Chuyện lạ chủ quán bún 'không lời' nhưng luôn hút khách

Giao tiếp với khách là ngôn ngữ không lời nhưng quán bún này lại đặc biệt hút khách. Khách ăn xong, muốn tính tiền chỉ cần giơ số suất của mình rồi tự cộng, trả cho bà chủ là xong. Đáp lại sự ủng hộ của khách hàng, vợ chồng chủ quán chỉ giơ tay ra hiệu rồi gật đầu cảm ơn.

Ông Lộc tỉ mỉ nướng những vỉ thịt thơm giòn cho khách thưởng thức. Ảnh: Vi Bình

Ông Lộc tỉ mỉ nướng những vỉ thịt thơm giòn cho khách thưởng thức. Ảnh: Vi Bình

Hạnh phúc không lời

Đó là quán bún chả của hai vợ chồng ông Lê Thế Lộc (61 tuổi) và bà Nguyễn Thị Nhung (56 tuổi) nằm trên con phố Nguyễn Văn Tố (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Theo lời kể của những cụ cao niên sống ở đây, quán bún cũng là nơi gặp gỡ định mệnh của cặp vợ chồng câm điếc.

Cụ Nguyễn Thị Phương (một người dân sống trên con phố Nguyễn Văn Tố và là khách thường xuyên của hai vợ chồng bà Nhung) cho biết: “Trước đây, bà Nhung vốn là người khỏe mạnh nhưng vì gặp tai nạn hy hữu đè lên dây thanh quản khiến bà mất khả năng nói và rồi lâu dần tai cũng nghễnh ngãng như người khiếm thính. Còn ông Lộc vì hồi nhỏ bị sốt cao, lên cơn co giật rồi trở thành người câm điếc”.

Gia đình bà Nhung cách nhà ông Lộc không xa. Ngày đó, bà Nhung nhiều lần ghé qua ăn ở quán bún chả của gia đình ông Lộc. Sau những lần gặp gỡ, qua những cái liếc mắt thẹn thùng, những người lớn tuổi nảy sinh ý định kết duyên cho cặp đôi Nhung - Lộc. Một đám cưới nhỏ sau đó được diễn ra, rồi lần lượt 2 con trai, 1 con gái của ông bà Nhung - Lộc ra đời trong niềm vui của người thân và bè bạn.

Sau khi được thừa kế lại quán bún chả truyền thống, cặp vợ chồng câm điếc tiếp tục hành nghề. Những ngày mới bán, phần vì chưa có khách, phần vì không nói chuyện bình thường được nên vợ chồng ông Lộc gặp không ít khó khăn. Nhưng không nản chí, bằng ngôn ngữ riêng của mình họ động viên nhau rằng tuy thiếu thốn nhưng vẫn còn may mắn hơn biết bao người. Đặc biệt, dù bị khiếm khuyết một số chức năng nhưng bù lại cả hai vợ chồng có tài nấu ăn ngon và chiều lòng được cả những vị khách khó tính. Dần dà, người dân xung quanh quen với quán, lui tới quán đông hơn. Cuộc sống từ đó có đồng ra đồng vào, chăm lo được cho các con ăn học.

Ngôn ngữ giao tiếp là… nụ cười

Quán bún chả của hai vợ chồng câm điếc luôn đông đúc người ra vào.

Gần đây có rất nhiều quán bún chả nhưng quán của hai vợ chồng lúc nào cũng đông đúc người ăn. “Những năm 90 của thế kỷ trước, một suất bún chả bán với giá 7.000 đồng. Giá cả mới tăng vài năm trở lại đây, mỗi suất ăn là 35.000 đồng. Mức giá này cũng là phù hợp với chi phí sinh hoạt như hiện nay”, bà Phương tâm sự.

Để có được những bát bún chả ngon, bắt mắt và đậm đà hương vị, hàng ngày bà Nhung phải thức dậy từ sáng sớm đi chợ chọn mua loại thịt ngon và rau sạch. Với đôi bàn tay tài hoa, tỉ mẩn mà vợ chồng câm điếc đã cho ra món bún chả nướng có hương vị rất đặc trưng níu giữ được nhiều vị khách trở lại để tiếp tục trở lại để được thưởng thức. Nhiều người từ nơi xa đến mới lần đầu được thưởng thức món bún chả nướng của hai vợ chồng đã trầm trồ khen ngon.

Hình ảnh rất đỗi quen thuộc của cả khu phố về ông Lộc - người đàn ông có thân hình vạm vỡ, ánh mắt hiền từ, luôn ngồi cạnh lò than hồng và cầm trên tay vỉ nướng bên bếp lửa vo nặn ra những miếng thịt thơm ngon, hấp dẫn. Hai vợ chồng họ dùng ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với nhau. Còn với khách, ngôn ngữ giao tiếp duy nhất mà ông bà có thể dùng đó chính là nụ cười. Lúc nào cũng vậy, người ta luôn thấy nụ cười niềm nở thường trực trên môi bà Nhung và những cái vẫy tay chào đầy thân thiện của ông Lộc.

Vì chủ quán đặc biệt, nên cách phục vụ của quán cũng có phần đặc biệt. Khách đến đây chỉ vào món mình cần chọn, rồi ăn xong tự tính tiền gửi lại cho người bán. Nhìn ông bà lui cui làm món ăn, rồi dọn bàn, rửa chén dĩa… một cách nhanh nhẹn và ăn ý, bỗng thấy hạnh phúc của họ bình dị và giản đơn vô cùng.

Khách ra vào tấp nập, anh chị làm việc luôn tay mặc cho bữa cơm tối vẫn còn để một bên nguội ngắt. Nhưng dù thế, bà vẫn không quên cười, ông vẫn không quên vẫy tay chào khách và những thực khách ghé đến đây vẫn không quên tự giác làm công việc tính tiền thay cho người chủ.

Thời gian thấm thắt trôi qua, vợ chồng ông bà Nhưng - Lộc cũng đã gắn bó với nghề bán bún chả nướng đã 30 năm nay trên con phố Nguyễn Văn Tố. Theo ông Hùng - một khách quen của quán, người ta đến đây ăn không chỉ vì món ăn ngon hay giá cả hợp lý, mà còn bởi ở đây, họ cảm nhận được cái tình cảm ấm áp vui vầy của đôi vợ chồng này. Họ tựa như hai mảnh ghép của số phận. Tưởng chừng không bao giờ phù hợp với nhau nhưng họ lại là mảnh ghép vừa vặn nhất của cuộc đời nhau. Hai con người ấy đã tạo nên một tình yêu giản dị, hạnh phúc.

Bà Lê Thi Tâm (50 tuổi, sống bên cạnh quán bún chả của vợ chồng ông bà Nhung - Lộc) cho biết: “Dù mưu sinh vất vả nhưng những hoạt động công tác xã hội, từ thiện của địa phương, ông bà ấy đều tham gia nhiệt tình. Không ít lần chúng tôi chứng kiến ông Lộc làm bún chả đưa cho bà mang sang đường cho một cụ già đi ăn xin đang trong tình trạng đói khát”.

Vi Bình

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/chuyen-la-chu-quan-bun-khong-loi-nhung-luon-hut-khach-2018071319030878.htm