật đã khiến những người trong cuộc thấy mọi thứ trên đời này đều dễ chịu, chẳng có gì khiến họ phiền muộn hơn, ngoại trừ việc… thiếu máu.

Anh T. kể, con gái anh phải truyền máu định kỳ 1 tháng/lần. Cuộc sống của họ cứ đều đặn gắn bó với Viện Huyết học như thế. Những lúc khan hiếm máu, anh và vợ thay nhau “đổi máu” ở tuyến huyện, để tìm nguồn máu nhóm O cho con gái.

Câu chuyện kéo dài một lúc, tôi biết được hai anh chị chỉ có một người con duy nhất. Dù người dân tộc thiểu số thường hay sinh nhiều con, song gia đình này đã đi ngược lại “truyền thống” đó. Đơn giản chỉ vì mục tiêu chăm sóc một bệnh nhân trường kỳ không cho phép họ nghĩ tới chuyện sinh thêm con.

Trong cuộc trò chuyện, nhiều lần anh T. đưa tay vuốt vuốt bụng con gái như một cách động viên.

- Tại sao anh phải vuốt như thế cho bé? Để đỡ đau hơn ạ?

- Đúng rồi! Con bé nhà mình cắt lá lách rồi. Mình vuốt cho cháu thoải mái hơn…

Nói tới đây, tôi hiểu ra những cái bụng chướng to bất thường ở các bé, hóa ra vì lá lách to. Căn bệnh này khiến hồng cầu dễ vỡ, và tích vào phần lá lách, gây chướng. Do vậy, trong căn phòng điều trị, “cắt lá lách” là điều gì đó rất bình thường đối với tất cả. Đó thực sự là một điều bình thường… đặc biệt!

Những em nhỏ mắc bệnh tan máu bẩm sinh bị chướng bụng vì lá lách sưng to

Chia tay căn phòng bệnh nhi đầy ắp tiếng cười, tôi đi sang một phòng khác gồm các bệnh nhân trưởng thành. Không khí trầm lắng hơn rất nhiều. Có lẽ khi đã đủ nhận thức, họ hiểu rõ hơn ai hết về căn bệnh mình đang mang, và sự phụ thuộc chặt chẽ vào nguồn máu hiến tặng.

Tôi mở lời hỏi chuyện một cô bé sinh năm 2001 ở Quảng Ninh, rất xinh xắn và có phần khỏe khoắn, chứ không gầy và vàng da như những người khác. Em bảo em tự đi xe khách ra đây truyền máu. Cứ hết một đợt cỡ chục ngày, em lại về. Có lẽ cái thứ định kỳ cay nghiệt mà số phận dành cho em (và những bệnh nhân khác) khiến em không muốn người nhà thêm vất vả trong việc đưa đón. Nên em chọn cách tự lo cho bản thân mình…

Hỏi chuyện một lúc, em nói mọi thứ với em không có gì đặc biệt, ngoài việc học hành khá bất tiện vì luôn phải nghỉ một khoảng thời gian hằng tháng để đi truyền máu.

Bất giác, tôi cảm thấy khó xử tới nỗi không thể hỏi em về dự định tương lai, hoặc một mong muốn xa vời nào đó. Họ - những người bệnh phải nhận máu định kỳ cho tới hết cuộc đời – vẫn sẽ có tương lai của riêng mình. Nhưng tương lai đó chắc chắn không giống người bình thường, nhất là khi cứ mỗi giai đoạn, người ta lại nghe được những lời kêu gọi hiến máu vì kho dự trữ cạn kiệt. Thiếu máu, với những người bệnh như em, chẳng khác nào thiếu oxy để thở…

Khi chia tay các bác sĩ và người bệnh ở Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, tôi cứ nghĩ mãi về lời nói của một người anh vừa đi hiến máu về. “Tại sao máu nhóm O là phổ biến nhất trong xã hội, mà lại luôn thiếu nguồn cung?”. Câu trả lời có lẽ phải dành cho tất cả. Với tôi, ánh mắt của những bệnh nhân cần nguồn máu, ánh mắt của những y bác sĩ lo lắng khi kho máu dự trữ cạn kiệt, đã tự cho tôi một câu trả lời không chút đắn đo: Tôi sẵn sàng hiến máu tình nguyện!

Trung Hiếu

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/chuyen-nhung-nguoi-hien-mau-dac-biet-va-nhung-benh-nhan-gan-bo-dac-biet-voi-dong-mau-cua-nguoi-dung/779597.antd