Chuyên nghiệp nhìn từ Phan Văn Đức

Ít ngày sau khi Sông Lam Nghệ An (SLNA) được đồn đoán là có nhà tài trợ mới, họ giữ chân thành công ngôi sao số một Phan Văn Đức bằng hợp đồng 3 năm.

 Phan Văn Đức chính thức ký hợp đồng mới có thời hạn 3 năm. Ảnh: SLNA.

Phan Văn Đức chính thức ký hợp đồng mới có thời hạn 3 năm. Ảnh: SLNA.

Trước khi Phan Văn Đức gia hạn với SLNA, nhiều tuyển thủ quốc gia khác cũng trong diện sắp thành người tự do, như trung vệ Bùi Tiến Dũng, Đỗ Duy Mạnh...

Tuy nhiên, tiền đạo quê Nghệ An được chú ý hơn cả, bởi anh là một cầu thủ tấn công, đang trong độ chín sự nghiệp, và xuất thân từ lò có truyền thống "bán lúa non".

Những con số cụ thể của hợp đồng giữa đôi bên không được tiết lộ. Giới thạo tin đồn đoán là vào khoảng 10 tỷ lót tay cho 3 năm hợp đồng. Nghĩa là trung bình mỗi ngày, dù không ra sân, tiền đạo sinh năm 1996 vẫn đút túi đều đặn 10 triệu đồng. Đó là một con số lớn, nếu xét trên mặt bằng chung là các đội V-League phải thắt lưng buộc bụng vì Covid-19.

Nhưng cái khiến người hâm mộ ngỡ ngàng hơn, khi chứng kiến cách SLNA gia hạn với trụ cột nằm ở chuyện Văn Đức sắp thành cầu thủ tự do.

Nhìn lại hơn 20 năm V-League lên chuyên nghiệp, khái niệm "chuyển nhượng" hầu như không tồn tại. Những hợp đồng đắt giá nhất, như khi Công Vinh sang Hà Nội T&T hay sau đó là CLB Hà Nội, cũng ở dạng chuyển nhượng tự do. Nghĩa là một VĐV thể thao tự tìm công ty mới, sau khi hết trách nhiệm với bến đỗ cũ.

Số tiền khủng, lên tới 14, 15 tỷ của Công Vinh ngày ấy, thực chất là phí lót tay - thứ các cầu thủ chuyên nghiệp trên thế giới vẫn nhận cùng phí hoa hồng của người môi giới. Còn phí chuyển nhượng từ đội A sang đội B là điều gần như không có tại bóng đá Việt Nam dù đang là năm 2021. Trong khi, đấy mới là vấn đề chính được bóng đá thế giới soi mói khi xem ai là người đắt giá nhất.

Về cơ bản, tại Việt Nam, bóng đá vẫn còn mang tư tưởng bao cấp. Nó thể hiện từ cách địa phương, hoặc một ông bầu nào đó bỏ tiền túi nuôi đội. Ngoài ra là cách một cầu thủ tìm đội bóng mới. Tất cả hầu như được thực hiện qua giao dịch dân sự, nghĩa là một cầu thủ sắp hết hạn hợp đồng và chuyển công việc mới. Đội bóng cũ không nhận được bất cứ khoản phí nào, ngoại trừ trường hợp họ là nơi đào tạo ra cầu thủ ấy.

20 năm, bóng đá nội chỉ có đúng một vụ chuyển nhượng gây ồn ào và tốn nhiều giấy mực, ấy là khi cựu cầu thủ Minh Phương chuyển từ Cảng Sài Gòn về Long An. Lúc ấy, đội bóng Sài Gòn nhận được 400 triệu, sau nhiều phen tranh cãi kéo dài.

Về sau này, chỉ có đúng một đội V-League có ý định "lên chuyên nghiệp" qua sàn chuyển nhượng là Hải Phòng. Một lãnh đạo ở đây từng trực tiếp thay mặt đội đi giao dịch quốc tế, bằng cách trả tiền trực tiếp cho đội bóng mà cầu thủ Hải Phòng muốn mua.

Phan Văn Đức là một cầu thủ có tài, và biết lựa đúng thời điểm để hưởng niềm vui chung cùng đội bóng anh khoác áo từ nhỏ. Nhưng nếu đặt tình huống ngược lại, SLNA không có Mạnh Thường Quân đỡ đầu, mọi chuyện sẽ ra sao?

Những va chạm như của Minh Phương với Cảng Sài Gòn liệu có lại xảy ra?

Phúc Nguyên

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/chuyen-nghiep-nhin-tu-phan-van-duc-d291508.html