Chuyện những người cứu nạn trong lũ dữ

20 năm qua, Lai Châu mới chứng kiến một trận mưa lũ kinh hoàng đến thế. Mưa lũ đã cướp đi 17 sinh mạng, 8 người còn đang mất tích, có những bản làng bị vùi lấp hoang tàn.

Tìm kiếm người mất tích dưới suối Nậm Dê, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu

Giây phút sinh tử của người lái máy xúc

Trong thời khắc sinh tử, khó khăn đó, hình ảnh những người cứu hộ cứu nạn ngâm mình trong bùn đất, vượt rừng, bò vực cheo leo, nát tay bới đất đá để tìm người mất tích, chạy lũ giúp dân khiến đau thương như được san sẻ, vợi bớt...

Ngày 5/7, anh Phạm Văn Sáng, công nhân lái máy xúc của Công ty CP Xây dựng và Quản lý đường bộ l Lai Châu được người thân đưa từ Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Lai Châu xuống BV Việt Đức (Hà Nội) để tiếp tục liệu trình điều trị sau khi gặp nạn trong lúc khắc phục sự cố sạt lở do mưa lũ ở Lai Châu. Phần trên cơ thể được cố định bằng thiết bị y tế do gãy 3 xương sườn, dưới sườn có ống dẫn đưa máu lưu ra ngoài, anh Sáng nhăn mặt đau đớn do vết thương và chặng đường di chuyển nặng nhọc.

Theo Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, mưa lũ diễn ra cuối tháng 6/2018 ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã làm 33 người chết và mất tích, trong đó 23 người chết và 10 người mất tích (Lai Châu 9 người và Điện Biên 1 người) vẫn chưa được tìm thấy. Tổng thiệt hại ở các địa phương ước tính lên gần 460 tỷ đồng.

Đại úy Vũ Văn Hùng, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Lai Châu tâm sự, trong cuộc đời tìm kiếm cứu nạn của nhiều chiến sĩ, trận lũ lịch sử này là khó khăn nhất. Ngay như nạn nhân Dương Ngọc Hưng bị cuốn tại trang trại cá tầm của mình ở bản Chu Va 12 (huyện Tam Đường) đến nay vẫn chưa tìm thấy, dù lực lượng chức năng đã dùng bơm áp lực cao phun bùn ở các bể cá tầm ra ngoài cho lực lượng vào tìm. Họ tìm dọc suối Chu Va qua xã Nậm Tăm và điểm tập kết là lòng hồ thủy điện Bản Chát nhưng cũng không phát hiện ra manh mối.

Cùng với ngành GTVT đang nỗ lực khắc phục giao thông, những ngày này, lực lượng cứu hộ cứu nạn vẫn đang miệt mài tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích, dựng tạm nhà ở, giúp người dân từng bước vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất...

Anh Sáng kể: 18h ngày 26/6, anh làm nhiệm vụ điều khiển máy xúc thông tuyến tại điểm sạt lở trên QL12 tại Km 46+700 khu vực xã Pa Tần, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Anh cùng một lái máy xúc nữa của công ty đang làm nhiệm vụ bất ngờ thấy nửa quả núi lao sầm sập từ độ cao hàng chục mét xuống, cuốn phăng hai chiếc máy xúc. Người lái máy xúc kia bị rơi xuống mấy mét rồi thoát ra được và bò lên đường. Còn anh Sáng và chiếc máy xúc của anh bị trôi xuống vực sâu cách mặt đường hơn 100m, sát mép nước sông Nậm Na.

“Tôi thấy đất lở, liền lái máy xúc quay đầu chạy. Nhưng đất đá ầm ầm cuốn phăng khiến máy xúc lộn 5 vòng rồi dừng lại như được đặt xuống đó. Sườn bị máy xúc va vào đau nhức, rách 2 chỗ, máu chảy. Tôi nghiến răng chịu đau bò ra khỏi xe, cố bám dây rừng lên 3m, nơi có tảng đá lớn, nằm trên đó và lịm đi, không biết gì nữa”, anh Sáng kể lại sự cố kinh hoàng.

Sau đó, anh Sáng tỉnh dậy khi trời đã tối, ngước nhìn lên trên thấy có ánh đèn pin loang loáng, nhưng không thể cất tiếng gọi. Anh vẫn cảm giác được cơ thể lạnh toát, máu trên người chảy rất nhiều, mưa vẫn rơi và tiếng nước sông Nậm Na rào rào bên tai. “Nghe tiếng nước, tiếng mưa, tôi biết nguy cơ sạt lở tiếp tục là rất lớn và nghĩ rằng mình sẽ chết ở đây”, anh Sáng nói.

Nhớ lại giây phút sinh tử ấy, anh Sáng cho biết, lúc đó chỉ miên man nghĩ thương bố mẹ già ở quê xa Thái Bình đang ngóng con. 35 tuổi, lần nào về quê, bố mẹ cũng giục cưới vợ. Nhưng 6 năm lên Lai Châu làm công nhân máy xúc, sống phần lớn trên những cung đường, anh chưa thực hiện được lời hứa ấy với cha mẹ già mà còn làm cha mẹ đau đáu lo lắng khi chỉ mới năm ngoái, anh bị bỏng hơi nước của máy xúc làm tróc mảng lớn da bụng.

Anh Sáng không biết bản thân đã nằm như thế bao lâu, chỉ giật mình khi có tiếng phát cây rừng, tiếng nói, tiếng gọi. Anh mở mắt, thấy ánh đèn pin không lấp loáng xa xa mà đã cận kề. Hai cảnh sát mặc quần áo cứu hỏa vừa phát cây vừa đu dây xuống. “Mình được cứu rồi”, anh khẽ reo lên trong lòng nhưng lúc đó không còn cất được lời nữa.

Mùa A Xá (trái) và Lầu A Páo - hai chiến sỹ cảnh sát PCCC trực tiếp tham gia cứu nạn vụ công nhân máy xúc rơi xuống vực sâu

Xuyên đêm cứu nạn

Đại úy Vũ Văn Hùng, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Lai Châu cho biết, nhận tin báo về vụ sạt lở có người bị nạn rơi theo máy xúc, phòng lập tức cử 15 cán bộ, chiến sỹ, cùng 1 xe cứu nạn cứu hộ, máy phát điện, thiết bị chiếu sáng và các thiết bị chuyên dụng như dây, cáng... đến hiện trường. Tại hiện trường có các lực lượng khác nhưng không có thiết bị chuyên dụng nên không tìm thấy nạn nhân.

21h đêm 26/6, nhóm cứu hộ tiếp cận điểm sạt lở đã cuốn phăng chiếc máy xúc, dùng đèn chiếu sáng công suất cao trên xe cứu nạn cứu hộ và phát hiện nạn nhân nằm bất động trên một tảng đá dưới vực sâu. Ngay lập tức, hai chiến sỹ PCCC được thắt đai an toàn và dây cứu nạn, cầm dao, vừa đu dây xuống vừa phát cây mở lối để đưa nạn nhân lên. Đại úy Vũ Văn Hùng đã trực tiếp cùng đồng đội tiếp cận nạn nhân. Khi đó, nạn nhân trong tình trạng nguy kịch, bị thương nặng, rách bụng và gáy, do mất máu, nhiễm lạnh, mất sức trong thời gian dài nên nạn nhân không còn khả năng vận động. Đại úy Hùng cùng đồng đội đã thắt đai cõng nạn nhân trên lưng để đồng đội bên trên kéo dây đưa lên.

Hạ sỹ Lầu A Páo, Phòng Cảnh sát PCCC chia sẻ, khi ròng dây từ bên trên kéo đồng đội và nạn nhân ra khỏi vực, mưa vẫn rơi, đường trơn trượt, nên rất nguy hiểm, đất đá bên trên có thể sạt lở bất cứ lúc nào. Nhưng tính mạng nạn nhân đang ngàn cân treo sợi tóc, nên anh em rất cẩn trọng, phối hợp nhịp nhàng người phát cây, người cõng nạn nhân, người kéo dây, cố giữ nạn nhân thăng bằng nhất. Vì vậy, sau hơn 2 giờ triển khai phương án cứu hộ, anh Sáng đã được đưa lên mặt đường từ độ sâu 100m. Trên mặt đất, đã có sẵn cáng và xe đưa nạn nhân đi cấp cứu.

“Nếu không có các đồng chí cảnh sát PCCC, em tôi đã không còn. Dù qua cơn nguy kịch nhưng do vết thương sâu mất máu và nhiễm lạnh trong 5 tiếng đồng hồ nên Sáng rất yếu”, anh Tiến Anh, anh của Sáng cho hay.

Những hình ảnh ấm lòng trong mưa lũ

Sau khi cứu nạn thành công tài xế máy xúc, một số chiến sỹ tiếp tục túc trực tại điểm sạt lở trên QL12, còn các cán bộ, chiến sỹ khác của Phòng Cảnh sát PCCC Lai Châu tiếp tục xuyên đêm vào xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ - nơi có bản Sáng Tùng vừa bị mưa lũ “xóa sổ” giúp bà con di chuyển ra vùng an toàn.

Đến bản Sáng Tùng khi trời tang tảng sáng, các anh bàng hoàng bởi khung cảnh tang thương, nhà cửa, ruộng nương, tài sản đều bị chìm sâu dưới đất đá ngổn ngang, bùn lũ cuồn cuộn chảy. Cùng Công an huyện Sìn Hồ, các cán bộ, chiến sỹ PCCC lần lượt đưa bà con đang ở trên đồi đối diện hiện trường di chuyển ra 2 nhà lán cách đó 1km. Có người la khóc đòi quay lại nhà xem còn thứ gì sót lại để nhặt về, khiến lực lượng chức năng phải căng hàng rào ngăn người dân đi vào vùng nguy hiểm. Mặc mưa quất tơi tả vào mặt, các anh tiếp tục vạch đất đá và cây rừng ngổn ngang để lao vào tìm kiếm, khuân vác đồ đạc cho dân ra khỏi đống đổ nát, mà quên rằng bản thân đã có một đêm trắng và chưa cả ăn sáng.

Cùng thời điểm này, ở xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ, các lực lượng chức năng cũng nhiều ngày đêm không ngơi nghỉ. Ngay cả bữa ăn, cũng chỉ là những bát mì tôm, chiếc bánh mì khô hoặc hộp cơm đã nguội. Những chiến sĩ 3 ngày không nghỉ, có người mệt quá ngả lưng ngay dưới gầm nhà sàn. Nhiều chiến sĩ điện thoại hết pin không liên lạc được với gia đình. Thế nhưng, không một lời than phiền, bởi các anh cũng chung nỗi đau đáu với người dân về những người mất tích trong mưa lũ vẫn đang nằm ở đâu đó trong đất lạnh hay khe suối.

Tại bản Nậm Há 2, xã Noong Hẻo (huyện Sìn Hồ), lũ đã cuốn phăng 3 lán nương, làm 5 người bị vùi lấp, cả bản bị cô lập hoàn toàn. Không có đường đi, lực lượng cứu hộ của quân đội, công an phải trèo rừng đi vắt từ quả đồi nọ sang đồi kia mới xuống được bản. Khối lượng đất đá sạt lở xuống khe sâu 30m, rộng 200m, các chiến sĩ cảnh sát cơ động và Trung đoàn 880 (Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Lai Châu) ngâm mình trong bùn đất suốt cả chục ngày trời tìm kiếm nhưng đến nay vẫn còn 4 người chưa tìm thấy. Vì bị cô lập nên họ không mang máy móc vào được, chỉ đào bằng tay nên vô cùng vất vả và khó khăn.

Quỳnh Anh

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/chuyen-nhung-nguoi-cuu-nan-trong-lu-du-d263210.html