Chuyện lạ: 20 tấn cá sông đột nhiên ùa về trú ngụ trước nhà, người đàn ông không bắt mà quây rào bảo vệ

Trước cửa nhà ông Năm Đặng là một phần kênh được quây lại bằng rào tre với tấm biển 'Khu bảo tồn cá thiên nhiên'. Hơn 20 tấn cá tự nhiên 'bỗng nhiên' đến trú ngụ trước cửa nhà, ông Năm hằng ngày vẫn đều đặn cho ăn và bảo vệ cá khỏi những người dân đi đánh bắt.

13 tháng trước, đàn cá trên kênh Thần Nông với số lượng lên tới hàng nghìn con bỗng ồ ạt đến trú ngụ trước cửa nhà ông Trần Văn Đặng, 51 tuổi, tại ấp Phú Quới, xã Phú Thành, huyện Phú Tân, An Giang (tên thường gọi là ông Năm Đặng).

Ước tính đến hiện tại, tổng trọng lượng đàn cá trú ngụ đã lên tới khoảng 8.000 con, tương đương hơn 20 tấn. Mới đầu, chỉ có vài con cá hường bơi loanh quanh để ăn thức ăn thừa sau khi vợ ông là bà Nguyễn Thị Mai rửa chén, nhưng sau đó là một đàn cá tra kéo đến, ngày nào cũng quanh quẩn ở khu vực kênh trước nhà ông.

Cận cảnh đàn cá khoảng 8.000 con tự đến sống tại nhà ông Năm. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cận cảnh đàn cá khoảng 8.000 con tự đến sống tại nhà ông Năm. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thấy cá kéo về càng lúc càng đông, ông Năm đã quây rào tre một phần nhỏ của con kênh trước cửa nhà mình để tránh người dân đến xuyệt cá. Có cả những đàn cá nhỏ cũng kéo đến "nương nhờ". Khu vực quây rào rộng khoảng hơn 200m2 .

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Năm cho biết: "Tấm biển "Khu bảo tồn cá thiên nhiên" và ghi chú cấm đánh bắt trong phạm vi 100m là Nhà nước yêu cầu tôi làm để bảo vệ đàn cá sông. Gia đình tôi tuy không khá giả nhưng sẽ cố gắng nuôi chúng nếu chúng không bỏ mình đi. Vì thấy hiện tượng đặc biệt nên không ít người dân cũng đã quyên góp tiền thức ăn cho gia đình tôi để nuôi cá. Cũng có nhiều người khuyên gia đình chúng tôi bán nhưng tôi nhất quyết không đồng ý".

Ông Năm Đặng đang cho cá ăn tại mương trước nhà. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Để bảo vệ đàn cá, ông đã làm hàng rào tre không có lưới, đàn cá có thể tự do ra vào khu vực quây rào. Tuy nhiên, đàn cá không những không rời đi mà còn tăng trưởng nhanh chóng. Ban đầu cá còn ít, mỗi ngày chỉ tốn 2-3 bao thức ăn, nhưng với số lượng cá hiện tại, ông Năm phải tiêu tốn từ 6 đến 7 bao thức ăn. Chi phí dành cho đàn cá dao động từ 1 triệu đến 2 triệu đồng/ngày. Mỗi lần ông Năm rải thức ăn xuống, đàn cá lập tức tụ lại dày đặc, đen kín mặt kênh, quẫy đuôi khiến nước tung bọt trắng xóa. Cá bên ngoài vùng quây rào cũng nhanh chóng tiến vào.

Ông Năm chia sẻ: "Chi phí mua thức ăn cho cá thì gia đình chúng tôi sẽ tự túc. Bà con cũng nhiều người có lòng hảo tâm đóng góp ủng hộ. Nhiều đoàn du khách đến tham quan họ cũng cho tiền hỗ trợ, có lúc thì vài trăm, có người có 1-2 triệu. Nếu còn thiếu thì gia đình sẽ bỏ tiền túi và nấu cơm cho cá ăn. Cũng có thời điểm bà con ít qua lại, rau muống cạn kiệt nên nguồn thức ăn cho cá cũng bị ảnh hưởng đôi chút".

Cận cảnh đàn cá đang rỉa thức ăn do cháu ông Đặng thả xuống.

Những "vị khách đặc biệt" không mời mà đến ngày ngày gắn bó với gia đình ông Đặng. Giữa hàng nghìn con cá tra trắng còn có 20 con cá tra đen, 2 con cá hường, thỉnh thoảng còn có vài con cá mè vinh và cá trê đến "góp vui". Người biết đến "hồ cá" trước nhà ông Trần Văn Đặng ngày càng nhiều. Các đoàn du khách cũng ghé thăm, cho cá ăn và đồng thời hỗ trợ ông một phần chi phí thức ăn nuôi đàn cá. Thấy nhiều người thích thú, ông Năm đã dựng một cây cầu tre nhỏ ở giữa kênh để mọi người có thể ngắm nhìn đàn cá ở góc gần hơn. Cứ vài hôm lại có người đến hỏi thăm. Trẻ con sống gần nhà còn qua nhà anh Năm chơi, nghịch ngợm thả chân xuống nước để cá rỉa.

Chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Lý Chí Hùng, trưởng ấp Phú Quới, xã Phú Thành, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang cho biết: "Đây là một hiện tượng lạ tại địa phương. Đàn cá này đã đến đây hơn 1 năm nay. Dân làng ai cũng yêu quý đàn cá nên thường mang thức ăn đến để có thể giúp anh Năm nuôi cá. Chúng tôi cũng đã đặt biển bảo tồn cá tự nhiên để tránh những người dân không biết đến săn bắt. Theo ghi nhận của chính quyền địa phương, hiện nay không có bất kể hoạt động thăm quan, thu phí nào từ hiện tượng này".

Ông Năm có thể thoải mái chơi đùa với đàn cá mà không sợ cá bỏ đi.

Ông Năm dự định sắp tới vẫn sẽ tiếp tục nuôi đàn cá và để chúng sinh sống tự nhiên ở khu vực kênh trước nhà, không bắt hay bán lấy tiền. Đối với gia đình ông, đây là một cái duyên mà thiên nhiên ban tặng. Người xưa có câu "Đất lành chim đậu", đó cũng là điều mà ông Năm quan niệm khi nuôi đàn cá này.

Huy Hoàng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/chuyen-la-20-tan-ca-song-dot-nhien-ua-ve-tru-ngu-truoc-nha-nguoi-dan-ong-khong-bat-ma-quay-rao-bao-ve-20210428164915439.htm