Chuyện những người bị 'giời đày'

120 bệnh nhân chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai trú ngụ tại xóm nhà trọ giá rẻ có giá dao động từ 900 nghìn đến 1,2 triệu đồng/ tháng (chi phí điện nước tự túc) ở căn ngõ 121 Lê Thanh Nghị.

Từ lâu con ngõ nhà trọ giá rẻ này đã có tên là xóm chạy thận. Những năm đầu thập niên 80 thế kỉ trước, xóm chỉ có lèo tèo dăm bẩy phòng cho thuê, nhưng rồi bệnh nhân ngày càng đông, nhu cầu người bệnh ở trọ đông thêm và người ta thi nhau xây những gian nhà cho thuê mới.

Tình yêu nảy mầm trong nỗi cô đơn

Từ một con ngõ to rồi chia ra những con ngõ nhỏ, từ con ngõ nhỏ lại chia ra con hẻm nhỏ. Từ con hẻm chia ra nhiều phòng trọ lụp xụp, cũ kĩ, tối tăm.

Nằm ở cuối một con hẻm là căn phòng rộng chừng 8m², tài sản đắt giá nhất là một chiếc quạt đã cũ, nơi ở của hai người đàn ông một già một trẻ (già 72 tuổi, trẻ 39 tuổi) vừa đủ kê một chiếc giường đôi và một chiếc tủ ọp ẹp, một cái bàn gỗ bé xíu tạm bợ. Vậy mà đã hơn bốn năm họ cùng nhau trú ngụ tại căn phòng này.

So với các bệnh nhân chạy thận khác, Hùng có dáng vẻ đỡ dặt dẹo hơn, tuy nhiên trên cổ vẫn có vết sẹo dài 10cm và cánh tay của cậu trồi lên những cục to bằng quả ổi thâm đen.

Hùng giải thích tất cả các bệnh nhân chạy thận hơn mười năm đều phải mổ cường cận giáp nên cổ ai cũng có sẹo dài và do cắm ống chạy thận nhiều nên tay ai cũng nổi u, nổi cục nhìn rất gớm.

Quê ở thị trấn Chợ Cồn, Hải Hậu, Nam Định, Hùng là con trai duy nhất trong gia đình có 4 chị em gái. Năm Hùng 3 tuổi, người cha đột ngột qua đời, mẹ cậu phải nuôi cả một đàn con. Học hết lớp 12, Hùng theo chúng bạn vào Nam làm thuê cho một công ty tư nhân.

Bác Trần Văn Tăng trong xóm chạy thận.

Cứ tưởng cuộc sống sẽ êm đềm trôi đi nhưng đến năm 2003 khi cậu 23 tuổi, cả tháng trời thường xuyên bị những cơn đau đầu hành hạ. Uống thuốc giảm đau đỡ được một lúc sau đó cơn đau lại nặng hơn, cậu đành phải bỏ việc về quê. Mẹ đưa cậu lên Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội khám, xét nghiệm. Hùng bảo: Lúc trả kết quả, bác sĩ nhìn hai mẹ con, ái ngại nói: “Nhà có đất không ? Nhà có tiền không ?”. Cậu nghĩ sao bác sĩ chẳng nói gì bệnh tình của mình mà chỉ hỏi đến đất với tiền, sau này cậu mới biết căn bệnh mình bị là căn bệnh của nhà giàu. Thời điểm lúc đó, năm 2003 chưa có chế độ bảo hiểm cho các bệnh nhân chạy thận nên mọi chi phí đều phải tự túc. Bác sĩ cũng nói bệnh này phải chạy thận ít nhất một tuần hai lần, mỗi lần khoảng 3 tiếng rưỡi thì sức khỏe mới có thể cải thiện được, bằng không bệnh nhân sẽ không qua được. Mỗi lần chạy thận nộp viện phí là 350 nghìn, một tuần sẽ mất 700 nghìn tiền chữa trị, còn chưa kể đến tiền thuốc, tiền ăn và tiền nhà trọ.

Để có tiền cho con chạy thận, mẹ cậu phải bán mảnh ruộng ở quê, và xoay ra làm đủ thứ nghề từ việc thu mua buồng chuối, mua hồng xiêm, mua cau từ vườn gánh gồng ra chợ kiếm chút lãi lời để ít nhất mỗi tuần gửi cho con được một triệu tiền khám chữa bệnh và ăn ở. Ngày đó, máy móc phương tiện kỹ thuật của bệnh viện còn thiếu thốn chưa được đầu tư nhiều như bây giờ. Một máy chạy cho bệnh nhân luôn quá tải từ 5 đến 6 ca liên tục, cứ người này vừa ra thì người khác lại vào. Lắm khi cậu lại phải chạy ca đêm từ 2 giờ sáng cho đến gần 6 giờ sáng mới xong. Mùa hè còn đỡ, vào mùa đông trời rét căm căm, gió hun hút thổi, lắm lúc mưa phùn gió bấc quả là buồn, cậu thấy não nề cho thân phận trai trẻ của mình. Mỗi khi mẹ cậu lên thăm, giở ra những đồng bạc mà bà cố gắng chắt chiu từ buồng cau, nải chuối, từ mớ tôm, mớ tép ở chợ quê, rồi gói cho con ít ruốc, ít cá khô lại vội vàng xấp ngửa để về kiếm thêm đồng bạc, lòng cậu càng buồn khôn xiết.

Nguyễn Văn Hùng bên ảnh hai con gái.

Chạy thận được hơn một năm, tình hình sức khỏe đỡ được chút ít, cậu xin chân chạy bàn ở quán ăn gần bệnh viện làm từ 5 giờ sáng đến 11 giờ trưa, hôm nào đến ca chạy thận thì lại vào bệnh viện nằm điều trị. Tiền có được từ việc phục vụ bàn cả tháng chỉ đủ đóng viện phí một tuần, hàng tháng mẹ cậu vẫn phải gửi tiền lên.

Cậu lại quay sang bán bánh mì, bán xôi ở bệnh viện, vừa tiện việc đi lại, đến giờ vào chạy thận cậu lại gửi “đồ nghề” của mình ở một quán cơm gần đấy. Cậu cặm cụi chăm chỉ cần mẫn như một con ong, tuy rằng con ong ấy đang mang bệnh.

Sự việc một chàng thanh niên 25 tuổi với rổ bánh mì và xôi cứ đi lòng vòng trong bệnh viện rồi lại gửi lại ở quán cơm khiến cho một thiếu nữ mới 21 tuổi đầu đi làm thuê ở quán cơm để ý. Tình yêu sét đánh họ phải lòng nhau, cô gái nhất định đòi lấy chàng trai bằng được.

Cô bảo chàng thanh niên: “Em phải làm vợ anh, em muốn được chăm lo cho anh”. Cậu ôn tồn: “Bệnh của anh chẳng biết sống chết lúc nào, cả đời anh phải chạy thận, em vẫn quyết ư?”. Cô dứt khoát: “Em đã chọn thì không bao giờ hối tiếc cả, chỉ cần anh đồng ý thôi”.

Sự việc ấy khiến cho người mẹ ở quê xuống tận quán ăn hết rên khóc rồi quát nạt, bà bảo sẽ từ mặt con gái nếu cô quyết ở với cái thằng chạy thận không có tương lai.

Hùng kể: “Em vẫn nhớ như in lời vợ nói khi ấy với mẹ: Vợ bảo: “Con yêu anh ấy, con sẽ lấy anh ấy, mẹ có nhận con nữa hay không thì con không cần biết. Cuộc sống của con, con ưng ai, con sẽ sống với người đó, sướng khổ thế nào con tự chịu”.

Ngăn cản mãi không được, khi hai người dự định làm đám cưới thì trước ngày cưới một tuần bố vợ đột ngột qua đời. Vậy là chẳng có cưới xin gì cả, cô gái trẻ theo Hùng về nhà như một lẽ tự nhiên, Hùng đưa vợ về quê mình ra mắt gia đình họ hàng chòm xóm, rồi để vợ ở nhà với mẹ.

Bác Tăng, 72 tuổi, bệnh nhân chạy thận cùng phòng với Hùng nói với vào: “Hồi ấy nó có 25 tuổi đẹp trai lắm, thế con bé mới mê, dính vào không dứt ra được, quyết tâm lấy nhau mới sinh ra hai nàng công chúa kia kìa”.

Trên bức tường nham nhở cũ kĩ là bức ảnh hai bé gái xinh xắn, bụ bẫm. Ảnh hai bé ngày còn nhỏ. Hùng giới thiệu: Bé gái đầu, năm nay 13 tuổi đang học lớp bẩy, bé gái thứ hai 10 tuổi đang học lớp bốn. Hùng bảo: “Giờ mẹ nuôi em, còn vợ nuôi con. Vợ em từ ngày lấy em chẳng khác gì cửu vạn, vớ được việc gì thì làm việc ấy”.

Bác Trần Văn Tăng và Nguyễn Văn Hùng trong căn phòng trọ 8m².

Vợ Hùng từ dọn đồ cho các tiểu thương ở chợ buổi sáng sớm đến quét chợ chiều, gánh gồng các loại hàng hóa, miễn ra tiền để nuôi con ăn học. Hàng tháng nếu tiết trời mát mẻ, người đỡ mệt, Hùng lại tranh thủ về nhà hai ngày thăm vợ và hai con. Cậu đến bên ảnh con trìu mến nói: “Ông trời chả lấy đi của ai hết cái gì bao giờ, chị ạ”.

Nương vào chư Phật và Bồ tát

Khi tôi đang nói chuyện với Hùng thì bác Trần Văn Tăng cầm cạp lồng ra lấy bún. Mang về một túi bún có dăm ba miếng thịt, bác bảo: “Các bệnh nhân chạy thận ở đây mỗi tuần một lần được phường sở tại phát ăn miễn phí một bữa trưa khi thì bún, lúc là cháo, hoặc có hôm lại là phở. Lá lành đùm lá rách. Lá rách ít đùm lá rách nhiều.

Đợt nắng nóng vừa rồi có lúc lên đến 45ºC, trong phòng nóng quá, phải đổ nước ra cái chăn chiên rồi treo lên trên trần cho nước chảy xuống giường cho mát, hoặc là thấm nước vào khăn mặt buộc lên đầu. Phòng trọ mái tôn mà, nóng bức chịu sao thấu.

Sau đấy có mấy nhà báo đến quay chụp rồi đăng bài, độc giả đọc được đến tận đây họ lợp cho cái mái bằng cót ép, hết 1 triệu rưỡi một phòng đấy".

Mẹ chị Xuyên đi làm thuê lấy tiền cho con chạy thận.

Bác Tăng quê cũng ở vùng biển, nhà ở xóm 3, xã Nghĩa Thành, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, cả thời tuổi trẻ dẻo dai sức lực không sao, đến khi đứng bóng xế chiều bước vào tuổi 60 bác mới bị suy thận cấp.

Cách đây 17 năm, vợ bác bị bệnh luput ban đỏ - một căn bệnh mà bác sĩ bảo không chữa dứt điểm được nên một năm bốn lần từ quê lên Hà Nội lấy thuốc hoặc có khi nặng thì nằm điều trị luôn ở Bệnh viện Bạch Mai. Nhà có ba người con, đứa học cấp II, đứa cấp III, đứa đang sinh viên đại học, thành ra chỉ có ông chăm bà ốm.

Chăm vợ được khoảng bốn năm, đấy là năm 2004 khi bác Tăng đang trong Ban quản trị Hợp tác xã, một lần ra đồng kiểm tra thì gặp bà chị họ, bà chị ấy mới bảo: “Này chú Tăng ơi, chú xem thế nào chứ tôi thấy da mặt chú dạo này xấu lắm, khéo có bệnh gì?”.

“Đúng là mấy tháng gần đấy tôi hay đau đầu, có lần đau đến không chịu được, phải dập đầu vào thành giường hoặc có khi là vào tường. Mà đêm đến thì đi giải liên tục, ăn uống cũng chẳng thấy ngon. Khám trên bệnh viện tỉnh, tỉnh chuyển lên tuyến trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Bác sĩ kết luận suy thận giai đoạn cuối. Thế là nhập viện luôn”.

Vợ ốm chưa khỏi nay lại đến chồng, các con còn đang đi học, bác không muốn trở thành gánh nặng cho mọi người nên âm thầm nằm viện một mình.

Những ngày chạy thận đầu tiên, ăn gì là nôn nấy, người gầy rộc như tàu lá chuối khô. Chạy thận trong viện xong hết giờ lại đi bộ về khu nhà trọ, bác nằm một mình úp mặt vào tường khóc nấc như đứa trẻ. Cứ chiều là cô em gái qua căn nhà trọ của anh, đưa cho ít đồ ăn.

Cô nói: “Em đi làm thuê cho người ta ở trên này tiền công chẳng đáng là bao, em không góp tiền được cho anh chữa bệnh, chỉ có tí đồ ăn này anh ăn đi cho có sức”.

Vợ bác nằm điều trị bệnh luput ban đỏ ở Bệnh viện Bạch Mai, có cậu em trai chồng chăm sóc được một thời gian, bác gái thắc mắc mãi: “Sao nhà tôi đi công tác lâu về thế nhỉ?”.

Cậu em bảo: “Bác trai bận, bác có việc gì cứ ới cho tôi”. Đến khi cô con gái học đại học vào thăm mẹ không thấy bố, cô gọi điện về nhà hỏi mọi người, trách móc bố đủ điều, bà bác đành phải nói thật, rằng ông cũng đang nằm điều trị bệnh thận ở cùng bệnh viện với mẹ cô. Lúc ấy cả nhà tìm nhau òa khóc.

Cậu con trai vào thấy bố chạy thận, người yếu cứ nôn thốc nôn tháo, cậu xót xa bảo: “Cứ thế này thì bố tôi chết mất”. Nhà có mảnh đất nhỏ cũng đành bán nốt. Đất quê bán chả được là bao. Hai người ốm đau bệnh tật, của nả cứ đội nón ra đi. Anh em bạn bè mỗi người góp một ít tiền cho bác chữa bệnh.

Chị Vương Thị Xuyên.

Bác bảo từ đó đến nay 14 năm trời không có việc gì là bác không làm từ thu gom phế liệu, nhặt ve chai, rửa bát thuê ở các cửa hàng ăn gần khu nhà trọ. Người mắc bệnh thận nên sức khỏe chẳng thể tốt, làm việc thì hôm được hôm không nên tiền công cán chả được là bao, rồi bác chuyển sang đi bán nước chè ở bệnh viện.

Bác bán bất kể ngày giờ, cứ xách một ấm nước chè, một cái phích, dăm ba cái cốc, một ống điếu cày. Bác bảo khách phải hút thuốc lào thì họ mới uống nước, lắm khi gặp bảo vệ bệnh viện. Bốp một cái, phích ấm tan tành. Vài lần như vậy, bác nản chẳng bán nước chè ở bệnh viện nữa.

Đang nói chuyện thì bác giở ra một quyển sổ trong đó có hình đức Phật Thích Ca Mâu Ni và tờ Chú Đại Bi của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Bác bảo đây là của một đạo tràng họ tặng, họ bảo đi tụng kinh sẽ được tiền nên tôi cũng đến đạo tràng và chăm tụng, tụng ít tháng được hai, ba trăm, tụng nhiều được dăm bẩy trăm.

Bây giờ không cần cho tiền tôi vẫn đều đặn tụng. Khi trước đạo tràng có cô Phật tử mở nhà đất trồng cây mầm, hơn 4 giờ sáng tôi đã có mặt ở đấy để cắt cây mầm đưa ra chợ Tương Mai đổ mối, hoặc mang ra công viên bán cho những người đi tập thể dục. Sau đó công việc cây mầm không có hiệu quả mấy, tôi lại quay về bán nước chè ở cổng Trường THCS Tương Mai.

Lắm người bảo: “Cái ông già này đến lạ, bán nước có được là bao mà cứ buổi đực buổi cái”. Có ai biết lúc bác nghỉ là lại vào nằm chạy thận, tuần ba buổi đều đặn để duy trì sự sống. Sư trụ trì chùa Phổ Ninh trên phố Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội có vườn cây mầm để dành cho bệnh nhân chạy thận như bác chăm sóc và mang đi bán.

Bác Tăng sáng sáng lại đi ôtô buýt từ chỗ trọ lên đến bến xe cách chùa đôi trăm mét, cuốc bộ vào lấy rau mang đi bỏ mối được một thời gian, mỗi tháng sư bà gửi bác một triệu.

Chăm chú nghe bác kể chuyện, tôi khuyên người mắc bệnh thận như bác nên kiêng đi lại nhiều sẽ không tốt, bác giãy nảy: “Ối giời ơi! Hai vợ chồng ốm đau tiền có đâu, làm được gì cứ làm, còn sống được ngày nào, còn sức được ngày nào thì cứ làm. Trời kêu thì dạ, đất gọi thì thưa. Cuộc sống do ông trời định đoạt. Cứu được bệnh chứ không cứu được mệnh…”.

Cậu Hùng nghe thấy thế liền quay sang bảo: “Cháu ở xóm chạy thận 16 năm rồi, bác có công nhận với cháu, ở đây năm nào cũng thế, trên dưới một chục người chết đều rắp. Cứ một người chết là lại có thêm dăm bẩy người khác đi theo, chết trong khoảng thời gian rất ngắn. Cứ như là rủ nhau đi theo cho có bạn có bè. Mà cái bệnh này cũng lạ, dặt dẹo, gầy yếu lại sống dai, bệnh nhân to khỏe lại nhanh chết”.

Tò mò quá tôi hỏi: “Sao có chuyện lạ đời như vậy?”. Hùng giải thích vì bệnh nhân to khỏe chủ quan ăn uống sinh hoạt chẳng kiêng khem gì bệnh nó mới quật cho, còn người gầy yếu dặt dẹo lại ý thức chăm lo cho sức khỏe, đều đặn uống thuốc, thường xuyên đo huyết áp, tim mạch.

Người bị bệnh thận lâu ai cũng mắc vào hai căn bệnh dạ dày và tim. Bệnh dạ dày vì bệnh nhân thận phải uống quá nhiều thuốc, mắc bệnh tim vì quả thận hỏng rồi tim phải thay thận làm nhiệm vụ lọc nhiều hơn.

Bác Tăng bảo: “Thuốc ngày nào cũng uống cả vốc, lương của chú được 2 triệu 7 trăm nghìn mỗi tháng tiền trợ cấp thương bệnh binh, như tôi bị bệnh thế này là 75% thương tật. Bây giờ lúc nào khỏe tôi đi phụ hàng cơm, nhặt rau, thái thịt, rửa bát…, tôi làm hết, ngày nào chạy thận thì coi như nghỉ buổi làm. Tuần ba ca chạy thận cháu ạ. Bị bệnh này như sống chung với lũ. Mình cố tự động viên mình để vươn lên thôi chứ thực tế là vất lắm”.

Trên khuôn mặt già nua có nét buồn khổ của bác Tăng tôi vẫn thấy chữ thiện đang hiện hữu. Có lẽ hình ảnh của Đức Phật và lời kinh tiếng kệ đã đem đến cho bác một sự bình an mát ngọt nào đấy để tâm hồn an trú trong chánh pháp.

Cuộc sống vô thường, kiếp người ngắn ngủi

Cô gái Vương Thị Xuyên có mái tóc dài, dáng người mảnh dẻ, làn da xanh xao trông có vẻ yếu ớt. Tuy bệnh tật đau ốm nhưng cô trông trẻ hơn nhiều so với tuổi 32 của mình. Xuyên sống với mẹ trong xóm chạy thận đã cả chục năm nay, từ khi mới là một cô gái mộng mơ 22 tuổi.

Trong căn phòng nhỏ của Xuyên có treo bức tranh Phật ngay trên đầu giường, tủ quần áo cũng dán miếng giấy có chữ: “Nam mô A Di Đà Phật”.

Xuyên bảo: “Ở cái xóm chạy thận này nhiều phòng trọ có tranh và tượng Phật lắm, hầu hết là của đạo tràng tặng cho bệnh nhân. Thỉnh thoảng sư thầy cũng thuê xe ôtô cho bệnh nhân chạy thận về các chùa Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương sáng đi chiều về để tụng kinh nghe pháp”.

Hai mẹ con chị Vương Thị Xuyên.

Mẹ Xuyên 40 tuổi mới gặp bố Xuyên và sinh ra Xuyên, cô con gái nhỏ được một tuổi thì ông chồng sinh ra rượu chè, ne nẹt vợ con. Mẹ Xuyên không chịu được đành ôm con về nhà ngoại, ông rước người đàn bà khác về ăn ở như vợ chồng, sinh ra một đàn con, từ đó về sau không ngó ngàng gì đến hai mẹ con Xuyên nữa.

Người đàn bà tuổi đã cao mới có một cô con gái nên quý hơn vàng, yêu thương chăm bẵm, hi vọng sau này con lớn rồi lấy chồng sinh con, mình cũng có cháu bế bồng.

Học hết lớp 12, Xuyên làm thợ may trên thị xã rồi ba năm sau cũng có mối tình lãng mạn. Tình đang vừa đượm thì Xuyên kể vào ngày mùa thu tháng 8-2008 mắt bỗng nhiên mờ, đến nỗi không nhìn rõ mặt mẹ, chỉ nhìn thấy lờ mờ dáng mẹ thì biết đấy là mẹ mình thôi. Mẹ hoảng quá đưa Xuyên xuống xã khám, tiêm thuốc vào mắt cả tuần không đỡ, đã thế lại còn ho ra máu.

Đến khi xuống Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ kết luận cô bị bệnh suy thận giai đoạn cuối. Xuyên bảo ngày đầu mẹ còn giấu không cho biết vì bác sĩ nói với mẹ, nhiều bệnh nhân mắc căn bệnh này tự tử lắm rồi. Nhất là người mắc bệnh lại là một thanh nữ tuổi đời còn rất trẻ nên suy nghĩ vẫn còn bồng bột sợ có điều gì bất trắc xảy ra.

Nhưng đến khi vào chạy thận cô biết chắc chắn mình mắc căn bệnh nguy hiểm này. Hai mẹ con ôm nhau khóc từ bệnh viện về đến nhà trọ, ngày khóc đêm khóc hai ngày trời không dừng. Anh người yêu thấy bệnh tình như vậy liền cắt liên lạc, vậy là hai người chia tay từ dạo ấy.

Xuyên bảo: “Em cũng xác định anh ấy yêu em chẳng có tương lai gì nên anh bỏ đi cũng là điều dễ hiểu”.

Người đau khổ nhất là mẹ Xuyên, người đàn bà ngoài tuổi 60 buồn khổ suy nghĩ nên ngã dập đầu xuống đất phải nằm viện. Còn Xuyên trong lúc ấy lại bị hỏng cầu tay (các bệnh nhân chạy thận phải làm cầu tay nối động mạch với tĩnh mạch để tạo ra chỗ cắm kim chạy thận).

Việc làm lại cầu tay cũng là một cực hình với cô gái trẻ. Nối được xong cầu tay, cô lại mắc bệnh suy tim, bác sĩ ở Bạch Mai lại phải chuyển cô sang Bệnh viện Tim Hà Nội. Xuyên bảo: “Lúc ấy em thấy bế tắc lắm, nghĩ đời mình sao mà bi đát thế. Mẹ nằm viện, còn mình thì bệnh tật như vậy.

Ở ngoài kia bao bạn trẻ đi làm, đi chơi còn mình ở trong bốn bức tường bệnh viện cả đời phải chạy thận, lại còn bệnh tim hơi tí thì ngất. Mệt quá cũng ngất. Ăn ít hạ đường huyết cũng ngất. Suy nghĩ nhiều cũng ngất”.

Mẹ dần hồi phục, đi lại được thì chạy ngay đến với cô con gái nhỏ. Bằng tình yêu của người mẹ bà không cho phép mình một lần nữa yếu đuối trước mặt con và bà cũng không cho phép mình ốm. Vì bà còn phải chăm Xuyên, Xuyên chính là lẽ sống, là tình yêu mênh mông trời biển của đời bà.

Biết sức khỏe của con gái yếu nên suốt mười năm trời Xuyên bị bệnh bà không để cho Xuyên phải làm bất kì công việc gì kể cả việc giặt quần áo, rửa chén bát bà vẫn tranh làm.

Xuyên đưa tôi đi qua những căn phòng trọ cách đấy dăm ba bước chân, trước mặt tôi là người đàn bà ngoài 70 tuổi tóc bạc trắng đầu đang cầm chổi quét sân. Đấy là mẹ Xuyên, bà phụ cho một gia đình hàng xóm mở quán bánh xèo trên chợ đêm ở phố đi bộ Bờ Hồ. Bà bảo bà làm thêm bận lắm sẽ chẳng nói chuyện được gì đâu, mà toàn chuyện buồn nói ra lại khóc thì không hay.

Quay về nhà, Xuyên bảo: “Mười năm trời chạy thận trong viện em chứng kiến nhiều người đang nói chuyện với em nhưng chỉ một lúc sau là họ đã đi rồi, rất nhiều người ra đi đột ngột như thế. Lắm lúc em nghĩ đến lúc tới lượt mình. Cách đây không lâu trong xóm chạy thận này có một bác trọ một mình, một hôm đến ca bác chạy thận mà không thấy bác đâu, gọi điện thì thấy chuông đổ nhưng không thấy bắt máy. Cửa phòng trọ của bác thì khóa ngoài lại chốt trong. Hai hôm sau, người ta mới phát hiện bác đã chết trong căn phòng trọ. Em nghĩ bác ấy sống một mình nên chết chả ai hay biết, may em còn có mẹ, dù gì mình còn may mắn hơn bác ấy”…

Trần Mỹ Hiền

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/chuyen-nhung-nguoi-bi-gioi-day-516708/