Chuyển nam phi công mắc Covid-19 sang Bệnh viện Chợ Rẫy

Sau hơn 2 tháng điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, chiều 22/5, bệnh nhân 91 (nam phi công người Anh) được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy.

Di chuyển bệnh nhân 91 cùng hệ thống máy móc về BV Chợ Rẫy Bệnh nhân 91 di chuyển cùng với hệ thống máy móc lọc máu, thiết bị ECMO. Bệnh viện Chợ Rẫy đã phân luồng các lối đi trước khi tiếp nhận bệnh nhân.

18h ngày 22/5, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM điều hai xe cứu thương cùng lực lượng y bác sĩ trong trang phục bảo hộ đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận bệnh nhân 91 (nam phi công, 43 tuổi). Trước đó, hai bệnh viện đã hội chẩn thống nhất phương án di chuyển bệnh nhân đảm bảo an toàn nhất theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Bệnh nhân 91 phải di chuyển cùng với hệ thống máy móc lọc máu, thiết bị ECMO. Trước đó, lực lượng bảo vệ, kiểm soát nhiễm khuẩn tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã phân luồng các lối đi. Nam phi công được đẩy lên khoa Hồi sức tích cực (ICU) theo lối riêng biệt.

Hơn 15 ngày qua, bệnh nhân 91 đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Tiểu Ban điều Điều trị, kết luận Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã hoàn thành sứ mệnh khi điều trị bệnh nhân 91 không còn virus SAR-COV-2.

Bệnh nhân chưa đủ kiện điều kiện ghép phổi nên được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị tích cực. Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế sẽ xem xét, tính toán các phương án điều trị tiếp theo, xem xét lại chỉ định ghép phổi.

 Bệnh nhân 91 được chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: B.Huệ.

Bệnh nhân 91 được chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: B.Huệ.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Hội đồng chuyên môn sẽ xây dựng chiến lược điều trị nội khoa và ngoại khoa. Khi tình trạng phổi của bệnh nhân được cải thiện, tình trạng nhiễm trùng được hạn chế thấp nhất, Hội đồng chuyên môn sẽ xem xét phương án điều trị ngoại khoa như ghép phổi, ghép thận…

Hiện tại, tình trạng nhiễm trùng đã được khống chế ổn định bằng kháng sinh đặc hiệu. Phổi tiến triển tốt, bệnh nhân đang bắt đầu tập thở để có thể cai ECMO.

Đây là bệnh nhân Covid-19 nặng nhất, diễn biến sức khỏe rất thất thường. Bệnh nhân xác định dương tính ngày 18/3, suy hô hấp tăng dần, diễn tiến ngày càng xấu dù mới 43 tuổi và không bệnh nền. Phổi đông đặc, mẫu bệnh phẩm nhiều lần âm tính rồi dương tính trở lại.

Ngày 18/5, kết quả CT Scan lần thứ 2 cho thấy phổi bệnh nhân hồi phục 20-30%. Bệnh nhân vẫn phải lệ thuộc hoàn toàn vào ECMO. Ghép phổi là giải pháp duy nhất còn hy vọng cứu sống bệnh nhân nếu tình trạng phổi không phục hồi. Do đó, các bác sĩ cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để ghép phổi trong trường hợp bắt buộc phải ghép.

Hiện tại, chi phí điều trị cho nam phi công khoảng 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, hãng bảo hiểm của bệnh nhân vẫn chưa chi trả chi phí này. Thời hạn kết thúc hợp đồng bảo hiểm của trường hợp này là 1/6.

Bên trong nơi giành giật sự sống cho bệnh nhân 19 Từng ngừng tim, tưởng chừng ra đi, hiện tại, bệnh nhân số 19 đã có thể nói chuyện, ăn cơm. Đó là sự hồi phục kỳ diệu của nữ bệnh nhân mắc Covid-19.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-nam-phi-cong-mac-covid-19-sang-benh-vien-cho-ray-post1086440.html