Chuyện mỹ nam ở màn ảnh: Hàn Quốc tô hồng hay phim Việt ưa sở khanh?

Trong nỗ lực chuyển mình, màn ảnh Việt đã có loạt phim được yêu thích. Nhưng tại sao chưa có được các nam chính gây thương nhớ như trong 'Hạ cánh nơi anh' hay 'Tầng lớp Itaewon'?

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, phim Hàn Quốc đã có dấu ấn mạnh mẽ khắp châu Á, đi đến đâu cũng để lại những vai nam chính khiến hàng nghìn khán giả nữ ở nhiều quốc gia khác, chao đảo, "quay cuồng". Từ thời đó, những ông hoàng dẫn đầu làn sóng Hallyu (làn sóng Hàn lưu) như Bae Yong Joon, Won Bin, Song Seung Hun, Ahn Jae Wook, Jang Dong Gun... làm tan chảy cả một thế hệ khán giả châu Á.

Đầu năm 2020, dấu ấn mạnh mẽ của phim Hàn tiếp tục càn quét với những cái tên như Hạ cánh nơi anh, Tầng lớp Itaewon, Kingdom, Hyena… Sau mỗi dự án, những vai nam chính đều gây thương nhớ với những "chất" rất riêng. Đó là sự mạnh mẽ, nam tính của Hyun Bin, là mái tóc ngố tàu và cá tính mạnh của Park Seo Joon, là sự quyết liệt của "thái tử" Joo Ji Hoon... Khi phim Hạ cánh nơi anh hay Tầng lớp Itaewon lên sóng, Facebook mỗi ngày đều ngập tràn hình ảnh các nam chính. Khán giả những ngày ở nhà tránh dịch còn tìm phim cũ của những diễn viên này "cày" lại.

Công thức xây dựng hình ảnh chuẩn "soái ca" cho các nam chính luôn là một trong những thành công vang dội của nền công nghiệp phim ảnh xứ Hàn.

Sự đón nhận dành cho những nam chính của Hạ cánh nơi anh hay Tầng lớp Itaewon cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi về chất lượng nam chính trên phim Việt hiện nay. Và sự thiếu vắng của những mỹ nam gây chao đảo trên màn ảnh Việt có thể được lý giải như thế nào?

 Mạnh Trường và Huỳnh Anh trong phim Cả một đời ân oán.

Mạnh Trường và Huỳnh Anh trong phim Cả một đời ân oán.

Nam chính phim Việt chưa đủ đẹp như chuẩn mực

Theo dõi những phim truyền hình của Hàn Quốc, đẹp không phải là tất cả nhưng là cơ sở cho những vai diễn gây bão. Tất cả nam chính trong những tác phẩm được yêu thích của xứ sở kim chi đều đẹp, thậm chí là đẹp lộng lẫy.

Nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ phim truyền hình Việt chưa thể có được một nam chính gây nức lòng khán giả vì “nhân vật chưa đủ đẹp và ấn tượng”. Trao đổi với Zing, biên kịch Đặng Thiếu Ngân đồng tình với nhận định trên dù không khẳng định đó là một yếu tố then chốt.

“Màn ảnh Việt Nam từng có một Nguyễn Thành Luân quá xuất sắc. Nhưng cho đến nay, đúng là chúng ta chưa có được những nam chính gây thương nhớ "điên đảo" như phim Hàn, là bởi, sự đầu tư cho phim ảnh của chúng ta cũng mới bắt đầu”, nữ biên kịch đưa ý kiến.

Biên kịch của Sống chung với mẹ chồng cũng chỉ ra yếu tố quan trọng là đất nước Hàn Quốc có sự phát triển mạnh về mọi mặt trước Việt Nam khoảng 20 năm, nên từ yếu tố sức khỏe, chiều cao trung bình, khả năng hội nhập... gọi chung là điều kiện cần và đủ, Hàn Quốc đều đi trước.

“Theo tôi, cứ đợi thời gian nữa đi, tôi nghĩ thanh niên Việt Nam cũng sẽ đồng đều cao trên 1.8m, biết chơi nhiều nhạc cụ, giỏi nhiều môn thể thao và quan trọng, khí chất, phong cách cũng sẽ tiến bộ rất nhiều”, biên kịch nói thêm.

Nhiều ý kiến cũng đồng nhận định rằng xét mặt bằng chung, nam giới Việt Nam cũng có những hạn chế về chiều cao so với Hàn Quốc. Do vậy, cũng rất khó để có thể quy tụ nhiều mỹ nam trong một bộ phim như Hàn.

Tuy nhiên, những năm gần đây, cùng với sự phát triển của phim truyền hình, đội ngũ diễn viên được đánh giá là chất lượng hơn. Khán giả bắt đầu nhận diện được những gương mặt mỹ nam, có lợi thế về ngoại hình, đảm nhận những vai được yêu mến.

Hồng Đăng, Mạnh Trường, Doãn Quốc Đam, Quốc Trường, Bình An, Huỳnh Anh, Thanh Sơn… có thể được coi là những ví dụ.

Tuy nhiên, cũng có một thực tế là không phải tất cả nam diễn viên kể trên đều gây ấn tượng về diễn xuất. Màn ảnh Việt cho thấy có những diễn viên đáp ứng được yếu tố ngoại hình, lại hạn chế về đài từ hoặc diễn xuất. Để thấy, đẹp cũng phải đi liền với khả năng nghệ thuật.

Đó cũng là câu trả lời của biên kịch Đặng Thiếu Ngân cho câu hỏi: “Các vai nam chính ở phim tâm lý tình cảm Việt còn cần những gì để trở thành soái ca, đánh trúng tâm lý của khán giả nữ như phim Hàn?”.

“Tôi nghĩ là diễn xuất. Diễn xuất ở đây bao gồm từ biểu đạt, đài từ, ngôn ngữ hình thể...” - biên kịch Đặng Thiếu Ngân nói.

Ngoại hình điển trai của Park Seo Joon - nam diễn viên đang được quan tâm sau vai diễn trong Tầng lớp Itaewon.

Hàn Quốc tô hồng cho nam chính hay khán giả Việt Nam thực tế

Vừa chơi piano như nghệ sĩ đích thực, vừa bắn súng điêu luyện như một quân nhân cừ khôi. Vừa có những ngây ngô đời thường, vừa có những cao thượng tinh tế. Vừa biết xay cà phê, trồng cây vừa sẵn sàng xả thân bảo vệ người yêu, Ri Jung Hyeok của Hyun Bin trong Hạ cánh nơi anh đã đánh gục trái tim hàng triệu khán giả bằng hình tượng một người đàn ông không thể hoàn hảo hơn.

Đó cũng là công thức chung của phim Hàn. Biên kịch đã chăm chút cho họ đến từng chi tiết nhỏ, đến ánh mắt, đến cử chỉ. Những gương mặt nam chính điển trai, xuất thân quyền quý, tài năng và lãng mạn, đã làm nên thành công của nhiều phim truyền hình xứ kim chi, từ những năm 90 của thế kỷ trước đến nay.

Zing.vn đặt câu hỏi cho biên kịch Đặng Thiếu Ngân, người không chỉ là một biên kịch mà còn là một Tiến sĩ Văn hóa Hàn Quốc: “Những nam chính phim Hàn có đã và đang được tô hồng quá mức?”.

Biên kịch Đặng Thiếu Ngân cho rằng thực tế, nam thanh niên Hàn Quốc được học rất nhiều kiến thức cũng như các kỹ năng, được gia đình đầu tư phát triển năng khiếu.

Do vậy, không có gì quá ngạc nhiên, khi đến bất cứ trường trung học nào thì số nam sinh giỏi thể thao, lễ phép, biết chơi nhạc cụ, nhường nhịn bạn nữ cũng rất dễ gặp.

“Ngoài ra, thanh niên Hàn Quốc đều phải đi nghĩa vụ quân sự. Dù trước đó họ yếu đuối, thiếu bản lĩnh thì phần lớn sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tất cả đều rắn rỏi, trưởng thành và có thêm nhiều tài lẻ”, nữ biên kịch nói.

Đặng Thiếu Ngân đồng tình rằng nhân vật của Hyun Bin trong Hạ cánh nơi anh cũng có cường điệu hóa, kiểu anh hùng phi thường nhưng chỉ xét theo các gạch đầu dòng về tài năng thì không hẳn hoàn toàn hư cấu.

Trong khi, phim Hàn ngập tràn những “soái ca” được cho là ngôn tình, lãng mạn, tinh tế và yêu thương phụ nữ từ Bi Rain, Jo In Sung, Song Seung Hun hay Hyun Bin, màn ảnh Việt lại có những nhân vật nam gây bão, theo một công thức hoàn toàn khác.

Những vai nam ghi được ấn tượng nhiều nhất trong giai đoạn phim truyền hình Việt ghi điểm trên sóng giờ vàng có thể kể đến: Phan Hải ngổ ngáo của Người phán xử, nhân vật Thanh nhu nhược trong Sống chung với mẹ chồng, là Khải vũ phu trong Về nhà đi con, là Cảnh làm nghề bảo kê trong Quỳnh búp bê, hay Thái trong Hoa hồng trên ngực trái.

Về phép so sánh này, Đặng Thiếu Ngân nhận định phim ảnh là sự tái hiện lại các vấn đề có thật trong đời sống hoặc truyền tải những khát vọng của xã hội. Nhưng không có nghĩa nam giới trên phim Việt đều vũ phu, bạc nhược... Phim Hàn Quốc cũng có rất nhiều vai nam tàn ác, vũ phu, ngoại tình. Việc vai diễn nào gây bão, đôi khi phụ thuộc vào "gu" xem của khán giả, hoặc tài năng thể hiện vai diễn xuất sắc của diễn viên.

Quốc Trường nổi tiếng sau khi đóng Vũ trong Về nhà đi con.

Theo biên kịch của Sống chung với mẹ chồng, chính bởi sự khắt khe từ khán giả nói riêng, hay cộng đồng xã hội nói chung nên tạo ra cho đàn ông Hàn Quốc một sự nỗ lực để luôn đạt điểm tốt nhất, làm người con ngoan, người chồng tốt, người đồng nghiệp biết điều...

“Tất nhiên, đây là lý tưởng sống để có thể tồn tại trong một xã hội nhiều khó khăn, nguyên tắc như Hàn, còn ngoài đời, Hàn Quốc cũng còn nhiều điểm hạn chế, cũng có người xấu, người thiếu trách nhiệm, người vũ phu... Và điểm khác biệt giữa hình tượng Nam chính ở phim Hàn và phim Việt, theo tôi lý do nằm ở cách nhìn nhận, đánh giá- bao gồm kỳ vọng của xã hội vào cánh đàn ông”, nữ biên kịch nhấn mạnh.

Ngoài những lý do kể trên, theo biên kịch Đặng Thiếu Ngân, để trả lời cho câu hỏi: “Tại sao phim Việt lại chưa có được các nam chính gây chao đảo, thương nhớ như trong Hạ cánh nơi anh, Hậu duệ mặt trời , Tầng lớp Itaewon và loạt phim Hàn gây bão khác?", còn phải xét đến yếu tố đầu tư trong phim ảnh. Ở Hàn Quốc, họ đã có cả một nền công nghiệp phim ảnh lớn mạnh, sự đầu tư của họ được "chăm sóc" ở tất cả các khâu vận hành.

“Sự đầu tư cho phim ảnh ở Việt Nam chưa thật sự chuyên nghiệp, sự cạnh tranh chưa thật khốc liệt nên dù biên kịch, đạo diễn có muốn chăm chút vai diễn 'đo ni đóng giày' thì việc thiếu diễn viên, diễn viên chưa thể diễn xuất được như khán giả muốn vẫn là vấn đề tiếp tục cần giải quyết trong thời gian tới”, nữ biên kịch nói thêm.

Khuê Tú

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-my-nam-o-man-anh-han-quoc-to-hong-hay-phim-viet-ua-so-khanh-post1067829.html