Chuyện 'mốt' du học

'Phải cho con đi du học vì đại học Việt Nam không tốt'. Đó là một trong những câu tôi nghe nhiều nhất trong chuyến về thăm Việt Nam cuối tháng 10 vừa qua. Từ bạn bè, đồng nghiệp cũ trong ngành tài chính đến người thân hầu như ai cũng có ý như vậy, hoặc nói thẳng hoặc ngấm ngầm. Nhiều người quen của tôi có con mới học lớp 6, lớp 7 đã nói về chuyện đi du học và đại học Việt Nam được đem ra dè bỉu như một lý do chính của việc cho con đi học nước ngoài.

Không phải cứ trường đại học Việt Nam là tệ và cứ học ở Việt Nam là dở. Ảnh: NGUYỄN NAM

Tôi cảm thấy có gì đó bất công với những nhận xét chung chung như vậy nên tôi quyết định viết một cái gì đó về chủ đề này, mặc dù tôi nghĩ sẽ có không ít ý kiến không đồng tình với mình.

Có phải đại học Việt Nam quá tệ?

Là một người từng dạy đại học tại Việt Nam và Anh, tôi từng gặp những sinh viên rất xuất sắc ở cả hai nơi cũng như những sinh viên hết sức tệ ở cả hai nước. Vì vậy, nếu đổ phần lớn lỗi cho trường đại học Việt Nam thì tôi thấy oan quá.

Nhiều bạn của tôi xuất thân từ các trường đại học Việt Nam khi ra nước ngoài đều có những thành tựu đáng kể, người thì làm kỹ sư cho hãng hàng không nước ngoài tham gia chế tạo động cơ mới, người là kinh tế gia của tổ chức tài chính hàng đầu, người thì mở công ty ở thung lũng Silicon, người thì vừa về làm giám đốc khu vực của một tập đoàn đa quốc gia lớn ở Hồng Kông. Không ít người đi dạy đại học nước ngoài như tôi. Chúng tôi đều ít nhiều là sản phẩm của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam trước khi ra nước ngoài học sau đại học. Nếu nói trường đại học Việt Nam tệ lắm thì vì sao chúng tôi có thể tồn tại và phát triển sự nghiệp ở xứ người như vậy?

Xét về mặt giảng dạy, nhiều kiến thức mà đồng nghiệp của tôi đang dạy ngành tài chính ở Việt Nam cũng giống như những gì tôi đang dạy sinh viên của tôi ở Anh mà thôi. Đảo qua một vài nhà sách, tôi thấy một số giáo trình dạy về tài chính phổ biến ở nước ngoài đã được dịch và bày bán ở Việt Nam.

Ngày xưa thì đại học Việt Nam thiếu điều kiện nghiên cứu chứ đợt này về chơi, tôi thấy Đại học Kinh tế TPHCM cũng có thể trang bị hệ thống Eikon mà chúng tôi cũng trang bị ở Đại học Bristol, còn phòng trading room của Đại học RMIT mà tôi vừa có dịp ghé thăm thì “ngon lành” hơn đa số trường đại học khác ở Anh mà tôi biết (bao gồm những trường thuộc loại chịu chi ở London).

Ở một mặt khác, trong chuyến về lần này tôi có dịp tiếp xúc và làm việc với một vài sinh viên trong nước đang học nhiều chương trình khác nhau, đại học, thạc sĩ và nghiên cứu sinh tiến sĩ. Tôi ấn tượng với không ít bạn trong số đó về kiến thức và khả năng làm việc. Tôi cũng gặp bạn bè và đồng nghiệp cũ làm trong ngành tài chính và nghe những câu chuyện về “dân du học” về làm việc thì có người làm được việc, người không. Trong khi nhiều người cười chê sinh viên đại học Việt Nam tốt nghiệp ra trường không có kỹ năng làm việc thì một người anh làm ở một ngân hàng nước ngoài trong bữa ăn trưa với tôi kể là anh ấy tuyển một sinh viên học trường top 5 ở Anh về mà làm việc thì “lạ quá”, còn “chậm” hơn sinh viên tốt nghiệp từ một trường đại học trong nước anh ấy tuyển vào thực tập trước đó.

Nói vậy để thấy không phải cứ trường đại học Việt Nam là tệ và cứ học ở Việt Nam là dở.

Học ở nước ngoài: hay dở là ở bản thân người đi học

Trong một bữa ăn tối trước khi về thăm Việt Nam lần này, một người bạn Malaysia mở nhà hàng ở Bristol thẳng thắn bảo tôi là “sao tui thấy có nhiều sinh viên qua học gì mà nói tiếng Anh không rành vậy?”, “đúng ra phải có kiểm tra tiếng Anh rồi mới cho qua học chứ?”. Đây là một vấn nạn mà dân trong nghề ít nhiều đều hiểu, với tình trạng hiện tại có nhiều “chiêu” lách qua các bài kiểm tra trình độ ngoại ngữ cơ bản bài thi tiếng Anh chuẩn IELTS hay TOEFL.

Một bạn dạy ở Mỹ trong một lần chat với tôi nói “chỗ tao có sinh viên vào học mà hỏi bài toàn chỉ vào tài liệu rồi nói “this” với “that” mày ạ”. Tôi cười, “ở Anh tao cũng nghe chuyện như vậy”. Đồng nghiệp tôi khi hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp thường ngao ngán kể ra những câu chuyện bi hài kiểu như sinh viên viết cái gì mà đọc mãi không hiểu. Một câu chuyện như vậy đến từ bữa tối với một vị giáo sư đang dạy ở một trường top 5 về kinh tế ở Anh. Ông thở dài, “10-15 năm trước làm gì có cái chuyện này”. Đó là chưa kể muôn vàn câu chuyện từ các bạn sinh viên qua nước ngoài rồi ham đi làm đến nỗi thi lại một môn 2-3 lần (do trốn đi làm “chui” nghĩa làm làm quá số giờ làm thêm được phép) đến các dịch vụ viết luận văn thuê nhan nhản trên mạng ở Anh và Úc mà tôi tận mắt chứng kiến hoặc nghe được.

Tóm lại, chuyện học của sinh viên ở đâu cũng muôn hình vạn trạng. Các đại học nước ngoài cũng có trường tốt, có trường tệ, mà ngay cả trong trường tốt thì cũng không thiếu người không đủ khả năng hoặc không học đàng hoàng (bất chấp bên khâu xét tuyển làm việc cật lực để sàng lọc).

Lợi thế của sinh viên được du học ở nước ngoài có khá nhiều. Theo tôi ba cái lợi chủ yếu là: (1) được tiếp xúc với môi trường sống giao tiếp bằng ngoại ngữ, (2) thoát ra khỏi vỏ bọc của cha mẹ để tự trưởng thành trong một môi trường xa lạ, và nâng cao kinh nghiệm sống cũng như các trải nghiệm đi làm thêm, kiếm việc, làm việc nhóm ở nước ngoài và (3) tạo một mạng lưới quan hệ rộng ở quy mô lớn hơn nhiều so với mạng lưới ở Việt Nam.

Những kỹ năng mềm học được từ quá trình rèn luyện ở nước ngoài là những gì mà nhà tuyển dụng dù ở Việt Nam hay nước ngoài đều nhắm đến. Trong khi đó mạng lưới quan hệ với bạn học, sinh viên đã tốt nghiệp từ trường đó (và nay giữ vị trí cao trong các tập đoàn quốc tế) và với các giáo sư hàng đầu thế giới đã đem lại cho nhiều người mà tôi biết những thăng tiến không ngờ tới trong sự nghiệp.

Thế nhưng, bên cạnh đó cũng là những cạm bẫy mà sinh viên xa nhà ở Việt Nam cũng gặp: chơi với bạn xấu, ham chơi không học tập và sa vào lối sống không lành mạnh. Ở nước ngoài thì cạm bẫy còn lớn hơn với những bữa tiệc thâu đêm suốt sáng và những cạm bẫy kiếm tiền nóng (như trồng cần sa). Đó là chưa kể nhiều bạn gấp rút đi học nên ra đi mà không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về trình độ tiếng Anh cũng như chuẩn bị tinh thần phải va chạm với thực tế không phải toàn màu hồng ở nước mà mình đến.

Vì vậy, mỗi khi có người hỏi tôi về chuyện cho con đi học, tôi cho rằng đừng nên quá chú trọng đến những lời khuyên của các cơ sở tư vấn du học về học bạ, điểm số, các thành tích và nước mình đến mà nên nghĩ cho kỹ rằng con mình đã sẵn sàng cho việc tự mình bươn chải ở nước ngoài chưa, giá trị thu được so với những gì học được ở Việt Nam có đáng bỏ ra số tiền lớn cho con đi học không để quyết định thời điểm nào là thích hợp để cho con đi học.

Một người anh lớn đang kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam nói với tôi, có nhiều người bỏ tiền cho con đi học đâu phải vì đại học Việt Nam tệ quá mà vì muốn con “đi” thôi (như cách mà số người Việt bỏ tiền ra mua nhà ở Mỹ vậy) và nhiều khi để cho bằng bạn bằng bè, “cũng cho con đi học như người ta”. Anh nói, đôi khi họ cũng mua một ước mơ có ngày con mình lên báo như nhiều tấm gương thành đạt ở nước ngoài, nhận học bổng này nọ của trường lớn. Tôi im lặng nhưng trộm nghĩ, không biết những người đang mua hy vọng đó có biết được bao nhiêu trường hợp thương tâm khác của du học sinh mà tôi biết. Những trường hợp đó không lên tới báo chí. Truyền thông thiên vị là vậy. Gương thành công mới lên báo chứ mấy ai kể về những trường hợp du học thất bại cho các phụ huynh rút kinh nghiệm. Mà có kể thì có khi cũng chẳng ích gì trước làn sóng ai cũng háo hức cho con đi du học như là một cái “mốt”. Chỉ tội những đại học Việt Nam và những sinh viên học hành tử tế trong nước bị chê quá đáng.

Hồ Quốc Tuấn (*)

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/264943/chuyen-mot-du-hoc.html