Chuyện Liên Xô từng đặt 'căn cứ quân sự' trên đất Mỹ năm 1942

Từ tháng 9-1942, căn cứ Ladd Field tại Alaksa trở thành nơi làm việc của phái đoàn quân sự Liên Xô sang để tiếp nhận máy bay. Phục vụ tại đây có tổng cộng 300 quân nhân Xô Viết.

Những năm 1930, các chàng trai Liên Xô không chỉ mơ ước “đặt chân đến sông Hằng” để tham gia cách mạng thế giới, mà còn mong vùng đất Alaska được trả lại. Nỗi lòng này của họ được thể hiện trong các tác phẩm văn học, chẳng hạn như, trong cuốn tiểu thuyết viễn tưởng “Plutonia” phổ biến thời bấy giờ. Sự thực, trong những năm 1940, người Nga đã từng trở lại Alaska, nhưng không phải với mục đích “giải phóng” vùng đất này. Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, chính phủ Hoa Kỳ từng cho phép Liên Xô đặt tại đây một doanh trại quân sự.

Giao nhiệm vụ cho phi công Liên Xô

Mùa hè năm 1942, Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt thông qua quyết định mở rộng Chương trình hợp tác Land Liza sang Liên Xô. Một trong những cách đưa phương tiện quân sự từ Hoa Kỳ về Liên Xô là theo tuyến đường không Alaska-Siberia. Những sân bay phục vụ cho mục đích này đã được nhanh chóng xây dựng trên toàn tuyến: Fairbanks – Nome – Uelkal – Seymchan – Yakutsk – Kirensk – Krasnoyarsk.

“Về việc phi công nước nào đảm nhiệm di chuyển máy bay từ Alaska, có lẽ nhiệm vụ này sẽ được giao cho phi công Liên Xô, họ sẽ đến Nome (tại Alaska) theo thời gian đã định”, nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin viết thư cho Tổng thống Mỹ ngày 1-6-1942. Nhiệm vụ quan trọng nhất được giao cho Sư đoàn số 1 Cờ đỏ gồm 5 trung đoàn thuộc Lực lượng không quân. Một trong những trung đoàn đó đóng quân ngay tại vùng Alaska.

 Các phi công Liên Xô tại “căn cứ quân sự” ở Alaska. Nguồn: russian7.ru

Các phi công Liên Xô tại “căn cứ quân sự” ở Alaska. Nguồn: russian7.ru

Alaska hiếu khách

Chính những phi công Liên Xô đầu tiên hạ cánh xuống thành phố Nome đã đánh giá cao sự hiếu khách của phía Mỹ. Phi công Liên Xô Viktor Glazkov kể lại: “Họ đến thăm chúng tôi trong những ngôi nhà hình bán cầu kiểu Canada. Phía bên ngoài ngôi nhà được phủ lớp tôn lượn sóng mạ kẽm, bên trong giữ ấm bằng kính và trang trí đồ nhựa, không có cửa sổ, còn cửa ra vào thì được bố trí ở cả hai đầu hồi ngôi nhà. Sàn nhà làm bằng gỗ có quét lớp đất son sáng màu. Dọc theo những bức tường là hệ thống lò sưởi bằng nước nóng”.

Lúc đầu, các phi công Nga không biết cách sử dụng hệ thống bồn cầu dã chiến của Mỹ, nên một số người đã chọn cách giải quyết nhu cầu ở hai bên đường. Tuy nhiên, trên đài nguyên rộng mênh mông, việc tìm được những góc khuất để đi vệ sinh là không thể.

Vị trí đóng quân thường trực của Trung đoàn số 1 là thành phố Fairbanks. Cũng tại đây, từ tháng 9-1942, căn cứ Ladd Field trở thành nơi làm việc của phái đoàn quân sự Liên Xô sang để tiếp nhận máy bay do đại tá Mikhail Machin dẫn đầu. Theo các nguồn tin của Mỹ, phục vụ tại căn cứ Ladd Field có tổng cộng 300 quân nhân Xô viết.

Để đáp ứng nhu cầu của các phi công Liên Xô, phía Mỹ đã dành cho họ một số ngôi nhà bằng gỗ hai tầng. Các phi công Liên Xô thậm chí chẳng cần ra ngoài nếu không thực sự cần thiết, vì với sự hỗ trợ của hệ thống hầm chui, họ có thể đến sân bay, nhà để máy bay, nhà ăn, bệnh viện, câu lạc bộ và rạp chiếu phim. Trong điều kiện khí hậu cận Bắc Cực, thì việc bố trí một căn cứ quân sự như vậy là rất hợp lý.

Từ những ngày đầu hợp tác đã phát hiện ra sự khác biệt trong thói quen sinh hoạt giữa người Nga và người Mỹ. Chẳng hạn, một số phi công Liên Xô từ chối dùng món canh hàu, trong khi lại ngạc nhiên với việc người Mỹ uống nước ép trái cây trước bữa ăn và ăn nhiều rau quả.

So với người Mỹ thì các phi công Xô viết tỏ ra không được tự nhiên, bởi họ phải tuân thủ nhiều quy tắc ứng xử ở nước ngoài do Bộ tư lệnh Liên Xô quy định. Chẳng hạn như, việc trao đổi vũ khí “làm kỷ niệm” là không thể được, mặc dù những khẩu súng trường của Mỹ có chất lượng vượt trội súng “Mosin” của Liên Xô. Trong khi đó, theo lời kể của các cựu quân nhân Hoa Kỳ, người Nga thường xuyên đến các cửa hàng ở thành phố Fairbanks, mua sạch hàng tiêu dùng khan hiếm tại Liên Xô.

Kếtquảhợptác

Ban đầu, máy bay được chuyển đến Siberia gần như theo từng chiếc một, nhưng sau đó chúng được chuyển theo từng tốp lớn hơn. Tuyến đường không Alaska - Siberia hoạt động hết công suất từ đầu năm 1943. Các phi công trải qua chuyến bay dài 1.493km từ Fairbanks đến làng Uelkal thuộc vùng Chukotka của Liên Xô, nơi thay ca cho họ là các phi công của Trung đoàn số 2.

Theo báo cáo của nhà ngoại giao Mỹ Maxwell Hamilton tại Moskva, ông có ấn tượng rất tích cực với sự hợp tác chặt chẽ, bầu không khí thân mật và hữu nghị giữa người Nga và người Mỹ tại Fairbanks và Nome.

Trong những năm Chiến tranh thế giới lần thứ hai, tổng cộng có 7.925 chiếc máy bay được đưa từ Alaska đến Siberia (không tính những chiếc bị hỏng do tai nạn), gần một nửa trong số đó Liên Xô nhận được theo Chương trình hợp tác Land Liza.

QUỐC KHÁNH (theo russian7.ru)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/chuyen-lien-xo-tung-dat-can-cu-quan-su-tren-dat-my-nam-1942-663172