Chuyện một gia đình hiếu học

Văn hóa và Đời sống - Về làng Kim Bôi, xã Đông Thanh (Đông Sơn) hỏi thăm nhà bà giáo Phương, hầu như ai cũng biết. Gia đình bà nổi tiếng với truyền thống hiếu học, là tấm gương trong nuôi dạy con cái nên người.

Nhà giáo La Văn Mùi chụp ảnh lưu niệm cùng vợ và các con, cháu khi còn sống. (Ảnh do gia đình cung cấp)

8 người con - 8 cử nhân

Năm nay, bà giáo Nguyễn Thị Phương đã bước sang tuổi 86. Thấy khách đến, bà cất hộp cau trầu sang một bên rồi lấy nước mời khách. Nhắc chuyện nghề, bà bỗng trầm ngâm, hướng mắt về nơi đặt di ảnh của chồng - nhà giáo La Văn Mùi, đã mất cách đây 2 năm.

Bà giáo Phương từng là giáo viên Trường Tiểu học Đông Thanh. Chồng bà nổi tiếng là một nhà giáo tâm huyết với nghề. 37 năm công tác trong ngành giáo dục thì gần 20 năm ông làm quản lý ở nhiều trường học trên địa bàn huyện Đông Sơn. Bà trải lòng: “Bố chồng tôi là thầy đồ nho. Gia đình chồng vốn nền nếp gia phong, ông nhà tôi cũng là nhà giáo nên về sau này chúng tôi có điều kiện thuận lợi hơn trong việc giáo dục con cái”.

Trong ký ức, bà giáo Phương không quên những năm tháng khốn khó, khi ông bà nuôi 8 người con ăn học, chất chồng những thiếu thốn, cái ăn cái mặc còn chưa đủ. Giảng dạy trên lớp, về nhà bà Phương lại thêm việc chạy chợ để lo toan cuộc mưu sinh. Khó khăn là vậy nhưng hai ông bà vẫn động viên nhau, cố gắng, nỗ lực vượt qua để 8 người con không ai bị thiệt thòi. Quan trọng là các con phải được đến trường, học con chữ và học làm người. Về sau này, 8 người con của ông bà đều đỗ đạt, thành tài. 8 người con là 8 cử nhân ở các trường đại học lớn trong nước và quốc tế. Họ đều đã trưởng thành, có sự nghiệp vững vàng, trong đó có 1 đại tá, 3 thượng tá, 2 kỹ sư và 2 giảng viên đại học. Trong số 18 người cháu nội, ngoại, hiện có 9 người đã tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định.

Chia sẻ về chuyện nghề, chuyện học của các con, bà giáo Phương không giấu được niềm tự hào. Ôn lại chuyện cũ là nhìn lại một cuộc hành trình gian khó, những tháng ngày chắt chiu, đùm bọc nuôi 8 người con ăn học, thành người. Vậy nên, dù là chuyện xưa nhắc lại, nhưng những thành quả mà gia đình bà đạt được, đến hôm nay, người dân ở làng Kim Bôi vẫn lấy đó làm gương để động viên con, cháu học hành.

Không tạo áp lực việc học cho con

Với người con thứ 7, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Thanh Hóa, anh La Ngọc Tuấn, bố mẹ là tấm gương về đạo đức và tinh thần cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người. Anh nhớ lại: “Bố mẹ tôi là người nghiêm khắc nhưng chưa bao giờ đánh con. Có việc gì không vừa lòng, bố mẹ cũng gọi mấy anh em lại phân tích, nhắc nhở nhẹ nhàng. Đối với việc học, bố mẹ để chúng tôi chủ động, không tạo áp lực cho con cái. Nhưng anh em luôn tự ý thức và tự giác học. Không phải ôn nghèo kể khổ nhưng nhớ lại chuyện xưa, có quãng thời gian dài thiếu gạo chỉ ăn khoai, ăn sắn, nhưng lúc nào bố mẹ cũng động viên nghèo cho sạch, rách cho thơm, phải giữ gìn nền nếp gia phong"...

Anh Tuấn cho biết thêm, hiện trong đại gia đình anh có 11 người con theo nghề của bố mẹ. Trong 8 anh em thì 4 người công tác trong ngành giáo dục (2 giảng viên đại học, 2 người làm quản lý) còn lại là con dâu, rể cũng gắn bó với nghề giáo.

Xã Đông Thanh nổi tiếng là đất học. Thời phong kiến, Đông Thanh đã đóng góp 8 bậc đại khoa và hơn 30 cử nhân cho đất nước. Theo thống kê chưa đầy đủ, tính từ năm 1975 đến nay, xã Đông Thanh có khoảng 50 người là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ và hàng trăm cử nhân. Trong đó, dòng họ La có đóng góp lớn cho truyền thống hiếu học địa phương. Ông Nguyễn Thành Môn, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Đông Sơn, cho biết: “Nhắc đến gia đình ông La Văn Mùi và bà Nguyễn Thị Phương là nói đến một gia đình văn hóa, trí thức, một tấm gương cho nhiều gia đình học tập. Cách giáo dục con của ông bà vẫn được nhắc đến trong các cuộc gặp mặt dòng họ đầu xuân, hội nghị khuyến học"... Gia đình bà giáo Phương cũng thường xuyên tích cực tham gia các phong trào của làng, xã. Đặc biệt, trong chương trình xây dựng nông thôn mới, gia đình bà đã đóng góp hàng chục mét vuông đất để làm đường giao thông nông thôn.

Bố mẹ là tấm gương để con cái học tập. Con cái thành đạt là niềm tự hào của bố mẹ. Tôi nhớ đến chia sẻ của anh La Ngọc Tuấn: “Về sau này, chúng tôi dạy các con từ chính những kinh nghiệm của bố mẹ đã dạy mình. Cuộc sống hôm nay có những điều kiện thuận lợi hơn thì càng phải biết trân trọng, gìn giữ và phát huy giá trị đạo đức, tinh thần hiếu học...” .

Vi An

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/giao-duc/chuyen-nbsp-mot-gia-dinh-hieu-hoc/19533.htm