Chuyện không nhỏ

Dân gian có câu cửa miệng 'Trông người mà ngẫm đến ta' là có ý chi, Tư?

- Theo thiển ý của tui thì trông là nhìn, ngẫm là ngẫm nghĩ, suy tư để rút ra điều chi đó cho bản thân... Nghĩa là ngó vô những hành vi, việc làm của người khác rồi so với mình, thấy họ hay hơn, tốt hơn thì học theo, làm theo. Còn thấy họ dở hơn thì né đi, tránh đi. Mà sao bữa nay anh Ba lại nói tới chuyện nầy?

- Ờ, thì thấy có chuyện hay hay, chợt nghĩ thành phố mình nên tham khảo!

- Là chuyện chi?

- Hôm rồi đọc báo thấy nói một thành phố lớn ở miền trung vừa ra chỉ lệnh bằng văn bản yêu cầu các quận, huyện, phường, xã, thị trấn xử lý nghiêm tình trạng mở nhạc âm lượng lớn, hát ka-ra-ô-kê gây ồn trong đô thị và khu dân cư bất kể giờ giấc.

- Chuyện nầy đang "hót" đó, anh Ba!

- Chuyện xử lý hay chuyện hát?

- Là chuyện hát. Nó "hót" vì đang là chuyện gây bất bình trong dân tình ở nhiều lúc, nhiều nơi trong cả nước mà không ai làm chi được! Đến nỗi...

- Một thanh niên ở thành phố biển miền trung đã mang dao đâm chết hàng xóm sát vách vì hát ka-ra-ô-kê quá to, nhắc nhở hoài mà không được. Chuyện vừa mới xảy ra hôm nghỉ lễ vừa rồi. Còn...

- Còn chi nữa? - Xa hơn một chút, hồi tháng 3 vừa qua, một thanh niên khác ở miền Tây cũng không chịu nổi tiếng loa phát nhạc quá to của một nhóm nhậu bên hông nhà nên đã xông ra uýnh lộn và đâm chết một người. Chuyện không đâu mà hậu quả thiệt là lớn! - Sao lại là chuyện không đâu, anh Ba, nó làm cho người ta không ngủ nghỉ, học hành chi được đến nỗi điên cái đầu gây ra tội ác. Làm chết người là chuyện lớn, sao coi là chuyện nhỏ, chuyện không đâu được!

- Ờ, thì là chuyện lớn! Nhưng sao thành phố, nhất là ở nơi có nhiều khu nhà trọ, người ta đã kêu ca, phàn nàn về tình trạng yêu ca hát quá trớn gây ô nhiễm tiếng ồn mà vẫn chưa thấy nơi nào ra tay giải quyết triệt để. Ở đâu cũng kêu không có căn cứ, cơ sở xử lý nên khó làm.

- Thì ra chỉ lệnh như nơi vừa nói đó, có khó khăn chi đâu!

- Vậy anh Ba mới nói là “trông người mà ngẫm đến ta”, việc hay nên học hỏi làm theo. Đừng coi đó là chuyện nhỏ mà phải xác định là chuyện lớn trong sinh hoạt đời thường để mà quan tâm xử lý cho rốt ráo, tránh tình trạng "chuyên nhỏ thành lớn" như vừa kể ở trên.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/40097002-chuyen-khong-nho.html