Chuyển mình từ cách làm sáng tạo

Sau 7 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), bộ mặt nông thôn của huyện Lục Yên đã có khởi sắc, đời sống người dân ngày càng nâng cao.

Vượt qua khó khăn

Lục Yên là địa phương có điểm xuất phát thấp do có nhiều xã vùng cao, vùng sâu đặc biệt khó khăn, nên việc tổ chức phát triển sản xuất, tạo sinh kế để nâng cao thu nhập cho người dân còn khá nan giải; tỷ lệ hộ nghèo, thiếu vốn sản xuất còn cao, việc tiếp thu kiến thức khoa học, kỹ thuật còn hạn chế; một bộ phận không nhỏ hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn thụ động, thiếu ý chí vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh đó, tập quán sản xuất của người dân còn lạc hậu, diện tích đất canh tác ít; việc sản xuất ở một số vùng còn mang tính tự phát, làm theo phong trào, chưa có nhiều mô hình sản xuất hàng hóa tập trung; số lượng doanh nghiệp trên địa bàn xã không nhiều, quy mô không lớn nên khả năng thu hút lao động, tạo nguồn thu ngân sách không cao, việc giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân không dễ khắc phục.

Do vậy, sự huy động toàn dân chung tay XDNTM, mặc dù được người dân đồng tình hưởng ứng, nhưng sự đóng góp bằng vật chất rất khó khăn. Trong khi đó, nhiều tiêu chí NTM cần phải có sự đầu tư kinh phí mới hoàn thành được như: đường giao thông, nhà văn hóa cộng đồng, công trình thủy lợi...

Trước những khó khăn đó, Lục Yên xác định phát huy nội lực phải là yếu tố chính trong XDNTM ở địa phương. Trong đó, vai trò lãnh đạo của Đảng, các tổ chức đoàn thể là động lực quan trọng để thực hiện tốt nhiệm vụ.

Đồng chí Nguyễn Chương Phát - Bí thư Huyện ủy Lục Yên khẳng định: “Những yếu tố quan trọng hàng đầu giúp huyện đạt được nhiều kết quả tích cực trong XDNTM là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng được phát huy tốt; cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng với sự đồng thuận cao của nhân dân. Những chuyển biến trong XDNTM thời gian qua, là kết quả nổi bật trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng ở huyện giai đoạn 2010-2015 và từ đầu nhiệm kỳ mới đến nay.

Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn huyện do Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban thường xuyên được kiện toàn nhằm ổn định tổ chức, đảm bảo vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy huyện đối với xây dựng NTM”.

Đặc biệt, để giúp đỡ các xã trong lộ trình tháo gỡ khó khăn, Huyện ủy đã thành lập 3 tổ công tác của các ban xây dựng Đảng, đoàn thể giúp đỡ các xã XDNTM. Mỗi năm, cán bộ, viên chức trong huyện tự nguyện đóng góp một ngày lương để tạo nguồn quỹ XDNTM. Huyện cũng dành ngân sách để hỗ trợ phần đóng góp của nhân dân ở những công trình xây dựng cơ bản để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho các hộ dân.

Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, tại nhiều địa phương trong huyện Lục Yên, các tổ chức đoàn thể không những tích cực tuyên truyền, vận động người dân mà còn triển khai các hoạt động cụ thể, thiết thực đóng góp không nhỏ trong XDNTM. Dù đang có không ít trở ngại, song những khó khăn trước mắt đã được giải quyết, khi Lục Yên tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự đồng thuận cao của nhân dân các dân tộc.

Huyện Lục Yên đã hình thành vùng cây ăn quả có nơi trên 723ha.

XDNTM là nhiệm vụ lâu dài

Với địa bàn dân cư phân tán, số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn còn nhiều (có 15 xã đặc biệt khó khăn), khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình XDNTM, hầu hết các xã đều ở điểm xuất phát rất thấp và chỉ có 19 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí, đời sống nhân dân khó khăn. Đến nay nhiều xã đã có những kết quả tích cực từ phong trào xây dựng NTM.

Điển hình là Trúc Lâu - xã được chọn làm điểm chỉ đạo XDNTM của huyện giai đoạn 2011 - 2017. Khi bước vào thực hiện, xã mới đạt 3/19 tiêu chí, song bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của người dân, sau 7 năm triển khai thực hiện chương trình, bộ mặt nông thôn xã có nhiều khởi sắc. Xã đã huy động được trên 60 tỷ đồng XDNTM, trong đó nhân dân đóng góp gần 7 tỷ đồng tiền mặt và ngày công, hiến đất.

Từ nguồn lực này, xã đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, kiên cố hóa gần 14 km đường nông thôn, đạt 67,35% đảm bảo người và các phương tiện đi lại tốt 4 mùa; thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt trên 26 triệu đồng; hộ nghèo đa chiều giảm còn dưới 11%. Nhờ đó, kinh tế của xã đã chuyển dịch đúng hướng.

Đến nay, xã đã có một hợp tác xã chế biến gỗ rừng trồng, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương, 4 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, 7 cơ sở sản xuất chế biến chè, một cơ sở sản xuất gạch không nung, 114 hộ sản xuất kinh doanh, dịch vụ, 236 hộ chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ và xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM.

Bên cạnh đó, Mai Sơn cũng là xã được lựa chọn làm điểm chỉ đạo XDNTM của huyện giai đoạn 2011-2017. Với điều kiện cơ sở vật chất ban đầu khá thuận lợi, bởi vậy, khi bắt tay vào thực hiện chương trình XDNTM, xã đã đạt được 7/19 tiêu chí.

Tranh thủ các nguồn lực đầu tư của tỉnh, huyện, Mai Sơn đã khuyến khích nhân dân mở rộng các mô hình chăn nuôi tập trung, mở mang các ngành nghề dịch vụ tiểu thủ công nghiệp để tạo việc làm, tăng thu nhập thúc đẩy kinh tế địa phương, đóng góp nguồn lực, kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa.

Sau 7 năm thực hiện XDNTM, xã Mai Sơn đã huy động được gần 63 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp gần 17 tỷ đồng, toàn xã đã có 30 mô hình chăn nuôi gia cầm quy mô 300 con/lứa, 25 mô hình nuôi lợn quy mô 20-100 con/lứa, 10 mô hình chăn nuôi trâu, bò quy mô từ 8 con trở lên, 30 mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân lên 26,7 triệu đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 7,03% năm 2017.

Ông Âu Văn Tình - Phó Chủ tịch UBND xã Mai Sơn cho biết: “Trong quá trình triển khai thực hiện, Đảng bộ, chính quyền xã luôn chú trọng thực hiện triệt để nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. Qua đó, đã tạo sự đồng tình hưởng ứng cao trong cộng đồng dân cư, nên sau 7 năm xã đã hoàn thành 19 tiêu chí về XDNTM”.

Với mục tiêu đến năm 2020, có 26% số xã đạt chuẩn NTM, duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đối với xã đã đạt chuẩn, ông Hoàng Kim Trọng - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Yên cho biết: “Xác định nhiệm vụ XDNTM là nhiệm vụ lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó nhân dân đóng vai trò là chủ thể thực hiện Chương trình, bởi vậy, những năm vừa qua, huyện tiếp tục đầu tư theo chiều sâu để nâng cao hiệu quả vùng sản xuất chuyên canh tập trung như: vùng lúa hàng hóa, vùng cây ăn quả có múi, vùng trồng chế biến gỗ rừng trồng.

Huyện cũng khuyến khích xây dựng các cơ sở chăn nuôi tập trung; quan tâm phát triển nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng nhu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, đẩy mạnh đào tạo nghề, tạo việc làm theo hướng phát triển ngành nghề nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp gắn với giảm nghèo bền vững”.

Nhờ những giải pháp đó, sau 7 năm triển khai thực hiện chương trình, bước đầu đã hình thành vùng lúa hàng hóa 600ha, vùng sản xuất cây vụ đông trên đất 2 vụ lúa 500ha, vùng cây ăn quả có múi trên 723ha, vùng tre lấy măng 560 ha, vùng quế trên 2.185ha; duy trì và hình thành 39 cơ sở chăn nuôi hàng hóa, 18 cơ sở chăn nuôi trâu, bò tập trung; duy trì có hiệu quả trên 433ha diện tích mặt nước để nuôi thủy sản, cơ cấu giống cá có giá trị kinh tế cao.

Bộ mặt nông thôn của huyện đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân cải thiện; kết cấu hạ tầng đầu tư và từng bước hoàn thiện. Trong đó, có sự thay đổi đáng kể về hạ tầng giao thông nông thôn với 17,4% số xã đã đạt các tiêu chí về giao thông; công tác giảm nghèo, nâng cao thu nhập...

Đắc Nguyên

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/doi-song-xa-hoi/dia-phuong/chuyen-minh-tu-cach-lam-sang-tao-35359