Chuyện muôn thuở: Mẹ chồng nàng dâu

Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu trong gia đình ngày xưa thường để lại những hậu quả khá nặng nề. Thậm chí là tan vỡ lứa đôi. Nay thì ít hơn nhưng nó cũng đầu độc bầu không khí gia đình. Và nó làm cho ông chồng rất khó xử khi cứ bên tình bên hiếu….

Từ xưa lắm rồi, người ta đã ca dao:

"Thật thà cũng thể lái trâu

Thương nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng"

Thành ra cái câu chuyện mẹ chồng nàng dâu nó như là câu chuyện của muôn đời, muôn nhà, muôn người. Câu chuyện của cặp phạm trù đối lập, của xung đột để phát triển gì gì đó- ấy là nói theo ngôn ngữ của nhà triết học! Mấy ông sính chính trị chính em lại quy kết, ấy là câu chuyện của đấu tranh giai cấp, một mất một còn kia! Kinh.

Không ít mẹ chồng đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực đối với các nàng dâu.

Không ít mẹ chồng đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực đối với các nàng dâu.

Làm sao đến nông nỗi vậy, khi mà hai người đàn bà ở chung một nhà với ta, đều yêu thương ta hết lòng, đều là những người đàn bà ta yêu quý nhất lại thành ra đứng ở hai cực đối lập: yêu - ghét. Để rồi đẩy cái thân trai (chồng, con) vốn "vai năm tấc rộng thân mười thước cao" của ta đứng giữa giằng xé, bên tình bên nghĩa vậy? Thật khốn khổ cho những ông nào rơi vào cảnh ấy. Mà cảnh ấy quả thực xưa nay vốn nhiều!

Ở tận bên nước Phú Lãng Sa xa xôi, người ta cũng lưu truyền một câu chuyện thế này: Một chàng trai nói với mẹ, "mẹ ạ mai con sẽ đưa ba cô bạn gái cùng về nhà mình chơi. Con sẽ sớm cưới một trong các cô ấy làm vợ. Mẹ thử đoán xem là cô nào nhé". Ba cô về rồi. Bà mẹ bảo: "Con sẽ cưới con bé mặc váy áo xanh". "Sao mẹ biết?". "Đơn giản là mẹ bắt đầu thấy ghét nó!".

Thế đấy. Từ cổ chí kim, từ Tây, Tàu, Âu, Á cho đến tận bên Gia Nã Đại sang tới Thổ Nhĩ Kỳ, các bà mẹ chồng cứ luôn, ít thì lườm nguýt ganh ghét con dâu, nhiều thì củ hành củ tỏi. Thậm chí là xưa còn cả đánh đập nữa kia. Hai người đàn bà cùng có chung một đối tượng để yêu thương chiều chuộng, ấy là ta (!), mà sao lại cứ ra như thế nhỉ?

Theo như học thuyết về âm dương ngũ hành tương sinh tương khắc thì đàn bà vốn là thuộc tính âm. Mẹ chồng nàng dâu cùng thuộc âm nên khi gần nhau là đẩy nhau, ghét nhau như lẽ dĩ nhiên!

Thế thì có người lại vặn ngay, thế sao mẹ và con gái cũng thuộc âm sao lại không đẩy nhau mà cứ quấn lấy nhau từ lúc lọt lòng cho đến khi xuống lỗ? Cái này có lẽ cần đem giáo trình kinh tế chính trị triết học cấp cao ra mới giải thích nổi, bởi nó liên quan đến tính sở hữu của các bà!

Đẻ được thằng con trai phải mang thai chín tháng mười ngày, đau đớn rứt ruột. Rồi bú mớm chăm bẵm. Rồi nhịn ăn nhịn mặc com cóp tằn tiện nuôi cho nó ăn học thành ông thành ngài. Nên các bà mẹ cưng lắm, quý lắm, chiều lắm… Gì cũng con trai, nhất con trai, nhì cũng con trai!

Con đói: Cơm đây con! Con khát: Nước mát đây con! Con muốn đi chơi: Xe đây con! Con thiếu tiền tiêu: Tiền đây! Thế mà đến một ngày, bỗng mẹ ra rìa! Một ngày kia, có con mày ngài mắt biếc, vú nở eo thon mông mẩy, bỗng nó đến hút hồn mất con trai yêu quý của mẹ.

Mà cái con ấy tính sở hữu cũng cao không kém, thậm chí là hơn mẹ một bậc, nó chiếm hữu làm hẳn của riêng kia! Kiểu gần như là chiếm hữu nông nô thời xửa xừa xưa ấy: Anh ơi em đói - Để anh chạy ra phố mua phở! Anh ơi em muốn ăn trà sữa - Để anh ra hàng mang về! Tiền lương đâu - Đây em, này lương này thưởng này tiền đánh quả, của em hết đây! Anh ơi em muốn.

Sáng sau, nhìn con trai yêu quý bơ phờ, mồm ngáp ngáp, tay đuổi ruồi, phát ghét! Là ghét cái mặt con kia hành hạ con bà ra thế này. Đã thế bà cũng củ hành lại mày cho biết tay. Mày có biết bà nuôi nó bao công lênh khó nhọc mới nên người, mà giờ mày dày vò không tiếc tay…

Hi hi, cái sự vợ chồng vốn là cái sự "giày vò" lẫn nhau, có thế mới thăng hoa tình ái, hạnh phúc lứa đôi, sinh con đẻ cái, truyền dòng tiếp giống được chứ. Các bà mẹ chồng trước làm vợ thì cũng vậy mà thôi. Thế nhưng khi đóng vai mẹ chồng họ lại hầu như chỉ muốn con mình đỡ "vất vả"! Mà sao họ không nghĩ được rằng, có gia đình hạnh phúc bền chặt nào mà vốn không từ cái sự "lao động vất vả" mà xây dựng nên?

Còn con dâu, thấy mẹ chồng ngấm nguýt lại cho rằng mẹ không hiểu biết, ích kỷ, cản trở hạnh phúc lứa đôi… Và suy nghĩ của họ cứ đi ngược chiều nhau như vậy để rồi ngày càng xa nhau ra. Càng ngày càng không hiểu nhau. Và câu chuyện dài tập mẹ chồng nàng dâu trường thiên dài kỳ cứ thế diễn tiến với muôn vàn tình huống khác trong cuộc sống.

Nàng dâu hiện đại thường chỉ đứng một mình với những quan điểm riêng và không chịu lắng nghe ý kiến của mẹ chồng. (Ảnh minh họa)

Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu trong gia đình ngày xưa thường để lại những hậu quả khá nặng nề. Thậm chí là tan vỡ lứa đôi. Nay thì ít hơn nhưng nó cũng đầu độc bầu không khí gia đình. Và nó làm cho ông chồng rất khó xử khi cứ bên tình bên hiếu…

Nếu nói chuyện với các bà các chị các em thì hầu như ai cũng nhận thức được cả. Thế nhưng khi vướng vào cái đận mẹ chồng - nàng dâu rồi lại chả mấy ai tránh được, không ít thì nhiều. Tại sao vậy? Tôi thì đồ rằng, tất cả là do cái… bụng dạ đàn bà mà ra! Người ta cũng đã tổng kết, ở góc độ người mẹ thì lòng dạ bao la rộng lớn như biển cả không cùng, nhưng ở góc độ người đàn bà thì lại thường nhỏ nhen như lỗ trôn kim!

Tổng kết này có vẻ hơi phóng đại chút, thế nhưng qua quan sát thực tế, thấy không phải là không có lý. Rất nhiều tấm lòng mẹ tuyệt vời và nhiều lòng dạ đàn bà nhỏ nhen trong cùng một… con người! Khổ thế! Có lẽ đó cũng chính là mâu thuẫn nội tại thường có trong ngay chính một cá nhân con người…

Khi mà điều kiện kinh tế xã hội nước ta có nhiều thiếu thốn bất cập. Cái cảnh sống tam, tứ, ngũ đại đồng đường khá phổ biến. Nhiều thế hệ sống và phụ thuộc kinh tế lẫn nhau trong một không gian hẹp nên rất dễ phát sinh mâu thuẫn.

Bởi cá tính con người thì thời nào cũng vẫn vậy thôi. Rất khó để dung hòa những cá tính khác nhau, xuất phát từ những môi trường giáo dục khác nhau về chung ở dưới một mái nhà. Mâu thuẫn là chuyện nhìn thấy được sẽ xảy ra như lẽ đương nhiên. Thậm chí nó dồn nén từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhiều lúc như một sự trả hờn…

Nhà văn Trần Thanh Cảnh.

Ngày nay điều kiện kinh tế xã hội nước ta đã khá hơn nhiều, các cặp đôi khi xây dựng gia đình thường sẽ được ra ở riêng nên cái sự va chạm mẹ chồng nàng dâu ít hơn. Vả lại thời nay, mẹ chồng và con dâu đa số đều được học hành, ít nhiều đã hấp thu cái sự văn minh không còn âm u như những thế hệ xưa. Lại được tiếp cận các phương tiện thông tin đại chúng vốn ra rả hàng ngày về cách sống, lối sống, kỹ năng sống… nên cũng hiểu biết hơn, nhẫn nhịn và biết chấp nhận nhau hơn. Vì vậy cánh đàn ông con trai trong chức phận làm chồng làm con cũng đỡ khổ hơn.

Thế nhưng như là một định mệnh, mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu vẫn không bị mất đi hẳn mà nó vẫn tồn tại, lẩn khuất trong cuộc sống hàng ngày của các gia đình. Nó vẫn âm ỉ đâu đó như một nguy cơ mà đòi hỏi những người trong gia đình đều phải biết, hiểu và sẵn sàng ứng phó với nó. Với một lòng mong muốn giữ gìn sự hạnh phúc, niềm vui cho mọi thành viên trong gia đình.

Theo Trần Thanh Cảnh/Công an nhân dân

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/doi-song/chuyen-muon-thua-me-chong-nang-dau/20200716040250357