Chuyển mùa, lo phòng bệnh cho heo, gà

Giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thất thường là nguyên nhân có thể làm xuất hiện và lây lan nhiều dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là các dịch bệnh nguy hiểm phát sinh trước và sau Tết Nguyên đán 2021 như: cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi, dịch lở mồm long móng... vẫn có nguy cơ phát sinh cao.

Trang trại nuôi heo khép kín tại xã Thiện Tân (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: B.Nguyên

Trang trại nuôi heo khép kín tại xã Thiện Tân (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: B.Nguyên

Theo đó, không chỉ cơ quan chức năng tăng cường công tác phòng chống dịch mà người chăn nuôi cũng tập trung cho công tác phòng dịch, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm.

* Rủi ro dịch bệnh cao

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất hiện khoảng 40 ổ dịch cúm gia cầm ở 14 tỉnh, thành phố. Nguy cơ dịch cúm gia cầm A/H5N1 và A/H5N6 tiếp tục lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao, nhất là trong giai đoạn thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay; đặc biệt ở các địa phương có ổ dịch cũ và có sự lưu hành của virus cúm gia cầm. Cả nước cũng đã xuất hiện khoảng 10 ổ dịch lở mồm long móng tại 7 tỉnh: Trà Vinh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Nghệ An, Lạng Sơn và Kon Tum. Về dịch tả heo châu Phi, cả nước có 134 ổ dịch tại 59 huyện của 30 tỉnh, thành phố với số heo tiêu hủy lũy kế từ đầu năm trên 6,3 ngàn con. Bệnh viêm da nổi cục hiện đang có 58 ổ dịch tại 34 huyện của 15 tỉnh với tổng số gia súc mắc bệnh trên 1 ngàn con, số gia súc đã tiêu hủy 172 con.

Riêng trên địa bàn Đồng Nai, ngoài các bệnh xảy ra trên gia súc, gia cầm như dịch tả cổ điển, lở mồm long móng, trong quý I-2021, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện 2 ổ dịch tả heo châu Phi tại H.Cẩm Mỹ và H.Long Thành với 73 con heo bị bệnh và được tiêu hủy theo quy định. Tuy dịch bệnh được phát hiện kịp thời, khống chế hiệu quả nên không lây lan trên diện rộng nhưng nỗi lo dịch bệnh nguy hiểm này tái phát vẫn còn rất lớn. Đặc biệt, hiện người chăn nuôi Đồng Nai đang tập trung công tác tăng đàn, tái đàn trong chăn nuôi.

Theo số liệu của Cục Thống kê Đồng Nai, hiện tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 2,4 triệu con, tăng hơn 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng đàn gia cầm khoảng 26,8 triệu con, tăng trên 6,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đàn gà khoảng 25,6 triệu con. Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, giai đoạn chuyển mùa hiện nay, sự chênh lệch nhiệt độ rất lớn khi thời tiết cao điểm nắng nóng lên đến 37-380C, ban đêm lại lạnh, mưa xuất hiện sớm, mầm bệnh dễ lây lan theo nguồn nước mưa... là những nguyên nhân gây ra nguy cơ dịch bệnh rất lớn. Đặc biệt, nguy cơ dịch tả heo châu Phi tái phát vẫn rất lớn, ngoài ra các dịch bệnh khác cũng gây thiệt hại cho đàn nuôi. “Hiện nuôi heo phải được đầu tư bài bản từ chuồng trại đến quy trình sản xuất theo mô hình khép kín thì mới tồn tại được. Chăn nuôi hộ gia đình nhỏ lẻ, trại hở rất khó tồn tại vì rủi ro dịch bệnh cao” - ông Đoán nói.

* Tăng cường phòng, chống dịch

Nhằm bảo vệ tài sản, đàn vật nuôi, người chăn nuôi rất chú trọng đầu tư nâng cấp hệ thống chuồng trại cũng như công tác vệ sinh, an toàn dịch bệnh để hạn chế rủi ro xuất hiện dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả heo châu Phi và cúm gia cầm vẫn có nguy cơ tái phát cao.

Ông Nguyễn Văn Đạo, chủ trại heo tại xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu) chia sẻ, từ trại hở, trang trại của ông đã được nâng cấp lên nuôi chuồng lạnh, mọi khâu đều tự động hóa, nhiệt độ chuồng nuôi cũng được điều chỉnh tự động bằng cảm biến để tạo môi trường thuận lợi nhất cho đàn heo phát triển. Nhờ hạn chế mọi tác nhân và rủi ro lây lan dịch bệnh, đàn heo tăng trưởng tốt, tỷ lệ hao hụt thấp nên lợi nhuận được đảm bảo dù giá thức ăn chăn nuôi tăng cao làm đội giá thành sản xuất.

Nhằm phòng tránh dịch bệnh trong giai đoạn chuyển mùa, Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai và các đơn vị chức năng tại địa phương tăng cường hướng dẫn các chủ trại chăn nuôi gia súc, gia cầm áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất; tổ chức tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, sát trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh.

Các địa phương tổ chức triển khai chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh cúm để kịp thời cảnh báo, xử lý, tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, dương tính với virus cúm gia cầm, chủng A/H5N1 và A/H5N6. Cụ thể, trong quý I-2021, toàn ngành chăn nuôi đã phối hợp với các địa phương triển khai công tác tiêu độc, khử trùng trên 30,4 ngàn m2 cơ sở giết mổ và gần 4,7 ngàn phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Cung ứng trên 16,6 triệu liều vaccine tiêm phòng bổ sung gia súc, gia cầm, trong đó có gần 99,9 ngàn liều tiêm phòng dịch tả heo.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202104/chuyen-mua-lo-phong-benh-cho-heo-ga-3054413/