Chuyện… 'mê tín dị đoan'!

Lúc tôi còn làm ở khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Sài Gòn, nay là Bệnh viện Nhi đồng 1, có lần người ta đưa một em bé 10 tuổi vào với lý do bị 'thư một con rùa trong bụng'. Người bạn đồng nghiệp trẻ cười nói toàn chuyện tào lao, mê tín dị đoan! Tôi nghĩ chắc phải có lý do gì đó và thử khám kỹ xem.

Thì ra em có một cái lá lách bị sưng to, độ 4, tràn qua khỏi rún, có gờ lồi lõm y như một cái mai rùa. Người nhà và hàng xóm có lẽ đã sờ thấy và kêu lên là bé đã bị thư một con rùa vào bụng vì thấy ngày càng xanh xao, gấy ốm.

Lần khác, tôi thấy một bà mẹ giấu lưỡi dao dưới nệm ngay chỗ lưng bé nằm. Hỏi tại sao, bà nói để cho nó khỏi giật mình. Lúc đó tôi cũng nghĩ là chuyện vớ vẩn. Sau này khi đọc thêm những tài liệu ở Nam Mỹ và Ấn Độ – và ngay cả ở Việt Nam, người ta thường dùng chìa khóa sắt, móng cọp bịt sắt đeo cho bé để bé được khỏe mạnh. Lý do sâu xa có thể do kinh nghiệm truyền đời, sắt là chất tối cần thiết cho cơ thể, để tạo hồng huyết cầu.

Con cá sắt giải quyết tình trạng thiếu máu ở Campuchia. Ảnh minh họa

Con cá sắt giải quyết tình trạng thiếu máu ở Campuchia. Ảnh minh họa

“Thiếu máu thiếu sắt” là một bệnh thường gặp ở phụ nữ và trẻ em. Người bệnh xanh xao mệt mỏi, chóng mặt, đi như muốn té, ngồi xuống đứng lên choáng váng. Ở những vùng có bệnh sốt rét, lãi móc, cũng thường thấy nhiều người bị thiếu máu thiếu sắt, trầm trọng nhất là ở trẻ em, lớn không nổi, đêm ngủ không yên, hay giật mình, đổ mồ hôi… Có thể từ xa xưa ai đó đã dùng chất sắt để chữa bệnh thiếu máu, rồi cách làm bị thất truyền, người ta chỉ còn nhớ… đeo chìa khóa sắt, bịt móng cọp bằng sắt, đặt con dao sắt dưới lưng lâu ngày trở thành một thứ “dị đoan mê tín”.

Năm 1985, tôi có dịp trình bày trên Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM một loạt bài về sức khỏe trẻ em, tôi đã nhận được nhiều thư của bạn nghe đài, đặc biệt có hai thư làm tôi nhớ mãi: Một anh ở T. B nói rằng ở vùng anh có nhiều trẻ em bị “ban khỉ” phải chữa trị bằng cách cho chơi với khỉ mà không hết. Thực ra, đó là bệnh suy dinh dưỡng thể teo đét (marasmus) do thiếu năng lượng, chỉ cần cho ăn nhiều chất béo thì sẽ khỏi. Anh nói sau này các bé đã hết ban khỉ mà chuyển thành ban… gấu, vì to như gấu!

Thư thứ hai của một bà mẹ ở vùng xa nói rằng ở quê chị có nhiều trẻ cứ chạng vạng tối (hoàng hôn) thì nhìn không rõ, không thấy đường đi, người ta phải bồng bé chạy quanh chuồng gà để chữa, chị hỏi cách chữa như vậy có thể hết bệnh không. Tôi trả lời hết bệnh với điều kiện là vừa chạy quanh chuồng gà vừa cho bé ăn thêm một cái trứng gà! Chắc chắn ở nơi có chuồng gà hẳn là có trứng gà, có điều bà con không biết bệnh đó chính là bệnh quáng gà do thiếu vitamin A, mà trong trứng gà thì có rất nhiều vitamin này. Như vậy là có mối liên quan xa gần giữa chuyện chữa quáng gà bằng cách chạy quanh chuồng gà và chữa giật mình bằng cách đặt con dao sắt dưới lưng.

Rõ ràng là đằng sau một sự “dị đoan mê tín” – dựa trên lòng tin, tập tục của cộng đồng – đã có một cơ sở khoa học nào đó mà chúng ta cần quan tâm xem xét thay vì vội chê trách.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc tốt nghiệp Đại học Y Khoa Sài Gòn năm 1969. Tu nghiệp Y tế công cộng tại Đại học Havard, Hoa Kì và giáo dục sức khỏe tại CFES Paris, Pháp. Ông là trưởng bộ môn Khoa học hành vi & Giáo dục sức khỏe Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch Tp. Hồ Chí Minh và nguyên là giám đốc Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe Tp. Hồ Chí Minh.

Không phải vô cớ mà người ta “xem phong thủy” khi đặt một cái bàn làm việc, một bộ salon, xem một hướng xây nhà… Bởi nó cần được thuận lợi cho một hướng gió, một góc ánh sáng, một tầm nhìn sao cho sảng khoái, thư giãn, tạo cho “gia chủ” một sự tự tin, an tâm, giảm lo lắng, giảm stress… Gần đây thấy ở Nhật, các chuyên gia vi tính trẻ tuổi, học rộng tài cao, thắp nhang xì xụp khấn vái mấy cái máy vi tính, cầu cho đừng bị… virus, cầu cho làm ăn phát tài khá ngộ nghĩnh.

Thế nhưng cái gì quá cũng không tốt.

Có người mê bói toán mà mất ăn mất ngủ, bùa mê thuốc lú mà tiền mất tật mang, thậm chí có người tán gia bại sản. Có người mất vợ mất chồng vì coi bói! Có lẽ đã đến lúc các nhà xã hội học cần có những nghiên cứu về hiện tượng bùng phát “dị đoan mê tín” trong xã hội ta ngày nay! Tuy vậy có những trường hợp bói toán tỏ ra… có lợi lớn. Bạn tôi là một “người bận rộn” khá thành đạt, chỉ vì tuổi hơi cao mà khi đi hỏi vợ liền bị… chê. Sau đó nhờ bên nhà vợ đi coi thầy mà mọi chuyện trở nên suôn sẻ không ngờ. Tôi khen hay tốt số, anh nói đúng vậy, “số tốt” cũng hơi bộn! Tóm lại là anh đã làm “advocacy” (đại khái là “bỏ nhỏ”) trước với thầy, mọi chuyện nhờ vậy mà “đại cát”!

Bạn còn chờ gì nữa mà không đi coi bói một chuyến ngay đi?

Hẹn thư sau. Thân mến.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/chuyen-me-tin-di-doan-15170.html