'Chuyện nhà Dr.Thanh': Những góc khuất của một gia tộc kinh doanh

Cuốn tự truyện kể về cuộc đời sóng gió của ông chủ tập đoàn Tân Hiệp Phát - Trần Quí Thanh, những góc khuất đằng sau sự thành đạt và hùng mạnh của một gia tộc doanh nhân vừa chính thức được phát hành.

Đây cũng là món quà mà cô con gái tỷ đô Trần Uyên Phương mất 10 năm chuẩn bị để dành tặng ba má.

Trên tất cả là tình cảm gia đình thiêng liêng

“Khi biết tôi định ra mắt quyển sách “Chuyện nhà Dr.Thanh” để tặng ba má trong tháng 06, ba đã nhiều lần khuyên tôi không nên gấp gáp, chờ cho đến khi nào đủ tự tin thì xuất bản vẫn chưa muộn. Dư luận xã hội có thể cũng sẽ nhiều chiều, áp lực không nhỏ. Nhưng cứ mỗi lần nhớ lại thời khắc của năm 2014, khi má tôi lâm vào cơn bệnh thập tử nhất sinh, khi đối diện với cái sự mong manh để níu giữ sinh mạng của người mà tôi hằng tôn kính, tôi lại càng ráo riết muốn thực hiện quyển sách này. Tôi muốn nói lời cảm ơn đến với ba má, khi tôi còn có thể!” - Đó là lời chia sẻ của doanh nhân, tác giả Trần Uyên Phương trong buổi giao lưu với tác giả cuốn sách “Chuyện nhà Dr. Thanh” vừa qua.

Bìa cuốn sách “Chuyện nhà Dr. Thanh”

Bìa cuốn sách “Chuyện nhà Dr. Thanh”

Cuốn tự truyện kể về cuộc đời sóng gió của ông chủ tập đoàn Tân Hiệp Phát - Trần Quí Thanh, những góc khuất đằng sau sự thành đạt và hùng mạnh của một gia tộc doanh nhân. Câu chuyện có nhiều tình tiết bất ngờ cuốn hút người đọc theo những biến cố trong cuộc đời ông, quãng đời tuổi thơ ở trại trẻ mồ côi hay câu chuyện lập nghiệp đầy thử thách.

Tuy nhiên, cái đọng lại sau cùng, cái làm nên giá trị cho tự truyện này chính là tình cảm gia đình thiêng liêng, sợi dây xuyên suốt kết nối họ vững chãi qua mọi thử thách của cuộc đời.

Trần Uyên Phương và cuốn sách vừa được NXB ấn hành.

Nghệ sĩ - nhà biên kịch Lê Chí Trung chia sẻ cảm xúc: “Trong cuộc đời viết văn, tôi cũng có viết về cha mẹ, có cái dựng thành kịch, nên tôi cảm nhận được tâm nguyện của Trần Uyên Phương. Không chỉ dành riêng cho cha mình, mà còn dành cho mẹ, ông bà nội ngoại... Giá trị văn học thì dành cho bạn đọc đánh giá, riêng giá trị gia đình, tôi rất đề cao. Vì sao? Vì xã hội bây giờ đạo đức gia đình đang bị đe dọa, bởi sự thực dụng, bởi cuộc sống ảo, bởi sự tha hóa nhân cách con người. Nên cuốn sách viết về gia đình theo tôi là có giá trị rất lớn trong các tác phẩm hiện nay”.

Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc đã xếp cuốn “Chuyện nhà Dr. Thanh” là một tác phẩm siêu thể loại, vì nó chuyển tải quá nhiều thông điệp, với nghệ thuật đồng hiện xử lý một cách khéo léo. Ông nhận xét: “Ngôn ngữ viết vô cùng giản dị nhưng lại rất có văn”.

Món quà chuẩn bị 10 năm

Với ông Trần Quí Thanh, cầm trên tay cuốn sách mà con gái đã đầu tư công sức viết tặng mình, ông nói: “Con mình mà, chỉ cần nó viết cho mình lá thơ mình cũng xúc động, đằng này nó viết luôn cả quyển sách thì còn nói gì được nữa. Đọc lại quyển sách và nghe những suy nghĩ của con tôi thấy đúng là hồi đó mình hơi thép. Trước kia, tôi cứ nghĩ sa trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu, muốn con biết bơi phải đạp nó xuống sông, thì nó mới giỏi được. Bản thân tôi cũng trưởng thành từ môi trường khắc nghiệt như thế. Sau khi lớn lên thì đứng trên đôi chân của mình. Tôi vẫn thường nói với các con rằng ba không muốn con tự hào có một người cha như ba, mà ba phải được tự hào có một người con như con”.

Một món quà mà có ý kiến cho rằng có lẽ trị giá phải lên tới tiền tỉ, hoặc vài tỉ đồng. Món quà “to tát” được tặng công khai chắc chắn bao giờ cũng có khả năng gây đố kị và nhận những ánh mắt soi xét, xem bên trong cái “hộp quà” thực sự là gì? Giả sử món quà kỳ công có giá trị tài chính lên tới vài tỉ như người ta đồn đại, thì chắc chắn nó không thể chỉ là một cái hộp đẹp và bên trong chỉ là thứ đồ vô giá trị?

Có nhiều cách để tặng quà cho người thân. Một căn biệt thự cao cấp hiện nay, có giá trị có thể lên tới 240 tỉ đồng. Đứa con có hiếu nào đủ tiền tặng cho ba má căn biệt thự này, nằm trong đó chưa chắc ba má đã dám… ngủ.

Khi một “đại gia” tặng cho chân dài chiếc xe hơi trị giá vài tỉ, thì bên trong chiếc xe không thể nào ọp ẹp. Và hễ cứ chiếc xe xuất hiện ở đâu là sẽ bị bình phẩm ở đó. Nhưng, có nên phán xét khắt khe nếu chiếc xe đẹp đó là món quà của một đứa con có hiếu gửi tặng cha mẹ?

Cuốn sách, đâu phải chiếc xe hay áo quần để nay thay mai đổi? Sách ẩn chứa một giá trị vĩnh hằng. Cách tốt nhất để bình phẩm một cuốn sách chính là cầm lên và đọc, chứ không thể ngồi nhìn bìa rồi đoán.

Đối với một cuốn sách, giá trị vật chất đôi khi trở nên không quan trọng, mà điều đáng lưu ý hơn là nó đã được chuẩn bị gần 10 năm, trong áp lực công việc bộn bề và những biến cố gia đình, cuối cùng đã là một kết quả viên mãn của sự nỗ lực không ngừng – một món quà tháng sáu đầy ý nghĩa!

Thái Bình

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/chuyen-nha-dr-thanh-nhung-goc-khuat-cua-mot-gia-toc-kinh-doanh-378843.html