Chuyện những cựu chiến binh hiến đất làm đường

Dưới tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm Mậu Tuất 2018, chúng tôi tìm về các địa phương của tỉnh Đác Lắc để gặp gỡ, trò chuyện với những cựu chiến binh (CCB) tự nguyện hiến đất xây dựng đường giao thông nông thôn…

Đoạn đường do CCB Khúc Tiến Long ở thôn Liên Kết 2, xã Buôn Tría, huyện Lắc hiến đất làm đường tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương đi lại.

Đoạn đường do CCB Khúc Tiến Long ở thôn Liên Kết 2, xã Buôn Tría, huyện Lắc hiến đất làm đường tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương đi lại.

Mặc dù tuổi đã cao, sức yếu, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, nhưng các CCB luôn phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, nhất là hiến đất xây dựng đường giao thông nông thôn, góp phần đẩy nhanh chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở các vùng quê nghèo, khó khăn trong tỉnh.

Từ TP Buôn Ma Thuột, chúng tôi vượt hơn 70 km tìm về xã Buôn Tría, huyện Lắc, một trong hai huyện của tỉnh Đác Lắc vừa được bổ sung vào các huyện nghèo thuộc Chương trình 30a của Chính phủ. Những ngày cuối năm, thời tiết ở Tây Nguyên gió mạnh và nhiệt độ giảm thấp khiến cho vùng núi rừng thêm lạnh giá. Khi chúng tôi vừa đặt chân đến địa phận xã Buôn Tría và hỏi thăm về CCB Khúc Tiến Long ở thôn Liên Kết 2 thì ai cũng biết, bởi ông là người tiên phong tự nguyện hiến đất làm đường nông thôn ở địa phương.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Long chia sẻ: Trước đây đoạn đường trước nhà ông chỉ là một bờ ruộng nhỏ nên việc đi lại của các hộ dân trong khu vực hết sức khó khăn, gia đình nào muốn vận chuyển nông sản, hàng hóa đều phải để nhờ ở nhà ông rồi khiêng sang từng ít một. Đã thế, vào mùa mưa nước ngập trắng đồng không thấy đường sá đâu để đi lại. “Năm 2016, địa phương có chủ trương làm đường giao thông, tôi đã tự nguyện hiến 2.000 m2 đất ở và tài sản trên đất để mở rộng đường lên 5,5 m phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong thôn. Sau khi tôi hiến đất mở đường, bảy gia đình có tuyến đường đi qua cũng đồng ý hiến đất để nối dài tuyến đường. Từ ngày con đường được nâng cấp, mở rộng đến nay, thấy người dân trong vùng vui mừng làm mình cũng ưng cái bụng lắm!”, ông Long cười nói.

Mới đây, UBND xã Buôn Tría tiếp tục có chủ trương hiến đất mở rộng và cứng hóa một số tuyến đường khác, không cần ai vận động, ông Long đã tự nguyện hiến thêm 800 m2 đất ruộng để làm đường, góp phần hoàn thành tiêu chí đường giao thông nông thôn của xã. Dẫn chúng tôi đi thăm đoạn đường khang trang, rộng rãi trước nhà mình, người dân đi lại thuận tiện, ông Long cũng như các hộ dân hiến đất mở đường ở đây ai cũng vui mừng vì việc làm của mình đã mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng dân cư.

Về huyện vùng sâu còn nhiều gian khó này, điều khiến chúng tôi cảm động là, ngày càng có nhiều tấm gương CCB hiến đất làm đường giao thông nông thôn phục vụ cộng đồng mà không đòi hỏi một quyền lợi gì.

Rời huyện Lắc, chúng tôi ngược lên thị xã Buôn Hồ tìm gặp CCB Y Blăm Niê ở buôn Rlat, xã Ea Drông, ông là một tấm gương sáng về tinh thần vượt khó làm giàu trên mảnh đất quê hương và hết lòng vì cộng đồng buôn làng. Ông Y Blăm sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ. Năm 1975, ông tham gia vào lực lượng du kích địa phương và phục vụ trong quân đội. Năm 1979, ông trở về với cuộc sống đời thường và sinh sống ở buôn Rlat cho đến ngày hôm nay.

Ông Y’Blăm tâm sự: Rời quân ngũ trở về địa phương, tôi bắt tay vào làm kinh tế mà chủ lực làm trồng cà-phê, hồ tiêu. Đến nay, gia đình tôi đã có hơn 2.000 trụ tiêu và gần một héc ta cà-phê cho năng suất cao. Ngoài việc tiên phong trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tôi còn được Hội CCB cho đi tham quan, học hỏi ở các địa phương khác về kinh nghiệm chăm sóc, mô hình canh tác hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Sau khi tìm hiểu về phương thức xen canh cây trồng, cùng nhiều chuyến thực tế tại các vườn cây xen canh cho hiệu quả kinh tế cao, tôi đã quyết định chọn cây bơ và sầu riêng để xen canh trong vườn cà-phê, hồ tiêu của gia đình mình để tăng thu nhập.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, với vai trò là Chi hội trưởng Hội CCB buôn Rlat, ông Y Blăm luôn nêu cao trách nhiệm trước cộng đồng, gương mẫu trong các hoạt động của buôn làng. Ông Y Blăm tâm sự: “Buôn Rlat hầu hết là đồng bào dân tộc Ê Đê. Trước đây mỗi khi hội họp hay tổ chức lễ hội truyền thống của đồng bào phải mượn địa điểm tại các gia đình có sân rộng. Vì vậy, việc huy động đồng bào tham gia hội họp rất khó khăn, nhất là những hộ ở xa. Năm 1999, Nhà nước có chủ trương hỗ trợ kinh phí cho buôn Rlat xây dựng nhà văn hóa cộng đồng nhưng chưa tìm được khu đất trung tâm của buôn để xây dựng. Biết được thông tin này, tôi đã tự nguyện hiến 250 m2 đất vườn nhà mình để xây dựng nhà cộng đồng”.

Với tinh thần đồng đội tương thân tương ái, Tết này nhiều CCB có hoàn cảnh khó khăn ở Đác Lắc được đón Tết trong những ngôi nhà mới ấm áp nghĩa tình.

Trong khi mọi người trong buôn vẫn chưa hết ngạc nhiên trước tấm lòng của ông Y Blăm với buôn làng mình, thì ngay sau khi nhà văn hóa cộng đồng được khởi công, ông lại chứng kiến con em trong buôn Rlat vượt đường xa đến buôn khác tìm con chữ khiến ông không khỏi chạnh lòng. Năm 2004, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản được xây dựng tại buôn Ralt nhưng không có đường dẫn vào cổng trường. Thương các cháu nhỏ trong buôn, ông đã phá bỏ hơn 100 trụ tiêu của gia đình, hiến 1,5m đất chiều ngang, 60m chiều dài để làm con đường đi vào trường. Ngoài ra, ông đã vận động thêm hai hộ dân trong buôn hiến thêm mỗi hộ 1,5m chiều ngang, 50m chiều dài để có con đường hoàn chỉnh dẫn tới Trường Tiểu học Trần Quốc Toản. Từ ngày có trường học, số lượng học sinh trong buôn Rlat luôn duy trì ổn định. “Hằng ngày, nhìn các cháu trong buôn tung tăng tới trường trên con đường thông thoáng, lòng tôi vui lắm! Vui vì con em mình được đến trường học chữ, tiếp thu kiến thức để sau này không còn vất vả, khổ cực như cha mẹ, ông bà nó nữa”, ông Y Blăm chia sẻ.

Chia tay ông Y Blăm, chúng tôi vòng sang xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar, địa phương có nhiều CCB tự nguyện hiến đất và đóng góp kinh phí làm đường giao thông nông thôn, xây dựng NTM. Dọc trên suốt chặng đường dài, những cây mai trước sân những ngôi nhà nằm ven đường đã trổ hoa vàng rực, báo hiệu một mùa xuân mới đang về. Vừa đến xã Quảng Hiệp, chúng tôi được Chủ tịch Hội CCB xã Quảng Hiệp Vũ Ngọc Nhanh đưa đến thăm Chi hội CCB thôn Hiệp Hưng. Đây là chi hội điểm trong phong trào CCB tham gia xây dựng NTM.

Chi hội CCB thôn Hiệp Hưng có 23 hội viên, trong những năm qua chi hội đã chủ động phối hợp chi bộ, ban tự quản, các đoàn thể tổ chức họp bàn bạc cách làm, mức đóng góp, đồng thời trực tiếp tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn tham gia đóng góp xây dựng NTM. Mặc dù mức đóng góp chung của nhân dân trong thôn là 550.000 đồng/hộ nhưng cán bộ, hội viên CCB đã thống nhất đóng 600.000 đồng/hộ và 20 công lao động để nâng cấp, mở rộng 1 km đường nội thôn. Ngoài ra, các CCB còn trực tiếp đảm nhận trồng hàng cây xà cừ dọc hai bên đường dài hai km; vận động người dân đóng góp 134 triệu đồng xây dựng Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn. Đặc biệt, hai CCB Vũ Ngọc Nhanh và Tạ Văn Hùng đã ủng hộ 4,2 triệu đồng, hai ca máy ủi trị giá 1,2 triệu đồng để trang trí hội trường và san gạt, mở rộng phần sân giúp bà con có nơi sinh hoạt rộng rãi hơn.

Chủ tịch Hội CCB xã Quảng Hiệp Vũ Ngọc Nhanh phấn khởi cho biết: Không chỉ ở thôn Hiệp Hưng mà phong trào CCB góp sức xây dựng NTM còn lan tỏa khắp 12 chi hội trên địa bàn xã. Đến nay, mặc dù điều kiện kinh tế, xã hội còn chậm phát triển, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của chính quyền, sự chung tay của nhân dân, nhất là sự gương mẫu đi đầu của các hội viên CCB trên địa bàn trong việc hiến đất, đóng góp kinh phí... nên đến giữa năm 2018, xã Quảng Hiệp đã đạt chuẩn NTM.

Nói về những đóng góp của hội viên CCB trong công tác xây dựng NTM ở địa phương, Chủ tịch Hội CCB huyện Cư M’gar Nguyễn Công Khương cho biết: Từ năm 2012 đến nay, Hội CCB huyện đã cùng với các cấp, các ngành, đoàn thể địa phương vận động người dân tự nguyện hiến 34.525 m2 đất, hơn 37.900 ngày công và 53,3 tỷ đồng xây dựng các công trình theo tiêu chí NTM. Trong đó, nhiều cá nhân, tập thể CCB tiêu biểu như: CCB Lê Ngọc Tuấn ở thôn 7, xã Ea M’nang hiến 720 m2 đất; CCB Phan Trọng Hồng ở thôn 1A, xã Ea M’nang hiến 650 m2 đất và 35 trụ tiêu kinh doanh; CCB Nông Đức Thọ ở xã Ea M’đroh hiến 300 m2 đất; Hội CCB xã Ea Kiết đóng góp 1,5 tỷ đồng và 600 ngày công lao động làm 10 km đường bê-tông và 21 km đường cấp phối; Chi hội CCB thôn Thạch Hà, xã Ea Tul hiến 500 m2 đất và 137 triệu đồng làm đường giao thông… Với sự đóng góp tích cực của các CCB, đến hết năm 2018, huyện Cư M’gar đã có năm xã đạt chuẩn NTM.

Trở về TP Buôn Ma Thuột, chúng tôi tìm gặp Chủ tịch Hội CCB tỉnh Đác Lắc Rơ Lưk Bông. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Rơ Lưk Bông trải lòng: Tính đến nay, toàn tỉnh có 50.302 hội viên CCB, trong đó nhiều hội viên tuổi đã cao, sức yếu, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nhưng các CCB luôn phát huy truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội cụ Hồ”, là lực lượng tích cực đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Chỉ tính trong năm 2018, thông qua chương trình xây dựng NTM, các CCB trong tỉnh đã tham gia tu sửa và làm mới hơn 106 km đường giao thông liên thôn; nạo vét 35 km kênh mương nội đồng; sửa chữa và làm mới 17 cây cầu, cống dân sinh; hiến hơn 45.500 m2 đất và tham gia góp 19.296 ngày công lao động với tổng trị giá hơn 23 tỷ đồng xây dựng NTM ở các địa phương. Đặc biệt, với tinh thần đồng đội tương thân tương ái, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, các cấp Hội CCB trong tỉnh đã xây dựng mới và sửa chữa được 174 căn nhà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí hơn 18 tỷ đồng. Nhờ đó, mùa xuân này, nhiều CCB đã được đón Tết, vui xuân cùng con cháu trong ngôi nhà mới ấm áp nghĩa tình.

Bài và ảnh: NGUYỄN CÔNG LÝ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/38941202-chuyen-nhung-cuu-chien-binh-hien-dat-lam-duong.html