Chuyển mạng giữ số: 'Cá lớn' sẽ nuốt 'cá bé'?

Chỉ còn 2 tuần nữa, các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực viễn thông như Viettel, VinaPhone, MobiFone và Vietnammobile sẽ đồng loạt cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ số cho cả thuê bao di động trả trước và trả sau. Nhiều ý kiến cho rằng đây sẽ là 'cuộc chơi' không cân sức, bởi các nhà mạng nhỏ sẽ có nguy cơ bị 'thôn tính' khách hàng bởi các 'ông lớn' có hạ tầng tốt và dịch vụ chăm sóc khách hàng đa dạng.

“Cuộc chơi” của các “ông lớn”

Trong đợt đầu tiên triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số cho các thuê bao trả sau từ ngày 16/11, chỉ có 3 nhà mạng lớn tham gia là MobiFone, VinaPhone và Viettel. Trong khi đó, khách hàng của Vienammobile sẽ phải chờ đến đợt triển khai tiếp theo vào ngày 1/1/2019 sắp tới.

Chuyển mạng giữ nguyên số (Mobile Number Portability) là dịch vụ cho phép người dùng được giữ nguyên số thuê bao của nhà mạng A nhưng chuyển sang sử dụng dịch vụ của nhà mạng B. Ví dụ thuê bao VinaPhone 0912345xxx sẽ được chuyển sang mạng Viettel, sử dụng các dịch vụ (gọi, sms, data, các dịch vụ giá trị gia tăng…) của Viettel và vẫn được giữ nguyên số 0912345xxx này.

Dự báo, cuộc cạnh tranh giữa các “ông lớn” kinh doanh lĩnh vực viễn thông sẽ càng khốc liệt hơn trong năm 2019, khi mà khách hàng sử dụng các thuê bao trả trước (chiếm đa số) của các nhà mạng được quyền chuyển mạng kể từ ngày 1/1 tới.

Dự báo, cuộc cạnh tranh giữa các “ông lớn” kinh doanh lĩnh vực viễn thông sẽ càng khốc liệt hơn trong năm 2019, khi mà khách hàng sử dụng các thuê bao trả trước (chiếm đa số) của các nhà mạng được quyền chuyển mạng kể từ ngày 1/1 tới.

Các thống kê gần đây cho thấy, trên thế giới, xu hướng chuyển mạng giữ số thông thường sẽ diễn ra sự dịch chuyển hai chiều đến và đi khoảng từ 10-15% lượng thuê bao trên thị trường. Trung bình, sự dịch chuyển thuê bao của mỗi nhà mạng là 5-10%. Tuy nhiên, sự dịch chuyển này là không đồng đều. Có những nhà mạng sẽ được lợi vì tỷ lệ khách hàng chuyển đi ít và chuyển đến nhiều, và ngược lại, sẽ có những nhà mạng sẽ đối mặt với việc bị mất khách hàng.

Thực tế, tại một số quốc gia khi triển khai chuyển mạng giữ số, có những nhà mạng đang đứng vị trí số 3 đã vươn lên vị trí thứ 2 và ngược lại. Chính xu hướng dịch chuyển của thuê bao đã giúp cho nhà mạng thay đổi thị phần trên thị trường.

Ước tính, theo phân khúc thị trường viễn thông ở Việt Nam hiện nay, với những mạng có lượng thuê bao lớn hiện nay như Viettel (khoảng 50 triệu thuê bao) hay VinaPhone và MobiFone (khoảng 20-30 triệu thuê bao) thì việc mất 7-10% thuê bao (nếu xảy ra) sẽ mất đi tới hàng triệu thuê bao, điều này cũng có nghĩa sẽ tác động không nhỏ đến thị phần, doanh thu và lợi nhuận của nhà mạng.

Hiện, cả 3 nhà mạng MobiFone, VinaPhone và Viettel đang đưa ra nhiều chính sách nhằm vừa giữ chân khách hàng, đồng thời thu hút thêm các khách hàng từ các nhà mạng khác chuyển sang bằng những dịch vụ đa dạng và hấp dẫn.

Tuy nhiên, nhìn chung hiện nay, chính sách và dịch vụ chăm sóc khách hàng giữa các nhà mạng lớn đều đang được cải thiện. Hơn ai hết, chính các nhà mạng hiểu rằng họ cần phải thay đổi, phải làm tốt lên để đáp ứng tốt và thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Do đó, sẽ không có nhà mạng nào muốn thuê bao nhà mạng mình chuyển sang sang mạng khác chỉ vì chất lượng dịch vụ chăm sóc kém, gây bức xúc cho khách hàng.

Do đó, “cuộc chơi” giữa các “ông lớn” trên thị trường viễn thông Việt Nam hiện nay sẽ tập trung cạnh tranh nhau về hạ tầng mạng lưới và công nghệ (4G). Rõ ràng, trong cuộc đua này, nhà mạng nào có lợi thế khi sở hữu hệ thống hạ tầng mạng lưới rộng khắp cả nước, chất lượng sóng tốt hơn các nhà mạng còn lại thì sẽ chiếm thế “thượng phong”.

Dự báo, cuộc cạnh tranh giữa các “ông lớn” kinh doanh lĩnh vực viễn thông sẽ càng khốc liệt hơn trong năm 2019, khi mà khách hàng sử dụng các thuê bao trả trước (chiếm đa số) của các nhà mạng được quyền chuyển mạng kể từ ngày 1/1 tới.

Cơ hội nào cho nhà mạng nhỏ?

Trong khi các nhà mạng lớn tỏ ra hào hứng với chuyển mạng giữ số, thì các nhà mạng nhỏ lại tỏ ra dè dặt hơn. Theo kế hoạch, Vietnammobile sẽ thực hiện vào ngày 1/1/2019, trong khi Gmobile thì vẫn chưa đưa ra lộ trình cụ thể với lý do hạ tầng chưa cho phép và đang cần hoàn thiện.

Tính đến thời điểm hiện tại, Vietnammobile vẫn chưa chính thức đồng ý cho khách hàng thực hiện chuyển mạng giữ số.

Thực tế, “cuộc chơi” chuyển mạng giữ nguyên số không mang lại nhiều lợi thế cho các nhà mạng nhỏ khi họ chỉ có “lá bài” duy nhất là giá cước, trong khi đó hạ tầng là khó khăn lớn nhất của những nhà mạng này. Để tham gia dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số, các nhà mạng buộc phải đầu tư hạ tầng và nâng cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng chứ không chỉ đơn thuần là chuyện giảm giá cước.

Yếu tố giá dịch vụ cũng là một trong những lý do, tuy nhiên, hiện nay mức cước di động nói chung đã khá rẻ, từ nhiều năm nay người dùng đã không còn quan tâm về cước, đặc biệt là cước dịch vụ gọi và tin nhắn.

Thêm nữa, mức chênh lệch cước dịch vụ giữa các nhà mạng (chủ yếu là nhóm nhà mạng lớn và mạng nhỏ) là không lớn. Vì thế, yếu tố giá có thể tác động đến xu hướng dịch chuyển thuê bao nhưng không quá lớn. Do đó, yếu tố giá có thể tác động đến xu hướng dịch chuyển thuê bao nhưng không quá lớn.

Đơn cử như Vietnammobile, đã có lúc không chỉ giảm giá cước ngoại mạng xuống mức giá cực kỳ cạnh tranh là 550 đồng/phút, nhà mạng này còn dành tặng khách hàng hàng loạt ưu đãi mới hấp dẫn như sản phẩm “siêu thánh sim”, siêu sim 4G... Hồi đầu năm nay, chỉ sau khi ra mắt khoảng một tháng, Vietnamobile đã bán được hơn 1 triệu chiếc thuê bao gói “siêu thánh sim”.

Tuy nhiên, cũng ngay sau đó, Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) đã có văn bản gửi Vietnamobile, yêu cầu dừng triển khai bộ hòa mạng thuê bao trả trước “siêu thánh sim” vì có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về quản lý giá cước viễn thông. Điều này đã gây khó khăn cho Vietnammobile trong việc tiếp tục phát triển thị trường khách hàng và cả giữ chân những khách hàng của mình. Điều này cho thấy vấn đề giảm giá cước dường như không còn là “lá bùa hộ thân” cho các nhà mạng nhỏ trong bối cảnh thị trường viễn thông cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Cũng theo thông tin từ giới buôn bán sim thẻ, có hiện tượng găm sim đẹp Vietnammobile để chờ đợi ngày chuyển mạng, được biết với đầu số 092, 056, 058... mạng này được đánh giá là một trong những mạng có nhiều đầu số đẹp.

Khách quan nhìn nhận, khách hàng chuyển mạng giữ số thường chủ yếu do 3 lý do: hạ tầng của nhà mạng kém (dẫn đến chất lượng sóng yếu, gọi bị rớt mạng, tốc độ mạng (data) chậm), chính sách, dịch vụ chăm sóc khách hàng không tốt và xu hướng công nghệ (nhà mạng nào ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ được nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ).

Yếu thế về hạ tầng mạng lưới nói chung cũng như hạ tầng 4G nói riêng sẽ là một thách thức không nhỏ cho các nhà mạng nhỏ trong “cuộc chơi” chuyển mạng giữ số, nhất là những yếu tố này không thể giải quyết ngày một ngày hai. Các mạng nhỏ có số lượng trạm ít hơn, băng tần yếu hơn, do vậy chất lượng sóng yếu hơn. Ngoài ra, yếu tố công nghệ 4G – xu hướng tất yếu đáp ứng cho nhu cầu sử dụng dữ liệu hiện nay, đặc biệt là đối với lớp khách hàng trẻ, thì các nhà mạng lớn cũng có lợi thế hơn rất nhiều khi cũng có một hạ tầng 4G phủ rộng khắp cả nước.

Do đó, dư luận cho rằng, trong tương lai gần, các nhà mạng nhỏ sẽ sớm bị các “ông lớn” thôn tính về mặt số lượng thuê bao cũng như thị phần đang có của mình nếu như không có chiến lược kinh doanh phù hợp và thực sự hiệu quả. Tất nhiên, những nghi ngại này không hẳn là không có cơ sở.

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/chuyen-mang-giu-so-ca-lon-se-nuot-ca-be-post52708.html