'Chuyện lạ đời' ở Thanh Hóa: Người dân phải đóng phí chăn thả trâu, bò

Người dân muốn chăn trâu, bò cho ăn cỏ ngoài đồng phải đóng phí 100.000 đồng/con/năm, ngoài ra còn phải nộp tiền đặt cọc cao nhất đến 2 triệu đồng. Chuyện oái oăm trên đang xảy ra tại xã Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa.

Theo phản ánh của người dân trên báo Thanh niên, từ năm 2017, khi chuyển đổi hình thức hoạt động, Hợp tác xã dịch vụ Minh Anh (xã Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa) đã đề ra nhiều khoản thu, khoản phí vô lý khiến người dân bức xúc.

Theo đó, hợp tác xã này nghĩ ra việc thu phí 100.000 đồng/con/năm đối với trâu, bò của người dân muốn chăn thả ngoài đồng trên địa bàn xã, gọi là phí đồng cỏ.

Ngoài tiền phí chăn thả trâu, bò, người dân còn phải nộp tiền thế chấp theo từng mức, cao nhất đến 2 triệu đồng.

Ngoài ra, các hộ còn phải đóng theo mức, nếu hộ gia đình có từ 1-3 con trâu, bò thì phải nộp 300.000 đồng/năm; từ 4-5 con mức 500.000 đồng/năm; từ 6-10 phải nộp mức 1 triệu đồng/năm và từ 10 con trở lên phải nộp 2 triệu đồng/năm, gọi là tiền thế chấp chăn thả gia súc, gia cầm.

Không chỉ thu phí chăn thả trâu, bò, Hợp tác xã Minh Anh còn thu tiền thế chấp máy cày, máy lồng, máy gặt của người dân, mỗi máy 5 triệu đồng/năm. Ngoài ra, khi các hộ có máy gặt đi gặt lúa thuê cho người khác cũng phải trích lại từ 10.000-20.000 đồng/sào cho hợp tác xã.

Theo báo Tri thức trực tuyến, ông Dương Đình Minh, Giám đốc HTX dịch vụ Minh Anh thừa nhận cơ quan này thu những khoản nói trên. Ông lý giải những năm trước tình trạng chăn thả trâu, bò bừa bãi dẫn đến việc phá hoại hoa màu, bờ thửa của người dân.

Tháng 12/2017, HTX này tiếp nhận bàn giao từ UBND xã và sau đó tổ chức họp các hộ chăn nuôi và đưa ra phương án thu 100.000 đồng/con và nộp một khoản tiền thế chấp theo tỷ lệ.

"Sau khi kết thúc mùa vụ, chúng tôi sẽ hoàn trả số tiền đã thế chấp nếu các hộ không để gia súc phá hoại hoa màu của các hộ khác", ông Minh phân trần.

Vị giám đốc HTX cũng cho rằng "việc thu các khoản phí này trên tinh thần tự nguyện đóng góp, có văn bản họp dân và dựa trên quy ước đồn điền của làng từ xưa đến nay". Đối với khoản thu tiền thế chấp máy cày, máy gặt, ông Minh cho hay đây là điều lệ của HTX.

"Sau khi làm xong, nếu các chủ máy không làm hỏng bờ vùng, bờ thửa, mương xây thì được trả lại. Nếu làm hỏng thì phải bồi thường thiệt hại. Họ không bồi thường sẽ lấy tiền đặt cọc thuê người sửa chữa", ông Minh nói.

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM chiều nay (19/4), ông Lê Anh Xuân, Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết đã giao cho các ngành chức năng có liên quan của TP Thanh Hóa xác minh, làm rõ sự việc mà báo chí đã phản ánh. “Chiều mai (20/4), UBND TP Thanh Hóa, Phòng Kinh tế và các cơ quan liên quan sẽ có buổi làm việc với xã Thiệu Dương về nội dung báo chí phản ánh”.

Ông Xuân bày tỏ quan điểm về vụ việc thu phí vô lý, phí lý đối với mỗi con trâu/bò ra đồng ăn cỏ: “Quan điểm của TP Thanh Hóa là phải xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành và sự việc sai đến đâu thì phải xử lý nghiêm đó".

Theo ông Xuân, sau khi có kết quả kiểm tra xác minh cụ thể về vụ việc thu phí ở xã Thiệu Dương, UBND TP Thanh Hóa sẽ có văn bản công khai, trả lời cơ quan báo chí cụ thể về sự việc này.

Anh Tuấn (t/h)

Nguồn TH&PL: http://thuonghieuvaphapluat.vn/chuyen-la-doi-o-thanh-hoa-nguoi-dan-phai-dong-phi-chan-tha-trau-bo-101063