Chuyện làm phim bóng đá ở Việt Nam

Là đề tài 'khó nhằn' không chỉ ở Việt Nam mà cả với thế giới khi phải tái hiện lại những trận cầu rực lửa cả ở trên sân lẫn khán đài nhưng nếu điểm phim làm về bóng đá, điện ảnh Việt cũng điểm ra vài bộ. Dưới đây, là những câu chuyện xoay quanh những bộ phim lấy chủ đề bóng đá ở Việt Nam.

Mở màn với Phút 89

Phút 89 của đạo diễn Quốc Long là bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam về môn thể thao Vua được sản xuất vào đầu thập niên những năm 1980.

Phút 89 là bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt làm về bóng đá

Lấy bối cảnh của bóng đá miền Bắc sau ngày đất nước thống nhất, phim đã mang đến những hình ảnh xa xưa của Thành Nam (Nam Định) cách đây gần 30 năm như Cầu Treo, khách sạn Vị Hoàng, sân vận động Chùa Cuối (nay là Thiên Trường) với không khí yêu thể thao cuồng nhiệt, vô tư của công chúng được thể hiện rất chân thật.

Phim đầu tiên của Hồng Sơn và Huỳnh Đức

Danh thủ Hồng Sơn trong phim Sút...Dzô, Sút... Dzô

Năm 1998, đạo diễn Trương Dũng ra mắt bộ phim Sút… Dzô, Sút… Dzô, tái hiện những khuôn hình chân thực về niềm đam mê bóng đá của những cầu thủ trẻ từ những trận đấu trên sân ruộng, sân trường, những pha sút bóng "bể kính nhà hàng xóm" hoặc những trận đòn của bố mẹ vì tội bỏ học đi đá bóng... Đây cũng là bộ phim đầu tiên mà 2 danh thủ Hồng Sơn, Huỳnh Đức tham gia.

Huỳnh Đức và Quốc Cường trong phim Sút... Dzô, Sút... Dzô

20 năm sau, 2 cựu danh thủ nổi tiếng thuở nào mới tiếp tục tham gia vai khách mời trong bộ phim 11 niềm hy vọng.

Bóng đá nữ cũng lên phim

Những năm đầu thập niên 90, có hai phim về bóng đá được ra mắt là Cô thủ môn tội nghiệp Thủ môn từ trên trời rơi xuống. Trong đó, Cô thủ môn tội nghiệp là bộ phim duy nhất cho đến nay làm về bóng đá nữ.

Thanh Mai trong phim Cô thủ môn tội nghiệp

Đây cũng là bộ phim để đời của MC Thanh Mai. Chia sẻ về vai diễn, Thanh Mai cho biết, chị không tưởng tượng đá banh khó khăn đến vậy! Tập giữ gôn không hề dễ, một người “chọi” với cả chục người, còn phải ráng tập đá, sút banh, lừa banh từ chân này sang chân kia, phải phản ứng thế nào khi banh bay tới lọt giữa hai chân, mà quả banh lại tròn nên rất khó định hình và nắm bắt.

Thanh Mai trong phim Cô thủ môn tội nghiệp

Những pha bóng khó phải nhờ đến cascadeur như cảnh thao tác hai chân bay lên lượn bóng.

Bóng đá nhí cũng không ngoại lệ

Ngoài Sút… Dzô, Sút… Dzô, một bộ phim khác xoay quanh các cầu thủ nhí là U14 đội bóng trong mơ của đạo diễn Lâm Lê Dũng.

Cảnh trong U14 đội bóng trong mơ

Đạo diễn cho biết đã phải mất hơn 5 tháng để tìm và chọn các diễn viên nhí từ các CLB bóng đá thiếu niên. Phim có tổng số 70 diễn viên nhí, trong đó có 6 em đóng vai chính. Vì phần lớn đều là học sinh nên chỉ tranh thủ thời gian hè là quay được nhiều, còn khi vào năm học thì vô cùng khó khăn, em này rảnh thì em khác bận học…

Gian nan làm phim bóng đá

Cuối năm 2016, Sút của đạo diễn Việt Max lần đầu đưa sân cỏ Việt Nam trở lại màn ảnh rộng sau nhiều năm vắng bóng. Anh chia sẻ, trước khi viết kịch bản, ekip đã nói chuyện với nhiều cầu thủ nổi tiếng và cả những cầu thủ không chuyên; cũng đến các “lò” đào tạo bóng đá nghe họ kể câu chuyện về những bạn trẻ muốn tham gia vào con đường đá bóng chuyên nghiệp phải trải qua như thế nào? Anh bộc bạch, ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn khi đi xin vốn đầu tư, vì đa số mọi người đều muốn làm những bộ phim hài, tình cảm, phim ma, kinh dị cho an toàn.

Là phim có kinh phí khá thấp so với một phim thể thao nên không có nhiều lựa chọn cho việc sử dụng máy quay cũng như góc máy. Mọi thứ đều phải được tính toán kỹ. Cũng chính vì không có kinh phí để thuê sân vận động đẹp, thuê hàng nghìn quần chúng hay làm kỹ xảo nên cách giải quyết cuối cùng của Sút là phải đi vào những pha cận cảnh.

Cảnh trong phim Sút của đạo diễn Việt Max

Đạo diễn tâm sự, “Những hình ảnh trong phim là mồ hôi, công sức và nước mắt của diễn viên, của các huấn luyện viên cùng nhau luyện tập ròng rã trong 3 tháng trước khi bấm máy. Cũng như những cố gắng không ngừng nghỉ của các diễn viên trong những ngày quay. Chúng tôi không thể mời được các cầu thủ chuyên nghiệp vì họ còn phụ thuộc vào thời gian tập luyện ở các giải bóng đá chuyên nghiệp. Hơn nữa, họ thường không có kinh nghiệm diễn xuất hay có kinh nghiệm đóng phim. Thế nên chúng tôi phải chọn những diễn viên có thể truyền tải được cảm xúc cho nhân vật.Quan trọng khi casting chọn diễn viên họ phải có bề ngoài gồ ghề, giống cầu thủ bóng đá, diễn tốt và phải được luyện đá bóng với các huấn luyện viên chuyên nghiệp vài tháng trước khi bấm máy. Đương nhiên các diễn viên họ không phải là các cầu thủ chuyên nghiệp nên khả năng kĩ thuật rất hạn chế. Họ phải làm đi làm lại những cảnh đá bóng rất nhiều khi quay phim”.

Với bộ phim 11 niềm hy vọng vừa phát hành tháng 5 vừa qua, đạo diễn Robie Trường cho biết “Trước khi bấm máy, tôi dành 2 năm đi làm tiền kỳ để tìm hiểu về kỹ xảo. Quay phim xong, tôi dành 6 tháng làm hậu kỳ, hòa âm, gần 1 năm làm kỹ xảo không khí của một trận đấu.

Ngoài ra, ekip cũng phải lặn lội tới nhiều trận đấu ghi lại hình ảnh, không khí của cổ động viên về làm hậu kỳ sao cho sống động nhất”. Theo anh, làm phim về bóng đá thì diễn viên phải đá theo vai trò của họ trước, phải hiểu tại thời điểm đó họ phải đá như thế nào, tại thời điểm đó là thắng hay thua, họ phải đá như đang trong trận đấu thật, còn kĩ xảo thì thuộc về phía bên hậu kỳ.

Cảnh quay phông xanh để dựng kỹ xảo trong 11 niềm hy vọng

Có nhiều góc máy được sử dụng để có thể bắt được những cảnh quay và sẽ được cắt ráp hợp lý ở giai đoạn hậu kỳ - quan trọng nhất chính là phần kỹ xảo. Phải làm sao đem được không khí bóng đá ở cầu trường vào bộ phim để khi khán giả xem có thể nhận được cảm xúc chân thật từ trận đấu. Ngoài ra, những cảnh quay cảm xúc của khán giả đã được quay từ rất lâu qua các trận đấu thật dù chỉ xuất hiện trên phim có vài giây.

Chia sẻ về góc quay ấn tượng nhất, đạo diễn nhấn mạnh tới cú vô lê của Phong ở cuối phim “Chúng tôi đã sử dụng kỹ thuật quay ‘đóng băng trên không’. Khi ấy không chỉ ‘thời gian ngưng đọng’ mà chính khán giả cũng như chậm một nhịp thở theo cú vô lê của Phong.

Và để tìm tòi một góc máy phù hợp nhất, chúng tôi phải mất hơn 6 tháng nghiên cứu và thử nghiệm để cho ra đời dàn hệ thống camera 180 độ ‘chữ C’ thẳng đứng để làm ra vài giây ngắn ngủi trên màn ảnh”.

Diễn viên Hà Hiền (phim Sút) kể lại, 11 ngày quay liên tục ở sân bóng ngoài trời nên sau khi đóng phim, anh đã bị viêm xoang cấp. Diễn viên phải đá liên tục dưới thời tiết mưa nắng khắc nghiệt để lấy được những pha bóng đẹp nhất, vừa phải tập trung diễn xuất và kết hợp với máy quay, thực sự rất căng. Thậm chí, có cảnh anh đã xỉu ngay trên sân khi vừa quay xong.

Hà Hiền (ngoài cùng) trong phim Sút

Diễn viên Nhan Phúc Vinh (phim 11 niềm hy vọng) tâm sự anh phải dành gần 2 tháng để tập những kỹ năng cơ bản của đá banh cùng các chuyên gia, trao đổi và hiểu được tâm lý của các cầu thủ trước khi ra sân trong những trận cầu đỉnh cao như thế nào. Vinh đã phải chuẩn bị một thể lực tốt, áp dụng chế độ ăn kiêng và tập luyện để tăng cơ bắp và sự dẻo dai. Chế độ này được Vinh áp dụng trước khi bấm máy 2 tháng và duy trì cho đến khi kết thúc bộ phim.

Nhan Phúc Vinh trong 11 niềm hy vọng

Trong quá trình tập luyện, Vinh may mắn không gặp phải sự cố nào nhưng Hoàng Phi thì bị đá thẳng trái banh vào mặt bị sưng mất 1, 2 tuần. Tuy nhiên, trong quá trình quay, Vinh nhớ ở cảnh sau khi Phong vừa ghi bàn, lúc xoay người chạy về thì bị lật cổ chân, ngã ngang. Lúc đó, cả đoàn lại tưởng Vinh đùa, mãi sau thấy Vinh kêu lên mọi người mới chạy ra xem, thì tá hỏa là chấn thương thật. Vinh đã phải chườm đá và nghỉ ngơi, vài tiếng sau mới lại quay tiếp được.

Trí Anh

Nguồn TGĐA: http://thegioidienanh.vn/chuyen-lam-phim-bong-da-o-viet-nam-24456.html