Chuyện những người đi ngược cơn bão tăng trưởng của thương mại điện tử Mỹ

Những cửa hàng truyền thống sẽ vẫn luôn có chỗ đứng trong ngành bán lẻ trong một thời gian dài nữa và thậm chí các cửa hàng này sẽ còn phát triển theo hướng hiện đại hơn.

Ảnh: New York Times

Một buổi sáng vào tháng trước, CEO của Target, ông Brian Cornell, đứng giữa quầy hàng những chiếc áo phông thiết kế và một tủ đầy bánh sandwich trong một gian hàng ở Midtown Manhattan.

Ông Cornell khẳng định: “Đây mới là biểu tượng của tương lai.” Ông Cornell không hề nói đến những gian nhà kho của những hãng bán lẻ trực tuyến vốn đông chật robot. Và ông cũng không hề nói đến thiết bị vệ sinh được vận hành bằng giọng nói có khả năng vận hành dựa trên tiếng nói của con người và đo lường được người đang dùng nó cần bao nhiêu giấy chùi.

Ông đang nói đến cửa hàng mới của Target tại Herald Square ở New York, gần tòa nhà nơi có gian hàng của Macy và nhiều công ty bán lẻ quần áo khác. Từ nay đến cuối năm 2019, Target có kế hoạch mở cửa thêm khoảng 130 cửa hàng mới. Những cửa hàng mới có quy mô nhỏ hơn so với những cửa hàng lớn của Target trước đây.

Target đưa ra chiến lược này trong bối cảnh dường như tất cả mọi người đều đang hoài nghi về tương lai của ngành bán lẻ truyền thống. Amazon đang giành được ngày một nhiều doanh thu từ các hãng bán lẻ truyền thống và khiến số lượng khách viếng thăm các cửa hàng ngày một giảm sâu.

Sức ép lên mô hình bán lẻ truyền thống đã khiến hàng loạt hãng bán lẻ phải phá sản, trong đó phải kể đến Toys “R”, Payless, Gymboree và Radio Shack. Sears and Macy gần đây cũng đã phải đóng hàng trăm cửa hàng trên khắp nước Mỹ bởi doanh số bán hàng giảm quá sâu.

Trong tháng trước, công ty sở hữu thương hiệu quần áo, túi xách, phụ kiện thời trang Lord & Taylor đã bán cửa hàng lớn tại đại lộ Fifth Avenue danh tiếng cho WeWork, một công ty mới chuyên phục vụ cho không gian văn phòng. Thương vụ này nhắc người ta nhớ rằng sức hấp dẫn của các cửa hàng bán lẻ truyền thống đang ngày một giảm dần.

Thế nhưng bất chấp hàng loạt tin tức bi quan, chắc chắn những cửa hàng truyền thống sẽ vẫn luôn có chỗ đứng trong ngành bán lẻ trong một thời gian dài nữa và thậm chí các cửa hàng này sẽ còn phát triển theo hướng hiện đại hơn để phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của những người mua hàng hiện đại.

Trong ngành bán lẻ thế giới vẫn có nhiều công ty tin vào tương lai của ngành bán lẻ truyền thống. Trong mùa hè năm nay, công ty bán lẻ kiêm tư vấn kinh doanh IHL công bố báo cáo cho thấy các công ty bán lẻ sẽ tiếp tục mở thêm nhiều cửa hàng mới trong năm nay Tuy nhiên phần lớn các điểm bán lẻ mở ra sẽ kinh doanh dịch vụ nhà hàng ăn uống chứ không phải kinh doanh hàng hóa bán lẻ.

IHL rất tin vào tương lai của ngành bán lẻ. Chủ tịch IHL, ông Greg Buzek, nhận xét: “Những quan điểm cho rằng ngành bán lẻ sắp chết là hoàn toàn sai lầm.”

Gần đây, sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất của ngành bán lẻ đến chủ yếu từ những cửa hàng bán lẻ bán lẻ có các chương trình giảm giá. Các trang web bán hàng trực tuyến có thể mang đến sự tiện lợi cho những khách hàng ở xa, tuy nhiên thường người tiêu dùng lại thích đến cửa hàng săn đồ giảm giá hơn.

Hãng bán lẻ T.J. Maxx and Marshalls khẳng định trong dài hạn hãng có kế hoạch mở khoảng 5.600 cửa hàng, cao hơn nhiều so với con số 1.700 cửa hàng hiện nay. CEO của công ty, ông Ernie Herrman, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy việc mở thêm các cửa hàng đang trở thành những khoản đầu tư sinh lời tốt.”

Dù những công ty bán lẻ như TJX đang rất lạc quan, nhiều công ty bán lẻ khác đang đương đầu với thế tiến thoái lưỡng nan. Họ rất băn khoăn về việc bằng cách nào để kéo thêm được người mua hàng đến cửa hàng ngay cả nếu họ không có nhu cầu.

Nhiều hãng bán lẻ lớn như Walmart đang cố gắng kết hợp giữa việc bán hàng truyền thống và bán hàng trực tuyến. Walmart sử dụng hệ thống kho hàng và bán lẻ rộng khắp nước Mỹ của mình để hỗ trợ cho hoạt động bán hàng trực tuyến.

Bất chấp những lạc quan trên, các số liệu thống kê cho thấy thương mại điện tử vẫn đang tăng trưởng với tốc độ chóng mặt. Trừ khi tốc độ tăng trưởng đó chậm lại, các chuyên gia phân tích và chuyên gia kinh tế vẫn đặt câu hỏi về việc bằng cách nào để hàng trăm, hàng nghìn cửa hàng trên khắp nước Mỹ có thể tiếp tục tồn tại.

Thế bất lợi của Mỹ khi đứng ngoài TPP

Tổng thống Donald Trump: “Tôi sẽ không để nước Mỹ bị lợi dụng”

Nợ chưa từng thấy, Mỹ đang tự gài bẫy kinh tế?

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/the-gioi/chuyen-nhung-nguoi-di-nguoc-con-bao-tang-truong-cua-thuong-mai-dien-tu-my-3413141.html