Chuyện làng môi giới bất động sản: Chửi đàn ông để bán nhà

Thị trường 'bung lụa', doanh nghiệp thành lập mới nhiều hơn nấm sau mưa và cùng với đó là rất nhiều câu chuyện thú vị quanh nghề môi giới.

Gây sốc để bán hàng, có nên?

Với các doanh nghiệp bất động sản nói chung, việc đẩy hàng phụ thuộc nhiều vào các sàn phân phối, cụ thể hơn là các nhân viên môi giới. Tuy nhiên, bên cạnh câu chuyện bán hàng này, cũng có không ít điều đáng bàn.

Theo số liệu của Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2017, ngành bất động sản đứng số 1 về tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp khi tăng tới 62% số lượng doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2016. Với việc có đến hàng chục nghìn doanh nghiệp bất động sản mới được thành lập, trong đó một tỷ lệ khá lớn là các đơn vị phân phối, thì sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Mỗi môi giới phải tìm cho mình các kênh bán hàng, cách thức tiếp cận đối tượng mục tiêu riêng… Và như người ta thường nói, khi người khôn, của khó thì cũng là lúc những mặt trái nghề bán hàng lộ ra.

Cách đây ít lâu, cộng đồng môi giới bất động sản Thủ đô được dịp dậy sóng trước content (nội dung) bán hàng của một môi giới bán dự án nhà ở xã hội thuộc quận Hà Đông.

Thị trường thăng hoa, môi giới bất động sản trở thành nghề được nhiều bạn trẻ lựa chọn

Theo đó, nhân viên môi giới này đã đưa ra một thông điệp gây sốc nặng cả với những người làm nghề và khách hàng. Nội dung chính của content bán hàng như sau: "Nhục nhã thay cho những ông chồng sống chỉ biết ngụy biện: “Không tích cóp được tiền mua nhà cho vợ vì Hà Nội đắt đỏ, trăm thứ phải lo”, Nhục nhã thay cho những ông chồng sống chỉ đổ lỗi: “Không tích góp được tiền mua nhà cho vợ vì Hà Nội toàn con ông cháu cha, mình không có cơ hội” Đúng là lũ đàn ông không chí tiến thủ…”.

Sau đó là hàng loạt đoạn phân tích và dạy đàn ông cách sống, cách tiêu tiền, cách tiết kiệm và tích cóp. Và cuối cùng là những lời giới thiệu hoa mỹ về dự án.

Bài viết được đăng trên một diễn đàn về bất động sản và nhanh chóng thu hút sự chú ý, bình luận của hàng trăm môi giới. Phần lớn các bình luận đều thể hiện sự phẫn nộ trước cách viết content mang tính miệt thị, dạy đời. Chị Đỗ Thị Thủy (Cổ Nhuế, Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhận xét: “Mình là phụ nữ nhưng đọc status chỉ muốn tát vào mặt người viết. Họ là ai mà có quyền nói đàn ông như vậy?”.

Rồi rất nhiều sự phản đối khác, mà trong đó phần lớn là sự bất bình, phẫn nộ của những người cùng giới trước việc dùng content gây sốc để bán hàng.

Anh Huy, đại diện kinh doanh một công ty bất động sản cho biết: “Cách viết nội dung này không những gây bức xúc cho người làm nghề môi giới, mà còn có thể gây ra những hiệu ứng xấu, mất thiện cảm cho dự án”.

Trường hợp quảng cáo khác cho một dự án ở Minh Khai, Hà Nội không chỉ lố mà còn mang tính xúc phạm truyền thống khi mang câu chuyện Vua Hùng kén rể để quảng bá cho cái hay, cái đẹp của dự án...

Khách hàng thành hàng hóa

Không chỉ có các status bán hàng gây sốc, thời gian qua, tình trạng rao bán dữ liệu khách hàng cũng được khá nhiều nhân viên môi giới thực hiện.

Không khó để thấy các email chào mời, các đoạn quảng cáo đại loại như: “Mình đang có một số lượng lớn data (dữ liệu) khách hàng lĩnh vực bất động sản ở Hà Nội và TP.HCM. Chỉ 150.000 đồng là có thể sở hữu”.

Ngành môi giới Việt Nam đang đứng trước đòi hỏi cấp bách về việc đào tạo nhân lực, nâng cao trình độ

Hay thậm chí là của cho không, biếu không: “Em có công cụ lọc email khách bất động sản đỉnh của đỉnh. Ra khách nét, chốt căn nhanh. Miễn phí cho ai comment, inbox tại đây”.

Một dữ liệu chưa biết thực hư ra sao nhưng có thể được bán cho nhiều người để kiếm lời. Hay một quảng cáo kiểu PR, nhằm tăng lượng like, share, comment, follow, giúp chủ tài khoản gia tăng thương hiệu mềm đều được ráo riết thực hiện. Và trong các giao dịch đó, không ít các nhà đầu tư từ khách hàng đã bị biến thành hàng hóa rao bán công khai. Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều người bỗng dưng nhận được rất nhiều cuộc gọi mời mua căn hộ, xem dự án, góp vốn đầu tư…

Rầm rộ tuyển quân

Bán hàng khó, ngay cả các sàn giao dịch lớn cũng phải mở rộng quy mô, chiêu tập lực lượng. Một sàn môi giới có quy mô hàng nghìn nhân viên hiện đang rất mạnh tay tuyển dụng đội ngũ thành viên kiểu này.

Chính phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản cũng nhận được lời chào mời đầy hấp dẫn từ một sàn giao dịch tại Hà Nội. Theo đó, sàn giao dịch này hiện đang tuyển dụng các cộng tác viên bán hàng. Các cộng tác viên sau khi đăng ký tài khoản (thông qua website của sàn) thì có thể thực hiện môi giới và ăn chia hoa hồng. Nhân viên sàn này cho biết, mức chiết khấu rất hấp dẫn.

Ví dụ với hai dự án biệt thự, liền kề là The Eden Rose (huyện Thanh Trì, Hà Nội) và Athena Fulland (quận Hoàng Mai, Hà Nội) mức chiết khấu lần lượt là 2,5% và 1,5% giá trị hợp đồng. Mức chiết khấu này tùy thuộc vào việc cộng tác viên tự tư vấn cho khách hàng (2,5%) hay chỉ giới thiệu và không tư vấn (1,5%).

Còn với các dự án chung cư như The Emerald và Iris Garden (đều ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) mức hoa hồng trả cho cộng tác viên cũng hấp dẫn không kém khi lần lượt đạt 3% (tự tư vấn) và 2% (chỉ giới thiệu, không tư vấn).

Các cộng tác viên khi hợp tác với sàn giao dịch này sẽ được xác nhận bằng tài khoản đã đăng ký và nhận hoa hồng trực tiếp từ các chủ đầu tư (lúc này sàn giao dịch chỉ giữ vai trò kết nối) và đóng lại 10% thuế thu nhập, riêng với các dự án của chủ đầu tư Vimefulland, mức thuế giữ lại là 13%.

Để hỗ trợ các cộng tác viên, sàn giao dịch này sẽ cung cấp các thông tin liên quan đến dự án, hỗ trợ tài liệu bán hàng gồm tờ rơi, tờ gấp,…, ngoài ra, còn bố trí nhân sự để hỗ trợ các cộng tác viên khi cần.

“Việc các sàn đua nhau tuyển cộng tác viên bán hàng dự án có hai lý do, một là tạo sự điều hướng và sức lan tỏa của dự án với cộng đồng môi giới và khách hàng, mặt khác, giúp đẩy hàng để gia tăng uy tín với chủ đầu tư sau khi đã ký kết hợp đồng phân phối. Và dĩ nhiên, các sàn này cũng sẽ gia tăng thêm nguồn thu qua các hoạt động trên”, một môi giới lâu năm cho biết.

Thời của môi giới?

Nguồn cung lớn, khách hàng vẫn vậy hoặc tăng không đáng kể khiến cho cuộc chiến trên mặt trận bán hàng ngày càng lớn. Cuộc chiến giành khách, giành sale không chỉ diễn ra giữa các sàn giao dịch. Nhiều sale có kinh nghiệm đã không ngại ngần lập đội riêng.

Có những trưởng nhóm mạnh tay tuyển đến hàng chục nhân viên (quy mô tương đương một sàn giao dịch bất động sản cỡ nhỏ) để bán hàng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, phần lớn các trường hợp này, các nhân viên (thực ra là cộng tác viên) chủ yếu là các sinh viên mới ra trường còn non kinh nghiệm, muốn thử sức và chấp nhận không được hưởng lương cứng, chỉ ăn hoa hồng theo các phi vụ. Thậm chí hoa hồng cũng bị cắt xén bởi trưởng nhóm.

Một nhân viên bán hàng tên Duy quảng cáo: “Hiện bên mình có kho dự án dồi dào, đa dạng, hoa hồng cao và rất muốn kết hợp cùng các anh chị em sale. Anh chị em chỉ cần giới thiệu khách qua kho hàng để bọn mình chăm sóc và lấy hoa hồng. Mọi thủ tục khác đã có mình lo”.

Không chỉ ở Thủ đô, nhiều sàn giao dịch hay các môi giới cứng còn tuyển rất nhiều cộng tác viên tại các địa phương nhằm mục tiêu đẩy hàng tại các tỉnh. Thế nên một môi giới mới nói vui: “Giờ là thời mà nhà nhà bán bất động sản, người người bán bất động sản. Người ta trải chiếu khắp nơi để bán vì đâu đâu cũng có dự án”.

Câu nói này ít nhiều phản ánh sự rôm rả cũng như sức hút của thị trường, của lĩnh vực môi giới nhà đất. Tuy nhiên, trong một trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận xét: “Môi giới ở Việt Nam tuy đông nhưng chưa tinh, tỷ lệ môi giới qua các lớp đào tạo và có chứng chỉ nghề còn rất ít, dẫn đến việc tư vấn khách hàng chưa thật sự tốt. Nhiều môi giới không chỉ thiếu và yếu về kiến thức nghề mà còn có những vấn đề về đạo đức nghề nghiệp. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo và hy vọng sẽ dần nâng cao trình độ của đội ngũ bán hàng”.

Theo Đức Thành Báo Đầu tư Bất động sản

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/bat-dong-san/chuyen-lang-moi-gioi-bat-dong-san-chui-dan-ong-de-ban-nha-220472.html