Chuyện làng văn nghệ

Để có được những tác phẩm ra mắt công chúng, các nghệ sĩ đã phải lao động thật sự, đổ mồ hôi và những cú ngã nhớ đời.. nhưng vẫn không có gì ngăn được đam mê của họ, khi đi tìm tòi để cho ra các tác phẩm nghệ thuật. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Một chuyến đi ra đảo được minh oan

Nhà văn Trần Tâm sinh năm 1951, tại vùng than Cẩm Phả. Ông làm thơ viết văn và đã nhận được nhiều giải thưởng quốc gia và của tỉnh. Một thời, ông chơi rất thân với cố nhà văn Võ Huy Tâm (1926-1996) là nhà văn nổi tiếng của Việt Nam. Các tác phẩm của nhà văn Võ Huy Tâm chủ yếu viết về vùng mỏ, trong đó nổi tiếng nhất là tác phẩm Vùng Mỏ (tiểu thuyết 1951).

Nhà văn Trần Tâm kể, vào thời điểm đầu những năm 70 của thế kỷ trước, có lần ông cùng nhà văn Võ Huy Tâm và Đoàn Văn nghệ sĩ Quảng Ninh đi sáng tác, sưu tầm những câu ca dao cổ tại xã đảo Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn. Thời đó, từ đất liền ra được đảo không dễ, vì không có tầu cao tốc như bây giờ, phải đi bằng thuyền buồm, nếu không gặp gió xuôi lái thì phải chèo bằng tay, đi từ tờ mờ sáng đến tối đêm chưa chắc đã đến nơi. Chuyện ra đảo rất hiếm, chỉ khi có người nhà ngoài đó hoặc theo đoàn công tác, nhưng cũng rất ít khi có dịp.

Nhà văn Võ Huy Tâm (bên phải) cùng họa sĩ Trần Văn Cẩn và họa sĩ Huỳnh Văn Thuận (Ảnh của NSNA Đoàn Đạt)

Nhà văn Võ Huy Tâm (bên phải) cùng họa sĩ Trần Văn Cẩn và họa sĩ Huỳnh Văn Thuận (Ảnh của NSNA Đoàn Đạt)

Trong chuyến đi hôm đó, người chủ thuyền là một thanh niên còn trẻ, sau khi biết mình chở đoàn có các văn nghệ sĩ, anh thanh niên kia buông một câu: “Không biết các bác có biết lão nhà văn Võ Huy Tâm không, tôi thì tôi rất ghét lão”. Nhà văn Võ Huy Tâm khi đó giật bắn người vì thấy đúng là anh ta nói mình, mà anh chàng này ông chưa gặp bao giờ, đâu có thù oán gì nhau. Thế nhưng ông vẫn giữ bình tĩnh để hỏi anh chàng kia sự việc thế nào, thì được bảo rằng: “Ngày xưa, ông Võ Huy Tâm đến nhà tôi ở, bố tôi nuôi khi hoạt động bí mật. Vậy mà ông ấy lại khai báo cho địch để bắt bố tôi”.

Nhà văn Võ Huy Tâm hỏi thăm và tìm đến nhà anh chủ thuyền kia thì đúng là gặp được người bạn trước đây đã từng nuôi mình khi hoạt động cách mạng. Khi đó họ còn thanh niên và anh chàng chủ thuyền kia chưa ra đời. Khi nhà văn Võ Huy Tâm bị địch bắt, thế là cũng bặt luôn tin tức người bạn. Người bạn này trước đó ở đảo lớn huyện Vân Đồn sau lại chuyển ra đảo Ngọc Vừng sinh sống. Khi ấy giao thông giữa đảo và đất liền rất kém, điện thoại chỉ có điện thoại bàn nhưng cũng rất hiếm. Do thời điểm hoạt động cách mạng, 2 ông đã bị địch theo dõi từ trước, nhà văn Võ Huy Tâm bị địch bắt và sau đó bố của anh chủ thuyền cũng bị bắt luôn.

Vậy là 2 người bạn cũ cùng ôm nhau khóc, kể về những ngày gian khó, rồi mất thông tin về nhau. Chuyến đi công tác của nhà văn Võ Huy Tâm cùng Đoàn Văn nghệ Quảng Ninh đi sáng tác và sưu tầm những câu ca dao cổ tại xã đảo Ngọc Vừng khi đó, thành công lớn nhất của ông là tìm được người bạn tri ân cũ để minh oan rằng, ông đã không phản bội người bạn, người đồng chí cách mạng của mình. Điều đó giúp ông thanh thản suốt nhiều năm sau này.

Buổi du lịch miễn phí đáng nhớ

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Phượng Đại, Chi hội phó Chi Hội nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh Quảng Ninh thường rất thích đi săn ảnh. Nhiều khi anh cứ một mình một “ngựa sắt”- đó là chiếc xe máy tàng tàng lên tận Lào Cai, Hà Giang…khám phá nét đẹp của vùng cao Tây Bắc. Suốt nhiều năm chụp ảnh, hầu như làm được đồng nào anh đều “bóp mồm, bóp miệng” để đầu tư vào máy ảnh. Hai chiếc máy ảnh anh đeo bên người mỗi lần đi sáng tác là số tiền tích cóp cả đời làm thợ mỏ của anh, nó giá trị hơn chục lần con “ngựa sắt” anh cưỡi bên dưới. Vậy nên mỗi lần đi săn ảnh, anh đều rất cẩn thận “thà mình ngã đau, quyết không để máy đau”.

NSNA Dương Phượng Đại trong một lần đi sáng tác ở vùng cao. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Một lần Dương Phượng Đại đi săn ảnh ở khu vực ruộng bậc thang Sa Pa (Lào Cai), ở đó có mấy cô gái H’Mông xinh đẹp đang làm đồng. Đang mải khai thác cái đẹp thì anh trượt chân rơi xuống cái hố. Vốn có phản ứng giống như được luyện từ trước, anh giơ 2 máy ảnh lên trời còn toàn thân trượt xuống hố vừa bùn và nước ngập đến cổ. Chân bị bùn ngập mút chặt không nhấc lên được, trong khi 2 tay cầm 2 máy giơ lên trời không tự leo lên được. Anh chỉ còn biết kêu cứu. Các cô gái H’Mông ban đầu ngạc nhiên, sau họ phá lên cười rồi chạy ra lôi anh lên. Dương Phượng Đại yêu cầu họ “cứu” máy ảnh trước rồi cứu mình sau. Họ đưa anh vào đun nước nóng cho anh tắm rửa, rồi mời anh ăn bát cháo ngô. Dương Phượng Đại phì cười kể: “Hôm đó tớ được tắm rửa, ăn uống hoàn toàn miễn phí ở vùng du lịch”.

Anh Vũ

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201910/chuyen-lang-van-nghe-2458097/