Chuyện lạ ở Thanh Hóa: Khiếu kiện mẹ, tội con gánh!

KTNT - Chỉ bởi tranh chấp đất đai, đại gia đình gồm 3 thế hệ phải dắt díu nhau ra tòa nhờ phân xử. Tuy nhiên, câu chuyện buồn về bố chồng kiện con dâu, anh chị em đấu tố lẫn nhau lại không được cả hai cấp tòa xem xét thấu đáo, bỏ qua nhiều tình tiết quan trọng dẫn tới bị đơn là bà Phạm Thị Khoa (sinh năm 1959) vẫn một mực kêu oan.

Trong đơn gửi cơ quan báo chí, bà Khoa cho rằng: Bà không hề có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến mảnh đất và ngay cả chính quyền địa phương cũng ra sức chứng minh việc bà Khoa không còn đất là sự thực, vì thế bị đơn trong bản án phải là anh Vũ Như Tuấn (con trai bà Khoa).

Mảnh đất cắt tình cha con

Vụ việc tranh chấp quyền sử dụng đất tại thôn Công Vinh, xã Quảng Cư (TX. Sầm Sơn, Thanh Hóa) đã trải qua 2 cấp tòa, 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm (TAND thị xã Sầm Sơn và tỉnh Thanh Hóa) nhưng đến nay vẫn không nhận được sự đồng thuận của người dân, bởi tòa đã bỏ qua nhiều tình tiết quan trọng trong quá trình xét xử, dẫn tới bản án oan sai.

Trong đơn kêu cứu gửi Báo Kinh tế nông thôn, bà Phạm Thị Khoa sống tại thôn Công Vinh, xã Quảng Cư, trình bày: Trước đây gia đình bà Khoa sống trên mảnh đất 850m2 ở thôn Hồng Thắng, xã Quảng Cư, có giấy chứng nhận QSDĐ. Năm 1992, theo sự xắp xếp của bố mẹ chồng (ông Vũ Như Danh, bà Ngô Thị Nghĩa), bà Khoa chuyển vào ở tại mảnh đất 535m2 ở thôn Công Vinh (đất đứng tên ông Danh, bà Nghĩa). Ông Vũ Như Đảng (em chồng bà Khoa) sinh sống tại mảnh đất này từ 1990-1992. Theo đó, bà Khoa và ông Đảng đã chuyển đổi đất cho nhau (ông Đảng ở về ở diện tích đất 850m2 của bà Khoa, còn gia đình bà Khoa chuyển về sống tại 1/3 diện tích khu đất 535m2 của ông Đảng).

Năm 2000, ông Vũ Như Danh, bà Ngô Thị Nghĩa đã cho cháu đích tôn là anh Vũ Như Hận (Tuấn), con trai bà Khoa, 190m2 đất trong tổng diện tích đất 535m2 ở thôn Công Vinh. Được sự đồng ý của ông Vũ Như Danh, bà Ngô Thị Nghĩa và các thành viên trong gia đình, tháng 6/2000 anh Vũ Như Hận đã vay tiền xây nhà và công trình phụ để ở và sau đó lập gia đình, sống ổn định từ năm 2000 đến nay (13 năm), không có tranh chấp. Còn bà Khoa và các con vẫn sống tại khu đất mà ông Đảng đổi cho từ năm 1992 (1/3 diện tích trong tổng 535 m2 đứng tên ông Danh).

Bà Khoa bên mảnh đất đang tranh chấp.

Năm 2006, bà Ngô Thị Nghĩa mất, ông Danh lấy lại mảnh đất 535m2 ở thôn Công Vinh trước đó để ông Đảng sinh sống (trong đó có 1/3 diện tích đất ông Đảng đã đổi cho bà Khoa) để chia cho các con. Do đất đã bị ông Danh đòi lại, không còn chỗ để ở, nên năm 2009 bà Khoa đã lấy lại mảnh đất 850m2 mà trước đó đã đổi cho ông Đảng (thôn Hồng Thắng, xã Quảng Cư) để ở (được ghi rõ tại bản án số 01 năm 2009 dân sự sơ thẩm ngày 6/1/2009 của TAND thị xã Sầm Sơn).

Sau khi bà Khoa trả đất cho ông Danh và trở về sống tại mảnh đất 850m2 ở thôn Hồng Thắng, thì ngày 18/6/2012 ông Vũ Như Danh đã làm đơn khởi kiện bà Khoa với nội dung: Bà Khoa mượn 190m2 đất trong tổng 535m2 tại thôn Công Vinh, xã Quảng Cư của ông Danh để làm nhà ở nhưng đến nay không chịu trả.

Theo bà Khoa, việc bố chồng kiện mình ra tòa là hoàn toàn không đúng theo quy định pháp luật, vì bà không có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến mảnh đất, bởi 190m2 đất này là ông Vũ Như Danh, bà Ngô Thị Nghĩa đã cho cháu đích tôn Vũ Như Hận (con trai bà) từ năm 2000, việc này thể hiện trong biên bản họp gia đình ngày 8/6/2006, cháu Hận đã đã vay tiền xây nhà, công trình phụ để ở và sống ổn định trong ngôi nhà đó từ năm 2000 đến nay. Vậy người đang sử dụng, sinh sống trên mảnh đất này là con trai tôi, cháu Vũ Như Hận.

Tòa xét xử thiếu khách quan?

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo UBND xã Quảng Cư, cho biết, bà Khoa hoàn toàn không liên quan đến vụ án này mà phải là giữa ông và cháu nội. Ngay cả UBND xã cũng đã làm thủ tục xác nhận việc bà Khoa không còn đất ở tại đây nhưng TAND không xem xét.

Anh Hận khẳng định: TAND xác định tư cách tham gia tố tụng của mẹ tôi là bị đơn là hoàn toàn sai, bởi đất là do ông nội (ông Danh) để lại cho cháu đích tôn. Sau đó vợ chồng tôi mới vay mượn để làm nhà và sinh sống ổn định hơn 10 năm qua. Mẹ tôi chỉ là người trông coi hộ khi vợ chồng tôi đi làm ăn xa.

Thêm vào đó, TAND TX. Sầm Sơn cho rằng, năm 2000 tôi làm nhà không có giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật. Từ đó Tòa khẳng định, tôi làm nhà hoàn toàn chưa được phép của người có quyền sử dụng đất và của chính quyền địa phương là phán xét “quan liêu”, phiến diện một chiều. Bởi xã Quảng Cư là vùng nông thôn và tại đây cũng chưa có tiền lệ xây nhà phải xin giấy phép ở cấp chính quyền, đặc biệt những năm 2000 thì Sầm Sơn cũng chưa được công nhận là đô thị. Thêm vào đó, tại bản án của Tòa phúc thẩm cũng khẳng định, “ông Danh có phần lỗi đã cho tôi làm nhà trên đất của mình mà không có ý kiến gì”, điều đó cho thấy, ông Danh biết việc tôi xây nhà – anh Hận cho biết.

Cũng theo bà Khoa, cả 2 phiên tòa đều phán xét áp đặt, ép tôi phải nhận tiền công sức duy trì, bảo quản, tôn tạo đất do tôi là người trực tiếp ăn ở và sử dụng nhà và đất trên khu đất này là hoàn toàn sai, bởi tôi chỉ trông coi hộ cho con trai và ngay cả chính quyền địa phương, cấp gần dân nhất, cũng xác nhận tôi không còn đất tại địa phương.

Giấy báo đã nhận được đơn của bà Khoa do TAND tối cao gửi.

“Trước những việc vô lý trên, tôi đã nhiều lần làm đơn kháng cáo gửi TAND tối cao, các cơ quan chức năng cấp Trung ương, nhưng gần 1 năm trôi qua, chỉ nhận được thư báo là đã nhận được đơn, ngoài ra, không có bất kỳ một động thái nào từ phía cơ quan chức năng”, bà Khoa cho biết

Được biết, sau khi chồng bà bỏ đi (năm 1990), bà Khoa phải vất vả một mình nuôi 5 người con. Hiện hoàn cảnh gia đình bà Khoa đang rất khó khăn, con cái phải li hương làm thuê kiếm sống. Ngôi nhà hiện tại bà đang ở là tài sản của vợ chồng anh Hận gom góp xây dựng đang đứng trước nguy cơ bị thi hành án.

Để tránh khiếu kiện kéo dài, gây thiệt hại cho người có quyền lợi liên quan, đề nghị TAND tối cao, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa vào cuộc xem xét lại vụ việc.

Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin./.

Tiến Đạt

KTNT

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/chuyen-la-o-thanh-hoa-khieu-kien-me-toi-con-ganh-post14923.html