Chuyển mạng giữ số cho thuê bao trả sau: Phép thử của nhà mạng

Dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số (MNP) chính thức được áp dụng từ 16/11/2018. Tuy chưa phải là một thị trường dịch vụ hoàn hảo do mới chỉ áp dụng cho thuê bao trả sau, nhưng đây sẽ là phép thử đầu tiên của nhà mạng trong việc 'giữ chân' thuê bao.Thuê bao trả sau ít, lại là những thuê bao 'ngại di chuyển' nên mức độ chuyển mạng cũng sẽ ít hơn...

Trên thế giới, khi triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số, mỗi nhà mạng trung bình sẽ có sự dịch chuyển 5 - 10% lượng thuê bao.

Vì sao lại chưa áp dụng với thuê bao trả trước? Câu hỏi này chắc chắn sẽ được đặt ra và được cơ quan quản lý trả lời cụ thể tại buổi họp báo về triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ số chiều nay, 13/11, tại Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo kế hoạch trước đó, sau ba tháng đầu áp dụng với thuê bao trả sau sẽ chính thức triển khai với thuê bao trả trước. Nghĩa là các thuê bao trả trước – hơn 115 triệu thuê bao, chiếm tới trên 93% trong tổng số thuê bao di động hiện nay sẽ phải đợi đến ngày 16/2 mới có thể được trải nghiệm dịch vụ này. Tuy nhiên, theo nguồn tin chưa chính thức của VnEconomy, có khả năng ngay đầu năm 2019, cơ quan quản lý sẽ áp dụng dịch vụ MNP với thuê bao trả trước.

Việc mới triển khai MNP với thuê bao trả sau sẽ chưa phải là một dịch vụ hoàn hảo và đúng nghĩa bởi số lượng thuê bao này hiện rất ít, hơn nữa, đặc điểm và tính chất của thuê bao trả sau, như các cam kết hợp đồng, cam kết gói cước với nhà mạng, là thuê bao trung thành ít có sự thay đổi… nên cũng sẽ chưa phản ánh đầy đủ nhất của nhu cầu người dùng vào dịch vụ MNP. Nhưng đây sẽ là phép thử đầu tiên của nhà mạng để nhận biết tín hiệu về xu hướng "dịch chuyển" của thuê bao, từ đó có những chính sách điều chỉnh kịp thời trước khi một làn sóng "dịch chuyển" lớn, thực sự ở nhóm thuê bao trả trước có thể ập đến.

Đại diện một nhà mạng (đề nghị không nêu tên), cho biết, ở góc độ doanh nghiệp, lý do mà các nhà mạng đưa ra và thống nhất chưa áp dụng với thuê bao trả trước bởi nếu triển khai chuyển mạng giữ số liền lúc cho cả trả trước và trả sau có thể số lượng thuê bao di chuyển sẽ ồ ạt nên các mạng lo ngại hệ thống chuyển mạng hoàn toàn mới, rồi trình tự, thủ tục… sẽ khó kiểm soát nên cần một bước đi thử nghiệm.

Ngoài ra, vị này cũng cho rằng, do thuê bao trả sau ít, lại là những thuê bao "ngại di chuyển" nên mức độ chuyển mạng cũng sẽ ít hơn. Ngoài ra, những thuê bao trả sau có những cam kết gói cước với nhà mạng thì việc chuyển mạng cũng có những ràng buộc và điều kiện nhất định, chẳng hạn như phải dùng hết gói cước cam kết trong thời gian 3 hay 5 năm thì mới được chuyển.

Một số tính toán từ nhà mạng, cho biết, trên thế giới, xu hướng MNP thông thường sẽ dịch chuyển từ 10-15% lượng thuê bao trên thị trường, và mỗi nhà mạng trung bình sẽ có sự dịch chuyển 5 - dưới 10% lượng thuê bao. Vì vậy, những mạng có lượng thuê bao lớn như Viettel – khoảng 50 triệu thuê bao, hay VinaPhone và MobiFone có khoảng 20 – 30 triệu thuê bao, thì việc chỉ cần 5-7% thuê bao rời mạng cũng đã mất đi hàng triệu thuê bao, khi đó sẽ tác động không nhỏ đến thị phần, doanh thu và lợi nhuận của các nhà mạng.

Một số quốc gia và vũng lãnh thổ trên thế giới khi triển khai MNP, có những nhà mạng đang đứng vị trí số 3 đã vươn lên vị trí thứ 2. Xu hướng dịch chuyển của thuê bao đã giúp cho nhà mạng thay đổi thị phần, thứ hạng trên thị trường.

Sự dịch chuyển của thuê bao (khi triển khai MNP) theo tỷ lệ kể trên chỉ xảy ra khi áp dụng với cả thuê bao trả trước, khi vốn chiếm tỷ trọng đa số, là những thuê bao ít có sự cam kết với nhà mạng, ưa thích sự linh hoạt, những gói cước giá rẻ, dung lượng dữ liệu (data) lớn, thích công nghệ mới… do vậy, việc mới áp dụng cho thuê bao trả sau được xem là phép thử cho mỗi nhà mạng cho mục đích đầu tiên là "giữ chân" thuê bao và đảm bảo lượng chuyển đi ít nhất có thể.

Tất nhiên, thách thức luôn đi kèm cơ hội. Ngoài nguy cơ mất một lượng lớn thuê bao thì các nhà mạng cũng có thể thu hút được hàng triệu thuê bao mới. Thuê bao chuyển đến khi thấy giá cước của nhà mạng đó rẻ, chất lượng dịch vụ tốt, chính sách chăm sóc khách hàng chu đáo, có nhiều dịch vụ giá trị gia tăng tiện ích, công nghệ mới và thương hiệu của nhà mạng.

Ngược lại, thuê bao chuyển đi khi nhà mạng đang dùng thiếu các yếu tố này hoặc không bằng so với mạng chuyển đến, và thường khi thuê bao đã bức xúc, chán không muốn dùng dịch vụ của nhà mạng hiện dùng nữa – mà thực tế lượng thuê bao này khá nhiều, chủ yếu là những thuê bao lâu năm - thì việc "giữ chân" thuê bao là vô cùng khó khăn.

Thủy Diệu

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/chuyen-mang-giu-so-cho-thue-bao-tra-sau-phep-thu-cua-nha-mang-20181113075300784.htm