Chuyện nghề bây giờ mới kể

Tôi bước vào nghề báo nhờ một cơ duyên tình cờ. Ngày ấy, nếu không có lời động viên của người thầy văn chương là cố nhà văn Tuấn Vinh và sự tạo điều kiện của Ban biên tập báo Pháp luật & Xã hội, những bài viết của tôi sẽ không có cơ hội đến với bạn đọc.

Đến bây giờ, dù đã có rất nhiều bài viết được đăng, nhưng trong tôi vẫn vẹn nguyên cảm xúc của ngày đầu tiên có bài in trên báo Pháp luật & Xã hội, một tờ báo chính thống có uy tín. Hôm đó, tôi đến tòa soạn thật sớm, run run lần giở trang báo còn thơm mùi mực. Và...cảm xúc vui sướng vỡ òa khi thấy bài viết của mình được đăng ở chuyên mục “Văn hóa thăng long” với tựa đề “Thật may” do cố nhà văn Tuấn Vinh đặt tít giùm.

Có một điều khá thú vị, công tác ở tờ báo Pháp luật & Xã hội nhưng tôi chuyên viết những bài nhẹ nhàng, lãng mạn về Hà Nội. Dường như, giữa những tin bài về các vụ án và vấn đề thời sự nóng bỏng, chuyên mục “Văn hóa Thăng long” như một làn gió nhẹ nhàng khiến hồn ta chợt an nhiên, lắng dịu. Thời gian trôi, những bài viết về Hà Nội của tôi đều đặn xuất hiện trên cả báo giấy và báo điện tử. Và đến một ngày, tôi thực sự hạnh phúc khi được Ban biên tập giao phụ trách chuyên mục “Văn hóa Thăng long”.

Tác giả trong một lần đi công tác tại Trung tâm Bảo trợ xã hội 4. Ảnh: Khánh Huy

Tác giả trong một lần đi công tác tại Trung tâm Bảo trợ xã hội 4. Ảnh: Khánh Huy

Để có được những bài viết chạm đến cảm xúc của bạn đọc, đôi khi ý tưởng không phải của tôi mà đến từ đồng nghiệp, bạn bè, người thân. Có buổi sáng mùa xuân, một bạn PV nhắn cho tôi: “Sớm nay đi làm, em thấy có hoa bưởi trên phố và tự nhiên nhớ đến chị. Có lẽ phải nắm ngay lấy cái “thời trân” này chứ chị nhỉ?”. Ngày đông lạnh, tôi chợt thấy lòng ấm áp khi đọc dòng tin nhắn của bạn đọc: “Chị ạ, hình như chị sinh ra để viết về Hà Nội. Em thích giọng văn của chị”. Một bạn biên tập viên trước khi chia tay nhận nhiệm vụ mới đã nói rằng: “Chị nhớ viết đều cho trơn bút nhé. Em luôn dõi theo các bài viết của chị”.

Viết về Hà Nội nên tôi luôn chú tâm tìm hiểu kỹ nếp sống, ẩm thực của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Tôi thường xuyên chia sẻ các bài viết của mình trong các nhóm trên mạng xã hội như “Hà Nội trong tim tôi”, “Bạn bè yêu Hà Nội”... và nhận được sự đón nhận, yêu mến của bạn đọc gần xa. Những người có cùng tình yêu với Hà Nội đã góp ý, cung cấp thêm nhiều tư liệu quý để các bài viết của tôi được tốt hơn.

Không chỉ viết về Hà Nội, tôi còn tìm hiểu và viết về phong tục tập quán, các di tích lịch sử ở nhiều địa phương. Mỗi chuyến đi thâm nhập thực tế cho tôi khá nhiều trải nghiệm thú vị về các nền văn hóa với bề dày lịch sử của mỗi miền đất khác nhau. Để có bài viết chất lượng, các bậc cao niên đã cho tôi tiếp cận với những cuốn sách cổ, tư liệu quý được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Tôi cũng thật sự hạnh phúc khi chứng kiến nụ cười, ánh mắt rạng rỡ của những đứa trẻ, phận đời kém may mắn tại các địa điểm đoàn báo Pháp luật & Xã hội tới làm từ thiện.

Cùng với sự phát triển của dòng chảy báo chí, báo Pháp luật & Xã hội xây dựng mảng báo hình để kịp thời phản ánh các vấn đề “nóng” của xã hội. Làm báo giấy và báo điện tử đã khó, báo hình là một lĩnh vực mới đòi hỏi mỗi thành viên đều phải cố gắng hơn nữa.

Có lần, tôi được giao làm clip đề tài về đồ chơi dân gian Trung thu cho trẻ em. Xây dựng kịch bản kỹ đến từng chi tiết, tôi đưa trưởng phòng Thư ký tòa soạn duyệt. Sau khi xem xét và cân nhắc, trưởng phòng Thư ký tòa soạn yêu cầu làm lại kịch bản vì có một sự kiện lớn sẽ diễn ra vào sáng hôm sau. Tôi lập tức “bẻ lái” kịch bản theo hướng mới. Được trưởng phòng thông qua kịch bản, tôi thu âm lại lời bình, tập dượt lại lời dẫn tới tận đêm khuya. Đây là lần đầu tiên tôi dẫn tại hiện trường nên có đôi chút lúng túng. Nhưng rất may, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ khi nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của ê-kíp sản xuất clip. Sau khi lên hình, chúng tôi cùng nhìn lại những điểm còn chưa tốt, đón nhận phản hồi, góp ý từ người xem để rút kinh nghiệm.

Sau lần đầu “lên sóng”, tôi nhận ra rằng, việc dẫn trực tiếp tại hiện trường đòi hỏi nhiều kỹ năng khác với viết bài. Tôi đã phải dành thời gian đi học, trau dồi thêm kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực này. Chính điều đó đã giúp tôi trưởng thành hơn trong nghề báo và phát triển kỹ năng bản thân.

Tôi luôn thầm cảm ơn sự kỳ diệu của cơ duyên đã cho mình cơ hội được làm báo. Cảm ơn ân tình ấm áp của Ban biên tập, cố nhà văn Tuấn Vinh và những đồng nghiệp dành cho tôi.

Vâng, nếu không có ngôi nhà báo Pháp luật & Xã hội và bạn đọc thân thương, sẽ không có “Vy Anh Hà Nội” ngày hôm nay.

Vy Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chuyen-nghe-bay-gio-moi-ke-198238.html