Chuyện những người 'gác cổng thông tin' cho SEA Games 31 tại Hà Nội

Tạm gác niềm vui nho nhỏ bên bữa cơm gia đình, không thể trực tiếp theo dõi những trận thi đấu mà mình yêu thích, phải làm việc với công suất tối đa, thậm chí nhiều khi tăng ca đến 12h đêm tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội)… Đó là câu chuyện của những người 'gác cổng thông tin' cho SEA Games 31.

Những người thầm lặng

Để đảm bảo cho thông tin liên lạc luôn được thông suốt phục vụ SEA Games 31, trong thời gian qua, những người “gác cổng thông tin” tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã phải trực chiến với tinh thần bất kể ngày đêm.

Kiểm tra đường dây, kéo cáp, lắp đặt thiết bị... là công việc của những người “gác cổng thông tin” cho SEA Games 31.

Kiểm tra đường dây, kéo cáp, lắp đặt thiết bị... là công việc của những người “gác cổng thông tin” cho SEA Games 31.

Từ cuối tháng 4/2022 đến nay, Ban Tổ chức SEA Games 31 cùng các đơn vị tài trợ viễn thông đã bắt đầu công việc chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc.

Hồi tưởng về những ngày đầu tiên chuẩn bị cho SEA Games 31, anh Nguyễn Huy Ánh, kỹ thuật viên Trung tâm Viễn thông 9 Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), chia sẻ: “Ngay sau khi có thông tin chỉ đạo từ trên Tập đoàn truyền xuống, chúng tôi đã phải lên kế hoạch khảo sát, xem xét nhu cầu, lên phương án đấu nối đường dây…

Có rất nhiều hạng mục phải thi công và đòi hỏi độ chính xác cao, nếu không hoàn thành đúng và sớm thì các bộ phận khác sẽ không thể triển khai tiếp phần việc của mình được”.

Chỉ riêng ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia, số lượng cáp cần đấu nối ước tính đã lên tới con số hàng nghìn mét, chưa kể dây thuê bao, đường truyền quang trắng, đường truyền trực tiếp tới các xe truyền hình... hầu hết đều phải kéo tay, trực tiếp rải theo đúng đường trục kỹ thuật.

Anh Nguyễn Huy Ánh (bên phải) và đồng nghiệp thực hiện đấu nối đường Internet đi quốc tế tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

“Có những ngày mải làm, giao ca xong thì mệt tới mức chỉ muốn lăn ra ngủ. Thế nhưng sớm hôm sau vẫn vào ca đúng giờ, vẫn hùng hục kéo cáp, đấu nối. Mệt nhưng anh em đều thấy rất vui", anh Ánh kể.

Vất vả là thế, nhưng ở một bộ phận tiếp nhận thông tin, hỗ trợ các dịch vụ từ di động, 5G, internet, dịch vụ phát hình quốc tế… các cán bộ, nhân viên cũng luôn trong tình trạng phải làm việc hết công suất; để phục vụ các phóng viên trong và ngoài nước và hỗ trợ các bộ phận, các bên có liên quan.

Anh Khương Ngọc Bính, chuyên viên kỹ thuật hỗ trợ phát hình vệ tinh, cho hay, bàn tiếp nhận thông tin giải đáp các vấn đề liên quan dịch vụ có rất nhiều tình huống phát sinh. Nhất là các phóng viên, đơn vị bạn cần hỗ trợ thì đều xắn tay vào giúp.

Từ việc chỉ đường, tìm địa điểm, giới thiệu các địa danh, thậm chí các món ngon, văn hóa ẩm thực của Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định... nhân viên bàn tiếp nhận thông tin đều phục vụ.

Anh Khương Ngọc Bính - Chuyên viên kỹ thuật hỗ trợ phát hình vệ tinh tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Trong đó có cả những câu hỏi không thuộc chuyên môn nhưng anh Bính cùng các đồng nghiệp đều cố gắng hỗ trợ hết sức trong khả năng cho phép. Điều này góp phần để giới thiệu về Việt Nam thân thiện, mến khách cho bạn bè quốc tế.

Tại SEA Games 31, hàng loạt trang thiết bị, máy móc với công nghệ tiên tiến, như các xe truyền hình vệ tinh, mạng 5G đều được mang đến. Với hơn 200 đường truyền kể cả đường truyền internet và kênh thuê riêng, nhằm bảo đảm đáp ứng nhu cầu của các đài truyền hình, các hãng truyền thông của Việt Nam và 11 nước trong khu vực ASEAN.

Gác lại sở thích cá nhân vì sự thành công chung

Không ồn ào, náo nhiệt, rất nhiều kỹ sư, chuyên gia kỹ thuật thông tin liên lạc đồng hành cùng SEA Games 31, trong đó có các kỹ thuật viên đi cùng các xe phát hình, phát sóng lưu động.

Công việc của anh Phan Hồng Thuấn, phụ trách bộ phận xử lý kỹ thuật cũng vậy, một mình ngồi, chỉ biết tới những con số hiển thị trên hệ thống thiết bị, máy móc. Anh Thuấn chia sẻ: “Công việc gắn với các xe phát sóng, phát hình nên cứ có lệnh điều động tới đâu là lên đường tới đấy.

Có những sự kiện lớn, chúng tôi phải đi phục vụ xe hàng tuần liền. Nhiệm vụ là luôn phải theo dõi các thông số vệ tinh và điều chỉnh khi cần thiết nên không được phép xảy ra sai sót, lúc nào cũng phải tập trung, tỉnh táo nhất, chính xác nhất.

Đi phục vụ SEA Games, dù chuẩn bị diễn ra một trận thi đấu mà mình yêu thích nhưng đến đúng ca trực của mình thì cũng đành chịu, không thể theo dõi trực tiếp như mọi người mà chỉ có thể xem phát lại”.

Anh Phan Hồng Thuấn - kỹ thuật viên xe phát hình, phát sóng lưu động phục vụ SEA Games 31.

Câu chuyện của anh Thuấn cũng giống như câu chuyện chung của hàng trăm cán bộ, nhân viên “gác cổng thông tin” trong suốt kỳ SEA Games 31. Dẫu phải tạm gác lại những niềm vui cá nhân bình dị nhưng tất cả đều tự dồn hết tâm sức cho nhiệm vụ mà mình đảm nhiệm.

Tất cả đều vì một mục tiêu chung, để SEA Games 31 thành công tốt đẹp, để góp phần lan tỏa hình ảnh của Thủ đô Hà Nội và đất nước Việt Nam tươi đẹp với bạn bè trong khu vực và quốc tế. Hơn hết, đó là niềm vui được phục vụ cho những niềm vui lớn hơn của khán giả trong và ngoài nước.

Quang Linh

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chuyen-nhung-nguoi-gac-cong-thong-tin-cho-sea-games-31-tai-ha-noi-140421.html