Chuyện những chiến sĩ cấp cứu mỏ

'Tai nạn mỏ, mọi người chạy ra, chiến sĩ cấp cứu mỏ lao vào. Đó là điều hiển nhiên, bởi đây là công việc của chúng tôi' - Tiểu đội trưởng Đội 3, Trạm cấp cứu mỏ Hạ Long, Trung tâm Cấp cứu mỏ - Vinacomin Phạm Văn Hạ tóm gọn về nghề của mình như thế.

Các chiến sĩ Trung tâm cấp cứu mỏ không quản nguy hiểm tham gia cứu hộ sự cố sập hầm Đạ Dâng (tỉnh Lâm Đồng) năm 2014.

Các chiến sĩ Trung tâm cấp cứu mỏ không quản nguy hiểm tham gia cứu hộ sự cố sập hầm Đạ Dâng (tỉnh Lâm Đồng) năm 2014.

Nghề đặc biệt nguy hiểm

Câu nói của anh Hạ đã cho thấy sự nguy hiểm, rủi ro của nghề cấp cứu mỏ. Còn theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH, đây là một nghề đặc biệt nguy hiểm.

11 năm trong nghề cấp cứu mỏ, anh Hạ không nhớ hết mình đã tham gia ứng cứu bao nhiêu sự cố mỏ. Hai trong số những sự cố anh không bao giờ quên đó là: Giải cứu 12 công nhân mắc kẹt trong sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng (tỉnh Lâm Đồng); sự cố bục nước, sập lò ở xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Là một trong những gương mặt luôn được tin tưởng giao nhiệm vụ khó của Trung tâm Cấp cứu mỏ - Vinacomin, anh Hạ nhớ lại: Khi nhận lệnh, tôi cùng các đồng đội của mình lập tức lên đường. Chỉ kịp nhắn cho vợ 1 tin “Anh đi giải quyết sự cố”.

Anh Phạm Văn Hạ (trái) cùng đồng nghiệp vui mừng khi 12 công nhân vụ sập hầm Đạ Dâng (tỉnh Lâm Đông) được giải cứu.

Những ngày đó ở Đạ Dâng trời rét buốt, mưa không ngớt, nước ngấm vào các đường lò, nguy cơ tụt đổ hầm ngày càng tăng. Nhưng các chiến sĩ cấp cứu mỏ khi đó không nghĩ đến bản thân, chỉ nghĩ cách cứu người.

Anh Hạ đã cùng các đồng nghiệp ngày đêm xúc từng xẻng bùn đất, đào lò men, lò tránh để tiếp cận các nạn nhân. “Đây được gọi là con đường máu. 80 giờ đào lò, cứu hộ, ai cũng bơ phờ, mệt mỏi, nhưng công sức được đền đáp bằng sự an toàn của 12 công nhân khi những con đường máu được mở, chúng tôi ôm chầm lấy nhau, trào nước mắt” - Anh Hạ hồi tưởng.

Hằng ngày anh Hạ đều chăm chỉ luyện tập để có được sức khỏe dẻo dai.

Sập lò, bục nước, nổ khí mê tan… được coi là thảm họa của ngành khai thác than. Sự cố bục nước, sập lò ở xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình cách đây vài năm khiến 3 người tử nạn. Hành trình 4 ngày đêm tìm các nạn nhân không hề dễ dàng khi thực tế đường lò này mới chỉ được cấp phép thăm dò, nhưng đã đưa vào khai thác. Đường lò hẹp, mọi giấy tờ sổ sách liên quan đều không có, khiến công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Sau nhiều giờ khắc phục, tìm kiếm, hiểm nguy rình rập, nhưng vẫn vỗ vọng, có ý kiến đề nghị buông xuôi. Song với quyết tâm của các chiến sĩ cấp cứu mỏ, họ không bao giờ bỏ cuộc. Anh Hạ nói: “Có nguy hiểm, khó khăn mới cần đến chiến sĩ cứu hộ”. Anh Hạ đã cùng các đồng đội nỗ lực gấp đôi, gấp ba để tìm kiếm nạn nhân. Chính quyết tâm ấy đã giúp anh đưa được nạn nhân cuối cùng ra khỏi đường lò.

Cứu hộ các sự cố thảm họa không phải chỉ trong vài giờ, vài ngày, mà thậm chí kéo dài cả tháng, làm hao tâm, tổn sức của các chiến sĩ cứu hộ mỏ. Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu mỏ Đào Văn Yên nhớ lại: 11 năm trước, sự cố bục nước tại một lò tư nhân khai thác than trái phép ở Cao Xanh kéo dài 1 tháng. Dù đã phải dùng máy bơm công suất lớn nhất, chạy 24/24h, nhưng do gần biển, thủy triều dâng, nước trong lò cũng dâng. Điều này khiến công tác cứu hộ gặp nhiều trở ngại. Đã có ý kiến dừng tìm kiếm, lấp đường lò lại. Nhưng lương tâm người cứu hộ mỏ không cho phép, chúng tôi đã làm đến cùng. Sau 1 tháng, nước gần cạn, các chiến sĩ cứu hộ phải ngâm mình nhiều giờ trong các đường lò tìm kiến nạn nhân.

2 năm một lần, các chiến sĩ cấp cứu mỏ được tham gia Hội thao cấp cứu mỏ chuyên nghiệp do TKV tổ chức.

Những chiến công không bao giờ dễ dàng vì nó phải đánh đổi bằng máu và nước mắt. Vụ nổ khí mê tan ở than Khe Chàm năm 2008 dù đã tìm kiếm được 10 người thiệt mạng, nhiều người bị thương, 1 người được cứu sống, nhưng cũng lấy đi mồ hôi và cả máu của các chiến sĩ cứu hộ. Đã có 1 chiến sĩ phải hy sinh và 3 chiến sĩ bị thương do nhiễm độc khí.

Môi trường tạo con người

Câu chuyện về các chiến sĩ cấp cứu mỏ luôn đem lại những cung bậc tận cùng của cảm xúc, bởi ở đó ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu mỏ Đào Văn Yên chia sẻ: Chiến sĩ cấp cứu mỏ chịu rất nhiều áp lực: Áp lực cứu nạn nhân, áp lực từ phía người nhà nạn nhân, từ lãnh đạo đơn vị và cả phía chính quyền… Vì thế, yêu cầu với đội viên cấp cứu mỏ rất cao. Ngoài sức khỏe, sự nhanh nhẹn, phải có bản lĩnh. Và trên hết, đó là tinh thần dũng cảm, quên mình.

Theo ông Yên, lời thề của đội viên cấp cứu mỏ là “Nắm vững kỹ thuật; bình tĩnh, tự tin; đồng tâm nhất trí; dũng cảm quên mình; nỗ lực luyện rèn, ngày càng ưu tú. Luôn nhớ bên mình - An toàn số 1”. Giá trị cốt lõi là: Chuyên nghiệp - Kỷ luật - Đoàn kết - Nhân ái. Để thực hiện được lời thề và duy trì giá trị cốt lõi ấy, những chiến sĩ cứu hộ phải học tập, rèn luyện cả về sức khỏe và bản lĩnh.

Lò vận tải mức +32 - +15 tại Khu nghiên cứu thực nghiệm cấp cứu mỏ với các bài tập giả định có đủ sự các cố mang tính thảm họa.

Nếu là người ngoài cuộc, chứng kiến các buổi tập luyện thể lực của các chiến sĩ cứu hộ, ai cũng bảo luyện tập khổ cực còn hơn đi cứu mỏ. Hằng ngày, họ phải luyện tập rất nhiều bài tập nặng, như: Lật lốp 72kg (200 lần); kéo tạ (100 cái); đeo áo giáp trọng lượng 12kg chạy sức bền 2.000m và bật nhẩy (100 lần) - đây cũng là bài tập thể lực vất vả nhất, nhưng lại toàn diện nhất cho cơ thể. Việc tập luyện thể lực giúp các chiến sĩ cứu hộ có được thân hình săn chắc, sức khỏe dẻo dai. Mỗi tháng, các Trạm lại kiểm tra thể lực của chiến sĩ một lần, 6 tháng Trung tâm sẽ sát hạch một lần. Chiến sĩ nào không đạt sẽ bị loại khỏi vòng thường trực ứng cứu sự cố.

Bên cạnh rèn luyện thể lực, buổi chiều hằng ngày các chiến sĩ cứu hộ còn học sử dụng thiết bị, sơ cứu ban đầu, chiến thuật cứu hộ. Đến cuối giờ chiều, tiếp tục rèn luyện bằng cách chơi thể thao.

Các chiến sĩ phải đeo trên người bộ trang thiết bị nặng 12kg khi tham gia cứu hộ.

Để tạo môi trường sát với thực tế cho các đội viên, Trung tâm đã được Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam quan tâm đầu tư Khu nghiên cứu thực nghiệm cấp cứu mỏ từ năm 2009-2010 với tổng mức 1 triệu USD. Dẫn chúng tôi tham quan khu thực nghiệm có đường lò 500m được thiết kế như một khu vực khai thác than của mỏ, với cơ bản các trang thiết bị, anh Nguyễn Xuân Đạt, Tổ trưởng Tổ Thực nghiệm và Cơ điện, Phòng Kỹ thuật tác chiến, giới thiệu: Thứ 4 hằng tuần, các chiến sĩ cấp cứu mỏ chuyên nghiệp sẽ thực hành cấp cứu mỏ tại đây một lần. Lực lượng bán chuyên sẽ học 1 lần/năm trong vòng 1 tuần. Trong đường lò sẽ diễn ra tất cả các sự cố giả định, như: Cháy lò, nổ khí mê tan, sập đổ lò, phụt khí… Yêu cầu của các bài tập thậm chí còn khắc nghiệt hơn sự cố thật. Tuy là giả định, nhưng nếu chiến sĩ nào thiếu tập trung, sẽ bị thương thật.

Để nâng cao tính thực tế, cũng như giúp các đội viên nắm bắt địa bàn, tình hình sản xuất kinh doanh, an toàn lao động của các mỏ, mỗi tháng, Trung tâm đều cử họ đi kiểm tra các mỏ 2-3 lần, nhằm hỗ trợ các mỏ giảm thiểu nguy cơ tai nạn. 2 tháng/năm, các đội viên được tham gia trực tiếp sản xuất tại các mỏ như một thợ lành nghề. Qua nhận xét của các mỏ, tất cả các đội viên đều được đánh giá cao về tính tự giác, sức khỏe, đảm bảo an toàn trong mỗi ca sản xuất.

"Đến nay, dù đã có kinh nghiệm tác chiến hơn, nhưng tôi vẫn luôn phải rèn luyện tích cực, bài bản" - Lê Xuân Duy (Tiểu đội 5) chia sẻ.

Trước đây, có một số chiến sĩ cứu hộ mới vào, chưa quen nhìn cảnh tai nạn, thấy thợ lò tử nạn, bị thương nằm la liệt đã run rẩy, mất tinh thần làm việc. Tuy nhiên, qua các chương trình rèn luyện đầy tính thực tế này đã giúp họ nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp. Công tác tại Trạm cấp cứu mỏ Hạ Long đã 5 năm, anh Lê Xuân Duy (Tiểu đội 5) nhớ lại lần đầu đi cứu hộ sự cố bục nước ở mỏ Dương Huy: Lúc đó tôi có hơi chút tâm lý, bỡ ngỡ. Nhưng do đã được rèn luyện hằng ngày, nên đã nhanh chóng vững tâm vào cuộc giải cứu cùng đồng đội. Đến nay, dù đã có kinh nghiệm tác chiến hơn, nhưng tôi vẫn luôn phải rèn luyện tích cực, bài bản. Nếu không, sẽ không đủ sức khỏe, bản lĩnh, sự nhanh nhẹn mà tác chiến trong môi trường khắc nghiệt, trong khi còn phải đeo 20kg thiết bị trên người. Đặc biệt, chúng tôi không thể để xảy ra bất cứ sai sót nào, cũng như không thể biến mình từ người đi giải cứu trở thành nạn nhân.

Hầu hết các chiến sĩ cứu hộ làm việc tại Trung tâm đều đã có vài năm kinh nghiệm làm thợ lò. Nhưng khi chuyển sang làm nghề cấp cứu mỏ, các chiến sĩ đều cho rằng, họ được rất nhiều thứ. Anh Phạm Văn Hạ chia sẻ rất thực rằng: “Trước đây tôi rất nhát, nhìn thấy người bị thương sợ lắm. Nhưng sau khi được rèn luyện ở môi trường này, nhìn thấy bất kể vụ tai nạn nào, kể cả ngoài nhiệm vụ, tôi đều nhanh chóng lao vào cứu giúp, sơ cứu cho nạn nhân”. Đúng là môi trường tạo ra con người. Tinh thần dũng cảm và lòng nhân ái đã trở thành bản năng của các chiến sĩ cứu hộ mỏ.

Bài tập lật lốp 72kg được các chiến sĩ cứu hộ mỏ thực hiện rất thuần thục.

Mong được nhàn rỗi

Từ năm 2010 trở về trước, điều kiện khai thác, thiết bị công nghệ của ngành Than chưa hiện đại như bây giờ, cùng với ý thức của nhiều công nhân chưa tốt đã dẫn đến những vụ tai nạn mang tính thảm họa. Những năm gần đây, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã tập trung đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại trong khai thác, nên những sự cố thảm họa gần như không xảy ra. Hãn hữu xảy ra thì số người tử vong cũng không nhiều.

Đối với Trung tâm Cấp cứu mỏ, Tập đoàn xác định đây là đơn vị quan trọng trong việc cứu mỏ, cứu người, giúp cho dòng than không ngừng tuôn chảy. Vì thế, việc đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu công việc cho Trung tâm được xem là tất yếu. Phó Giám đốc Đào Văn Yên chia sẻ: Bất cứ đề xuất nào, nếu hiệu quả, chúng tôi đều được lãnh đạo Tập đoàn xem xét quyết định đầu tư. Đến nay, tất cả các trang thiết bị cứu mỏ của Trung tâm đều vào dạng hiện đại bậc nhất thế giới, như: 133 máy thở của Đức; 10 máy thở của Nhật Bản; 15 máy cứu sinh của Đức; các bơm công suất cao gọn nhẹ; các thiết bị chữa cháy trong lò; xe cứu hộ đa năng với 20 thiết bị trên xe; 2 xe cứu hỏa…

Bật nhẩy là bài tập vất vả nhất, nhưng có tác dụng toàn diện nhất với cơ thể.

Để nâng cao chất lượng công tác, Trung tâm thường xuyên tham gia các hội thảo quốc tế về cấp cứu mỏ. Là thành viên của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; thành viên của Hiệp hội Cứu hộ mỏ quốc tế, nên trách nhiệm của đơn vị rất lớn. Do vậy, Trung tâm luôn cố gắng chuẩn bị tốt nhất cả về con người và trang thiết bị để sẵn sàng ứng cứu bất kể lúc nào, bất kể nơi đâu.

Đến nay, 1 năm dù chỉ còn 1-2 sự cố ngành Than cần gọi ứng cứu từ Trung tâm, các chiến sĩ cấp cứu mỏ chuyên nghiệp đã được “nhàn” hơn trước kia rất nhiều. "Thực tế thì ai cũng mong chúng tôi nhàn” - Phó Giám đốc Yên nói. Tuy nhiên, nhìn công việc rèn luyện hằng ngày của họ không ai dám bảo nhàn. Tôi nhớ, trước khi chia tay, họ có đọc cho tôi nghe khẩu hiệu mà họ luôn nhắn nhủ bản thân: “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”. Vất vả, hiểm nguy, thậm chí phải đánh đổi cả bằng tính mạng, nhưng không bao giờ lùi bước. Đó chính là nghề của họ, các chiến sĩ cứu mỏ dũng cảm vô cùng đáng được vinh danh, trân trọng và biểu dương.

Phạm Văn Hạ (người cầm biển) và các chiến sĩ Trung tâm Cấp cứu mỏ - Vinacomin tham gia Hội thảo quốc tế chuyên ngành cấp cứu mỏ tại Canada.

Thanh Hằng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202009/chuyen-nhung-chien-si-cap-cuu-mo-2498910/