Chuyện những người 'chơi đàn ta lư' cùng sóng biển

Một sự thật khác bên cạnh những vất vả của ngành nghiên cứu khoa học địa chất biển với những thiếu thốn về phương tiện vật chất.

Ít ai biết, nghiên cứu địa chất biển có thể là một trong những công việc vất vả và gian nan, nguy hiểm theo đúng nghĩa đen. Câu chuyện bên lề hội thảo về sử dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế Biển bền vững tổ chức hồi tháng 7/2019 được TS Đào Mạnh Tiến, Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển bền vững (IRED) chia sẻ có lẽ đã khiến cử tọa bất ngờ.

TS Đào Mạnh Tiến, Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển bền vững (IRED)

TS Đào Mạnh Tiến, Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển bền vững (IRED)

Những nhà khoa học… đi tàu cá!

30 năm lăn lộn trong nghề, đối với TS Đào Mạnh Tiến, việc thuê tàu cá chở thiết bị đo đạc cùng đoàn khảo sát đi nghiên cứu biển là chuyện không có gì lạ. Lý do rất đơn giản, khảo sát biển chỉ thực hiện được trong một vài tháng trong năm, khi điều kiện thời tiết trên biển tương đối ôn hòa.

Trong khoảng thời gian vàng này, rất nhiều nhà khoa học cùng thực hiện các dự án điều tra trên biển, do đó để đáp ứng đủ nhu cầu, phải cần hẳn một đội tàu nghiên cứu. Tiếc thay, Việt Nam hiện chỉ có một con tàu nghiên cứu biển thực hiện các nhiệm vụ khoa học và của cả Bộ Quốc phòng. Các nhiệm vụ khoa học, đo đạc lấy số liệu thì có thể thực hiện chung trong một chuyến đi, nhưng hoạt động đặc biệt của Bộ Quốc phòng, ví dụ vẽ bản đồ đáy biển thì đó là hoạt động không được thực hiện chung.

Do vậy, với những đề tài nghiên cứu biển sâu, các đề tài khoa học có sự phối hợp giữa các đơn vị thuộc Nhà nước thì mới đăng ký để đặt lịch khảo sát bằng tàu nghiên cứu biển. Những nghiên cứu cơ bản khác đều được thực hiện bằng tàu ngoài, tàu đánh cá hoặc tàu vận tải là lựa chọn ưu tiên. Nhiều dự án khoa học có nguồn tài chính eo hẹp, việc thuê tàu cá chở đội nghiên cứu và máy móc ra biển là một lựa chọn bắt buộc nhưng hợp lý nhất với tiến độ nghiên cứu.

“Tàu đánh cá có thể ra xa bờ hàng trăm cây số, nhưng khi tàu dừng lại để thực hiện lấy mẫu, thả thiết bị xuống để lấy mẫu ở dưới đáy biển và kéo lên thì phải chịu sức nặng, chòng chành. Nước lấp lửng thành tàu, cảm giác rất dễ chìm. Những ai mới đi lần đầu sẽ thấy rất sợ. Chúng tôi khi đó trêu đùa nhau rằng sóng biển đang đánh đàn ta-lư với anh em mình", nhà khoa học biển hóm hỉnh.

Ấy là trong trường hợp "may mắn" thuê được tàu cá. Bởi đợi lúc biển êm để đi nghiên cứu thì ngư dân cũng "bận" đi biển kiếm sống. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý tài chính cho dự án khoa học cũng có các yêu cầu về thủ tục hành chính như người cho thuê tàu phải có tài khoản ngân hàng ở ngân hàng X hoặc Y... Với những ngư dân ở vùng biển xa xôi, một cây ATM cách cả ngày đi đường bộ thì những yêu cầu này trở nên phức tạp và vì thế họ sẵn sàng ngó lơ đề nghị thuê tàu dù số tiền này có lẽ là một khoản tiền lớn đối với họ.

Vất vả trong việc thuê tàu là một chuyện, nhưng khó khăn hơn nữa là làm thế nào để khảo sát biển mà có được chất lượng khoa học và an toàn tính mạng cho cả đội nghiên cứu. TS Đào Mạnh Tiến kể một câu chuyện đáng nhớ trong sự nghiệp nghiên cứu biển của ông.

Đó là lần đi nghiên cứu ở một vùng biển miền Trung hồi năm 1998 bằng tàu cá của ngư dân. Đang khảo sát lúc 2 giờ sáng thì tàu chìm. Các thành viên đoàn khảo sát khi đó đều đã có kinh nghiệm đi nghiên cứu biển và đã được học an toàn lao động rồi nên tự biết cách để tự cứu mình, bám vào đầu tàu nổi. Một cán bộ nhanh nhẹn hơn, cởi bỏ bớt quần áo nặng để bơi tới một tàu đánh cá cách đó hơn nửa cây số, nhờ họ tới vớt mười mấy anh em khảo sát. Người thì cứu được nhưng máy móc và kết quả nghiên cứu trôi sạch.

Đối với Liên đoàn Địa chất Biển, đơn vị sự nghiệp có thu của Bộ Tài nguyên- Môi trường, mất kết quả nghiên cứu, không có khối lượng nghiên cứu thì không hoàn thành được đề tài, mà như vậy thì không có thu.

"Cơ quan vào năm ấy rất khó khăn, nhân viên rất khó khăn về thu nhập, cơ quan cũng rất khó khăn xoay xở để trả lương cơ bản cho nhân viên. Nhưng có trải qua thời khắc ấy mới biết sinh mạng con người quý trọng như thế nào", TS Đào Mạnh Tiến ngậm ngùi kể.

Nỗi lo người kế nghiệp

Kể nỗi vất vả để nghiên cứu khoa học biển, không thể không nhắc tới cái khó của Liên đoàn Địa chất Biển mà TS Đào Mạnh Tiến làm Liên đoàn trưởng. Đây từng là đơn vị duy nhất được giao nhiệm vụ điều tra địa chất, tài nguyên khoáng sản, địa chất môi trường và tai biến địa chất biển Việt Nam.

TS Đào Mạnh Tiến cho biết, ở cương vị là nhà quản lý sau nhiều năm làm công tác nghiên cứu địa chất biển, ông hiểu rõ cái vất vả của người làm công tác nghiên cứu, nhưng cũng khó xử khi lãnh đạo một cơ quan có thu. Đau đầu nhất là câu chuyện tài chính.

"Một người đi khảo sát trên biển được Nhà nước hỗ trợ một ngày gồm: lưu trú 150.000 đồng, ngủ 200.000 đồng, bồi dưỡng đi biển 50.000 đồng, tổng cộng chỉ 400.000 đồng. Nhưng cơ quan luôn phải xoay xở để khoán cho anh em đi nghiên cứu biển 1 triệu đồng, bởi thực tế các khoản chi tốn kém hơn nhiều. Mỗi bát phở ở vùng biển giá 50.000 - 60.000 đồng, cơm buổi trưa ăn trên tàu, cơm buổi tối 200.000 đồng. Một đêm ngủ ven biển ở những nhà nghỉ bình dân cũng lên tới 500.000 đồng. Nghiên cứu biển cần biển êm mà đó lại là những mùa du lịch trong năm, nên giá cả đắt đỏ.

Ngoài nhu cầu cơ bản phục vụ chính họ, ai cũng có gia đình, đi nghiên cứu biển mấy tháng ròng rã mà không mua được cho vợ chai mắm, cân hải sản, mua cho con bộ quần áo... thì là làm khó các nhà nghiên cứu", TS Đào Mạnh Tiến liệt kê.

Thực tế mà cơ quan ông đang đối diện là việc chi cho công tác quá thấp (dẫu các khoản chi đã tăng lên) dẫn tới tình trạng cán bộ bỏ việc, nghỉ việc. Một số nhà khoa học là kỹ sư ngành địa chất thậm chí đã công tác 30 năm, vẫn chấp nhận bỏ việc, nghỉ việc khi được cử đi thực địa. Lương kỹ sư, thạc sỹ chỉ khoảng 5- 7 triệu đồng, nếu đi thực địa thì được thêm khoảng 5- 7 triệu đồng nữa, nhưng vô cùng vất vả. Có những nơi từ chỗ nghiên cứu, đặc biệt là địa chất biển, phải đi bộ tới chục cây số, leo đến chỗ núi cao mới có mạng điện thoại để liên lạc với gia đình, vợ con... Với mức lương cán bộ như vậy, nhiều người sẵn sàng bỏ việc nghiên cứu để trông quán cà-phê, làm bảo vệ nhà hàng, vừa không phải xa gia đình, đưa đón con đi học, mức lương cũng tương đương, thậm chí gấp rưỡi so với đi làm nghiên cứu.

Thậm chí, đến sinh viên mới ra trường cũng không mặn mà với công việc này. Thời gian đầu chưa kiếm được công việc, các tân cử nhân buộc phải chấp nhận công việc có thu nhập khoảng 3- 4 triệu đồng để trang trải tiền nhà, tiền ăn. Nhưng sau mỗi dịp tết, ở một vài đơn vị, gần 50 người xin nghỉ, vận động mãi mới được 30 người đi làm, đa phần là sinh viên trẻ, sẵn sàng "nhảy việc" bất cứ lúc nào.

“Ông Vũ Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam từng nói với tôi, tình trạng nguy hiểm nhất trong khoảng 5-10 năm tới là nguồn nhân lực làm công tác điều tra cơ bản tài nguyên môi trường, đặc biệt là tài nguyên khoáng sản địa chất sẽ không có người làm vì với chế độ đãi ngộ như thế này sẽ không thu hút được cán bộ”, vị chuyên gia tâm sự thật.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/chuyen-nhung-nguoi-choi-dan-ta-lu-cung-song-bien-3395493/