Chuyện ly kỳ quanh bức tượng đẹp ở đình Trung Bản

Đình Trung Bản thuộc thôn Trung Bản, xã Liên Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh nằm trên một khu đất cao, có diện tích khoảng 2.000m2 trong quần thể cụm di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng. Đình thờ vị tướng tài Trần Hưng Đạo, người có công cùng quân dân nhà Trần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông trên dòng sông Bạch Đằng năm 1287-1288.

Đình Trung Bản. Ảnh: Long Vũ

Tương truyền, sau khi chuẩn bị xong bãi cọc Yên Giang và bãi cọc đồng Vạn Muối để phối hợp với Ghềnh Cốc, Ghềnh Chanh (hai dải đá ngầm) tạo thành một phòng tuyến bịt chặt họng sông Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo còn cho quân sĩ mai phục trên các gò đất cao gần trận địa cọc nhằm tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân giặc, không cho chúng chạy thoát về nước.

Ngày mùng 8 tháng 3 năm Mậu Tý (1288), giặc Nguyên Mông vừa đến khu vực núi Tràng Kênh (Thủy Nguyên, Hải Phòng ngày nay), Trần Hưng Đạo cho những thuyền nhỏ ra khiêu chiến rồi giả vờ thua bỏ chạy để địch đuổi theo vào trận địa đã bố trí sẵn. Khi nước triều rút, dải đá ngầm và trận địa cọc có tác dụng, ông bèn đốt lửa làm hiệu cho quân sĩ mai phục hai bên dòng sông nhất loạt tiến công. Trận đánh quyết liệt diễn ra từ Tràng Kênh đến Trung Bản, trong khói lửa mù mịt, Trần Hưng Đạo cưỡi con ngựa hồng to lớn trên gò đất Trung Bản, đốc thúc quân sĩ tiêu diệt giặc. Mải mê đánh trận, tóc bị xổ ra, Trần Hưng Đạo bèn xuống ngựa chống kiếm, búi lại tóc.

Chiến trận Bạch Đằng thắng lợi. Năm 1300, Trần Hưng Đạo mất, những người dân chài lưới quanh vùng bèn lập đền thờ ông ở ngay trên gò đất nơi ông chống kiếm búi lại tóc. Ngôi đền đó sau này được dân làng xây dựng quy mô thành đình Trung Bản. Đình đã trải qua các lần trùng tu năm 1919, 1921. Về mặt kiến trúc, đình Trung Bản hiện còn lưu giữ một bức tượng đức Thánh Trần sơn son thiếp vàng ngồi trên ngai. Nhân dân trong vùng thường đến cúng lễ, cầu an rất linh nghiệm. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, bức tượng có giá trị rất cao về mặt mỹ thuật điêu khắc, độc đáo và đẹp nhất cả nước. Bức tượng có kích thước như người thật, mái tóc dài đến tận thắt lưng, tay cầm trâm cài tóc ứng với câu chuyện truyền thuyết đã được lưu truyền trong dân gian.

Đình Trung Bản là một ngôi đình cổ cấu trúc theo kiểu chữ Đinh, gồm tiền đường, hậu cung và các công trình phụ khác. Tiền đường gồm năm gian, bờ nóc đắp nổi hình lưỡng long chầu nguyệt, bên trong là các cấu kiện gỗ, vì kèo kiểu chồng rường, có 4 hàng cột, cột cái có chu vi 1,6m, cột quân có chu vi 1,52m, phía dưới là đá tảng kê chân cột, đường kính 0,8m. Các con rường, đầu bẩy đều được chạm nổi kênh bong hình rồng, cá, mây và hoa lá cách điệu. Bái đường gồm 3 gian, cấu trúc vì kèo kiểu chồng rường, gồm bốn hàng cột, chu vi cột cái 0,8m, cột quân 0,75m, các cấu kiện gỗ cũng đều được chạm nổi kênh bong hình rồng, mây, hoa lá cách điệu như ở ngoài.

Hậu cung gồm một gian, vì kèo kiểu chồng rường. Các đầu dư, đầu bẩy, con rường cũng đều được chạm khắc giống như ở tiền đường và bái đường. Không chỉ hệ thống kiến trúc quy mô, hệ thống đồ thờ tự bên trong đình Trung Bản cũng rất phong phú và đặc sắc, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVII. Đó là các bức hoành phi, câu đối và một số di vật cổ được chạm khắc công phu, tỉ mỉ, bên ngoài được sơn son thếp vàng bằng bàn tay khéo léo của các nghệ nhân. Ngoài ra, đình còn lưu giữ được một hòm sắc, trong đó có 6 đạo sắc phong của các triều vua ban cho đình Trung Bản.

Bên cạnh kiến trúc độc đáo và cảnh quan đẹp thì đình Trung Bản còn lưu truyền một câu chuyện khá ly kỳ. Đó là năm 1435, một viên quan lớn triều Lê lấy vợ đã lâu mà chưa có con trai nối dõi. Sau khi nghe nói đình Trung Bản thờ đức Thánh Trần Hưng Đạo rất linh thiêng, bèn mua một bộ kiệu (long cống) được làm bằng gỗ tốt, lắp rắp chắc chắn và được chạm trổ cầu kỳ, đạt thẩm mỹ cao do các nghệ nhân có kinh nghiệm ở kinh thành lúc đó làm để cung tiến vào đình. Sau khi bộ kiệu làm xong, viên quan ra lệnh cho quân lính mang từ kinh thành về đình Trung Bản.

Trong quá trình vận chuyển, đoàn tùy tùng không may làm rơi bộ kiệu xuống cửa sông Bạch Đằng (địa phận Thủy Nguyên, Hải Phòng lúc bấy giờ). Đoàn tùy tùng mò mấy ngày không thấy kiệu. Trong số đoàn người đưa bộ kiệu về, có một người nằm mộng thấy một vị thần gần đó nói, thấy bộ kiệu đẹp nên muốn lấy. Nay, muốn lấy lại phải cúng ông thần đó mới lấy được. Quả nhiên, sáng sớm hôm sau, mọi người lập lễ cúng vị thần đó, bộ kiệu tự nhiên nổi lên mặt nước và đoàn người đưa được bộ kiệu về tới đình Trung Bản. Hai năm sau, viên quan lớn trong triều, người cung tiến bộ kiệu đã đẻ được con trai. Hiện nay, bộ kiệu vẫn còn trong đình, những ngày lễ hội, hay rước tượng, người dân mang ra để sử dụng.

Ông Nguyễn Văn Bột, 88 tuổi (thôn 1, xã Liên Hòa, thị xã Quảng Yên), một cán bộ tiền khởi nghĩa cho biết: “Trong kháng chiến chống Pháp, những cán bộ hoạt động bí mật thường rút vào hoạt động trong những vùng địch không chiếm đóng, và những nơi ẩn khuất, ít người lui tới. Đình Trung Bản nơi ít người qua lại nên chúng tôi đã từng ẩn náu để hoạt động ở vùng này. Hiện, ở đình Trung Bản còn lại 3 đường hầm bí mật, chúng tôi đã trốn và hoạt động ở đó trong những năm 1947 - 1951”.

Ông Bột bồi hồi kể thêm: “Mùa đông 1947, tôi cùng đồng đội hoạt động ở vùng đảo Hà Nam. Sau khi bị địch phát hiện, tôi và anh em rút lui vào trong đình và trốn trong một cái hầm dưới chân tượng đức Thánh Trần. Mà kỳ lạ thay, tôi trốn trong đó, bọn lính Tây lục soát rất kỹ nhưng không phát hiện ra”.

Bên cạnh những câu chuyện tâm linh về bức tượng đức Thánh Trần, đình Trung Bản còn có một cây bàng, cây thị cổ thụ hơn trăm tuổi. Cây bàng và cây thị già luôn tô điểm thêm chốn linh thiêng nơi cửa đình. Rất nhiều du khách sau khi chiêm bái trong đình, còn đi dạo quanh đình, chiêm ngưỡng hai cây cổ thụ này tỏ ra rất thích thú. Ông Nguyễn Văn Chiêm, thủ nhang của đình cho biết: Đình Trung Bản đã được Bộ Văn hóa, Thông tin công nhận xếp hạng là Di tích lịch sử theo Quyết định số 1548/QĐ-BVHTT, ngày 30-8-1991.

Long Vũ

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chuyen-ly-ky-quanh-buc-tuong-dep-o-dinh-trung-ban/