'Chuyện lạ' ở ngôi trường chưa từng có giáo viên nữ

Nằm chót vót bên sườn của dãy Pù Luông (Lũng Cao, Bá Thước) cách trung tâm TP. Thanh Hóa khoảng 130km, Trường phổ thông Cao Sơn là ngôi trường có nhiều 'chuyện lạ'...

Nằm chót vót bên sườn của dãy Pù Luông (xã Lũng Cao, huyện Bá Thước) cách trung tâm TP. Thanh Hóa khoảng 130km, Trường phổ thông Cao Sơn nằm là ngôi trường dành riêng cho con em người dân trong ba bản Son, Bá, Mười với chương trình giáo dục từ lớp Một đến lớp Chín. Điều đặc biệt là từ khi thành lập đến nay, trường chưa từng có giáo viên nữ.

Nhọc nhằn gieo chữ trên đỉnh mù sương Cao Sơn

Thầy Trịnh Công Định, Hiệu trưởng Trường phổ thông Cao Sơn, cho biết: Trường phổ thông Cao Sơn được thành lập ngày 1/8/2008 với mục đích giảng dạy cho các em học sinh trong ba bản Son, Bá, Mười. Vì điều kiện khó khăn, các em không thể xuống dưới trung tâm xã để học. Chương trình giáo dục từ lớp Một đến lớp Chín. Vì vậy chúng tôi đặt tên là trường Phổ thông Cao Sơn để không bị nhầm với các trường ở dưới trung tâm xã Lũng Cao.

Đường đến Son - Bá - Mười

Đường đến Son - Bá - Mười

“Mặc dù điều kiện dạy học còn thiếu thốn, các em còn nhiều thiệt thòi nhưng hầu như con em trong ba bản Son, Bá, Mười vẫn đến trường đầy đủ, không có tình trạng nghỉ học" - Thầy Định tự hào nói

Cũng theo thầy Định, Năm học 2015-2016, 100% học sinh đến tuổi đến trường đều được đi học, trong đó có 16 em học sinh bước vào lớp 1, 12 em học sinh lớp 5 lên lớp 6 của 3 bản Son, Bá, Mười. Toàn trường Trung học Cao Sơn có 95 học sinh với 9 lớp, trong đó lớp nhiều nhất có 16 em, lớp ít nhất có 6 em học sinh.

“Trước đây, các em vẫn phải sang học nhờ mãi tận Tân Lạc, Ngổ Luông (Hòa Bình) với quãng đường khoảng 10 cây số. Nhiều em cố gắng lắm nhưng cũng chỉ hết lớp 9 là bỏ học rồi vào Nam kiếm sống. Những học sinh theo học THPT ở đây chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Thậm chí, với gần 800 nhân khẩu nhưng Tiểu khu cũng chỉ có duy nhất một sinh viên đại học.

Điều kiện cơ sở vật chất ở đây cũng thiếu thốn đủ thứ. Trường chỉ toàn tranh tre nứa lá, tạm bợ, tường vách sơ sài, trống huơ trống hoác. Những hôm trời mưa, nền nhà bùn nhão chẳng em nào dám thò chân xuống dưới, đấy là chưa nói đến bàn ghế cũ kỹ không đảm bảo. Học sinh bản Son, bản Bá ngày nào cũng phải đi từ rất sớm mới kịp giờ. Vào ngày đông giá, từng tốp học sinh dò dẫm xách đèn, đốt đuốc dắt nhau đi. Bốn năm em chung một bộ SGK, quần áo chẳng đủ lành lặn. Ngày mưa, nhiều em vào lớp bùn bết kín từ đầu đến chân vì té suối, nhìn mà quặn lòng, nhưng ấm áp vì các em hiếu học...” thầy Định bùi ngùi nhớ lại.

Băng tuyết vẫn thường xuyên xuất hiện tại Cao Sơn

“Do thời tiết ẩm ướt nên chỉ qua một đêm, bàn ghế dù khô đến mấy cũng trở nên nhớp nhúa, không thể dùng được. Tiểu khu Cao Sơn thành lập từ 1966. Khối THCS ở đây đã có từ 1978, nhưng tồn tại không lâu vì không có giáo viên nào dám “cắm bản”. Đến năm 2003 mới mở lại và năm học 2008 - 2009 mới có lứa học sinh lớp 9 đầu tiên" - Thầy Hà Tô Lịch - người có thâm niên lâu nhất tại trường nhớ lại.

Những người làm “khô” con chữ nơi Cao Sơn

Cũng theo thầy Hà Tô Lịch, vào những năm 2007 trở về trước, Cao Sơn chưa có trường học. Khi học hết tiểu học, học sinh Son Bá muốn học tiếp phải xin học nhờ mãi bên Ngổ Luông, Nam Sơn (Tân Lạc – Hòa Bình). Học tại bản đã vất vả, học bên Hòa Bình còn khó khăn gấp bội. Học sinh bản Mười, bản Bá đi học từ lúc còn tờ mờ đất, đốt đuốc, xách đèn vượt dãy Pha Chiến, đi bộ 7 – 8 km.

Chuyện xin học được bên Hòa Bình quả là kỳ tích đối với người dân Son, Bá vì lúc đầu người ta không nhận học sinh khác tỉnh. Các trưởng bản phải đích thân sang “thương thuyết”, chấp nhận điều kiện học sinh bản mình không có bất cứ chế độ phụ cấp ưu tiên nào, dù các em có hộ khẩu thuộc vùng cao đặc biệt khó khăn.Trẻ em khi đó phải vượt hàng chục km đường rừng để đến các trường học ở tỉnh Hòa Bình. Nhiều gia đình dù không đủ ăn, mặc nhưng vẫn gắng cho con đến lớp.

Cũng chỉ mới đây thôi, vào ngày đầu của năm học 2014/2015, các thầy giáo nhà trường còn phải đi bộ gần 5 giờ để vượt qua quãng đường 10km, trong đó có 3km phải trèo trên các vách đá dựng đứng và ngay phía sau lưng là vực sâu hun hút để đưa con chữ đến với các em học sinh ở 3 bản Son, Bá, Mười trên tận đỉnh Pha Hé cao 1.500m so với mực nước biển.

Vì đây là “xứ sở của sương mù” nên ngay cả trong mùa hè, quần áo phơi mãi cũng không khô, đất trời lúc nào cũng ẩm ướt. Mỗi buổi sáng, khi đến lớp, học sinh phải lau chùi bàn ghế mới có thể ngồi học. Mùa đông, lắm hôm cả thầy lẫn trò phải đốt lửa hong bàn ghế để xua đi cái lạnh tái tê. Hết buổi học, bàn ghế đều được úp ngược xuống đất.

Hình ảnh thường thấy trong mùa Đông ở Cao Sơn

Thầy Vi Văn Hoan, người gắn bó với nhà trường từ khi thành lập đến nay, cho biết việc dạy và học nơi đây có những nét rất riêng biệt. Do thời tiết khắc nghiệt, nhà trường phải tổ chức cho các em vào học từ 8 giờ sáng, sau đó các thầy chỉ có đủ thời gian ăn trưa rồi lại phải lên lớp ngay cho kịp giờ tan học vào khoảng 4 giờ chiều, bởi muộn hơn trời sẽ tắt nắng, lớp học cũng không đủ ánh sáng vì 3 bản Son, Bá, Mười chưa có điện lưới quốc gia.

Thầy Hoan cũng cho biết thêm nếu các trường học ở vùng khác, khi thời tiết rét xuống dưới 10 độ C là học sinh được nghỉ học tránh rét nhưng ở đây lại khác. Nhiều mùa Đông, nhiệt độ xuống dưới 5 độ C, cây cỏ đóng băng trong sương giá các em vẫn đến trường. Bởi lẽ, nơi đây mùa Đông quanh năm, nếu cho các em nghỉ đúng như quy định thì học sinh phải nghỉ gần hết cả năm học. Khó khăn là vậy nhưng trong vòng 5 năm qua, chưa có trường hợp học sinh bỏ lớp, tỷ lệ phổ cập luôn đạt trên 80%.

Trước đây, cả thầy và trò đều phải “tác nghiệp” trong những ngôi trường tạm bợ, rách nát, vẹo xiêu. Ngay cạnh đó, văn phòng của trường cũng đồng thời là nhà ở giáo viên, vẫn lúp xúp mái tranh, vách gỗ, chẳng đủ ngăn mưa nắng, chứ nói gì cái lạnh thấu sương. Nhiều lúc hết lương thực, các thầy cô phải gửi tiền nhờ bà con trong bản đi chợ phiên mua giúp. Thực phẩm trong các bữa ăn hầu như chỉ có măng rừng và rau luộc chấm muối. Khi có mưa bão, Son Bá Mười bị biệt lập hàng tuần trời vì đường lầy lội. Mỳ tôm dự trữ cũng không còn lấy một gói, cánh giáo viên phải vào rừng cùng dân bản, hái bất cứ thứ rau gì ăn được để qua ngày.

Ngoài thầy Hoan, nhiều thầy cô giáo khác cũng đã có thời gian hơn chục năm “gieo chữ” ở nơi “thâm sơn cùng cốc” này. Có người quê miền biển, cứ mải mê với bản làng mà quên cả tuổi xuân. Có người quê đồng bằng nhưng lấy vợ Cổ Lũng và định cư luôn với người Thái.

Thời tiết Cao Sơn vô cùng khắc nghiệt

Cách giáo viên gọi đùa khi lên cắm bản là “đi biệt phái”, nếm mùi “lao ải” xứ sương mù. Người có sức trẻ thì mỗi tháng “hạ sơn” một lần, già thì 2 – 3 tháng. Mỗi chuyến hành trình như thế được chuẩn bị chu đáo, thuốc men, dầu bóp đề phòng rắn rết không khác gì nhà thám hiểm, cứ thế xuyên rừng. Lúc quay lên mới thực sự ngao ngán, lưng cõng theo ít nhất 40 - 50 cân gạo, thực phẩm, đồ dùng (của chung cả nhóm), tay chống gậy, gồng mình trên dốc tai mèo dựng ngược.

Thầy Hoan tâm sự: “Ngày tôi mới lên đây, thấy nhớ nhà kinh khủng. Sau giờ dạy, cứ nhìn học sinh lầm lụi đi khuất trong sương mù, trường lớp vắng teo, chỉ muốn khóc!”. Nhiều người về thăm nhà, nghe giục chuyện lập gia đình mà chẳng biết trả lời thế nào, đành nấn ná: “để thời gian nữa hẵng hay!”

Cao Sơn - ngôi trường của "thế giới đàn ông"

Khí hậu trên Cao Sơn rất đặc biệt, mát mẻ vào mùa hè và băng giá vào mùa đông, tùy thể trạng từng người mới có thể thích nghi. Cũng vì những lí do trên mà trường Cao Sơn từ khi thành lập đến nay chưa từng có giáo viên nữ.

Lâu lâu mới thấy "bóng hồng" ghé thăm trường Cao Sơn

Nhiều thầy giáo hay nói đùa: Dường như biết nữ giới không thể đủ sức chinh phục ngọn núi cao chọc trời để đến với học trò ở một nơi “thâm sơn cùng cốc” như Son Bá Mười nên cũng không có giáo viên nữ nào được phân công lên đây công tác. Thành ra, nhiều năm trôi qua, nhiều thầy ở lại, nhiều thầy cũng bỏ bản mà ra đi.

Cũng vì những lí do trên mà trường Cao Sơn từ khi thành lập chưa từng có giáo viên nữ lên giảng dạy. Và ngôi trường đặc biệt này cũng chưa từng có những ngày lễ như 8/3, 20/10…, quanh năm chỉ có 14 thầy giáo tâm huyết và kiên cường, ngày ngày cần mẫn, miệt mài gieo cấy những “mùa chữ” trên mảnh đất cao chọc trời với vô vàn những khó khăn, thiếu thốn.

Thầy Trịnh Công Định, Hiệu trưởng Trường phổ thông Cao Sơn, cho biết, năm học 2017 – 2018, trường có 14 cán bộ giáo viên và 106 học sinh rải đều ở các khối lớp.

“Mặc dù điều kiện dạy học còn thiếu thốn, các em còn nhiều thiệt thòi nhưng hầu như con em trong ba bản Son, Bá, Mười vẫn đến trường đầy đủ, không có tình trạng nghỉ học". - thầy Định nói

Thầy Định cũng cho biết thêm: “Trường có 14 giáo viên, nhưng chỉ có sáu giáo viên dạy cấp Trung học Cơ sở, trong đó có bốn giáo viên môn văn hóa và hai giáo viên đặc thù. Do thiếu nên có thầy phải dạy cùng lúc bốn lớp. Ngoài ra có một điều khá đặc biệt là trường không hề có giáo viên nữ. Đây chính là "thiệt thòi" lớn cho các em học sinh”.

Thế giới "không phụ nữ" của các thày giáo ở Cao Sơn

Cuộc sống tập thể không có bóng dáng phụ nữ tạo cho các thầy ở Cao Sơn lối sống có phần xuề xòa. Thế nhưng, với học sinh, họ luôn cố gắng chỉn chu nhất. Bằng chứng là mỗi sáng thứ hai, sau khi thầy Trịnh Công Định đánh một hồi trống, từng tốp trẻ men theo đường nhỏ tiến vào cổng, các thầy đều đứng đón và dẫn những em mặt mũi, chân tay lem luốc đi rửa ráy. Thậm chí, những người - thày - đàn - ông ấy lại tỉ mẩn buộc tóc, cắt móng tay, móng chân cho học trò... bằng sự kiên nhẫn, dịu dàng lớn nhất.

Còn rất nhiều những câu chuyện cảm động về các thày giáo ở tiểu khu Cao Sơn mà chúng tôi không thể kể ra hết. Chỉ biết, họ đang âm thầm làm một việc cao cả theo đúng nghĩa thực của nó: Trồng người. Tin rằng rồi đây, sẽ có những học sinh thành đạt, bay cao, bay xa với giấc mơ được nuôi dưỡng ngay từ chính mái trường đơn sơ nhưng thấm đẫm tình người.

Video: Nghị lực phi thường của nữ học sinh bị bệnh xương thủy tinh

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/chuyen-la-o-ngoi-truong-chua-tung-co-giao-vien-nu-d120621.html