Chuyện 'người tài' đang nóng nghị trường Quốc hội

Đa số các đại biểu Quốc hội (ĐB) đều nhất trí với việc cần có các chế độ, chính sách đãi ngộ xứng đáng để thu hút người tài vào bộ máy nhà nước. Thế nhưng, câu hỏi 'Thế nào là người tài?' thì lại là vấn đề còn gây tranh cãi, đến mức một ĐB cho rằng 'nếu chúng ta cứ sa đà vào chuyện định nghĩa tài năng thì sẽ không tìm được người tài năng'!

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn phát biểu tại phiên họp Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn phát biểu tại phiên họp Quốc hội.

Người tài: Yêu nước hay chỉ cần đánh máy giỏi?

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức tại phiên họp của Quốc hội (QH) vừa qua quy định: “Người có tài năng trong hoạt động công vụ là cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn vượt trội, có đóng góp lớn, hiệu quả cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực công tác mà ít người đạt được”. Cho ý kiến, các ĐB cho rằng, quy định về người có tài năng như trong dự thảo Luật còn chưa rõ ràng, cụ thể nên khó áp dụng trong thực tiễn.

Theo ĐB Nguyễn Sĩ Cương (đoàn Ninh Thuận), với khái niệm “người tài năng trong hoạt động công vụ” được nêu trong dự thảo Luật, việc hiểu thế nào cho đúng là người có chuyên môn vượt trội là “khó” bởi trong thực tế rất khó để có thể định lượng được việc này.

Bên cạnh đó, theo ĐB, có những người không có khả năng vượt trội nhưng lại có rất nhiều những đóng góp cho cơ quan, tổ chức nhưng nếu như theo quy định này lại chưa chắc đã được ghi nhận là người tài.

“Nếu như các quy định là có năng lực vượt trội thì rất có thể lại “có cửa” để đưa những công chức thuộc diện “5C” vào những đối tượng này để hưởng chính sách trọng dụng và chế độ đãi ngộ”, ĐB nói và cho rằng “có tài năng xuất chúng đến mấy nhưng không có ý thức trách nhiệm thì cũng chẳng để làm gì”.

ĐB Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) đề nghị phân loại người tài ở từng lĩnh vực cụ thể. Theo ĐB, trong chính trị, đó là những người khởi xướng được chính sách; trong điều hành phải tinh thông về luật pháp để vận hành bộ máy; trong khoa học phải có phát minh sáng kiến còn trong lao động thì phải lành nghề, có biệt tài để làm ra những sản phẩm đặc thù; trong văn hóa, nghệ thuật có những tác phẩm để lại cho muôn đời.

Tranh luận lại ý kiến của ĐB Vân, ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Đoàn TP Hà Nội) cho hay, có rất nhiều tỉnh trải thảm đỏ mời thạc sĩ, tiến sĩ về làm việc. Nhiều tỉnh, thành phố đã có chương trình đào tạo nhân tài, cử đi nước ngoài đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.

“Xin hỏi có bao nhiêu % thạc sĩ, tiến sĩ đó phát triển được, đóng góp được cho tỉnh, thành phố đó? Chúng ta biết có rất nhiều thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài về đang thất nghiệp; có rất nhiều lái xe ôm, Grab là thạc sĩ. Xin hỏi những người đó, đào tạo tốt như vậy có là nhân tài hay không? Xin thưa là không!”, ĐB nói.

ĐB Tuấn cho rằng, nhân tài muốn phát triển cần có một môi trường thật tốt. Thế nhưng, có rất nhiều người giỏi, môi trường rất tốt nhưng họ lại không có đủ nhiệt huyết cống hiến, họ không thể đưa ra sáng kiến, đưa ra những đề tài tốt cho xã hội.

“Thậm chí, có người có cả 3 yếu tố đó, vừa giỏi, vừa có môi trường, vừa có nhiệt huyết, nhưng tâm đóng góp của họ không cho đất nước, cho cá nhân, cho quyền lợi ích nhóm thì liệu họ có là người tài chúng ta công nhận hay không? Câu trả lời là không”, ĐB nói và cho rằng một nhân tài phải tổng hòa giữa giỏi, có tâm, chí công vô tư và đầy đủ nhiệt huyết đóng góp cho tập thể, cho tổ chức, cho đất nước.

Tranh luận với các ĐB, ĐB Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai) nhận định một công chức “khó có thể phát hiện ra một cái gì kiệt xuất vì thực hiện theo luật pháp, theo quy trình đã định”, giống như “đánh máy giỏi không có lỗi để khỏi ảnh hưởng đến thủ trưởng”.

Đại biểu Dương Trung Quốc tranh luận.

Cũng tranh luận với ĐB Tuấn, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Đoàn Bình Dương) cho rằng chính sách trọng dụng nhân tài là đúng đắn nhưng việc tổ chức thực hiện là chưa chuẩn. Bên cạnh đó, tiêu chí chung để thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý và thực hiện chính sách cho người tài cũng chưa có.

“Tôi nghĩ, không phải thạc sĩ, tiến sĩ đã là nhân tài. Còn việc thạc sĩ làm Grab, thực ra số liệu tôi không có trong tay nhưng nói như thế chắc thạc sĩ Grab là thạc sĩ đào tạo kiểu Đông Đô, không phải là thạc sĩ theo đúng nghĩa của chúng ta”, ĐB nói.

Tranh luận lại ý kiến ĐB Quốc, ĐB Tuấn cho hay ông “rất sốc và rất buồn” khi nghe ĐB phát biểu. “Tôi nghĩ rằng tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị của nó cho dù 70 năm trôi qua.

Cho dù thời cuộc có thay đổi, chúng ta đã cơ chế thị trường, đồng tiền đã len lỏi vào từng người, từng nhà, từng cơ quan, nhưng chúng tôi những nhân sĩ, trí thức, những nhà khoa học, những cán bộ, viên chức đang làm việc trong nhà nước không phải vì tiền mà vì lòng tự tôn dân tộc, tình yêu nước, giống hệt như các nhân sỹ cách đây 70 năm”, ĐB nói.

Còn ĐB Quốc nhấn mạnh cốt lõi trong tinh thần của Bác Hồ cũng là tiếp thu của người xưa là “dụng nhân như dụng mộc”, biết dùng người, biết dùng đúng lúc, đúng chỗ và có một hệ thống giá trị để chúng ta thu hút người tài, “đừng giáo điều, đừng chụp mũ”.

Chọn người tài xong thì làm gì?

Cho hay ông tranh luận với tất cả các ý kiến phát biểu trước mình, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn An Giang) cho rằng “ĐB nào cũng có lý”, nhưng không thể có một định nghĩa chính xác về tài năng để hài lòng tất cả mọi lĩnh vực, mọi người. Mặt khác, theo ĐB, Luật mà QH đang thảo luận nhằm mục đích nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, giảm bớt số lượng những người ăn lương nhà nước làm việc không hiệu quả, tạo thuận lợi cho cơ quan tuyển dụng đúng người đúng vị trí.

“Chính vì vậy, chúng ta không cần tập trung xây dựng luật theo hướng này. Theo tôi, chúng ta có thể bỏ điều định nghĩa tài năng, thay vào đó là điều khác để thuận lợi cho các cơ sở công lập bố trí vị trí việc làm đúng vị trí”, ĐB nói và cho rằng nếu cứ sa đà vào chuyện định nghĩa tài năng thì sẽ không tìm được người tài năng.

Tán thành với ý kiến này, ĐB Dương Trung Quốc cũng đề nghị “nên dừng lại mức độ đó thôi”, “đừng quá coi tài năng trong công chức làm cái gì vượt khỏi tầm của luật đang bàn”!. ĐB Nguyễn Bá Sơn (TP Đà Nẵng) cũng cho hay, qua các phát biểu từ nhiều chiều của các ĐB khác, ông “cảm thấy chột dạ nghĩ rằng chúng ta có cần thiết phải có một điều khoản ghi vào luật này rằng như thế nào là nhân tài hay không?”.

“Như ĐB Quốc vừa nói, tôi nghĩ chúng ta không thể có được một định nghĩa nào hoàn hảo cho khái niệm nhân tài trong luật này. Cho nên, tôi nghi ngờ sự cần thiết phải có Điều 6 trong luật này”, ĐB nói và đề nghị ban soạn thảo xem lại việc này.

Nguyễn Bá Sơn nói thêm rằng, từ Điều 6 của dự thảo Luật có một câu hỏi đặt ra là “Đưa vào điều này để lựa chọn nhân tài xong chúng ta làm gì đây?”. “Tôi không thấy đề cập đến trong này”, ĐB nói. ĐB Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Lạng Sơn) chung nhận định điều quan trọng là sử dụng nhân tài thế nào.

“Tôi đề nghị điểm mới đối với dự thảo luật này để thu hút, sử dụng người có tài năng phải nằm ở cơ chế tuyển dụng, phải bảo đảm một cơ chế tuyển dụng công khai, minh bạch, mang tính cạnh tranh. Các nước áp dụng các hình thức thi tuyển công khai và thi tuyển nền, thi tuyển chọn lọc theo vị chuyên môn rất nhiều. Tôi đề nghị trong luật này nên hướng theo điều đó”, ĐB nói.

Về cơ chế bổ nhiệm, ĐB Thành kiến nghị cũng nên đưa cơ chế công khai, minh bạch và cạnh tranh, thi tuyển cạnh tranh vào.

ĐB Tăng Thị Ngọc Mai (Đoàn Trà Vinh) cũng cho rằng xung quanh chúng ta có rất nhiều nhân tài, vấn đề là phải làm sao lựa chọn cho đúng, bố trí cho phù hợp với sở trường của từng người để họ phát huy tốt nhất năng lực của bản thân.

Theo ĐB, cần có quy định về chính sách trọng dụng, đãi ngộ để cơ quan có thẩm quyền quy định khung chính sách quyết định áp dụng chế độ đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ. “Nên chăng chúng ta học hỏi kinh nghiệm quản trị nguồn nhân lực của các doanh nghiệp tư nhân để thể chế vào luật, để qua đó khắc phục tình trạng tư nhân thì tìm được nhân tài nhưng Nhà nước thì không tìm ra được người yếu kém”, ĐB nói.

Minh Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/trong-nuoc/chuyen-nguoi-tai-dang-nong-nghi-truong-quoc-hoi-477832.html