Chuyện lạ: Hàm răng của loài người là một sự tiến hóa lỗi?

Phải chăng bộ răng của loài người đang ngày càng thoái hóa và tương lai chúng ta phải dùng ống hút để ăn?

Theo một nghiên cứu, khoảng 9/10 số người trưởng thành trên thế giới có các vấn đề nhất định về răng lợi, hơn 4 triệu người Mỹ đang niềng răng và xu thế làm trắng răng, làm răng sứ đang lan tràn trong giới showbiz. Hàng năm, người Mỹ phải tiêu tốn đến 111 tỷ USD cho tiền chữa răng sâu và niềng răng.

Điều trớ trêu là trong khi phần lớn các loài động vật sinh ra với bộ răng hoàn hảo cho sinh tồn thì con người dù ngày càng phát triển, tiến hóa nhưng họ vẫn gặp rất nhiều vấn đề với bộ "nhai". Đáng ngạc nhiên hơn, những nghiên cứu khảo cổ cho thấy bộ răng của loài người cổ tốt hơn bây giờ khá nhiều dù họ chưa có kiến thức về làm sạch răng miệng.

Vậy phải chăng bộ răng của loài người đang ngày càng thoái hóa và tương lai chúng ta phải dùng ống hút để ăn?

Sự bất thường của tiến hóa

Phần lớn con người đều đã từng bị sâu răng ít nhất 1 lần trong đời. Đây là hiện tượng vi khuẩn tồn tại trong răng do không vệ sinh răng miệng kỹ. Những vi khuẩn này được nuôi dưỡng từ lượng đường trong thực phẩm chúng ta tiêu thụ và sản sinh những chất làm mòn răng, qua đó gây sâu răng.

Bên cạnh đó, loài người hiện nay còn phải đối mặt với hiện tượng răng mọc không đồng đều. Chuyện mọc răng khôn hay răng nhấp nhô đã thành bệnh thường gặp. Khoảng 75% số người lớn hiện nay có vấn đề về bố cục hàm răng, gây ra những hiện tượng như đau răng, khó nhai nuốt cùng nhiều hệ lụy khác.

Hiện tượng này khá lạ với loài động vật có vú (Mammal) cũng như quá trình tiến hóa. Thông thường bộ răng đóng vai trò quan trọng với những động vật có vú bởi chúng cần hấp thu khá nhiều năng lượng từ đồ ăn. Để so sánh, động vật có vú hấp thu Calories nhiều gấp 10 lần so với loài bò sát (Retiles). Nguyên nhân của việc cần nhiều năng lượng này là để sống sót trong các loại môi trường khác nhau, săn mồi hoặc kiếm thức ăn, chạy trốn và tìm kiếm bạn tình duy trì nòi giống.

Thông thường bộ răng của loài động vật có vú khá chắc chắn và được phát triển hợp lý để xé thức ăn cũng như nhai nát chúng, qua đó giúp cơ thể dễ hấp thu năng lượng hơn. Bởi vậy bộ răng của các loài động vật có vú hoang dã thường phát triển cân đối và hợp lý đến từng millimet (mm) nhằm tạo hiệu quả nhai ở mức cao nhất có thể.

Hàm và bộ răng của người tiền sử khác so với người hiện đại

Hàm và bộ răng của người tiền sử khác so với người hiện đại

Ví dụ như ở những loài bò, răng của chúng thường phẳng để nhai cây cỏ. Chúng không cần răng nanh hay bộ răng sắc để săn mồi hay đuổi bắt. Đối với con người, bộ răng của chúng ta vừa có những phần nhọn nhô ra để xé thức ăn nhưng cũng có phần răng hàm để nhai các loại thực phẩm.

Tuy nhiên, bộ răng của con người chỉ có bình quân 32 chiếc, ít hơn nhiều so với phần lớn các loài khác. Hơn nữa, không gian hàm của con người khá nhỏ, qua đó hạn chế không gian phát triển của hàm răng. Đây là điều khá lạ khi phần lớn các loài thú có bộ răng ổn định và phát triển thêm theo thời gian nhờ không gian hàm khá rộng.

Điều đáng ngạc nhiên hơn là cho dù với những người tiền sử, các bệnh sâu răng hay vấn đề về răng miệng thường không ảnh hưởng lớn. Các nghiên cứu tại Australia trong thập niên 1920 với những bộ tộc bản xứ sống hoang dã cho thấy hàm răng của họ vô cùng chắc khỏe. Minh chứng này cho thấy hàm răng của con người bị thoái hóa có thể do tác động của môi trường.

Lỗi tại ngành thực phẩm

Năm 2004, chuyên gia sinh học Daniel Lieberman từ đại học Harvard đã có cuộc thí nghiệm với chuột đá (Hyraxes) khi cho 1 nhóm ăn đồ ăn mềm qua chế biến còn nhóm kia ăn thức ăn thô. Kết quả là nhóm chuột đá ăn thức ăn thô có bộ răng phát triển hơn, qua đó chuyên gia Lieberman cho rằng bộ răng của con người bị ảnh hưởng từ thói quen ăn uống khi còn nhỏ.

Ngoài ra, Lieberman cũng kết luận rằng sự gia tăng các vấn đề về răng miệng hoàn toàn do lỗi của ngành thực phẩm khi thêm quá nhiều đường hay chất tạo ngọt vào đồ ăn. Ngoài ra, việc con người ngày nay ăn toàn đồ mềm dễ nhai nuốt thay vì các thực phẩm sơ cứng như trước đây cũng ảnh hưởng đến khả năng tiến hóa của bộ răng khi trưởng thành.

Những so sánh giữa hộp sọ của loài người cổ và người hiện đại cho thấy do thói quen ăn uống thay đổi, phần hàm trước của con người trở nên chật chội hơn do răng phát triển theo xu hướng thích nghi với đồ ăn mềm, không cần cắn xé giữ con mồi. Phần hàm sau trở nên mất trật tự hơn do việc nhai kỹ thức ăn thô dai ngày càng không cần thiết với đồ chế biến.

Dựa trên những nghiên cứu này, các chuyên gia khuyên bậc cha mẹ nên cho trẻ hạn chế ăn đồ có đường và ăn nhiều thực phẩm thô hơn nhằm phát triển bộ tăng, phần cơ hàm bởi một khi đã cố định, chúng sẽ rất khó để thay đổi.

Với những người lớn đã có bộ răng ổn định, nếu bạn gặp vấn đề về răng miệng thì rất tiếc là phải nhờ đến nha sĩ bởi cho dù có thay đổi thói quen thế nào thì chúng ta cũng chẳng thay đổi được cấu trúc răng đã phát triển từ bé.

AB

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/chuyen-la-ham-rang-cua-loai-nguoi-la-mot-su-tien-hoa-loi-5202017109485915.htm