Chuyện người làm mô hình máy bay chiến đấu

Một cựu công nhân quốc phòng Nhà máy A32 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân bắt đầu làm các mô hình máy bay chiến đấu từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Qua hơn 40 năm, từ bàn tay ông, hàng nghìn mô hình máy bay chiến đấu nhiều chủng loại đã được ra đời.

Nghiệp làm máy bay

Tôi có một vài người bạn trong Sư đoàn Không quân 372. Trong những câu chuyện trà dư tửu hậu với họ, có một câu chuyện về người đàn ông cứ những ngày nắng lại mang máy bay ra “phơi”. Câu chuyện ấy đặc biệt thu hút chúng tôi.

Ông Thành bên một mô hình Su-30 MK2 hoàn thiện

Ông Thành bên một mô hình Su-30 MK2 hoàn thiện

Một ngày nắng ấm đầu đông sát ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12), trong một con hẻm nhỏ thuộc khu tập thể cũ của Nhà máy A32 (thuộc phường An Khê, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) chúng tôi gặp một người đàn ông hơn 60 tuổi đang mang máy bay ra “phơi” thật. Hôm đó, ông mang ra “phơi” 3 chiếc Su-30MK2 và 1 chiếc L-39. Đó là 4 mô hình máy bay chiến đấu ông đang hoàn thiện, tranh thủ những buổi nắng hiếm hoi trong mùa đông, đem ra “phơi” cho khô sơn.

Người đàn ông ấy là Bùi Xuân Thành, sinh năm 1955, cựu công nhân quốc phòng của Nhà máy A32 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân. Đây là nhà máy chuyên sửa chữa, bảo dưỡng máy bay, vũ khí, các thiết bị, xe, máy phục vụ quân chủng. Ông quê ở Phú Thọ, gắn bó với Nhà máy A32 từ thời điểm nhà máy còn ở phía Bắc, khi xảy ra chiến tranh biên giới 1979 bắt buộc phải chuyển vào Đà Nẵng. Nhưng trước đó, năm 1975, ông Thành đã bắt đầu làm mô hình máy bay bằng mica, khởi đầu cho quá trình 44 năm làm mô hình máy bay chiến đấu của ông.

Nhiều phi công từng lái những dòng máy bay chiến đấu cũ như MIG-19, MIG-21... cũng đặt ông làm mô hình với số hiệu của chính chiếc máy bay họ từng lái. Chiếc máy bay họ từng lái là chứng nhân cho một thời trai trẻ oanh liệt chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Ông Thành kể, ông làm ở Phòng Kiểm tra chất lượng sản phẩm và lãnh đạo quân chủng, lãnh đạo nhà máy thấy ông là người tỉ mỉ, khéo tay nên giao nhiệm vụ làm mô hình máy bay để trưng bày và làm quà tặng. Ông nói: “Tôi luôn tâm niệm rằng, mỗi người trong quân đội đều có một nhiệm vụ riêng. Mình là người làm kỹ thuật, chỉ huy tin tưởng giao nhiệm vụ gì cũng sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhất có thể”. Với suy nghĩ như vậy, ông Thành bắt đầu tìm hiểu các công đoạn làm máy bay mô hình để hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao. Đầu tiên, ông Thành phải tìm bản vẽ thiết kế của các loại máy bay để nghiên cứu về tỷ lệ giữa các bộ phận, rồi tìm hiểu thêm về các loại vũ khí mà máy bay đó mang.

Thời điểm đầu tiên, ông Thành làm mô hình bằng mica, nhưng sau này loại mica cỡ lớn không còn được sản xuất nên ông chuyển sang làm mô hình bằng nhôm. Đối với loại mô hình bằng nhôm, đầu tiên ông Thành phải làm khuôn để đúc nhôm. Mỗi loại máy bay là một khuôn riêng. Sau khi phôi nhôm hoàn thành, ông Thành phải tiếp tục gia công nguội, mài dũa, đánh bóng và thêm một vài chi tiết nhỏ không thể đúc được, sau đó mới sơn.

Tùy từng phiên bản máy bay sẽ chọn màu sơn như thế nào, phiên bản bay biển sẽ sơn khác, phiên bản bay lục địa sẽ sơn khác. Vũ khí của các loại máy bay cũng khác nhau nên ông Thành phải tìm hiểu kỹ để làm. Ví dụ như tên lửa không đối hải sơn màu gì, tên lửa không đối không sơn màu gì, rồi tỷ lệ, kích thước với máy bay ra sao, lắp ở vị trí nào..., ông Thành đều phải tìm hiểu. Nói thì nghe đơn giản như vậy, nhưng một mô hình máy bay chiến đấu hoàn chỉnh, ông Thành phải mất 5 ngày để thực hiện.

Món quà đặc biệt

Với hơn 40 năm kinh nghiệm làm máy bay mô hình, ông Thành có thể làm được rất nhiều mẫu máy bay khác nhau như MIG-15, MIG-17, MIG-19, MIG-21, L-29, L-39, Su-22, Su-22 M4, Su-27, Su-30 MK2... Trong các mẫu máy bay này, ông Thành nói mẫu khó làm nhất là Su-22 M4 cánh cụp cánh xòe vì phải làm cánh cụp, xòe như phiên bản thật. Đây là mẫu máy bay cường kích duy nhất của Việt Nam. Trong hơn 40 năm, năm 2011 là năm làm việc hiệu quả nhất của ông Thành. Chỉ tính riêng trong dịp kỷ niệm 45 năm thành lập Nhà máy A32, ông Thành đã làm khoảng gần 300 mô hình máy bay chiến đấu.

Ông Thành sơn hoàn thiện một mô hình L-39

Ông Thành nghỉ hưu năm 2015, nhưng vẫn tiếp tục làm mô hình máy bay. Ông bảo, nó như cái nghiệp gắn vào cuộc đời ông. Sau khi ông nghỉ hưu, có 2 người có thể làm được mô hình máy bay chiến đấu bằng nhôm như ông, nhưng độ sắc nét thì không thể bằng được. Bằng chứng là các đơn hàng vẫn tới tấp gửi về ông.

Ông Thành bên một bộ phôi mô hình máy bay Su-30 MK2

Những chiếc máy bay mô hình do ông Thành làm xuất hiện trong rất nhiều dịp quan trọng của Quân chủng Phòng không - Không quân. Ông Thành kể, mô hình lớn nhất từng làm là mô hình máy bay Su-30MK2 dài 0,8m để Quân chủng Phòng không - Không quân tặng cho Văn phòng Trung ương Đảng. Máy bay mô hình do ông Thành làm còn là quà tặng cho nhiều vị nguyên thủ của Việt Nam và một số nước trên thế giới. Ông Thành bảo, mỗi lần làm xong một mô hình, ông đều thấy rất vui vì đó là tâm huyết của ông, và ông biết những món quà này sẽ được nằm ở những nơi trang trọng, được tặng cho những người quan trọng. “Nghĩ đến đó là tôi thấy vui, dù những người được tặng họ cũng không biết tôi là người làm ra món quà đặc biệt này”, ông Thành chia sẻ.

Thậm chí nhiều phi công từng lái những dòng máy bay chiến đấu cũ như MIG-19, MIG-21... cũng đặt ông làm mô hình với số hiệu của chính chiếc máy bay họ từng lái để chiến đấu, bảo vệ bầu trời Tổ quốc. Đằng sau những cánh bay là bầu trời, là biển cả núi rừng non sông của đất nước. Ông Thành bảo, chiếc máy bay họ từng lái là chứng nhân cho một thời trai trẻ oanh liệt chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Và ông là người giúp họ lưu giữ những tháng năm oanh liệt đó thông qua chiếc máy bay mô hình ông làm.

Thanh Hiếu

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/chuyen-nguoi-lam-mo-hinh-may-bay-chien-dau-559417.html