Chuyện kiểm soát vũ khí trong dân ở Nga

Hiện nay, công dân Nga được phép giữ và mang theo người khoảng hơn 6,6 triệu khẩu súng. Sự kiện ngày 17-10-2018, tại trường Kerch ở Krym, một sinh viên xả súng làm 21 người chết rồi tự sát đã gây sốc cho cả đất nước.

Sau đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh tăng cường kiểm tra việc sử dụng vũ khí, trong đó có vũ khí dân dụng để không cho phép gây nguy cơ cho công dân, xã hội và nhà nước. Ngày 11-2-2019 đã ban hành một số thay đổi trong luật Liên bang về vũ khí No 219-F3 ban hành ngày 19-7- 2018.

Người dân đang sử dụng hơn 6,6 triệu khẩu súng

Mục đích cuối cùng của Luật Về vũ khí là tạo lập và giữ cho cân bằng mối quan tâm của tất cả các đối tượng liên quan đến sử dụng vũ khí, từ những công dân được sở hữu vũ khí đến người không dây dưa gì với vũ khí, từ các xí nghiệp trong nước của ngành sản xuất và buôn bán vũ khí đến những tư cách pháp nhân có nhiệm vụ đặc biệt được sử dụng vũ khí trong hoạt động của mình, từ Liên đoàn Bắn súng bắn cung đến các cơ quan thể thao, từ nghề thợ săn đến những đối tượng khác.

Cận vệ Nga phải kiểm tra nghiêm ngặt nhân thân rồi mới cấp giấy phép sử dụng vũ khí.

Cận vệ Nga phải kiểm tra nghiêm ngặt nhân thân rồi mới cấp giấy phép sử dụng vũ khí.

Trong quá trình soạn luật, Nga đã thành lập những Hội đồng phối hợp, thành phần gồm các đơn vị bảo vệ ở địa phương với một trăm chuyên gia của các tổ chức thể thao và xã hội, như: Liên hiệp Thể dục thể thao xã hội và nhà nước “Dinamo”, Hiệp hội Tình nguyện Hợp tác với Quân đội, Hàng không và Hải quân DOSAFF, Liên đoàn Thợ săn, Liên đoàn Săn bắt cá, Hội Thiện xạ, Hội Những nhà sản xuất vũ khí, v.v... Đặc biệt là việc kiểm soát kiểm tra được Tổng thống giao cho Lực lượng Cận vệ Nga trách nhiệm rất lớn.

Theo thống kê của Cận vệ Nga, nước này có 3.935.113 người được phép sử dụng 6.619.861 đơn vị vũ khí dân dụng, trong đó có 969.807 súng xẻ rãnh nòng, 4.409.541 súng nòng trơn, 925.447 súng hạn chế sát thương, 309.509 súng hơi và 5.557 súng hơi trên 7,5 J (đơn vị đo công, năng lượng và nhiệt năng).

Năm 2018, nhân viên các đơn vị cấp giấy phép đã tiến hành kiểm tra hầu hết trong gần 4 triệu người sở hữu vũ khí dân dụng, kết quả phát hiện 49.000 trường hợp vi phạm, những trường hợp này đã bị hủy bỏ giấy phép.

Năm 2018, Cận vệ Nga chịu trách nhiệm kiểm tra tổng số 25.000 đơn vị, trong đó hơn 10.500 đơn vị là các cơ quan buôn bán vũ khí, những đội tổ bảo vệ, vệ sĩ của tư nhân, những ngành và cá nhân có nhiệm vụ pháp quy đặc biệt, những cơ sở giáo dục thể thao có trang bị vũ khí và hơn 1.000 cửa hàng vũ khí, đồng thời tiến hành các công tác phòng ngừa, giảng giải những điều còn chưa rõ...

Hoạt động đó nhằm làm giảm thiểu việc sử dụng trái pháp luật vũ khí. Nhờ những biện pháp đã đề ra, Cận vệ Nga đã giảm được 7,9% số lượng chủ nhân bị mất vũ khí và 21,5% bị lấy cắp. Ở các cơ quan nội vụ, công an đã thu được 69.111 đơn vị vũ khí do người dân giao nộp, trong số đó có 4.308 đơn vị trước đó không hề được đăng ký.

Từ năm 2016, Cận vệ Nga đã ghi nhận mức giảm thiểu hằng năm số công dân có nguyện vọng sở hữu vũ khí. Năm 2018 giảm 3,2% so với năm 2017. Đấy là xu hướng cho phép đi đến kết luận: mối quan tâm tới vũ khí trong dân đang giảm.

Công luận kêu gọi phải có những điều luật nghiêm khắc hơn nữa đối với một số dạng vũ khí có sức gây sát thương lớn, tầm bắn xa. Những điều khoản luật liên quan đến đặc điểm của vũ khí lạnh như cung, nỏ, và những vật thể ném, phi, phóng... cũng cần được gấp rút hoàn thành.

Trong 4 tháng đầu năm 2019, Cảnh sát Nga ghi nhận đã xảy ra 667.000 vụ án, trong đó 2.015 vụ hình sự có sử dụng vũ khí. Kinh nghiệm trong nước và quốc tế đã cho thấy, chính người sở hữu vũ khí trở thành mục tiêu ưa thích của bọn tội phạm.

Trong xã hội hiện đại, nếu tiếp nhận bất kỳ quyết định nào mà không tính đến ý kiến xã hội, không tính đến quan điểm của những nhà chuyên môn thì cũng không hoàn toàn đúng. Hiện nay, Luật Liên bang về vũ khí của Nga cho phép công dân được sở hữu không quá 5 đơn vị súng săn xẻ rãnh nòng, không quá 5 đơn vị súng thể thao xẻ rãnh nòng, không quá 5 đơn vị súng nòng dài, nòng phẳng và không quá 2 đơn vị súng sát thương có giới hạn.

Như vậy, nếu tính tổng tiêu chuẩn được pháp luật cho phép thì mỗi công dân Liên bang Nga có thể sắm tới 17 đơn vị vũ khí. Nếu mua vũ khí để làm sưu tập thì luật không hạn chế số lượng. Nên hiểu rằng, thực tế nước Nga, từ 4 triệu người được cấp giấy phép, chỉ 600 người là có trong tay 5 đơn vị súng phẳng nòng và 5 đơn vị súng xẻ rãnh nòng, còn thì không một ai sử dụng hết tiêu chuẩn 17 khẩu (ấy là không tính đến các nhà sưu tầm). Cho nên vấn đề nới rộng giới hạn cho phép là không cấp bách, không cần thiết phải xem lại tiêu chuẩn luật định nhằm mở rộng quyền công dân mua sắm thêm vũ khí cho mình.

Cận vệ Nga theo dõi để cho việc sử dụng vũ khí trong nước diễn ra trong khuôn khổ pháp luật. Tiêu chuẩn và quy tắc tồn tại ở Liên bang Nga hoàn toàn đáp ứng được mức độ nguy hiểm của từng dạng vũ khí. Ví dụ, vấn đề súng ngắn nòng đã được bàn thảo từ lâu, xem có nên cho phép dùng vào việc phòng vệ dân sự.

Các chuyên gia cân nhắc và đi tới kết luận: những giả thuyết có lợi cho việc buôn bán súng ngắn là không thuyết phục. Súng thể thao ngắn nòng cũng nguy hiểm chết người ở cự ly gần, kích thước của nó lại nhỏ nên dễ giấu. Những vũ khí này trong trường hợp dùng với mục đích trái pháp luật cũng như nằm trong đường dây buôn bán trái pháp luật sẽ là nguy cơ đối với công dân, xã hội và nhà nước. Hiện nay đã có thể lựa chọn những mẫu khác nhau, ví dụ các loại súng gây sát thương ở mức hạn chế.

Nói về việc mua bán, sử dụng súng trong dân, Giám đốc Cận vệ Nga Viktor Zolotov cho biết: “Một công dân bình thường đâu cần đến vũ khí để tự vệ trước một cuộc tấn công có thể có từ phía tên tội phạm có trang bị vũ khí. Trong thống kê số lượng tội phạm đã hoàn thành khi sử dụng vũ khí ở Nga, đấy là con số rất nhỏ, chỉ vào khoảng 0,3% trên tổng số tội phạm và biên bản”.

Xây dựng "văn hóa vũ khí" với người dân

Mới đây, luật pháp Nga còn cho phép công dân tự sản xuất đạn cho riêng loại súng săn dài nòng phẳng, nhưng từ 16-1-2019, Luật Liên bang sửa đổi cho phép công dân Nga có quyền tự sản xuất đạn cho cả súng săn hay súng thể thao sử dụng cá nhân. Điều luật này bắt buộc người mua súng dài nòng lần đầu tiên phải qua khóa học tương ứng trong khuôn khổ những quy tắc an toàn khi tiếp xúc với súng đạn.

Những công dân đã có súng trước đó cũng như những công dân đã từng phục vụ trong các đơn vị quân sự nhà nước và có quân hàm hoặc danh hiệu chuyên môn, hay những cựu quan chức cơ quan bảo vệ và thi hành luật pháp cũng được miễn phần học tập bắt buộc.

Như thế, những điều luật được sửa chữa, bổ sung cho phép công khai hóa việc buôn bán thuốc súng, kíp mồi và những cấu thành khác của đạn dược dùng cho vũ khí xẻ rãnh nòng. Tự làm đạn là quá trình quan trọng và hấp dẫn nhưng cực kỳ nguy hiểm. Đấy là phần không tách rời của văn hóa sử dụng vũ khí.

Không nên đùa với vũ khí. Ví dụ: đối với vũ khí dùng nguyên tắc khí nén, vấn đề đầu tiên là phải đảm bảo điều kiện bảo quản. Lực lượng Cảnh vệ Nga và các đơn vị thuộc Bộ Công an thường vào biên bản những trường hợp trẻ chưa thành niên thấy bố để súng hơi công khai trong nhà bèn mang đến trường để khoe khoang với các bạn cùng lớp, thậm chí còn tồi tệ hơn là định dùng để “giải quyết quan hệ cá nhân” với nhau. Văn hóa sử dụng vũ khí và văn hóa thợ săn có liên quan mật thiết với nhau.

Về thực chất, những điều luật định và việc kiểm soát từ phía các cơ quan hữu trách càng nghiêm thì văn hóa của người được phép mang vũ khí mới lên cao được. Văn hóa sử dụng vũ khí và văn hóa thợ săn cũng còn liên quan mật thiết với nhiều yếu tố khác.

Ông Viktor Zolotov - Giám đốc lực lượng Cận vệ Nga - trong một triển lãm chuyên đề về vũ khí đặc biệt.

Đối với phần lớn những chủ nhân vũ khí biết tuân theo pháp luật thì vũ khí là vật để tự hào, là nguồn thiện cảm. Còn kẻ nào coi vũ khí như là đồ vật dùng để cưỡng bức người khác hay đồ vật dùng để đạt những ý đồ phạm tội của mình, kẻ đó không hề có văn hóa vũ khí.

Sở hữu vũ khí, đó là chịu sự nguy hiểm ở mức độ cao, không chỉ là quyền lợi, mà còn là trách nhiệm trước bản thân, những người thân thích và xung quanh. Công tác phòng ngừa, giải thích và thực hành từ phía các cơ quan giáo dục, thể thao, quốc phòng, săn bắn... hướng tuổi trẻ vào mối quan tâm lành mạnh đối với vũ khí và lịch sử, với những môn thể thao, cuộc săn và những gì thuộc truyền thống văn minh hình thành xung quanh – đấy là ngọn nguồn quan trọng trong việc hình thành một văn hóa vũ khí.

Đăng Bẩy (theo lenta.ru)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/chuyen-kiem-soat-vu-khi-trong-dan-o-nga-551350/