Chuyện 'người hùng thầm lặng' sau mỗi chuyến xe Grab

Làm việc 24/7, có khi nhịn đói để hỗ trợ đồng nghiệp nhưng những người làm công tác cứu hộ của Grab chưa một lần cảm thấy chán nghề. Với họ, giúp đỡ 'anh em' là một niềm hạnh phúc.

Làm bạn với chiếc xe hơn 15 năm, nhưng anh Trần Vũ Thành (TP.HCM) mới gia nhập đội ngũ tài xế GrabCar khoảng hơn một năm nay. Khi hãng xe công nghệ thành lập đội cứu hộ (2/2018), anh là một trong những người đầu tiên “xung phong” nhận công việc này.

Người đứng sau những sự cố

Đội cứu hộ GrabCar có 86 thành viên, tuy thành lập chưa đầy nửa năm nhưng số sự cố được khắc phục đã lên tới hàng trăm ca. Từ chuyện cỏn con như thủng lốp, tranh chấp đến chập bình ắc quy, chết máy giữa đường… đều có thể được đội cứu hộ giúp xử lý. Bởi vậy, giới tài xế Grab ưu ái gọi họ là “bác sĩ ôtô” hay “người hùng thầm lặng”.

Bản chất của sự cố là đến mà không hẹn trước. Bởi vậy, người làm công việc này luôn phải sẵn sàng cứu hộ bất kể ngày đêm, mưa nắng hay thậm chí là… đói bụng.

“Có khi chuẩn bị nhậu cùng anh em, lái xe gọi mình phải đứng dậy ngay. Nhậu thì lúc nào cũng được nhưng khi người ta gọi nghĩa là họ cần mình”, anh Thành kể.

Đội cứu hộ Grab được thành lập nhằm khắc phục sự cố xảy ra với các chuyến GrabCar.

Theo tài xế 35 tuổi, yếu tố quan trọng nhất của người làm công tác cứu hộ là xác định chính xác vấn đề xảy ra để tìm phương án giải quyết. Anh chia sẻ: “Không phải xe nào cũng giống nhau, xe đời mới lại càng phức tạp, khó chữa nên mình phải chịu khó đọc thêm, tìm tòi cách sửa cho phù hợp. Chỉ một chút sơ sẩy cũng có thể khiến xe bị cháy, nổ”.

Vắng khách, anh lại lên mạng tìm hiểu về các dòng xe. Có khi, anh làm thêm dây nối bình ắc quy rồi bán lại cho tài xế với giá rẻ hơn thị trường, hướng dẫn cách khắc phục sự cố để họ chủ động hơn trên mỗi chuyến đi. Trong group hoạt động của nhóm cứu hộ trên mạng xã hội, các tài xế cũng thường xuyên thảo luận trao đổi để rút kinh nghiệm.

Niềm vui lúc nửa đêm

Nghề nào cũng có nỗi niềm riêng và tài xế cũng không phải ngoại lệ. Theo nghiệp gia đình, anh Thành gắn bó với chiếc vô lăng từ khi 20 tuổi, làm quen với đủ loại phương tiện, từ xe tải, xe du lịch đến xe công nghệ. “Yêu nghề lắm mà cũng có lúc không khỏi chạnh lòng vì ít được tôn trọng, buồn nhất là khi người ta gọi mình: thằng tài xế”, anh Thành chùng giọng.

Người cần cứu hộ liên lạc với đội cứu hộ qua số điện thoại 0904210250 hoặc 0906997090.

Cũng bởi vậy, anh thích làm cứu hộ. Công việc tuy vất vả nhưng luôn cảm thấy vui và được tôn trọng. Anh cho biết: “Làm cứu hộ có cái hay của nó, hay nhất là có cơ hội gặp gỡ nhiều tài xế khác và được họ tôn trọng”.

“Có lần 11h đêm, lái xe gọi hốt hoảng mình cũng phải đi, đến nơi thì ra là GrabBike, không phải trách nhiệm của mình, nhưng gặp người bị nạn đâu có thể làm ngơ? Làm lái xe nên mình hiểu những lúc như vậy họ cần lắm sự giúp đỡ. Vì thế, mình phải khắc phục sự cố càng nhanh càng tốt”, anh kể.

Không như tài xế, nếu phục vụ tốt sẽ được khách hàng đánh giá 5 sao. Nghề cứu hộ vốn chỉ được những người lái xe biết đến. Niềm vui vì thế cũng hóa giản dị. “Mình chữa xe, họ chụp ảnh rồi đăng lên group cảm ơn, vậy là vui rồi”, anh Thành cười.

Cũng theo anh Thành, mỗi lần cứu hộ là một lần giúp bản thân và những đồng nghiệp khác có thêm nhiều kinh nghiệm quý báu - thứ được anh gọi là “không gì quan trọng bằng” khi làm “người hùng thầm lặng”.

Đội cứu hộ GrabCar được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 2/2018. Thành viên của đội nằm rải rác khắp thành phố và được chia nhóm theo quận. Mỗi nhân viên cứu hộ được phát thiết bị riêng để khắc phục sự cố cho các lái xe. Họ liên hệ chủ yếu qua điện thoại di động.

Trong khoảng 4 tháng, đội đã cứu hộ được hàng trăm trường hợp xe gặp sự cố giữa đường. Hiện tại, đội cứu hộ đang hoạt động tại TP.HCM và Hà Nội. Trong thời gian tới, GrabCar sẽ tiếp tục thành lập thêm đội cứu hộ ở Đà Nẵng.

Hà Mỹ Giang

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/chuyen-nguoi-hung-tham-lang-sau-moi-chuyen-xe-grab-post853840.html