Chuyện làm giàu của một ngư dân

Ông ngồi nơi một quán nhỏ bên mép biển, chăm chắm nhìn đoàn ghe nhỏ và thuyền thúng lục tục rời bến cho buổi chài đêm. 'Lâu lâu mình lại ra đây ngồi một chặp để nhìn cảnh bà con ra lộng làm 'vác' đêm. Mấy chục năm rồi mình cứ ra khơi xa dài ngày nên muốn thấy lại thời đi lộng lúc bé của mình ở cái bến này', lời của thuyền trưởng Huỳnh Minh Cảnh ở làng chài Sâm Linh (xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) như mở đầu cho câu chuyện nghề biển của ông: từ một cậu bé sai vặt trên thuyền trở thành một thuyền trưởng tỉ phú…

Ba Cảnh đứng trên thuyền cung ứng dầu lưu động của ông, chờ tiếp dầu cho các ngư thuyền tại cảng sông. Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Với vóc người cao ráo, bước đi mạnh mẽ, “lão ngư” Ba Cảnh trông trẻ hơn tuổi 58 khá nhiều. Cuộc trò chuyện giữa ông với tôi cứ bị gián đoạn bởi những cuộc gọi đến. “Anh em ngoài biển trên bờ hay gọi mình để hỏi cái này cái nọ, giữa đêm hôm họ vẫn gọi vậy đó”, Ba Cảnh giãi bày.

Giúp nhau cùng ra khơi

Chính những hiểu biết về chuyện làm ăn với biển giã đã giúp Ba Cảnh có được sự tin cậy của bạn chài trong làng ngoài xã, họ đã cùng ông mua thuyền sắm lưới để cùng ra biển lớn làm ăn. “Năm 1987 mình với 17 trai bạn trong làng chung vốn mua một thuyền cũ 33CV để đi lưới chuồn (cá chuồn) ở khơi xa”, Ba Cảnh kể lại việc mở đầu “sự nghiệp” thuyền trưởng của mình sau hơn tám năm làm bạn chài. “Đến năm 1990 thấy bà con ở đây câu mực khơi trúng dữ quá, mình cất thuyền, theo nghề câu mực. Sau khi thoát chết vì gặp bão lớn giữa biển hồi năm 1993, mình quay lại với nghề cá mãi đến giờ”.

Trở lại nghề cá, Ba Cảnh mua máy tầm ngư gắn lên con thuyền cũ, cùng bạn chài ra khơi. Biển không phụ những người chài lưới thông minh, gan góc. Thuyền của Ba Cảnh liên tục trúng đậm. Giấc mơ lớn với biển của người ngư phủ tuổi 35 mở ra, ông bỏ vốn, vay mượn thêm đóng mới một thuyền 66CV, kêu gọi bạn chài góp phân nửa vốn cho chiếc 45CV cùng ra khơi. Lại được biển đãi. “Từ năm 1995-1997 thuyền mình trúng đều. Có lúc trúng đậm, đánh một mẻ lưới phải lấy một đêm một ngày mới hết cá”, Ba Cảnh như trẻ ra khi nhắc lại niềm vui từ biển.

Niềm đam mê, tham vọng với biển khiến Ba Cảnh lao vào với việc đóng thêm thuyền mới. “Hễ có tiền là mình sắm thêm thuyền”, ông nói. Từ đó đến năm 2006, “đội ngư thuyền” đánh bắt xa bờ của Ba Cảnh đã lên đến 10 chiếc, từ chiếc 66CV đến chiếc 120CV, riêng hai thuyền câu mực khơi có tổng công suất 700CV, mỗi chiếc cho 37 thuyền viên. “Phải sắm thêm thuyền”, như một thôi thúc, một khát vọng biển chưa thể dừng lại, đến năm 2017, “đội ngư thuyền Ba Cảnh” đã lên đến 16 chiếc.

Nhưng tham vọng từ biển của Ba Cảnh là muốn của cải biển khơi được san sẻ cho nhiều ngư dân ở quê mình. Cứ mỗi một ngư thuyền (cùng tất cả thiết bị, ngư cụ kèm theo) được sắm mới, ông chịu từ một phần ba đến phân nửa số vốn, còn lại để cho các bạn chài góp (cổ phần) vào để họ có được thu nhập khá hơn, giàu lên. Những trai bạn được ông truyền thụ cho những kinh nghiệm lưới chài, biển giã lại lên làm thuyền trưởng những ngư thuyền mới.

Phải san sớt thêm nữa cơ hội vươn lên cho bạn chài quê nhà, đầu niên vụ 2018, Ba Cảnh chỉ giữ lại 2 thuyền câu mực tổng công suất 1.124CV và 3 thuyền cá lớn - tất cả 5 thuyền này đều có vốn góp một ít của bạn chài; còn lại 11 chiếc ông rã toàn bộ phần vốn của mình ra để các bạn chài khác góp vào. “Mình lao vào việc sắm thuyền mỗi năm cũng là để cho anh em có điều kiện góp vốn vô đặng có thêm nguồn thu, có thêm chỗ cho trai bạn quê mình làm ăn. Sắm một thuyền cá xa bờ với dụng cụ phải từ 2-3 tỉ trở lên, nếu mình không chủ xướng, không góp vốn nhiều vào thì anh em sắm sao nổi”, ông nói.

Có thể hiểu được bụng dạ của một người có thể được coi là thuyền trưởng của cả một vạn chài lớn khi biết qua khởi điểm của đời ông: mồ côi cha lúc 4 tuổi, mẹ tái giá sau đó không lâu, 6 tuổi đã phải theo ông bà nội lưới chài mỗi đêm, 10 tuổi mới được làm “tà lọt” phụ, đến 12 tuổi mới được làm tà lọt chính trên một thuyền chài, 16 tuổi mới được học chữ, trong chỉ ba năm, 19 tuổi trở lại làm bạn chài. “Tuổi thơ mình vậy đó”, Ba Cảnh tâm sự.

Thuyền trưởng trên bờ

“Mình không để đồng tiền có được từ biển nằm im trong túi. Phải đem nó ra đầu tư cho nghề biển để mình với bà con ngư dân đôi đàng đều được lợi”, Ba Cảnh kể về việc kinh doanh như vai trò một thuyền trưởng trên bờ của mình. “Năm 2009 mình dựng nhà máy nước đá. Năm sau mình mở dịch vụ cung ứng xăng dầu cho tàu thuyền. Hai dịch vụ này mình đều có cách làm mới, vừa tiện lợi cho người mua, vừa đỡ vất vả cho công nhân”, ông kể. Cái mới của nhà máy nước đá công suất 1.200 cây đá/ngày của Ba Cảnh là ông cho dùng tời (cẩu) để đưa cây đá vào hầm chứa cho ngư dân, vừa nhanh vừa tránh làm buốt tay người. Với dịch vụ xăng dầu thì ông đặt làm tàu dầu vỏ thép lớn để sau khi tiếp nhận xăng dầu từ xe bồn thì tàu dầu lưu động này có thể chạy đến bất kỳ nơi nào tàu thuyền đang đứng để bơm sang.

Quên những nhọc nhằn của công việc trên biển trên bờ, Ba Cảnh cho rằng niềm vui với mình là đã góp phần giúp cho nhiều ngư dân quê mình thoát nghèo, khá lên, giàu lên bao lâu nay. Cũng lý thú với ông là chuyện ông đã giúp cho một số ngư dân huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) sớm có được giàn lưới vây rút chì để có sản lượng đánh bắt cao hơn loại lưới họ đang dùng.

Năm 1996, giữa lúc cho thuyền nghỉ trăng (nghỉ đánh bắt trong tuần trăng tỏ) ở đảo Cát Bà, gặp một vài thuyền cá của Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), ông đã giới thiệu với họ giàn lưới vây rút chì giúp tăng năng suất đánh bắt rất cao. “Vậy là khi quay về, anh Sáu Lung ở Sơn Tịnh đã tìm đến nhà mình nhờ giúp ảnh sắm loại lưới này”, Ba Cảnh kể lại. Cơ duyên sớm có được giàn lưới loại mới của chủ tàu - thuyền trưởng Sáu Lung cũng là cơ duyên mở ra cả một dịch vụ làm ăn sôi nổi một thời gian dài cho Ba Cảnh và cả làng chài Sâm Linh. Sau cú “mở hàng” của ông Sáu Lung, ngư dân Quảng Ngãi từ Sơn Tịnh, Tư Nghĩa đến Lý Sơn đổ ra làng chài Sâm Linh đặt làm lưới vây rút chì. Còn ở Quảng Nam, ngư dân từ Núi Thành đến Thăng Bình, Hội An cũng đã tìm đến đặt mua loại lưới mới này.

“Lúc đó cả xã Tam Quang chỉ có hai cơ sở làm lưới vây rút chì, lớn nhất là của gia đình mình. Mình lấy lưới từ Sài Gòn về, kêu nhân công kết lại rồi gắn phao, chì, dây kéo. Nhà mình trở thành cái xưởng, ngày nào cũng có chừng 40 nhân công làm lưới”, Ba Cảnh kể lại. Cũng từ đó, vợ ông bắt đầu buôn bán ngư cụ, nhà ông và vài điểm ở Tam Quang đến nay vẫn là nơi cung ứng loại lưới này.

Vài năm nay Ba Cảnh ít đi biển, ở nhà lo các dịch vụ hậu cần nghề biển. Nhớ biển, lâu lâu ông lại ra nghề một chuyến. Cũng là niềm vui trong đời lưới chài ngang dọc khắp biển Đông của Ba Cảnh ấy là việc ông và vài thuyền trưởng trong làng tìm ra được ngư trường mới giàu nguồn cá, ổn định việc đánh bắt cho nhiều vạn chài ở Tam Quang quê ông mãi đến nay. “Mừng lắm! Bốn trăng (chuyến) của năm 2018 này thuyền nào ở Tam Quang cũng đều vô khấm khá hết!”.

Ba Cảnh đang dự tính mở xưởng chế biến hải sản tại làng, nhưng ông vẫn còn trăn trở cho nghề biển quê mình. Đó là nguồn cá ngày một giảm sút, phương tiện đánh bắt của bà con vẫn cần phải được cải tiến trong khi đồng vốn của ngư dân vẫn còn hạn chế. Nguồn lao động đánh bắt rồi sẽ thiếu vì sự cạnh tranh của các ngành nghề khác về thu nhập trong thời buổi công nghiệp hóa. “Biển mình nhiều cá, ngư dân mình giỏi nghề. Nhưng làm sao để đánh bắt được lâu dài, người làm biển được khá giả, sản phẩm từ biển có giá hơn. Những việc này cần được Nhà nước quan tâm. Nhưng ngư dân mình cũng phải dốc sức, phải cố thích ứng, xoay chuyển để việc ra khơi có kết quả chứ không thể ngồi chờ”, Ba Cảnh tâm sự.

Huỳnh Văn Mỹ

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/277073/chuyen-lam-giau-cua-mot-ngu-dan-.html