Chuyện người lính trở về từ Trại giam Phú Quốc

Đã bao lần nghe chuyện về Phú Quốc - hòn 'đảo ngọc', nơi hằn in dấu tích lịch sử về một thời kỳ chiến đấu kiên cường, quả cảm của những người tù cộng sản. Nhưng phải đến khi được gặp gỡ, lắng nghe câu chuyện của người lính trở về từ Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam - Phú Quốc (sau đây gọi tắt là Trại giam Phú Quốc) khiến chúng tôi cảm nhận sâu sắc tinh thần, ý chí chiến đấu quật cường ấy.

Kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-1975 - 30-4-2020)

Ông Trần Quang Nghiêm và vợ vui hưởng tuổi già trên mảnh đất quê hương. Ảnh: Hương Thảo

Người ra đi đầu không ngoảnh lại...

Vĩnh Lộc, những ngày tháng tư nắng vàng rực rỡ! Men theo tiếng vọng hào hùng của lịch sử, gợi nhắc về những năm tháng trường kỳ, gian khổ kháng chiến của dân tộc; chúng tôi tìm gặp ông Trần Quang Nghiêm (78 tuổi, thị trấn Vĩnh Lộc) - nhân chứng trở về từ Trại giam Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Cũng như hàng nghìn, hàng vạn thanh niên khi đó; nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Nghiêm hăng hái viết đơn bằng máu tình nguyện tham gia chiến đấu.

Ngày ông Nghiêm khoác ba lô lên đường nhập ngũ, ông và bà Trần Thị Tuyết (nguyên Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành, nay là thị trấn Vĩnh Lộc) mới kết hôn được vỏn vẹn một tuần. Bỏ lại phía sau quê nhà với người vợ trẻ và bố mẹ già, ông Nghiêm đi biền biệt suốt 8 năm trời, không một tin tức báo về. Đâu ai biết rằng, trong những năm tháng ấy, ông Nghiêm cùng đồng đội lăn xả thân mình đối đầu, giành giật sự sống trong gang tấc giữa mưa bom, bão đạn của quân địch, lập nhiều thành tích trên khắp các mặt trận như: Vùng chiến thuật Một (thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng), sân bay Nước Mặn, các căn cứ điểm ở Điện Quang, Điện Bàn, Điện Chính, Hội An... Ngày 5-11-1968, khi đang điều trị tại bệnh viện thuộc huyện Điện Bàn (Quảng Nam), ông bị máy bay địch bắn trọng thương; sau đó bị địch bắt, bịt mắt, “ném lên trực thăng” đưa về Trại giam Đà Nẵng. Từ đó, ông tiếp tục sôi nổi, kiên cường hoạt động cách mạng trong tù với cái tên Trần Văn Nhiên, số tù 4551.

Cuộc nói chuyện giữa chúng tôi đưa ký ức của ông trở về những ngày tháng bị địch tra tấn, hành hạ dã man, tàn ác trong chốn lao tù: “Mỗi ngày chúng hỏi cung tôi từ 20 đến 30 lần, rồi tăng lên 40, 50 lần... Sau đó, thấy không khai thác được gì, chúng chuyển sang tra tấn. Địch dùng kim cắm vào mười đầu ngón tay, quấn bông vào đầu kim, tẩm xăng đốt. Người tôi nóng ran, đau phát điên, nghiến răng chịu đến khi bất tỉnh. Chúng hắt nước lạnh vào mặt, tiếp tục hỏi cung... Chúng giải về phòng giam, đưa một chiếc cà mèn có ít cơm màu vàng như nanh chuột, một miếng cá khô mục bốc mùi thiu thối, vài cọng rau muống già”. Ông Nghiêm không nhớ nổi trong thời gian ở tù, địch đã bao nhiêu lần dùng dùi cui, roi điện, roi da đánh ông tới thừa sống thiếu chết, nằm lả xuống sàn như cái xác vô hồn. Đâu chỉ có thế, quân địch tàn ác còn dùng kìm nhổ từng chiếc răng; nhúng đầu ông Nghiêm và đồng đội của ông vào các thùng phi chứa nước, thi nhau cầm chày vồ quật mạnh vào vỏ thùng đến khi “đầu óc quay cuồng, khó thở, máu mồm máu mũi ộc ra, mắt lồi, tai điếc đặc, bất tỉnh”. Giở đủ các “ngón đòn” tra tấn, chúng chuyển sang giọng điệu phỉnh nịnh, dụ dỗ, mua chuộc cốt để dò la tin tức về “quân giải phóng”.

Giữa cảnh ngục tù khốn khó: Không đủ chỗ để nằm, chỉ có thể khom người ngồi suốt đêm lại thường xuyên chịu sự tra tấn dã man của quân địch nhưng ông Nghiêm và những người chiến sĩ khác vẫn giữ vững khí tiết, nêu cao tinh thần bất khuất, kiên cường chiến đấu. Lợi dụng sơ hở của quân địch, các chiến sĩ bị giam giữ trong trại vẫn khéo léo liên lạc, động viên nhau, củng cố tổ chức đảng và mật báo những tin tức quan trọng. Bởi vậy, ngay từ những ngày hoạt động tại Trại giam Đà Nẵng, ông Nghiêm được tổ chức tin tưởng bổ sung vào cấp ủy, kiêm tổ trưởng đảng, bí thư chi đoàn thanh niên và được phân công, giao phó nhiều trọng trách. Ông Nghiêm nhớ mãi khoảnh khắc xúc động khi nhận được tin báo do người của tổ chức cài cắm vào hàng ngũ của địch để lại: “Sáng mai chúng đưa các đồng chí ra đảo Phú Quốc giam giữ. Trước khi đi, địch dùng mọi thủ đoạn dã man để chiêu hồi. Hãy giữ vững khí tiết!”. Nội dung bức thư sau đó được thông báo cho toàn thể chiến sĩ cách mạng bị nhốt trong trại giam, khẩn trương lên kế hoạch đối phó với địch. Ông Nghiêm vui mừng nghĩ: “Ngay trong lòng địch, các chiến sĩ của ta vẫn khôn khéo che mắt quân thù thông báo những tin quan trọng, giúp chúng tôi đứng vững trước mọi thủ đoạn nham hiểm của quân địch. Vì vậy, chúng tôi càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng ủy trong Trại giam Phú Quốc”.

Trại giam Phú Quốc - “Bản anh hùng ca” của máu và nước mắt

Tám giờ sáng ngày 22-2-1969, sau khi đã giở đủ chiêu trò: Thuyết phục, dụ dỗ đến việc “dùng đại liên bắn vào đội hình” nhằm dọa nạt, lung lay ý chí nhưng bất thành, quân địch đưa các chiến sĩ thuộc Trại giam Đà Nẵng lên chiếc “tàu há mồm”, lênh đênh trên biển rồi cập đảo Phú Quốc. Được ví như “địa ngục trần gian”, mảnh đất nơi đây không chỉ là nơi lưu dấu tội ác man rợ của thực dân, đế quốc trong các cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Hơn tất thảy, những chứng tích ấy tựa hồ như khúc tráng ca về tấm lòng và tinh thần chiến đấu, hy sinh quên mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của quân dân ta.

Đối với ông Nghiêm và đồng đội, gần 4 năm hoạt động cách mạng tại Trại giam Phú Quốc là quãng thời gian không thể nào quên trong suốt cuộc đời. Và mỗi lần nhớ lại đoạn hồi ức ấy, bao giờ ông Nghiêm cũng khóc. Giọt nước mắt của người lính vẫn rơi giữa thời bình mang theo nhiều nỗi niềm sâu kín. Ông khóc bởi niềm tự hào vì những ngày tháng hoạt động cách mạng kiên cường, anh dũng. Ông khóc vì đồng đội đã ngã xuống và khóc cho cả những người may mắn trở về, giống như ông. Nương theo dòng nước mắt, hồi ức cứ thế dội về trong tâm tưởng. Ông Nghiêm xúc động kể lại cuộc đấu tranh đòi cải thiện đời sống, chống tra tấn dã man của ông và các chiến sĩ cách mạng bị giam giữ tại Trại giam Phú Quốc. Thời điểm đó, ông Nghiêm được tổ chức tin tưởng, giao nhiệm vụ là cấp ủy, bí thư chi bộ, trong ban lãnh đạo cuộc đấu tranh: “Đầu năm 1969, địch chuyển chúng tôi từ Đà Nẵng đến Phân khu C4 đảo Phú Quốc, phân khu có truyền thống đấu tranh bất khuất, nơi kẻ thù đàn áp dã man nhất. Lúc bắt đầu tuyệt thực anh em nằm trong phòng không ra sân điểm danh, không cho quân cảnh vào; mọi sinh hoạt theo nội quy trại giam bị tê liệt. Anh em ra sân ngồi thành khối tắm nắng, mỗi bữa chỉ ăn một nhúm gạo rang, uống nước lã cầm hơi...” - ông Nghiêm kể.

Nhằm làm lung lay, xáo động ý chí của những người tù cách mạng, địch xào nấu món ăn thơm ngon, dùng lời lẽ xảo trá thuyết phục. Mặc cho kẻ thù ngon ngọt dụ dỗ hoặc tra tấn dã man, tàn độc như thế nào, ông cùng đồng đội vẫn nhất mực kiên trung, quả cảm, giữ trọn khí tiết của người quân nhân cách mạng, người đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ. Cảm động hơn tất thảy, với quyết tâm: “Thà hy sinh tất cả, quyết không lùi bước trong cuộc đấu tranh”, nhiều chiến sĩ trong Phân khu C khi đó đã không một chút do dự đã xung phong hy sinh thân mình để nêu cao tinh thần, chí khí chiến đấu. Ông Nghiêm nghẹn ngào kể: “Khi đó, chúng tôi cần hai người hành động nhưng có đến 12 người xung phong. Cuối cùng cấp ủy quyết định: Ai bắt trúng thăm hành động sẽ được nhận nhiệm vụ thiêng liêng này. Sau cùng hai người trúng thăm là: Lê Bá Giao, tên trong tù là Phạm Văn Bình (Hoằng Hóa) và Trần Nguyên Mạnh, tên trong tù là Trần Văn Nanh (Hậu Lộc). Hai đồng chí sinh hoạt tại Phòng số 6, do tôi làm trưởng phòng đã tự mổ bụng, cắt dương vật ném vào mặt quân giặc, châm ngòi nổ cho cuộc đấu tranh giành thắng lợi”.

Ngày 12-2-1973, theo tinh thần của Hiệp định Pari, sau gần 4 năm, các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày tại Trại giam Phú Quốc được trao trả bên bờ sông Thạch Hãn. Cùng với các chiến sĩ tại Phân khu C- Trại giam Phú Quốc, ông Nghiêm được trao trả ngay từ đợt 1. Được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đưa về an dưỡng, chăm sóc, điều trị tại thị trấn Móng Cái (nay là TP Móng Cái), Quảng Ninh, một năm sau đó, ông Nghiêm mới được đoàn tụ cùng gia đình trên mảnh đất quê hương. Ngày ông về, người vợ tào khang vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Bà con lối xóm, các đồng chí, đồng nghiệp ở cơ quan đến thăm hỏi, động viên rất đông. Có những cụ ông, cụ bà 90 tuổi vẫn chống gậy đến thăm, ôm chầm lấy ông mà khóc: “Cháu còn sống trở về thì thật may mắn quá cháu ơi!”. Dẫu thương tích chiến tranh vẫn đeo bám ông trong từng cơn đau đớn, ho, khó thở; dẫu ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam (dioxin) tàn nhẫn gieo mầm bệnh lên đứa con thứ 2 (đã mất) nhưng ông luôn cảm thấy biết ơn cuộc đời đã cho ông được sống để có ngày trở về.

Ngoài những tấm huân chương, huy hiệu, danh hiệu được ông Nghiêm trân trọng bày biện trong nhà như: Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Trại giam Phú Quốc, thuộc tỉnh Kiên Giang”, trong lòng ông vẫn mãi lưu giữ tấm huy chương cao quý, rạng ngời về tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng. Chiến tranh đi qua, giờ đây, ông Nghiêm vui hưởng tuổi già bên người vợ và các con cháu. Ký ức chiến tranh, tình cảm nhớ thương đồng đội được ông Nghiêm gửi gắm qua những trang thơ, tác phẩm điêu khắc. “Nhiều đêm trong giấc mơ tôi vẫn đập giường hô to: Đả đảo sự tra tấn dã man!”. Vợ tôi thường phải lay tỉnh... Tôi không lý giải nổi vì sao bị tra tấn dã man vậy mà chúng tôi vẫn đùm bọc nhau anh dũng vượt lên chính mình, giữ vững lòng tin với Đảng, tình yêu thương với quần chúng nhân dân trong hang ổ quân thù” - ông Nghiêm chân thành chia sẻ.

Hương Thảo

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/chuyen-nguoi-linh-tro-ve-tu-trai-giam-phu-quoc/118037.htm