Chuyện lạ ở Đồng Nai: Chạy xe cà tàng dạy nghề dạo cho nông dân

Nhiều năm nay, thầy giáo Trần Thanh Ngân (Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Định Quán) đã lặn lội đến tận các ấp vùng sâu, vùng xa của xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) để dạy nghề cho thanh niên, nông dân.

Với chiếc xe máy cũ chở lỉnh kỉnh dụng cụ dạy nghề, hằng ngày thầy Ngân vẫn chạy hơn 80km (cả đi và về) từ thị trấn Định Quán đến tận ấp 3 (xã Thanh Sơn) để dạy các nghề hàn, tiện, phay cho các học viên.

Đưa nghề về vùng sâu

Lớp đào tạo kỹ thuật hàn cơ bản (tương đương sơ cấp) năm 2018 của thầy Ngân được đặt tại nhà anh Lằng A Lục (ấp 3, xã Thanh Sơn) có 28 học viên tham gia. Trong số đó có nhiều thanh niên người dân tộc thiểu số: Dao, Tày, Nùng...

Thầy Trần Thanh Ngân (trái), giáo viên Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Định Quán hướng dẫn cho học viên thực hành máy hàn.

Đây là khóa học thứ 4 dạy kỹ thuật hàn cơ bản được Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Định Quán phối hợp với chính quyền địa phương mở ra để dạy nghề cho thanh niên, nông dân xã Thanh Sơn. Mỗi khóa học trong 3 tháng, học viên được đào tạo miễn phí và cấp giấy chứng nhận sau khi hoàn thành khóa đào tạo.

Phần lớn các học viên đều có điều kiện kinh tế khó khăn, không có nghề nghiệp ổn định, làm thuê, làm mướn. Hiểu hoàn cảnh của học viên, thầy Ngân phải chia khóa học thành 2 nhóm học sáng, chiều để học viên linh động sắp xếp thời gian vừa học, vừa làm phụ giúp gia đình.

Tuy lớp học được đặt tại nhà học viên nhưng thầy Ngân vẫn cố gắng mang theo khá đầy đủ các dụng cụ dạy hàn gọn nhẹ do trung tâm cung cấp và một số dụng cụ hàn kiểu mới do cá nhân thầy mua sắm để tiện bề cho học viên thực hành. Học viên rất thích thú với những bài giảng của thày Ngân vì thầy vừa dạy lý thuyết vừa cho thực hành nên dễ hiểu, dễ nhớ, dễ ứng dụng vào thực tế.

Vì có lòng yêu nghề, có kinh nghiệm, kỹ năng thực tế lại say mê sáng tạo, tìm tòi, thầy Trần Thanh Ngân, giáo viên Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Định Quán đã nhiều lần đem vinh dự về cho trung tâm với 2 giải nhì cuộc thi thiết bị nghề toàn quốc (năm 2005 và 2013); chứng nhận giám sát viên hàn quốc tế (năm 2006); bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội (năm 2005).

Tranh thủ thời gian học viên thực tập hàn, thầy Ngân cho biết nhu cầu học nghề hàn của thanh niên, nông dân ở xã Thanh Sơn rất lớn nhưng điều kiện đi học khó khăn hơn học viên các xã, thị trấn khác trong huyện. Vậy nên, khi Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Định Quán phân công thầy về tận các ấp trong xã mở lớp dạy nghề, thầy đã không từ chối.

“Một mình tôi lặn lội vào đây dạy nghề, thuận tiện hơn việc mấy chục học viên mất thời gian, chi phí ra ngoài trung tâm học. Tôi chỉ mong giúp học viên có một cái nghề để có cơ hội việc làm tốt hơn ” - thầy Ngân bộc bạch.

Để học viên nhanh chóng biết hàn đúng kỹ thuật, thầy Ngân rất chú trọng việc dạy thực hành. Thầy trò còn nhận các mối hàn cửa, bàn ghế, khung sắt cho người dân trong ấp. Cách làm này vừa tạo cơ hội cho học viên thực hành thành thạo tay nghề vừa tạo được nguồn quỹ cho lớp học nên mọi người rất thích thú.

Lớp trưởng Đặng Tiến Dũng, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp 3 cho biết, thầy Ngân dạy dễ hiểu, học lý thuyết ít, thực hành nhiều nên học viên nhanh chóng tự làm được những kỹ thuật hàn từ dễ đến khó. Đa số học viên đi học rất chăm chỉ, không dám “cúp” học vì sợ thầy buồn.

“Duyên nợ” với nghề

Thầy Ngân tâm sự, nghề giáo như có “duyên nợ” với mình, từng trải qua nhiều thăng trầm với nghề nhưng cuối cùng vẫn quyết định gắn bó. Cách đây 15 năm, sau khi lấy vợ, thầy sẵn sàng bỏ công việc của một nhân viên kỹ thuật hàn với thu nhập khá cao ở TP.Hồ Chí Minh để về đầu quân cho Trung tâm dạy nghề huyện Định Quán (nay là Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Định Quán) với mức lương hợp đồng chưa tới 1 triệu đồng/tháng.

Thầy Trần Thanh Ngân (bìa trái) hướng dẫn các học viên thực hành nghề hàn.

Thu nhập đã thấp nhưng thầy Ngân còn thường xuyên trích tiền dạy thêm giờ để sửa chữa hoặc mua sắm dụng cụ hỗ trợ việc dạy nghề giúp học viên kịp thời có dụng cụ thực hành khi học.

Ngay cả việc thầy Ngân nhiệt tình xung phong đi dạy “dạo”, đưa nghề về với học viên vùng sâu, vùng xa cũng làm giảm thu nhập hằng tháng của thầy vì phải tốn thêm chi phí xăng xe. Khó khăn là vậy nhưng nhiều buổi trưa học viên mời thầy ở lại ăn cơm cùng gia đình, thầy vẫn thường từ chối mà thường ra các quán nhỏ ven đường lót dạ tạm gói mì ăn liền hoặc ổ bánh mì.

Bởi vì đồng lương viên chức thấp, dồn hết tình cảm cho học viên nên hoàn cảnh của gia đình thầy Ngân vẫn khó khăn, còn đi ở trọ. Đã có lần, vì cuộc sống gia đình, thầy xin nghỉ việc, nhận tiền trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần để ra ngoài mở lớp dạy nghề được 2 năm. Sau đó, phần vì nhớ giảng đường, phần thương học viên, thầy Ngân lại quay về trung tâm giảng dạy và chấp nhận làm hợp đồng lại từ đầu.

Xã Thanh Sơn có 10 tiệm hàn, trong đó có 4 chủ tiệm hàn lớn là học trò của thầy Ngân. Chủ tiệm sắt Chu Mỹ Thế (ngụ ấp 3) bộc bạch, học xong khóa kỹ thuật hàn cơ bản do thầy Ngân dạy tại ấp vào năm 2017, anh đã mở tiệm hàn cửa sắt tại nhà và rủ thêm 4 anh em cùng khóa về làm công cho anh. Trong quá trình hành nghề, anh Thế thường điện thoại nhờ thầy Ngân tư vấn thêm về kỹ thuật và được thầy hướng dẫn rất tận tình. Nhờ đó, anh đã nâng cao tay nghề, được nhiều khách hàng tìm đến, làm ăn phát đạt.

Biết hoàn cảnh thầy Ngân còn khó khăn, nhiều học trò thành đạt ngỏ lời giúp đỡ, mời gọi thầy về làm việc với mức lương cao nhưng đều bị từ chối vì thầy cho rằng mình chỉ có “duyên” dạy học.

Thầy Ngân bộc bạch: “Tôi rất vui vì làm được công việc mình yêu thích là truyền kiến thức, kỹ thuật các nghề hàn, tiện, phay cho các học viên giúp các em có tay nghề để có cơ hội tìm việc làm tốt hơn. Trong thời gian tới tôi vẫn tiếp tục hành trình của mình đến các vùng sâu, vùng xa để đưa nghề đến với nhiều người cần hơn...”.

Theo Đoàn Phú (Lao động Đồng Nai)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nong-thon-moi/chuyen-la-o-dong-nai-chay-xe-ca-tang-day-nghe-dao-cho-nong-dan-934046.html