Chuyện lạ Nhật Bản: Nhà cho không, dân vẫn không thèm ở

Cách đây 4 năm, ông bà Naoko và Takayuki Ida được trao cho một ngôi nhà... miễn phí. Đó là một căn nhà rộng rãi, 2 tầng nằm giữa một rặng cây ở thị trấn nhỏ Okutama, thuộc Tokyo. Trước khi chuyển tới đây, cặp đôi này cùng con cái họ sống cùng cha mẹ của Naoko.

Cây cỏ mọc kín một căn nhà bỏ hoang ở thành phố Yokosuka, tỉnh Kanagawa. Nguồn: CNN.

“Chúng tôi đã phải sửa chữa lại ngôi nhà rất nhiều. Nhưng chúng tôi thực sự muốn sống ở vùng nông thôn, và giờ có một khu vườn lớn”- bà Naoko, 45 tuổi, nói.

Một căn nhà cho không nghe có vẻ như một trò lừa, nhưng điều này thực sự xảy ra ở Nhật Bản, đất nước đang đối mặt với một vấn đề bất động sản: Số lượng nhà ở nhiều hơn số người cần có nhà. Năm 2013, có khoảng 61 triệu ngôi nhà trong khi chỉ có 52 triệu hộ gia đình - theo Diễn đàn Chính sách Nhật Bản. Và vấn đề này ngày một trầm trọng.

Dân số của Nhật Bản dự kiến sẽ giảm từ 127 triệu người xuống khoảng 88 triệu người vào năm 2065 - theo thống kê của Viện Dân số và An sinh xã hội quốc gia Nhật Bản. Điều này có nghĩa rằng sẽ còn có ít người cần có nhà ở hơn. Trong lúc giới trẻ rời các vùng nông thôn để lên thành thị kiếm việc, vùng nông thôn nước Nhật ngày càng xuất hiện nhiều những ngôi nhà “ma”- còn gọi là “Akiya”.

Người ta ước tính rằng vào năm 2040, gần 900 thị trấn và làng mạc trên khắp nước Nhật sẽ không còn tồn tại - và thị trấn Okutama cũng nằm trong số này. Và trong bối cảnh đó, việc cho không những căn nhà chính là biện pháp giải quyết tạm thời của Chính phủ nước này.

“Vào năm 2014, chúng tôi phát hiện ra rằng Okutama sẽ trở thành 1 trong 3 thị trấn thuộc Tokyo biến mất vào năm 2040”- ông Kazutaka Niijima, vị quan chức chuyên trách tăng dân cư ở thị trấn Okutama, cho hay.

“Ngân hàng Akiya”

Thị trấn Olutama cách khu vực trung tâm thủ đô Tokyo khoảng 2 giờ đi xe lửa. Vào những năm 1960, thị trấn này có hơn 13.000 cư dân sinh sống nhờ hoạt động thương mại gỗ bùng nổ. Nhưng sau thời kỳ tự do hóa nhập khẩu và nhu cầu gỗ sụt giảm vào những năm 1990, phần lớn cư dân trẻ tuổi rời khỏi đây. Ngày nay, Okutama chỉ còn 5.200 cư dân.

Năm 2014, thị trấn này thành lập “Akiya Bank” - Ngân hàng nhà hoang - hỗ trợ tìm kiếm người mua nhà trong thị trấn. Trong khi hiện tại có rất nhiều Akiya bank trên khắp nước Nhật, mỗi thị trấn lại áp dụng những quy định riêng. Ví dụ, Okutama hỗ trợ chi phí tiền sửa chữa nhà cho cư dân mới, và khuyến khích chủ sở hữu nhà cũ nhượng lại nhà đất với giá 8.820 USD/100 mét vuông.

Tuy nhiên, theo quy định ở Okutama, cư dân nhận nhà miễn phí cần phải ở độ tuổi dưới 40, hoặc phải là một cặp vợ chồng có ít nhất 1 con dưới 18 tuổi, và một trong hai người trong cặp đôi phải dưới 50 tuổi. Những người nhận nhà cũng cần phải cam kết sẽ định cư ở thị trấn này, và đầu tư tiền để nâng cấp nhà.
Thế nhưng, ngay cả việc cho không nhà ở Nhật Bản cũng khó khăn, bởi người dân nước này thường thích những căn nhà mới hơn là nhà cũ.

Nhà “second-hand”

Ông Niijima bước vào một ngôi nhà Akiya với mái ngói màu xanh và tường trắng được xây dựng cách đây 33 năm. Dù ngoại thất nhìn khá mới, nhưng mùi ẩm mốc bên trong giúp người ta hiểu rằng nó đã bị bỏ không suốt nhiều năm liền. “Nó sẽ phù hợp với một người thích tự tay sửa sang nhà cửa”- ông Niijima nói.

Nhà bỏ hoang là thứ thường thấy trên khắp đất nước Nhật Bản. Nguồn: AP.

Có khoảng 3.000 căn nhà ở thị trấn Okutama, và khoảng 400 trong số này đang bị bỏ không - và chỉ khoảng một nửa có khả năng sửa chữa lại được. Số còn lại quá cũ kỹ, chỉ có thể đập đi xây lại, hoặc nằm trong những khu vực có nguy cơ sạt lở đất.

Trong thế kỷ 20, Nhật Bản từng chứng kiến 2 đợt bùng nổ dân số: Một là vào sau Thế chiến II và sau là vào thời kỳ bùng nổ kinh tế những năm 1980. Cả hai giai đoạn này đều gây ra tình trạng thiếu nhà ở, dẫn tới việc hàng loạt căn nhà giá rẻ sản xuất đại trà mọc lên khắp các thị trấn và thành phố đông dân.

Phần lớn những căn nhà đó đều có chất lượng kém- ông Hidetaka Yoneyama, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Fujitsu, nhận định. Kết quả là, khoảng 85% người dân Nhật Bản lựa chọn mua nhà mới.

Năm 2015, Chính phủ Nhật thông qua một bộ luật nhằm trừng phạt những người dám bỏ không nhà cửa, với hy vọng khuyến khích người dân hoặc sửa sang lại hoặc dỡ bỏ xây mới nhà cũ. Tuy nhiên, những người sở hữu nhà Akiya bị đánh thuế nhiều hơn khi để đất trống, hơn là để trống nhà của họ. Điều này khiến cho nhiều người lựa chọn bỏ không nhà cửa.

Các quy định về quy hoạch ở Nhật cũng khá lỏng lẻo - Chie Nozawa, Giáo sư kiến trúc thuộc ĐH Toyo ở Tokyo, cho hay. Điều này cho phép các nhà đầu tư tiếp tục xây dựng hàng loạt nhà mới mà không phải tính đến vấn đề cung vượt quá cầu.

Thị trấn nhỏ mời chào cư dân mới

Ở thị trấn Okutama, ông Niijima cho hay ông đã tìm thấy các hộ gia đình mới để lấp đầy 9 căn nhà bỏ không. Họ đến từ nhiều nơi, bao gồm cả New York (Mỹ) và Trung Quốc - bởi chương trình Akiya không hạn chế với người nước ngoài.

Cặp vợ chồng hai quốc tịch Philippines-Nhật Bản Rosaline và Toshiuki Imabayashi, những người sống ở trung tâm Tokyo cùng 6 đứa con, cho hay họ sẽ chuyển tới thị trấn Otakuma vào đầu năm 2019.

“Ở Tokyo, dân càng ngày càng đông, và chúng tôi thích Okutama ở chỗ nó vẫn thuộc Tokyo, nhưng gần gũi với thiên nhiên hơn”- bà Rosaline nói.

Đối với phần lớn những người mới đến thì nhà miễn phí là chưa đủ, mà họ cần có một kế hoạch phát triển kinh tế bền vững, các hoạt động xây dựng cộng đồng để kết nối người mới với người cũ.

“Nếu người dân tìm được cách để tham gia vào các hoạt động kinh tế, tự lo được cho bản thân, thì họ sẽ sẵn lòng tới sống ở các khu vực nông thôn” - Jeffrey Hou, chuyên gia kiến trúc thuộc ĐH Washington, nhận định.

Kamiyama, một thị trấn nhỏ ở miền Nam nước Nhật, đã thu hút được lượng cư dân rất lớn vào năm 2011 sau khi các công ty công nghệ thông tin thiết lập nhiều văn phòng vệ tinh của họ tại đây, thu hút những người lao động muốn thoát khỏi cuộc sống ở chốn thành thị.

Sự khéo léo, tinh tế của những cư dân mới hiện cũng đang là cứu cánh của nhiều thị trấn bị quên lãng.

Có chứng chỉ chăm sóc người già, Naoko và Takayuki Ida tin rằng họ sẽ có cơ hội mới khi tới sống ở Okutama. Nhưng đến tháng 9/2017, họ đã thử một hướng làm ăn mới, đó là mua lại và cải biến một “Kominka” - nhà có tuổi thọ trên 100 năm ở Nhật - thành một quán cafe ven đường, thu hút dân phượt và dân leo núi. “Vẻ đẹp của nơi này chính là sự pha trộn giữa mới và cũ”- bà Naoko nói - “Nhiều người thích kiểu văn hóa này, họ thực sự thích những thứ cổ xưa nhưng lại không dám gắn mình với cuộc sống vùng nông thôn”.

Trên tuyến phố vắng vẻ đó, có một căn nhà trống khác và một căn nhà của một người phụ nữ lớn tuổi. Trước khi gia đình Ida tới đây, khỉ hoang thường xuyên tới nhà của người phụ nữ nọ để trộm rau củ. Nhưng giờ, khi tuyến phố đã đông đúc hơn, lũ khỉ cũng giữ khoảng cách.

Nhưng dù Naoko đã cam kết với cuộc sống ở Okutama, bà vẫn băn khoăn không biết liệu con cái bà sau này có ở lại đây hay không. “Thực ra, con gái lớn của tôi nói rằng nó muốn rời khỏi nhà và lên thành phố thuê một nơi để sống và làm việc”- bà Naoko nói.

Linh Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/chuyen-la-nhat-ban-nha-cho-khong-dan-van-khong-them-o-tintuc424792