Chuyện người tỉnh lẻ khiếm thị lên thủ đô lập nghiệp

Mất thị lực từ năm thứ ba đại học, Phạm Văn Lực tiếp tục theo đuổi công việc kinh doanh nhỏ lẻ để sáu năm sau sở hữu riêng thương hiệu giày thời trang. Văn Lực muốn kể về quá trình khởi nghiệp của mình với tâm thế của một người tỉnh lẻ từ không vốn liếng, không được đào tạo hơn là 'người khuyết tật vượt khó' thành đạt tại thủ đô.

Mất thị lực từ năm thứ ba đại học, Phạm Văn Lực tiếp tục theo đuổi công việc kinh doanh nhỏ lẻ để sáu năm sau sở hữu riêng thương hiệu giày thời trang. Văn Lực muốn kể về quá trình khởi nghiệp của mình với tâm thế của một người tỉnh lẻ từ không vốn liếng, không được đào tạo hơn là “người khuyết tật vượt khó” thành đạt tại thủ đô.

Quan sát ông chủ giày Lutra trò chuyện chậm rãi, cập nhật thông tin thời sự với cặp mắt mở to bất động, nụ cười luôn nở trên môi, người đối thoại có cả chục ý nghĩ, thắc mắc trong đầu: anh chàng 31 tuổi này vào mạng bằng cách nào, làm sao mà chọn được mẫu giày, lý do gì mà tự tin, bình tĩnh đến thế trong một môi trường sống và thương trường vô cùng lộn xộn?

Trong cộng đồng người khuyết tật, người mù chỉ có 1/10 cơ hội kiếm việc làm so với những người khuyết tật khác. Có tới 90% người khiếm thị chỉ có thể làm nghề tẩm quất. Lực từng thử học nghề tẩm quất và định mở trung tâm nhưng xin giấy phép hành nghề quá khó, ngoài ra công việc tẩm quất rất hại sức khỏe.

Văn Lực vào mạng, nhận gửi email, chat facebook đều đặn như mọi người nhờ phần mềm ứng dụng dành cho người khiếm thị. Anh cho biết việc kinh doanh thời công nghệ không còn phụ thuộc vào việc biết chọn mẫu hàng (vì người tiêu dùng sẽ chọn mẫu chứ không phải nhà phân phối ), không phải tìm khách hàng mà điểm quyết định là “làm dịch vụ và hậu mãi tốt nhất có thể”.

Phải qua thời “ngây ngô, ôm đồm”

Cách đây bảy năm, do mắc căn bệnh hiếm gặp về thị lực, chàng sinh viên quê Nam Định đã mất 95% thị lực. Phải bỏ học khi vừa hết năm thứ ba Đại học Kinh doanh công nghệ, rất may bên cạnh Lực có người vợ tần tảo, cùng anh đồng hành từ những ngày đầu tiên của chặng đường “bóng tối”. Trước đó hai vợ chồng thuê một ki ốt 12 mét vuông ở phố Định Công vừa ăn ở vừa bán hàng. Họ bán túi laptop rồi mũ bảo hiểm theo nhu cầu người tiêu dùng cho đến 2013 thị trường chuyển hướng sang hàng Việt Nam chất lượng cao. Vợ chồng Lực chuyển sang bán giày các loại (của nhiều hãng khác nhau), cả sỉ cả lẻ. Qui mô mặt hàng và đối tượng đại lý các tỉnh mở rộng đồng thời với tình trạng đọng vốn, khó quản lý. “Chúng tôi liên tục thay tên, logo, biển hiệu, thiết kế lại cửa hàng và cả trang web nhưng vẫn theo kiểu chắp vá, lôm côm”, Lực mỉm cười nhớ lại thời ấu trĩ. Có lần mất bao nhiêu tiền để đăng ký bản quyền tên thương hiệu thì lại bị trùng, học phí cho những lần mở trang web không hiệu quả cũng rất tốn. “Cũng bởi mất thời gian vào những lần thay đổi ấy mà chúng tôi lỡ khá nhiều cơ hội”. Lực từng nhìn ra hiệu quả của bán hàng online nhưng nghề ship hàng hồi đó còn non trẻ, yếu kém. Sau một loạt những lủng củng do ôm đồm, marketing sai, Lực quyết định thay đổi chiến lược bằng việc bỏ bán lẻ chỉ bán buôn, tạo dựng thương hiệu riêng , chỉ bán dòng giày da nam nữ chất lượng cận cao cấp. Tên mới Lutra đáp ứng tiêu chí dễ đọc, dễ nhớ, nghe hơi sang sang, tây tây, là từ ghép của tên hai vợ chồng Lực và Trang, vô tình nghĩa tiếng Anh lại là con rái cá.

Hai năm qua vợ chồng Lực đã hoàn thành mục tiêu thứ nhất là: Xác định chuẩn loại sản phẩm; Làm thương hiệu tốt qua mạng xã hội; Xây dựng hệ thống phân phối với phản hồi tốt từ đại lý.

Vừa làm vừa dò đường như người mù

Thời đầu bán giày da chất lượng Lực từng bổ đôi một chiếc giày, thông qua xúc giác cảm nhận chất liệu, kết cấu và ước lượng cho đúng giá thành. Một đôi giày có hơn 100 công đoạn, nhà sản xuất chỉ bớt vài công đoạn là khác rồi. Nhiều lần Lực kết nối nhà cung cấp vật liệu với nhà sản xuất để sản phẩm ra giá tốt.

Trước đây mỗi lần sửa sang lại cửa hàng Lực tự khoan, tự lắp đặt giá bệ. Ảnh sản phẩm tự chụp, logo nhờ người tay ngang thiết kế, hình ảnh thương hiệu rất thiếu chuyên nghiệp. Sau này, từng chi tiết thiết kế đều phải đều thuê chuyên gia. Giờ đây ngay tại trụ sở đồng thời là kho bán đổ của Lutra có hẳn một phòng studio chuyên cho việc chụp ảnh giới thiệu sản phẩm mới.

Lực là người khá chắc chắn nên chưa lần nào gặp rủi ro thua lỗ lớn chỉ có một vài lần phải xử lý xung đột giữa các nhà sản xuất, mối bán hàng. Cũng vì bán nhiều mác giày, khó quản lý mà vợ chồng anh tìm cách tạo dựng thương hiệu của riêng mình.

Lời khuyên của Lực cho người trẻ khởi nghiệp kinh doanh là “hãy thực thi”. Theo anh, người khởi nghiệp nào cũng cô đơn, họ thường không được người thân bạn bè ủng hộ. Họ sợ thua, sợ bị chê cười. Đừng chần chừ mà hãy thực thi! Chính những thất bại sẽ là vốn liếng đầu tiên để bạn thành công. “Tôi vừa làm vừa dò đường như người mù. Nếu không có những lần ngây ngô, sáng kiến ấu trĩ mà sau này thành “rác” bỏ xó thì tôi không có ngày hôm nay” - Lực chia sẻ.

Sản xuất video đào tạo mỗi tối

Mục tiêu sắp tới của Lutra là mở hai show room mẫu tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nhận diện củng cố thương hiệu tiến tới tìm đại lý và bán kèm gói đào tạo nhân viên bán hàng, quản lý, thiết kế cửa hàng cho họ. Tùy tình hình có thể nhận cổ phần với đại lý hoặc kết hợp nhà đầu tư theo gói nếu họ có mặt bằng.

Sau bảy năm kinh doanh, kinh nghiệm bán hàng và quản lý chính là tài sản giá trị nhất mà tôi có được, Lực chia sẻ. Mỗi tối, công việc yêu thích của anh là tự quay video huấn luyện bán hàng. Nhân viên bán hàng thời trang giỏi phải biết quan sát. “Họ phải khác với tôi vì tôi quan sát bằng tai và bằng những câu hỏi”. Từ lúc khách dựng xe bước vào ta đã xác định được họ là ai trong ba đối tượng khách hàng. Khách hàng chủ động hơi đồng bóng, phóng khoáng, có hàng mới họ sẽ mua nhanh lẹ; Khách thụ động , đói thông tin, thiếu tự tin, phân vân lâu, đa nghi vậy nên nhân viên chỉ cần cho họ thông tin về bảo hành, thông số chất liệu rồi đứng cách xa. Vồn vã quá khiến họ cảnh giác; Khách cá tính khá chủ quan, có gu rõ ràng. Họ không thích được tư vấn. Nhiều khách hàng chảnh chọe khiến nhân viên bị hẫng “tôi trang bị cho người bán hàng kiến thức, bí quyết kết nối và tâm thế để họ không bị sốc trước những khách hàng “bá đạo”.

Lực rất thích hàm ý của chuyện ngụ ngôn về mù cầm đèn lồng đi trong đêm để người khác khỏi va vào anh ta. Rồi đèn bỗng dưng bị tắt, người khác và anh ta vẫn bị đâm sầm vào nhau. “Người khởi nghiệp nào chả phiêu lưu, giống như người mù tin tưởng cái đèn trong đêm không bao giờ bị gió thổi tắt”.

Lực có kiến thức xã hội rộng, nói chuyện hoạt ngôn, điềm tĩnh mà dí dỏm lạc quan. Không ngạc nhiên khi anh ấp ủ dự định học diễn thuyết và viết sách về tâm lý của người làm kinh doanh, người mua hàng.

Phạm Văn Lực lạc quan trước những dự định trong tương lai. Ảnh: Lan Hương

Phạm Văn Lực lạc quan trước những dự định trong tương lai. Ảnh: Lan Hương

Hoàng Hoa

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/gioi-tre/chuyen-nguoi-tinh-le-khiem-thi-len-thu-do-lap-nghiep-1348995.tpo