Chuyện ly kỳ ở Thảo Cầm Viên: 'Voi bà bà' 62 tuổi nghĩa hiệp

Mặc dù đã bước qua tuổi 62, 'lão bà bà' voi ở Thảo Cầm Viên TP.HCM vẫn khỏe mạnh, ăn nhiều nhất trong bầy. 'Bà' voi thích trêu ghẹo các nhân viên chăm sóc và bênh vực 'nàng' voi yếu thế.

LTS: Một “bà” voi 62 tuổi “ra tay” che chở “nàng” voi ốm yếu, một cặp vợ chồng hà mã 10 năm bên nhau nhường nhịn và hạnh phúc... Thế giới động vật trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn hiện ra đầy nhân tính qua lời kể của các nhân viên chăm sóc ở nơi đây. Pháp Luật TP.HCM ghi lại những lát cắt sinh động từ thế giới này.

“Bà” voi 62 tuổi được các nhân viên gọi với cái tên “Chuông”. Chuông sống tại Thảo Cầm Viên từ trước năm 1984, sớm hơn bất kỳ nhân viên nào đang làm việc tại chuồng voi. Theo lời kể của ông Đỗ Thanh Hải (55 tuổi, tổ trưởng tổ voi), Chuông được người Campuchia dẫn đi đường bộ sang Việt Nam. Trước đó, Chuông đã được người Campuchia thuần hóa nên các nhân viên không gặp nhiều khó khăn khi nuôi dưỡng.

Màn đánh phủ đầu gây choáng váng của “bà trùm”

Chuông được chuyển sang sống chung chuồng với các voi cái khác cách đây hơn một năm. Trước đó, vì là con voi lớn tuổi nhất nên các nhân viên cho Chuông sống riêng một chuồng. Về sau, Thảo Cầm Viên quyết định để voi cái sống chung với nhau, voi đực sống chuồng khác nên Chuông được chuyển sang sống cùng các chị em voi khác.

“Ban đầu, trong chuồng voi cái có hai con hay đấu đá, tranh giành đồ ăn với nhau. Chuông vừa mới chuyển sang đã cùng một trong hai con đó đánh con còn lại. Chúng tôi phải chuyển con bị đánh sang chuồng khác, sống với voi đực” - anh Thái Ngọc Tuấn (38 tuổi, tổ phó tổ voi) kể.

Ông Hải là người đã gắn bó với Chuông hơn 36 năm. Nói về những ngày đầu Chuông mới được chuyển chuồng, ông Hải cười: “Chuông chơi một màn phủ đầu với tất cả con voi khác. Nó đánh một con rớt xuống hào nước, mắc kẹt luôn không lên được. Thảo Cầm Viên phải thuê máy móc, huy động toàn bộ nhân viên có mặt tại vườn thú tới đưa con voi này lên. Từ đó, nó không dám quấy rầy Chuông nữa”.

Tuy vậy, Chuông lại thương một con voi khác trong chuồng tên là Chanh. Chanh là con voi ốm yếu nhất bầy, thường xuyên bị bệnh về phổi và tiêu hóa nên được nhân viên tổ voi ưu tiên chăm sóc. Theo lời kể của anh Tuấn, nếu nhân viên cho tất cả voi ăn chung thì Chuông là con ăn đầu tiên trong bầy. Không con voi nào dám tới giành đồ ăn của Chuông khi Chuông đang ăn vì sợ bị đánh. Duy chỉ có Chanh được Chuông ưu ái nhường đồ ăn nếu Chanh tới gần.

“Bà” voi Chuông ăn khỏe và có “thành tích” đánh nhau lẫy lừng bên các nhân viên chăm sóc. Ảnh: KHÁNH CHI

“Bà” voi Chuông ăn khỏe và có “thành tích” đánh nhau lẫy lừng bên các nhân viên chăm sóc. Ảnh: KHÁNH CHI

Đối với các nhân viên của chuồng voi, Chuông lại khá hiền và kín đáo. Chuông không nghịch ngợm, không dùng vòi nắm đầu, tay chân của ai. Thời gian đầu mới vào làm tại chuồng voi, ông Hải đã mất hơn nửa năm để làm quen với Chuông. Ban đầu, ông phải vào trong chuồng cùng với người Campuchia - chủ cũ của Chuông. Nó không để ông tới gần vì ngửi được mùi lạ. Dần dần ông Hải tiếp xúc với Chuông nhiều hơn, thân thiết với Chuông bằng những đồ ăn nó thích và gần gũi với nó.

“Có nhiều lần nó còn giỡn với chúng tôi. Khi tôi vào chuồng, nó kêu to rồi thổi cát, thổi nước bọt vào mặt. Nhưng chỉ đùa nhẹ nhàng như vậy thôi, chứ không dùng vòi túm chân, tay hay làm gì khác” - ông Hải cười kể lại.

Biết rửa sạch rau cỏ trước khi ăn

So với tuổi thọ trung bình của voi cái thuộc giống voi châu Á trong tự nhiên (ước tính khoảng 60 năm) thì Chuông có tuổi khá cao. Tuy vậy, tuổi tác không ảnh hưởng đến sức ăn, sinh hoạt và sức khỏe của nó.

Mỗi ngày Chuông ăn khoảng 120 kg cỏ. Buổi sáng, Chuông ăn bữa đầu tiên (khoảng 30 kg) vào 10 giờ. Đến 13 giờ, nhân viên chuồng voi sẽ đưa gốc cỏ vào để Chuông ăn tiếp. Đây là món ăn yêu thích của Chuông. Lúc ăn cỏ, Chuông sẽ tuốt phần lá, ăn phần gốc trước, ăn hết gốc mới bắt đầu ăn lá.

Đến 16 giờ 30, Chuông được ăn bữa phụ là các củ quả khác như cà rốt, bắp, khoai lang, bí ngô, cà chua, dưa hấu, dưa lưới… Nhân viên sẽ luân phiên các loại rau củ để voi không bị ngán. Chuông cũng được ăn bánh mì và bột cám viên để bổ sung tinh bột.

90 kg cỏ còn lại được nhân viên đưa vào từ sau 16 giờ 30 để Chuông ăn từ thời gian đó đến khuya. Ông Hải kể: “Chỉ khi không gian thật yên ắng, tất cả voi mới đi ngủ. Sáng sớm tôi thức dậy thì thấy Chuông đã dậy rồi”.

“Chuông tuổi đã cao nhưng nó vẫn ăn khỏe, thậm chí còn ăn nhiều hơn những con khác. Trông bụng nó khá to, khách tham quan tưởng nó đang mang bầu nhưng thực ra là do nó ăn nhiều quá. Chúng tôi đang lo nó sẽ bị béo phì vì không vận động được nhiều trong điều kiện nuôi nhốt” - anh Tuấn chia sẻ. Do đó, nhân viên trong tổ voi thường xuyên để cho Chuông vận động bằng cách giấu đồ ăn ở các gốc cây, kẽ đá, hàng rào, lốp xe để Chuông đi tìm, thay vì chỉ đứng ăn một chỗ.

Trong chuyện ăn uống, Chuông khá sạch sẽ. Trước khi cho đồ ăn vào miệng, Chuông sẽ dùng vòi vẩy mạnh đồ ăn để sạch cát, nước bẩn. Trước đây, khi còn có máng nước, Chuông sẽ dùng nước rửa đồ ăn trước khi ăn.

Vì được chăm sóc kỹ cùng với thể trạng tốt, Chuông ít khi bị bệnh nặng. Lần bệnh nặng nhất của Chuông từ trước tới nay là lúc Chuông bị táo bón. Nhân viên tổ voi biết Chuông bị bệnh khi thấy nó đứng im, không hay lắc vòi, phe phẩy đôi tai.

Các nhân viên y tế và nhân viên tổ voi đã nghĩ mọi cách để cho Chuông uống thuốc. Ông Hải kể lại: “Chúng tôi phải nhét thuốc vào đồ ăn của Chuông, làm sao cho lúc bắt đầu ăn nó không phát hiện ra vì voi là động vật rất nhạy cảm. Sau gần một tuần, Chuông ngâm mình trong hồ nước, nước mát giúp nó đi ngoài được thì hết bệnh”.

Lúc được nghe nói Chuông đã 62 tuổi, nhiều khách tham quan đã cảm thấy bất ngờ. “Tôi không nghĩ đó là con voi lớn tuổi nhất, thấy nó ăn rất khỏe và thông minh. Khi xem biểu diễn tập tính của voi, tôi để ý rằng nó là con tìm thấy đồ ăn được giấu từ trước nhiều nhất” - anh Cảnh An (21 tuổi, quận Thủ Đức) chia sẻ.

Kỳ tới: 10 năm hạnh phúc của cặp vợ chồng hà mã

KHÁNH CHI

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/chuyen-ly-ky-o-thao-cam-vien-voi-ba-ba-62-tuoi-nghia-hiep-962546.html