Chuyện ma men lái xe

Cả nước ta mỗi ngày tính trung bình có 20 người tử vong do tai nạn giao thông (đã giảm nhiều so với các năm trước - trung bình 30 ca tử vong mỗi ngày). Nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, trong đó phần lớn là do người cầm lái đã uống rượu bia trước đó.

 Lợi ích từ việc thu thuế rượu bia không bù đắp nổi cho các thiệt hại về sức khỏe lâu dài. Ảnh: Thành Hoa

Lợi ích từ việc thu thuế rượu bia không bù đắp nổi cho các thiệt hại về sức khỏe lâu dài. Ảnh: Thành Hoa

An toàn từ tài xế

Tôi có chuyến du lịch Nhật Bản tuần qua. Cô hướng dẫn viên nói rằng du khách nên tuân thủ giờ lên xe vì tài xế ở đây tuân thủ giờ giấc rất chặt chẽ. Xe bắt đầu rời bến lúc 8 giờ sáng và phải trở về khách sạn đúng 8 giờ tối. Bác tài sẽ bị phạt nếu về bến trễ giờ. Lý do của quy định này là để bảo vệ sức khỏe cho tài xế và như vậy là giữ an toàn cho du khách.

Khi kê đơn thuốc, bác sĩ hay hỏi bệnh nhân: “Ông có lái xe không? Thuốc này có thể gây buồn ngủ, chóng mặt”. Tất nhiên khi buồn ngủ thì dễ gây tai nạn khi lái xe.

Trong lịch sử hàng không đã có nghi vấn về việc một chiếc máy bay chở hành khách đâm vào núi, mà nguyên nhân là do phi công... thất tình.

Rõ ràng là người cầm lái (dù là lái xe hay lái máy bay) rất cần có sức khỏe tốt và tỉnh táo để đảm nhiệm công việc của mình tốt nhất, an toàn nhất. Bất cứ một tác nhân nào gây tác động xấu đến công việc lái xe cũng đều phải được thận trọng xem xét.

Một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông thường gặp là do tài xế uống rượu bia trước đó. Nước ta là một trong những nước đứng hàng đầu thế giới về tỷ lệ người sử dụng rượu bia. Có tới 77,3% nam giới sử dụng rượu bia, đây là con số cao nhất thế giới, gấp gần hai lần mức trung bình. Thống kê cho thấy trong gần 18.500 bệnh nhân bị tai nạn giao thông thì có gần 67% người điều khiển giao thông có nồng độ cồn cao vượt mức quy định trong máu.

Tác dụng sinh học của rượu bia

Rượu được dùng trong y học, công nghiệp và chế biến thực phẩm... Một chút rượu khi chế biến đồ ăn sẽ làm tăng vị ngon. Một ly rượu vang trong mỗi bữa ăn sẽ giúp tiêu hóa và hưng phấn, gia tăng chất lượng ẩm thực. Một hai lon bia sẽ giúp bữa tiệc thú vị hơn là chỉ uống nước ngọt hay nước lọc. Đối với người Á Đông thì rượu còn được nâng cao đến mức lễ nghi (vô tửu bất thành lễ). Tuy nhiên, nếu uống rượu bia đến say xỉn thì là vấn đề khác.

Rượu Ethanol có tác dụng sinh học lên hệ thần kinh, ban đầu là hưng phấn, sau đó là ức chế. Trong giai đoạn hưng phấn thì các giác quan làm việc rất tốt và các phản xạ khá chính xác. Trong môn võ túy quyền, mặc dù hình dạng người say trông rất buồn cười, tưởng như luôn mất thăng bằng, nhưng họ phản xạ rất tốt và nhờ đó ra đòn rất chính xác.

Ở giai đoạn hưng phấn, người uống rượu trở nên mạnh mẽ, không còn bị ràng buộc bởi lý trí (tửu nhập tâm như hổ nhập lâm). Tuy nhiên khi vào giai đoạn thần kinh bị ức chế thì ngược lại, giác quan trở nên yếu kém và phản xạ chậm. Khi ức chế mạnh thì người ta bị say rượu, buồn ngủ và ngủ gục, không còn tự điều khiển bản thân được nữa. Nếu người lái xe rơi vào tình trạng này thì rất dễ gây tai nạn cho mình và cho người khác.

Trong tiệc rượu, khởi đầu luôn luôn là sự vui vẻ, nói cười, chúc tụng, tuy nhiên đến khi tàn cuộc thì những hình ảnh xấu xuất hiện: nói nhảm, tranh nói, lè nhè, gây gổ, nôn ói, ngủ gục...

Trong thực tế thì mỗi người có ngưỡng chịu say khác nhau. Có người uống ít nhưng mau say và có người uống nhiều nhưng vẫn tỉnh táo, do vậy người có nồng độ cồn trong máu cao chưa hẳn đã là người say. Tình trạng say cũng sẽ thay đổi qua thời gian ngấm rượu bia. Khi mới uống rượu bia, cồn được chuyển hóa tại gan, chưa xâm nhập ngay vào hệ thần kinh nên chưa tạo hiệu ứng sinh học say rượu bia. Sau khi cồn thoát qua vòng kiểm soát của gan, xâm nhập hệ thần kinh thì biểu hiện say rượu bia xuất hiện.

Quan sát bằng mắt thì không khó để nhận biết một người bị say rượu bia. Người đang trong trạng thái hưng phấn sẽ nói nhiều, nói lớn, tay chân vung vẩy. Người trong trạng thái ức chế sẽ lè nhè, mở mắt không lên, không điều khiển được tay chân, không thể tự vận hành xe cộ. Khi bị ức chế tối đa thì người say sẽ lăn đùng ra ngủ.

Như vậy, vấn đề không phải là hễ uống rượu bia (drink) hay có mùi rượu bia trong hơi thở thì cấm lái xe, mà phải là cấm lái xe khi say rượu bia (drunk). Vậy dấu hiệu nào để xác định tình trạng say rượu bia?

Rượu bia và pháp luật

Theo quy định hiện hành, công an sẽ chặn những người lái xe nghi mới uống rượu bia và bắt đo nồng độ cồn. Theo đó, nếu máy đo phát hiện nồng độ cồn vượt ngưỡng 50-80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 miligam/1 lít khí thở thì người lái xe sẽ bị phạt. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, không có tương quan chắc chắn giữa nồng độ cồn trong máu và tình trạng tỉnh thức.

Để đánh giá mức độ tỉnh táo ý thức cũng là đánh giá mức độ hôn mê của các bệnh nhân liên quan đến hệ thần kinh, các nhà thần kinh học có bảng chỉ số Glasgow - Thang điểm hôn mê Glasgow (Glasgow Coma Scale/GCS). Ban đầu nó được sử dụng để mô tả mức độ ý thức ở bệnh nhân có tổn thương não do chấn thương, sau này được áp dụng rộng rãi hơn trong việc mô tả mức độ ý thức ở bệnh nhân hôn mê nói chung.

Việc đánh giá/mô tả mức độ ý thức của bệnh nhân hôn mê bằng thang điểm hôn mê Glasgow theo ba tiêu chí: mở mắt (eye opening/E), đáp ứng vận động (motor response/M), và đáp ứng lời nói (verbal response/V). Điểm hôn mê Glasgow (GCS score) được xác định bằng tổng số điểm của ba tiêu chí trên, điểm cao nhất là 15 và điểm thấp nhất là 3, như sau: GCS score = E + M + V.

Dù vậy, bảng điểm Glasgow chỉ dùng để đánh giá tình trạng tỉnh táo của bệnh nhân vào thời điểm kiểm tra. Đối với người đã uống rượu mà chưa “ngấm” thì điểm này sẽ thay đổi sau đó.

Vậy có thể dùng thang điểm Glasgow để đánh giá tình trạng tỉnh thức của tài xế? Tất nhiên là được, ai cũng có thể học và thực hiện được. Tuy nhiên, điểm Glasgow chỉ đúng vào thời điểm kiểm tra mà không thể tiên đoán rằng sau 10 phút nữa thì chuyện gì sẽ xảy ra đối với người uống rượu bia, khi mà rượu bia đã ngấm vào hệ thần kinh. Hơn nữa, việc đánh giá này có thể mang tính chủ quan, không cố định và vì vậy không có giá trị bằng chứng pháp lý.

Trước thực tế biến thiên quá khác biệt giữa nồng độ cồn và tình trạng say rượu bia, sự nhìn nhận vấn đề cũng khác nhau, nên có lẽ vì vậy mà các đại biểu Quốc hội chưa đồng thuận cao với các phương án cấm lái xe khi uống rượu bia.

Tuy vậy, tác hại của rượu bia trên mọi mặt xã hội và cá nhân là không cần bàn cãi. Nếu như chúng ta chưa có một nghiên cứu khoa học để làm căn cứ cho việc ra quyết định thì cứ học theo quốc tế, căn cứ vào các quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để áp dụng ngay và luôn. Tiên phát chế nhân, ra tay ngăn chặn nguồn gốc gây hại để ngăn ngừa hậu quả thiệt hại tính mạng và sức khỏe con người. Lợi ích từ việc thu thuế rượu bia không bù đắp nổi cho các thiệt hại về sức khỏe lâu dài.

Ý thức cá nhân

Người xưa có câu “trí giả tự xử, ngu giả quan đáng”, người có trí thì tự mình làm chủ hành vi của mình, người không có trí thì để người khác phân xử.

Với nguồn thông tin hiện nay, không khó để thấy hết tác hại của rượu bia đối với sức khỏe. Theo báo cáo từ Bộ Y tế, rượu bia là nguyên nhân chính của 31% vụ đánh nhau, giết người; 33% vụ hiếp dâm, 18% vụ tai nạn giao thông, nhiều tệ nạn xã hội và 60 loại bệnh khác nhau như: ung thư, suy đa tạng...

Vậy thì đối với từng cá nhân có hiểu biết, đâu cần phải chờ cho công an bắt đo độ cồn hay đợi có luật quy định thì mới giữ thân. Tự mình phải biết tránh xa thứ thức uống đầy nguy hiểm đó. Mặt khác, trừ những bợm nhậu sầu đời, cô đơn uống rượu giải sầu một mình thì hầu hết là “nhậu có bạn”. Vì vậy, đã ngồi nhậu với nhau thì đừng ép nhau “uống tới bến”, đừng biến bạn thành ma men.

BS. Phan Xuân Trung

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/289981/chuyen-ma-men-lai-xe.html