Chuyện kỳ lạ giữa lòng TP.HCM: Có tiền không bắt được taxi, Grab, cơ ngơi khang trang vẫn bị phán 'địa chỉ ảo'

Không nhớ số nhà, lạc đường, không thể bắt taxi, xe cứu thương, đặt các dịch vụ grab, giao đồ ăn, gặp khó khăn trong việc làm giấy tờ nhà đất,… Đó là tất cả những gì mà các cư dân ở hẻm 'siêu xuyệt' tại huyện Nhà Bè (TP.HCM) vẫn gặp phải trong nhiều năm nay.

Bà Nguyễn Thị Thanh Trang (46 tuổi, ngụ hẻm 1806/127/2/6/15/488, đường Huỳnh Tấn Phát, huyện Nhà Bè, TP.HCM) vẫn còn nhớ mãi câu chuyện cách đây 6 năm, khi bà là cư dân vừa mới chuyển tới hẻm "siêu xuyệt".

Buổi chiều tối, bà Hồng (60 tuổi) - hàng xóm của bà, đột ngột lên cơn cao huyết áp. Gia đình không có người ở nhà, bà Trang và hàng xóm phải vội vàng, chia nhau gọi xe cứu thương vào hẻm để đưa bà Hồng đi cấp cứu.

Chờ mãi mà xe không tìm được đường, bà Trang tiếp tục gọi cho một chiếc taxi với mong muốn có thể đưa bệnh nhân nhanh chóng nhập viện.

Đến khi bà Trang đọc địa chỉ nhà, taxi hỏi nhiều lần: "Có đúng địa chỉ không?" và vẫn không thể tìm ra.

Số nhà "siêu xuyệt" khiến các hộ dân tại TT Nhà Bè gặp không ít rắc rối.

Số nhà "siêu xuyệt" khiến các hộ dân tại TT Nhà Bè gặp không ít rắc rối.

Ngay lúc ấy, ông Sơn (47 tuổi, chồng bà Trang) phải chạy xe máy, cùng một người ôm bà Hồng đến bệnh viện. Thế nhưng, bà Hồng đã mất vì thời gian chậm trễ.

"Lúc chồng tôi đưa bà ấy lên bệnh viện quận 7, bác sĩ có cho uống một liều thuốc hạ huyết xong chuyển qua 115. Nhưng đến 2h sáng thì bà Hồng mất.

Sau này, dân trong hẻm đều biết, nếu có đau bệnh thì tự động chở bệnh nhân ra đầu hẻm lớn để đợi, hai là cứ đi thẳng đến bệnh viện chứ không nên đợi xe cứu thương. Vì thực ra họ cũng không tìm được số nhà của mình…" - bà Trang tự rút ra kinh nghiệm sau sự việc đau lòng như thế.

Bà Trang mãi nhớ ký ức cách đây 6 năm khi hàng xóm bệnh nhưng không thể nào gọi được xe cứu thương.

Không nhớ nổi số nhà vì… quá dài

Theo khảo sát của phóng viên, trong con hẻm 1806 đường Huỳnh Tấn Phát (H. Nhà Bè, TP.HCM), nhiều hộ gia đình đều có số nhà siêu dài, siêu xuyệt từ 3 đến 6 xuyệt. Hoặc thậm chí, ở các hẻm nhỏ có thể lên đến 7, 8 xuyệt khiến nhiều người phải căng mắt, tập trung hết sức mới có thể đọc được.

Những con số dài, xuyệt nằm sát nhau khiến người đi đường tìm địa chỉ nhà khó khăn, dù lẩm nhẩm trong đầu cỡ nào cũng khó nhớ được. Đường hẻm rộng, có lộ giới hơn 4,5 mét, nhưng nhiều năm nay, vì vấn đề trên mà các hộ dân gặp không ít phiền toàn trong sinh hoạt.

Bà Trang chia sẻ, nếu lần đầu tiên vào khu hẻm "siêu xuyệt" thì mọi người đều bị lạc đường. Vì dòng số xuyệt quá dài nên nhiều hộ dân tại đây nhiều khi còn không thể nhớ nổi số nhà của mình.

"Ở đây mà hỏi đường đưa số nhà thì xem như bó tay. Bình thường thì biết tên chủ hộ, chúng tôi còn có cách mà chỉ đến. Gọi taxi, grab thì tôi đều bảo họ đứng đầu hẻm lớn, gia đình tôi sẽ tự ra đón xe chứ không tài nào tài xế tìm ra được địa chỉ nhà tôi trên bản đồ…".

Không nhớ số nhà, lạc đường, không thể bắt taxi, đặt các dịch vụ grab, giao đồ ăn,… là những phiền toái người dân thường gặp.

Bà Trang kể, chỉ cần vào hẻm, hỏi số nhà thì không ai tài nào biết được.

Bà Trang vẫn không quên những chuyện dở khóc dở cưới khi sử dụng dịch vụ mua hàng online tại hẻm "siêu xuyệt". Mỗi lần đến giai đoạn đọc số nhà, phía đầu dây đều hỏi bà: "Có đúng là có tồn tại số nhà nhiều xuyệt như thế này không?". Thậm chí, có lần bà Trang tham gia mua hàng trả góp, cơ sở kinh doanh nhất quyết từ chối vì lý do "địa chỉ ảo, sợ bom hàng".

Chị Phương (33 tuổi), cư dân ở hẻm "7 xuyệt" 6 năm thì đã quen với chuyện mỗi lần đi đâu xa, mẹ chị đều phải gọi điện về để hỏi địa chỉ nhà để đặt xe. Chị Phương buộc lòng chạy ra trước cửa nhà, xem lại một lượt để tránh nhầm lẫn khi đọc cho mẹ.

Sau này thì chị Phương chụp sẵn ảnh biển số nhà trong điện thoại, khi nào cần thì đưa sẵn cho người ta xem thì nhận biết.

Chị Phương thì gặp rắc rối trong quá trình làm giấy tờ, không thể nhớ nổi số nhà dù đã là cư dân 6 năm.

"Đi làm giấy tờ thì không đủ chỗ trống để ghi đủ số xuyệt chứ đừng nói địa chỉ nhà, chỉ ghi tới xuyệt thứ 3 là người ta đã thắc mắc.Không nhớ số nhà, lạc đường, không thể bắt taxi, đặt các dịch vụ grab, giao đồ ăn,… Ở giữa thành phố mà đôi khi còn không sử dụng được những dịch vụ hiện đại như thế" - chị Phương kể thêm.

"Lộn xộn" trong việc sở hữu số nhà mới

Từ năm 2017, nhiều hộ dân tại hẻm "siêu xuyệt" đã được UBND huyện Nhà Bè hỗ trợ cấp số nhà mới. Theo đó, số nhà mới đã được rút ngắn xuống còn 3 xuyệt, giúp cư dân dễ dàng tìm đường, định vị trên bản đồ.

Thế nhưng, theo khảo sát thì tại hẻm "7 xuyệt" chỉ có 9-10 hộ gia đình hiện đang sử dụng số nhà mới. Chỉ riêng hẻm 1086/127/47, 3 căn nhà liền kề nhau đã có 3 số nhà khác nhau. Chủ hộ 1806/127/47 chia sẻ, đến nay đã là lần thứ 3, bà được đổi xuyệt nhà, hiện tại 3 xuyệt đang là ngắn nhất. Nhưng bà vẫn giữ lại số nhà cũ nhằm để người quen còn nhận biết.

Nhiều nhà vẫn sử dụng 2 số nhà mới và cũ để người vào hẻm dễ dàng nhận biết.

Việc không thống nhất số nhà khiến cư dân trong hẻm "siêu xuyệt" gặp không ít rắc rối. Bà Trang kể "có người có số nhà mới, có người số nhà cũnên vào đây hỏi nhà theo số thì không tài nào biết. Ngay cả hàng xóm cũng không thể nào nhớ nổi số nhà nhau nên chỉ còn cách đọc tên chủ hộ thì may ra trong 7 người đúng được 1-2 người".

Theo chị Phương, việc đổi số nhà mới 3 xuyệt là giải pháp vô cùng hiệu quả cho các cư dân. Thế nhưng, hiện tại, vì nhiều gia đình đang sở hữu chung 1 sổ đất nên vẫn không nhất quán với nhau được về vấn đề thay đổi số nhà.

"Thủ tục đến giờ vẫn không ai rõ. Nếu muốn đổi số nhà thì chủ hộ phải đổi tất cả giấy tờ, rất rườm rà và phức tạp, Đồng thời bây giờ, người ta đã ở quen, sợ gặp phải khó khăn nên mọi người đều ngại" - chị Phương chia sẻ thêm.

Việc số nhà cũ đan xen khiến nhiều hộ dân gặp phải rắc rối trong việc xác định.

Chia sẻ về vấn đề trên, bà Trần Thị Thùy Trang (Tổ trưởng tổ 5, khu phố 6, Thị trấn Nhà Bè, TP.HCM) cho biết: Tình trạng số nhà siêu xuyệt tại hẻm 1806 huyện Nhà Bè (TP.HCM) đã có từ rất lâu, gây không ít phiền toái cho người dân sống tại khu vực.

"Nắm được tình hình, năm 2017, UBND huyện Nhà Bè đã tổ chức cấp số nhà mới cho các cư dân. Thế nhưng chỉ có vài hộ dân sở hữu có số nhà mới, số còn lại vì sai tên, sai một số thông tin cá nhân nên không thể phát địa chỉ nhà ngay. Song để giải quyết vấn đề đó, UBND cũng đã hỗ trợ cấp 1 giấy chứng nhận..

Còn hiện tại, UBND vẫn đang tích cực tham gia hỗ trợ người dân có thể cấp đổi số nhà trở thành 3 xuyệt nhằm giải quyết vấn đề dân sinh…" - bà Trang lý giải thích thêm.

Huy Hậu. Ảnh: Hải Long

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/chuyen-ky-la-giua-long-tphcm-co-tien-khong-bat-duoc-taxi-grab-co-ngoi-khang-trang-van-bi-phan-dia-chi-ao-820202411104413999.htm