Chuyện kỳ lạ về hai người phụ nữ cô đơn chăm con heo rừng 'biết khóc, giả chết'

Ngồi ngoài thềm xi măng xỉn màu, cụ bà vừa vuốt vuốt sống mũi con heo to lớn vừa thủ thỉ: 'Ngủ đi ngoại thương. Ngoại không bán con đâu!'. Xem chừng hiểu tiếng cụ bà, con lợn rừng khoảng 200kg đưa đầu về phía cụ, dúi cái mõm ngắn cũn lên đôi tay nhăn nheo của người phụ nữ chưa một lần làm mẹ, ngủ yên.

Bé Ủn được đặc biệt cưng chiều.

Bé Ủn được đặc biệt cưng chiều.

Niềm vui của hai người phụ nữ cô đơn

Một sáng nắng, hình ảnh cụ bà ngoài 60 tuổi ngồi bên cạnh vuốt ve, tắm gội, dỗ dành con heo rừng bên hiên nhà khiến chúng tôi tò mò, thích thú. Con heo to lớn, nặng gần 200kg ấy có tên là bé Ủn được đối xử như một thành viên không thể thiếu của gia đình chị Huỳnh Thị Mỹ Hạnh, 43 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Nhận thấy sự tò mò của chúng tôi, chị Hạnh cho biết, từ hơn 2 năm trước, chị và người cô của mình nhận nuôi, chăm sóc bé Ủn từ khi nó còn là một con heo rừng suy dinh dưỡng, còi cọc. Chị Hạnh kể: “Hai năm trước, một người bạn của tôi đem bé Ủn về nuôi. Có lẽ, do bản năng hoang dã nên nó cứ chui vào ống cống trốn. Thấy vậy, bạn tôi đem bé Ủn xuống nhà, bảo tôi nuôi giúp. Cô tôi đã có tuổi nên khó tính lắm. Thấy tôi đem con heo rừng bé xíu, còi cọc về, bà không hài lòng. Thương tôi lắm, cô mới đồng ý để tôi nuôi 3 tháng rồi đem trả. Tuy nhiên, sau 3 tháng, cô tôi thay đổi ý định luôn. Từ chỗ ghét bỏ, cô thích và thương yêu nó hết lòng. Cô ra sức chăm nó như chăm cháu và gọi là nó là con xưng ngoại. Lúc đó, cả tôi và cô đều thấy bé Ủn rất dễ thương, thông minh”.

Theo chị Hạnh, vẻ đẹp của con heo rừng lai ánh lên từ đôi mắt sáng lộ rõ nét thông minh đôi mắt ấy đẹp đến nỗi chị và người cô của mình quyết định đặt tên cho heo là Hằng Nga. Thế nhưng, khi lớn hơn một chút, heo cứ dùng mõm ủi ủi xuống đất, vào chân mọi người khi muốn được ăn, được tắm hoặc đi chơi. Thói quen này khiến “Hằng Nga” chỉ còn được gọi là bé Ủn. Người dân địa phương cho biết, chị Hạnh và người cô của mình vốn không lập gia đình, cuộc sống vì thế cũng thiếu vắng tiếng cười nói của con trẻ. Từ lúc có bé Ủn, cả hai như lấp đầy được nỗi cô đơn của người phụ nữ chưa một lần làm mẹ. Cả hai nói cười, vui buồn bên con heo rừng lai từ lúc nó còn bé xíu cho đến khi trở thành bé Ủn nặng hơn 2 tạ. Từ ngày ấy, con heo trở thành niềm vui của hai người phụ nữ có số phận hẩm hiu.

Biết dỗi hờn, “khóc giận, giả chết”?

Hôm chúng tôi tới, người cô của chị Hạnh ngồi thừ người bên bé Ủn đang nằm dài ngoài hiên nhà. Nó nhắm tịt mắt mặc cho cụ bà liên tục vuốt ve, thủ thỉ vào tai những câu âu yếm. Vừa vuốt vuốt sống mũi con heo, cụ bà vừa nhẹ nhàng nói với giọng buồn buồn: “Ngủ đi con. Ngoại thương. Ngoại xin lỗi. Ngoại không bán con đâu”.

Chị Hạnh nói: “Mấy hôm nay, bé Ủn không ăn uống gì nên cô tôi buồn lắm. Việc này bắt đầu từ hôm có khách đến chơi và nói đùa “bé Ủn đủ ký rồi, xuất chuồng đi thôi”. Từ hôm đó, nó bỏ ăn, cứ nằm lì, rên rỉ như thế”. Biết chúng tôi chưa tin, chị kéo lại chỗ cụ bà đang ngồi cùng con heo to lớn. Cụ bà có vẻ lo lắng chúng tôi sẽ khiến bé Ủn của bà giận rồi tiếp tục bỏ ăn. Chúng tôi cố tỏ ra thân thiện với bé Ủn bằng cách ngồi gần bà. Chúng tôi cũng không quay phim, không chụp ảnh. Bà cụ tiếp tục vuốt ve rồi xin lỗi như đang dỗ dành đứa cháu ngoại yêu của mình. Khi con heo to lớn nhắm tịt mắt, cụ bà xua tay ra hiệu chúng tôi đừng làm ồn để cháu bà ngủ trưa. Phải đến lần thứ ba cụ bà nói “Ngoại không bán con đâu”, con heo mới ngóc đầu dậy. Nó đưa đầu về phía cụ, dúi cái mõm ngắn cũn lên đôi tay nhăn nheo của cụ rồi nhắm mắt thiếp đi. Lúc này, cụ bà mới nở nụ cười, xua tay ra hiệu chúng tôi đừng làm ồn. Bắt gặp ánh mắt ngạc nhiên của chúng tôi, chị Hạnh nói, chuyện bé Ủn dỗi hờn xảy ra như cơm bữa. Thậm chí, nó còn biết khóc, giận khi bị bỏ đói.

Chị quả quyết: “Nói không ai tin nhưng nó thông minh và có cá tính lắm. Cho nó ăn trễ là nó giận. Có lần tôi và cô bận quá cho nó ăn trễ, nó tưởng bị bỏ đói nên khóc chảy hai hàng nước mắt thấy thương lắm. Khi được cho ăn, nó vừa ăn vừa như là nức nở". "Tuy nhiên, cũng như trẻ con, có lúc nó dữ lắm. Khi tức giận, nó hay cắn tôi vừa đủ đau để tôi biết mà vuốt ve, yêu chiều nó, không bao giờ nó cắn tôi đau hay để lại thương tích. Dữ nhưng biết nghe lời và biết yêu biết ghét như con người vậy”, người phụ nữ này vui vẻ cho biết thêm.

Chị Hạnh dẫn chứng, trong gia đình, heo chỉ sợ người em rể của chị. Những người khác, nó không sợ vì biết ai cũng thương, quý nó cả. Chị nói: “Nó còn biết làm nũng nữa. Em gái tôi chỉ cần chửi một câu là nó rên toáng lên. Chừng nào em tôi xin lỗi, vuốt ve nó mới thôi ư ử và đến gần". "Tôi thấy nó giống trẻ con lắm. Ai làm nó sợ, nó ghét là nó không bao giờ gần nữa. Em rể tôi đánh nó có một roi mà nó giận và sợ luôn đến giờ. Mỗi lần thấy em tôi về, nó đều lảng tránh hoặc giả chết. Có lần, tôi để ý, em tôi giả vờ la là nó lăn đùng ra giả chết. Thấy vậy, ai cũng cười”, chị Hạnh nói với giọng tự hào.

Nghe chị Hạnh kể xấu “cháu mình”, cụ bà đang dở tay chỉnh cây quạt hướng về phía con heo to lớn nói vọng ra: “Thật đấy. Nó biết hờn giận và yêu thương đấy. Ai thương nó thì nó thương lại”. Nói xong, cụ gọi chị Hạnh, nói chị vào nhà lấy cái khăn sạch để bà lót cho bé Ủn nằm. Bà nói: “Nó sạch sẽ từ nhỏ. Nằm ngoài hiên nhà vậy chứ tôi phải lót khăn cho nó mà phải là khăn sạch cơ. Khăn bẩn, có mùi hôi, nó không chịu nằm. Mùa mưa lạnh thì đắp thêm khăn cho nó, mùa khô nắng nóng thì bật quạt. Bây giờ, nó nặng ký hơn rồi nên có khi phải bật quạt cả ngày và tắm nhiều hơn”.

Hà Nguyễn

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số Chủ nhật-22

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/doi-song/chuyen-ky-la-ve-hai-nguoi-phu-nu-co-don-cham-con-heo-rung-biet-khoc-gia-chet-a326148.html