Chuyện lạ: Giới trẻ Hàn Quốc gặp khủng hoảng hôn nhân và sinh con

Kết hôn, lập gia đình, sinh con đang là áp lực khủng khiếp đối với thanh niên Hàn Quốc.

Theo dự báo của Liên hợp quốc, đến năm 2021 mức sinh của Hàn Quốc sẽ là 0.86 và dân số nước này sẽ bắt đầu giảm dần sau năm 2029.

Trong xã hội hiện đại, con người có nhiều lựa chọn để phát triển, lối sống, với giới trẻ Hàn Quốc, quan điểm về hôn nhân và sinh con cũng thay đổi đáng kể.

Kết quả của thực trạng "sợ kết hôn" khiến Hàn Quốc đang trên con đường trở thành quốc gia siêu già.

Hiện nay ở Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác, ngày càng có nhiều người cao tuổi sống bằng lương hưu, tiền tiền kiệm và ở trong viện dưỡng lão thay vì phải phụ thuộc vào sự chăm sóc của con cái. Nói cách khác, giá trị của con cái thay đổi trong xã hội hiện đại và việc sinh nhiều con không còn là lựa chọn ưu tiên nữa.

Chi phí nuôi dạy con cái

Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Tổng cục Thống kê (trực thuộc Bộ Kinh tế và Tài chính) dự báo dân số của nước này đạt đỉnh khoảng 52 triệu người vào năm 2028, và bắt đầu giảm xuống.

Trước hết, một cuộc khảo sát được tiến hành cho thấy mỗi cặp vợ chồng Hàn Quốc phải chi trung bình 19.000 USD cho toàn bộ mọi chi phí liên quan đến việc kết hôn.

Sau khi kết hôn, chi phí nuôi dạy con cái ở Hàn Quốc, đặc biệt là chi phí cho giáo dục ảnh hưởng nhiều đến cảm quan về hôn nhân và sinh con của giới trẻ.

Tại Hàn Quốc, năm 2019, 74,8% học sinh từ cấp 3 trở xuống, tới tiểu học, có tham gia vào các chương trình giáo dục tư nhân, tăng 2% so với năm 2018.

Trung bình, các bậc cha mẹ bỏ ra khoảng 321.000 won (tương đương 266 USD)/tháng/trẻ dành cho giáo dục tư nhân. Nhiều cha mẹ "thắt lưng buộc bụng" để chi trả chi phí học hành của con cái.

Chi phí giáo dục ngày càng đắt đỏ khiến các cặp vợ chồng sinh ít con hơn để có thể đầu tư giáo dục cho con cái. Sinh nhiều con trong khi chi phí nuôi dạy chúng ngày càng tăng khiến tài chính gia đình mất cân bằng.

Nhiều phụ nữ Hàn Quốc ngại kết hôn và sinh con vì sợ mất việc

Vị thế của phụ nữ trong xã hội cũng có ảnh hưởng đến mức sinh. Hàn Quốc bắt đầu chứng kiến tăng trưởng kinh tế và biến đổi xã hội nhanh kể từ 1960.

Phụ nữ có trình độ học vấn cao hơn có nhiều cơ hội trong thị trường lao động. Trong xã hội cạnh tranh cao như Hàn Quốc, việc phụ nữ chọn đi làm đồng nghĩa với việc họ sẽ lảng tránh sinh nở với lý do mất cơ hội phát triển sự nghiệp.

Hơn nữa, nhiều công ty Hàn Quốc từ chối thuê các bà mẹ, lo họ không gắn bó với cơ quan và sợ họ không thể làm việc dài thời gian như mọi người, đồng thời né trả trợ cấp nghỉ sinh theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, trợ cấp thai sản và sinh con không đáng kể so với chi tiêu thực tế. Hơn nữa, các công việc thân thiện với gia đình và bình đẳng giới không được chú trọng.

Cân bằng việc chăm sóc gia đình và công việc là thách thức lớn nhất đối với phụ nữ. Năm 2005, 60,6% nữ giới đã nghỉ việc do kết hôn và 49,8% do sinh con đầu lòng.

Nói cách khác, trong xã hội Hàn Quốc hiện đại, phụ nữ thường phải chọn giữa lập gia đình hoặc công việc. Kết quả là họ có xu hướng sinh con muộn hơn, ít hơn và thậm chí không sinh con.

Một điểm khác biệt giữa Hàn Quốc với các nước Âu Mỹ là ở Hàn Quốc việc sinh con mà không kết hôn thường bị lên án khá mạnh mẽ.

Ở Hàn Quốc việc kết hôn được xem là một nghi thức xã hội quan trọng, nên sinh con khi chưa hoặc không kết hôn khó được chấp nhận. Hầu hết các trường hợp mang thai ngoài hôn nhân đều phải phá thai trước sức ép của các chuẩn mực xã hội.

Trang Dung (Nguồn Korean Times)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chuyen-la-gioi-tre-han-quoc-gap-khung-hoang-hon-nhan-va-sinh-con-a488910.html