Chuyện ngôi làng 'không mái' ngàn năm tuổi ở Iran

Làng Masouleh, nằm sâu trong dãy núi Alborz ở tỉnh Gilan miền Bắc Iran, nổi tiếng với lối kiến trúc nhà cửa Palanga không giống nơi đâu, tất cả ngôi nhà trong làng hoàn toàn là mái bằng và sân của nhà trên là mái của nhà dưới. Do vậy mà nhiều lúc không thể phân biệt được đâu là mái nhà, đâu là đường đi.

Những hình ảnh về ngôi làng Masouleh

Những hình ảnh về ngôi làng Masouleh

Được biết, Masouleh là một ngôi làng thuộc quận Sardar-e Jangal, hạt Fuman, tỉnh Gilan, Iran. Nó nằm cách Rasht khoảng 60km về phía Tây Nam và cách Fooman 35km về phía Tây. Ngôi làng có độ cao 1.050 mét trên mực nước biển ở dãy núi Alborz, gần bờ biển phía Nam của biển Caspian, nhưng độ cao này còn nâng lên hơn 100m bên trong ngôi làng.

Hơn 1000 năm lịch sử

Người dân Masouleh nói tiếng Talesh, một ngôn ngữ ở Tây Bắc Iran được nói ở vùng phía Bắc của Gilan, Ardebil và các khu vực phía Nam của Cộng hòa Azerbaijan.

Khởi nguồn của Masouleh có từ hơn 1000 năm trước, kể từ khi được thành lập khoảng năm 1006 sau Công Nguyên, cách thành phố hiện nay 6km về phía Tây Bắc. Cái tên ban đầu của ngôi làng là Masalar và Khortab hoặc Old-Masouleh. Sau đó, người ta chuyển từ Old-Masouleh đến thành phố hiện tại vì dịch bệnh, các cuộc tấn công từ các cộng đồng lân cận.

Trong nhiều thể kỷ tiếp theo, ngôi làng nằm trên “con đường tơ lụa” của vùng Gilan. Ngôi làng này thời điểm đó phát triển là nhờ có nhiều mỏ sắt, kẽm và thạch anh, từ đó trở thành trung tâm thương mại thịnh vượng nhờ vào ngành công nghiệp đồ sắt. Trong nhiều thế kỷ mọi người từ khắp mới đến khu vực này để giao thương buôn bán. Vào thời trị vì của vua Fathali Qajar, sự tồn tại của các mỏ này đã gây ra những cuộc chiến tàn khốc ở Masouleh.

Những hình ảnh về ngôi làng Masouleh

Hiện tại ngôi làng không được phát triển như trước nữa, thất nghiệp và bệnh dịch khiến nhiều người dời bỏ nơi này. Dân số đã giảm từ nửa sau của thế kỷ 20, từ 3.500 người xuống 900 người vào cuối thế kỷ. Thanh niên đã đi nơi khác lập nghiệp, người dân bắt gặp trong làng hầu như là người già. “Khi còn nhỏ tôi đã từng học ở một trường tiểu học ở đây. Còn bây giờ đến trường tiểu học cũng không còn vì không có học sinh. Những thanh niên trai tráng bắt đầu rời làng đến thành phố để tìm kiếm cơ hội việc làm khác tốt hơn”, một người dân trong làng chia sẻ.

Khí hậu khác biệt

Ngoài việc gần biển, Masouleh nằm ở một vùng núi cao, được xây dựng trên một sườn dốc, tựa lưng vào vách núi có mật độ rừng dày đặc. Bao quanh ngôi làng là những ngọn đồi huyền ảo quanh năm chìm đắm trong sương mù. Từ ngôi làng nhìn ra xa là những cánh rừng, đồng cỏ và núi non xanh biếc.

Không những thế, do có khí hậu ẩm ướt, lượng mưa rơi nhiều sản sinh ra cây cối rậm rạp, từ đó tạo ra rất nhiều thác nước, sông suối nhỏ và suối nước khoáng khiến cảnh quan thiên nhiên của ngôi làng càng trở nên đẹp và bắt mắt. Masouleh-Rudkhan là một con sông chảy qua làng, cách làng 200m. Nhiều suối cũng được tìm thấy xung quanh Masouleh.

Được biết, khác với đất liền chỉ nhận được lượng mưa rất ít và nhanh chóng trở nên khô cằn do vị trí của nó, khí hậu của làng Masouleh khác với phần lớn của Iran. Không khí ấm áp, ẩm ướt thổi từ phía Tây Nam Caspian bị chặn bởi dãy núi Alborz, tạo ra mưa lớn và sương mù ở phía biển của dãy núi. Do vậy, Masouleh được xây dựng trên sườn dốc là để bảo vệ ngôi làng tránh khỏi lũ lụt khi nước tràn về thung lũng, đồng thời để tránh những cơn gió buốt lạnh từ đỉnh núi lùa về.

Lối kiến trúc nhà cửa khác biệt

Khí hậu cũng chính là một phần ảnh hưởng đến lối kiến trúc nhà cửa của Masouleh. Theo đó ngôi làng nổi tiếng được thế giới biết đến là bởi kiến trúc nhà cửa Palanga. Theo lối kiến trúc này, những căn nhà được xây dựng theo dãy bậc thang và nối liền nhau, mái của ngôi nhà phía dưới là sân thượng của ngôi nhà phía trên, thậm chí đây cũng là đường đi và cỏ dại còn có thể mọc trên mái của các ngôi nhà này nữa.

Nguyên liệu xây nhà chủ yếu làm từ đất sét, đá và gỗ. Một lớp lá khô của cây dương xỉ được sử dụng giữa bùn và gỗ cây trong trần để bảo vệ chống lại sự rò rỉ nước vào trong nhà. Những nguyên liệu này được cho là có thể chống chịu lại được khí hậu ẩm ướt với lượng mưa và tuyết là 150cm mỗi năm. Không những thế, mái nhà này còn chịu được sức nặng con người khi đi lại, thậm chí là những cửa hàng nhỏ chạy dọc khắp làng. Ngoài ra, tường nhà thường sẽ được phủ bằng đất sét vàng để nhìn rõ hơn trong sương mù. Trên các khung cửa sổ thường trồng hoa, mang lại vẻ thơ mộng, cổ tích.

Ở giữa những căn nhà này là các bậc thang hẹp, quanh co dẫn đến tầng trên của thành phố. Do lối kiến trúc khá đặc thù vì đường đi nguy hiểm và nhiều cầu thang nên đây là khu định cư duy nhất ở Iran nghiêm cấm xe ô tô và người đi bộ tự do đi lang thang.

Thường một ngôi nhà có hai tầng. Bên trong mỗi ngôi nhà thiết kế một phòng khách nhỏ, phòng khách lớn, phòng mùa đông, WC và ban công. Mặt tiền của mỗi ngôi nhà thường có rất nhiều cửa, từ cửa sổ cho tới cửa lớn. Sở dĩ được thiết kế như vậy do người dân chống chọi lại cái lạnh bằng cách đón ánh nắng mặt trời vào nhà. Ngoài ban công mỗi nhà cũng trồng rất nhiều chậu hoa, tạo cho ngôi nhà một vẻ cổ điển và lãng mạng.

Hầu hết các nhà đều có các phòng được thiết kế đặc biệt cho mùa đông và mùa hè và có một hiên nhỏ trải dài từ phía trước của ngôi nhà. Căn phòng được sử dụng vào mùa đông, được gọi là Sumeh, nằm ở cuối của ngôi nhà, và không cho phép trong ánh sáng nhiều, phần tường cũng được xây dựng dày hơn để ngăn gió và giữ ấm cho căn phòng. Ở giữa phòng là lò sưởi, mà gia đình sử dụng để nấu và sưởi ấm cho cả ngôi nhà.

Vẻ đẹp không nơi nào có

Masouleh có một vẻ đẹp không nơi nào có và giờ đây là nơi nghỉ mát ưa chuộng của người dân Iran ở phía Bắc nhờ khí hậu mát mẻ, độ ẩm cao. Không những thế, khách du lịch tới đây và yêu thích ngôi làng vì nó vẫn giữ nguyên tính lịch sử, truyền thống, phong tục, những loại hình thủ công mỹ nghệ và nhiều di tích lịch sử tự nhiên từ xa xưa để lại.

Được biết, ở Masouleh người dân vẫn làm ra các các sản phẩm truyền thống của mình như: kilim (thảm được làm từ lông dê), Jajim (thảm được làm bằng len hoặc bông), Chamush (giày truyền thống), quần áo, dao và khăn lụa là một số mặt hàng được bán ở chợ. Hay những công trình lâu đời như Nhà thờ Hồi giáo lớn nhất ở Masouleh là Nhà thờ Jameh, nơi mọi người tụ tập để thực hiện những lời cầu nguyện hàng ngày của họ. Một Nhà thờ Hồi giáo khác nữa mang tên Saheb-az-Zaman, có niên đại từ thế kỷ 12 trước Công nguyên.

Ngoài ra còn có một khu chợ chính ở giữa làng, cao bốn tầng với các loại cửa hàng kim khí, tiệm bánh, cửa hàng tạp hóa và cửa hàng bán búp bê dệt kim đầy màu sắc và hàng thủ công khác. Ngoài ra còn có các quán trà, cà phê, những cửa hàng bán bánh truyền thống và các món mì phục vụ dân làng và khách du lịch.

Gần đây, Masouleh đang phát triển thành điểm đến du lịch nổi tiếng. Danh sách di sản quốc gia của Iran vào năm 1975 và hiện ngôi làng cũng đang được UNESCO xem xét để đưa vào danh sách Di sản Văn hóa thế giới.../.

Mến Thương (Tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/du-lich/chuyen-ngoi-lang-khong-mai-ngan-nam-tuoi-o-iran-371716.html