'Chuyện ngày xưa ở... Hollywood' - kho báu thách thức số đông khán giả

Bộ phim mới của Quentin Tarantino không hề dễ xem với số đông khi cài cắm rất nhiều chi tiết liên quan tới lịch sử Hollywood, cùng phong cách làm phim của đạo diễn quái kiệt.

Trailer bộ phim 'Chuyện ngày xưa ở... Hollywood' Bộ phim mới của đạo diễn Quentin Tarantino với sự góp mặt của bộ đôi Leonardo DiCaprio - Brad Pitt.

Thể loại: Tâm lý
Đạo diễn: Quentin Tarantino
Diễn viên chính: Leonardo DiCaprio, Brad Pitt, Margot Robbie
Zing.vn đánh giá: 8/10

Câu chuyện về Hollywood tại thời khắc thay đổi

Thập niên 1950 và đầu những năm 1960, điện ảnh và truyền hình Mỹ vẫn là thế giới của những ngôi sao Hollywood “kiểu cũ”. Đó là các diễn viên có vẻ đẹp cổ điển rất sáng màn hình, phù hợp với kiểu vai diễn người hùng màn bạc, nhưng thường có khả năng diễn xuất hạn hẹp và luôn xuất hiện “trăm vai như một” từ tác phẩm này qua tác phẩm khác.

Một ngôi sao tiêu biểu như thế của Hollywood là Rick Dalton (Leonardo DiCaprio). Tuy trùng họ với một băng đảng cướp khét tiếng đầu thế kỷ XX tại Mỹ, nhưng Rick khiến người xem từ trẻ đến già phải mê đắm với hình ảnh tay súng chuyên săn tội phạm bị truy nã để lĩnh thưởng trong series truyền hình Bounty Law.

Những năm tháng danh vọng ấy không chỉ giúp Rick có đủ tiền sở hữu dinh thự rộng lớn trên ngọn đồi nhà giàu nhìn xuống Los Angeles, mà còn đưa anh đến với người bạn, người cộng sự thân thiết Cliff Booth (Brad Pitt) - chàng cựu binh với quá khứ bí hiểm luôn sẵn sàng “hứng đạn” cho Rick trên phim trường trong vai trò đóng thế, và cả ngoài đời trong vai trò tài xế, kiêm bạn tâm giao, kiêm vệ sĩ.

Once Upon a Time... in Hollywood là bộ phim thứ 9 trong sự nghiệp đạo diễn Quentin Tarantino.

Once Upon a Time... in Hollywood là bộ phim thứ 9 trong sự nghiệp đạo diễn Quentin Tarantino.

Chìm ngập trong khói thuốc và ánh hào quang tưởng chừng không bao giờ tắt, có lẽ Rick không nhận ra rằng xã hội vẫn ngày một đổi thay, và Hollywood cũng không nằm ngoài vòng quay đó.

Thay thế kiểu ngôi sao chỉ biết diễn cương, chỉ biết áp đặt hình ảnh rất riêng của họ lên màn ảnh như anh là thế hệ diễn viên lao động hết sức để nhập vai (method acting), để biến mất trong vai diễn như cô bé Trudi Fraser (Julia Butters) - bạn diễn nhỏ tuổi của Rick trong loạt phim cao bồi kiểu mới Lancer.

Những diễn viên nhập vai xuất sắc, cùng các đạo diễn mới nổi với các đề tài mang đậm tính xã hội như Roman Polanski (Rafał Zawierucha) - hàng xóm của Rick trong một dinh thự nguy nga - chính là làn sóng mới đã thổi hơi thở hiện đại, trẻ trung vào Hollywood, biến Hollywood kinh điển mà Rick hết mực yêu quý thành Hollywood Mới (New Hollywood).

“Hollywood Mới” không có chỗ cho những diễn viên một màu. Bởi thế, người hùng màn bạc Rick Dalton dần phải làm quen với kiểu vai phản diện, “làm nền” cho các ngôi sao mới trẻ trung hơn, biết diễn xuất hơn như James Stacy (Timothy Olyphant) - người hùng trung tâm của Lancer.

Kéo theo đó, Cliff Booth cũng không còn nhiều cơ hội trong các vai đóng thế, nhất là khi anh có một quá khứ khiến nhiều người e ngại, cũng như từng gây rắc rối trên phim trường khi “cả gan” chê bai và gây sự với ngôi sao võ thuật được công chúng yêu thích bậc nhất khi ấy là Lý Tiểu Long (Mike Moh).

Rick Dalton và Cliff Booth là những người đang dần hết thời tại Hollywood.

Mất đi vinh quang và những vai diễn, niềm hy vọng duy nhất còn lại của Rick là sự ủng hộ từ những người yêu phim cũ như nhà sản xuất Marvin Schwarz (Al Pacino). Ông luôn động viên Rick hãy sang Roma để thử sức với dòng phim cao bồi “kiểu Ý” (Spaghetti Western).

Chưa từng mơ tới ngày sự nghiệp và cuộc sống lụi tàn theo sự đổi thay của xã hội và Hollywood, Rick và Cliff cũng không thể ngờ rằng cuộc sống của cả hai sẽ lại bị đảo lộn một lần nữa bởi sự xuất hiện của gia đình người hàng xóm mới Roman Polanski và Sharon Tate (Margot Robbie).

Khu phố yên tĩnh nơi Rick trú ngụ bao năm nay bỗng trở nên náo nhiệt nhờ sự nổi tiếng của chính đôi vợ chồng: một là đạo diễn đang lên với tác phẩm kinh dị gây tiếng vang Rosemary’s Baby, một là gương mặt trẻ đẹp của những bộ phim gây xôn xao dư luận như Valley of the Dolls hay The Wrecking Crew.

Danh tiếng đôi khi cũng kéo theo rắc rối, khi căn hộ của Polanski và Tate lọt vào tầm ngắm của nhóm dị giáo do Charles Manson (Damon Herriman) cầm đầu. Những tín đồ của Manson như “Squeaky” Fromme (Dakota Fanning), như “Tex” Watson (Austin Butler), như “Pussycat” (Margaret Qualley) tôn thờ lối sống từ bỏ vật chất tới mức sẵn sàng lục rác kiếm ăn qua ngày, hoặc sống chung trong những căn hộ chật chội, bẩn thỉu tại trang trại kiêm phim trường bỏ hoang của ông lão mù George Spahn (Bruce Dern).

Với lối sống đó, “Gia đình Manson” thù ghét những người giàu có, thành công như vợ chồng Polanski - Tate. Liệu Rick và Cliff có bị “vạ lây” bởi lý tưởng quái đản của “Gia đình Manson”, hay không cần tới sự xuất hiện của đám hippie thì cuộc sống của bộ đôi cũng mờ dần trong bóng tối của một Hollywood cũ đang đi vào dĩ vãng?

Một kho báu thách thức khán giả đại chúng

Nếu chỉ dựa trên những cái tên nhân vật của Once Upon a Time in Hollywood, hẳn nhiều khán giả cũng đoán ra rằng với tác phẩm mới nhất, đạo diễn Quentin Tarantino muốn quay lại với đề tài “viết lại lịch sử” sau Inglourious Basterds (2009) - bộ phim giả tưởng về vụ ám sát thành công Hitler, vàDjango Unchained(2012) - tác phẩm đưa người da đen từ vị thế bị áp bức trong xã hội vẫn còn nạn nô lệ ở miền Nam nước Mỹ thành anh hùng mã thượng kiểu cao bồi Viễn Tây

VớiOnce Upon a Time… in Hollywood, câu chuyện Tarantino muốn viết lại gần hơn với hiện tại: đó là vụ thảm sát Sharon Tate và những người bạn của bà tại ngôi biệt thự số 10050 đường Cielo do những tín đồ của Charles Manson gây ra hồi tháng 8/1969.

Once Upon a Time... in Hollywood mang nhiều nét đặc trưng làm phim của Quentin Tarantino.

Nhưng cũng như Inglourious BasterdsDjango Unchained, bộ phim mới không chỉ là “một sự kiện lịch sử viết lại”, mà còn là một lát cắt về quá khứ được nhìn qua lăng kính của người nghệ sĩ hết mực yêu điện ảnh.

Trung thành với phong cách “thập cẩm” kể từ những tác phẩm thời kỳ đầu như Pulp Fiction (1994) hay Kill Bill (2003-2004), Tarantino lồng vào bộ phim mới rất nhiều cách thể hiện, rất nhiều chi tiết gợi nhớ đến những dòng phim trong quá khứ.

Đó là hình ảnh những chàng cao bồi “kiểu cũ” trong các phim của John Ford, đó là những câu thoại và bộ phim “giả tưởng” nhắc nhớ đến bộ ba phim cao bồi kiểu Italy của Sergio Leone, đó là những thước phim và thậm chí là bóng dáng của các ngôi sao tóc ngắn “kiểu Kim Novak” làm khán giả nghĩ ngay đến dòng phim kinh dị - giật gân của Alfred Hitchcock và Roman Polanski. Và tất nhiên không thể không kể tới hình ảnh đã đi vào huyền thoại của Lý Tiểu Long cùng chuỗi tác phẩm võ thuật đã làm cả Hollywood mê đắm.

Có lẽ sẽ phải mất tới vài trang giấy chỉ để liệt kê những chi tiết liên quan đến lịch sử điện ảnh trong Once Upon a Time… in Hollywood. Tarantino thực hiện tác phẩm dường như là để chia sẻ với khán giả tình yêu vô hạn của bản thân với điện ảnh, với lịch sử điện ảnh, với lịch sử Hollywood.

Bởi vậy, với những tín đồ của điện ảnh, chắc chắn rằng Once Upon a Time… in Hollywood là một kho báu để họ có thể khám phá từng khung hình, từng câu thoại nhằm tìm lại dấu ấn của Hollywood trong quá khứ, để thấy được Hollywood và xã hội nước Mỹ trong buổi giao thời cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970 được phản chiếu lên màn ảnh ra sao.

Nhịp độ chậm rãi và việc chứa đựng nhiều lời thoại khiến tác phẩm không hề dễ theo dõi.

Vô số chi tiết ẩn dụ điểm xuyết từ đầu đến cuối phim có thể là điểm cộng với các “con mọt” điện ảnh. Nhưng với số đông công chúng muốn tìm kiếm giờ phút thư giãn, không phải ai cũng có thể tận hưởng nửa đầu của Once Upon a Time… in Hollywood bởi nhịp độ chậm rãi, không có quá nhiều sự kiện nổi bật hay các trường đoạn hành động, đối thoại ngẫu hứng vốn thường được Quentin Tarantino rải đều trong phim.

Đặc biệt, với những khán giả bên ngoài nước Mỹ, không thực sự quan tâm tới lịch sử nước Mỹ trong giai đoạn rất nhiều biến chuyển những năm 1960-1970, thì nửa đầu phim thậm chí còn có thể nhàm chán, với quá nhiều góc máy đặc tả “kiểu Tarantino”, đặc biệt là các cảnh quay lấy tâm điểm là … bàn chân nhân vật.

Phần lời thoại nhiều ẩn dụ đặc trưng

Một điểm tạo nên sự khác biệt cho phong cách làm phim của Tarantino là việc các bộ phim của ông chứa đựng phần thoại cực kỳ xuất sắc, với những cuộc đối thoại dí dỏm, lý thú nếu đặt trong bối cảnh riêng, đồng thời mang tính dẫn dắt, ẩn dụ, kết nối các phân đoạn, các nhân vật tưởng chừng chẳng hề liên quan.

Trong Once Upon a Time… in Hollywood, người xem sẽ bắt gặp rất nhiều câu thoại như vậy, để rồi đi từ việc gật đầu tán thưởng với lời thoại nhắc nhớ đến các bộ phim nổi tiếng như Rosemary’s Baby tới chỗ phải “ngã ngửa” vì ngạc nhiên khi thấy Quentin Tarantino kết nối những câu nói tưởng chừng bâng quơ thành trường đoạn quan trọng trong phim.

Nhiều mặt trái của Hollywood được khéo léo phơi bày qua phần lời thoại của bộ phim.

Cũng chính qua những câu thoại “vô thưởng vô phạt” nhưng thực ra hết sức ý nhị đó, Tarantino đã minh họa được một Hollywood nói riêng và xã hội nước Mỹ nói chung trong những năm còn tồn tại rất nhiều mâu thuẫn, rất nhiều xung đột tiềm ẩn, nơi các diễn viên da trắng vẫn phân biệt chủng tộc một cách thậm tệ với người da màu, người Mexico, nơi trẻ con lớn lên cùng những bộ phim đầy ắp các cảnh quay bạo lực hay khói thuốc lá.

Tuy là lá thư ngỏ lời yêu quý đến Hollywood của quá khứ, nhưng qua những câu thoại do chính tay mình viết nên, Quentin Tarantino còn ngầm chỉ trích, châm biếm những mặt trái của Hollywood như vết nhơ lạm dụng tình dục trẻ em của chính Roman Polanski, sự gian dối của những ngôi sao sẵn sàng quảng cáo thuốc lá dù biết thứ sản phẩm độc hại đang hủy hoại sức khỏe chính họ, và thậm chí là hành xử có phần hợm hĩnh trên phim trường của các tên tuổi lớn.

Tranh cãi về Lý Tiểu Long

Xuyên suốt tác phẩm, Quentin Tarantino động chạm tới đủ khía cạnh của Hollywood qua cách nhìn, quan điểm của ông mà chẳng loại trừ bất cứ ai, bất cứ chủ đề nào, dù đó là những huyền thoại được nhiều người trân trọng như Lý Tiểu Long.

Chính phân đoạn mô tả Lý Tiểu Long trên phim trường đã gây nên tranh cãi lớn nhất trong một tác phẩm đề cập tới tội ác gây chấn động nhất ở Hollywood.

Trường đoạn liên quan tới Lý Tiểu Long trong phim đang gây ra rất nhiều tranh cãi.

Với những người tôn thờ ngôi sao võ thuật họ Lý hay người thân của ông như con gái Lý Hương Ngưng, Quentin Tarantino đã cố tình xúc phạm, hiểu sai hình ảnh nam diễn viên quá cố. Về phần mình, Tarantino lại cho rằng ông chỉ mô tả đúng những gì từng được đọc, được nghe về Lý Tiểu Long để vẽ nên bức tranh Hollywood trong quá khứ.

Bên nào cũng có lý của họ, nhưng với người yêu điện ảnh, những tranh cãi đó chỉ càng nói nên một điều rằng Once Upon a Time… in Hollywood đã thực sự chạm tới những gì được coi là mang tính đại diện về thời dĩ vãng của Hollywood.

Ở thời buổi phim “tiền truyện - hậu truyện”, thời buổi phim siêu anh hùng, thời buổi “phim làm lại”, chẳng mấy ai dám bỏ trí tuệ, công sức, và thời gian để tạo nên một tác phẩm chỉn chu, nguyên gốc như Quentin Tarantino.

Vai diễn đỉnh cao mới của Leonardo DiCaprio

Một điểm sáng không thể không nhắc tới của bộ phim là diễn xuất xuất sắc của Leonardo DiCaprio. Hoàn toàn khác với sự nham hiểm của tay chủ nô miền Nam Calvin J. Candie trong Django Unchained, Rick Dalton của DiCaprio là hình ảnh một ngôi sao điện ảnh sắp hết thời, với cách nhìn đời đầy bi quan sau những trải nghiệm tại Hollywood.

Once Upon a Time... in Hollywood cho thấy Leonardo DiCaprio không hề ngủ quên sau chiến thắng đầu tiên tại Oscar trong sự nghiệp với The Revenant (2015).

Với tài năng của mình, DiCaprio đã đem tới cho khán giả một Rick Dalton với rất nhiều cung bậc cảm xúc, với cách phản ứng hết sức khác nhau trước thực tại khắc nghiệt của một ngôi sao hết thời.

Số phận của Rick Dalton vừa là bi kịch của một nhân tố chậm thay đổi khi làn sóng “Hollywood Mới” ập tới, vừa là câu chuyện lãng mạn pha chút hài hước của một tâm hồn luôn yêu điện ảnh, luôn hết mình vì điện ảnh, luôn muốn sống mãi trong bầu không khí của một Hollywood-vị-nghệ-thuật.

Chưa phải là một tác phẩm hoàn hảo, nhưng khó ai có thể phủ nhận rằng Once Upon a Time… in Hollywood là lá thư chân thành và đặc sắc của Quentin Tarantino gửi tới khán giả nhằm chia sẻ tình yêu của ông với điện ảnh nói chung và với Hollywood ở buổi giao thời giữa làn sóng cũ và làn sóng mới nói riêng.

Tarantino đã nhiều lần khẳng định rằng mình sẽ chỉ làm 10 phim trước khi “rửa tay gác kiếm”. Do đó, với dự án áp chót, ông thực sự muốn dựng nên một tác phẩm riêng cho bản thân, bất chấp việc dự án đó có chứa đựng quá nhiều chi tiết ẩn dụ và nhịp phim tương đối thiếu hấp dẫn với người xem đại chúng.

Nhưng với rất nhiều người đã chia sẻ tình yêu điện ảnh với Quentin Tarantino trong suốt mấy thập kỷ vừa qua, chắc chắn họ sẽ cảm nhận được câu chuyện cổ tích-mà-không phải là cổ tích trong Once Upon a Time… in Hollywood.

Việt Phương
Ảnh: Sony

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/chuyen-ngay-xua-o-hollywood-kho-bau-thach-thuc-so-dong-khan-gia-post980784.html