Chuyện không đáng có trong ngày vui

Cùng cảnh rời quê lên thành phố làm việc, Toàn và Dung yêu nhau đã lâu và hẹn ước cuối năm nay sẽ làm lễ cưới. Thu xếp công việc ổn thỏa, họ xin nghỉ phép về quê ra mắt hai họ và xin ý kiến cha mẹ làm thủ tục cưới hỏi. Chiều lòng nhà gái, nhà trai đồng ý tổ chức việc 'trăm năm' của đôi trẻ theo đúng truyền thống quê nhà: dạm ngõ, ăn hỏi, tiệc cưới.

Văn hóa và đạo đức

Tuy nhà ở cách xa nhau mấy chục cây số, nhưng nhà trai vẫn thực hiện mọi chuyện khá kỹ lưỡng. Ngay cả lễ dạm ngõ, bên nhà Toàn cũng phải thuê xe ô-tô chở đủ cả cô, dì, chú bác vượt quãng đường xa tới gặp gỡ nhà gái bàn bạc thấu đáo. Tế nhị nhất là phần lễ vật được hai bên dành nhiều thời gian bàn tính, tìm tiếng nói chung. Việc trọng đại của con gái, lại muốn “nở mày, nở mặt” với làng, xóm, cho nên bên phía nhà Dung cầu kỳ không kém khi đặt ra một số yêu cầu sính lễ tươm tất, kèm theo khoản tiền mặt.

Đúng lịch hẹn hôm ăn hỏi, ngay từ sáng sớm, ông bà Quỳ là bố mẹ của Dung tất tả dậy sớm huy động họ hàng chuẩn bị nước nôi, cỗ bàn chu đáo tiếp đón nhà trai. Thường ngày ăn mặc xuề xòa, hôm đó, ông Quỳ bảnh bao diện bộ sơ-mi trắng, quần âu sẫm mầu, còn bà Lệ, vợ ông, thướt tha trong chiếc áo dài thêu hoa sặc sỡ, cười nói xởi lởi đón khách. Ở buồng trong, mấy chị em xúm lại trang điểm, chải chuốt cho Dung. Để buổi lễ thêm phần trịnh trọng, gia đình thuê hẳn một đội các thiếu nữ trẻ đẹp, xinh tươi trong trang phục áo dài đỏ làm nhiệm vụ đón lễ từ phía họ nhà trai. Dù chưa đến giờ, song ông Quỳ có vẻ sốt ruột, hết ngước nhìn đồng hồ, lại nhìn ra phía cổng ngóng chờ.

Bỗng từ ngoài ngõ, giọng ai đó sốt sắng vang lên: “Nhà trai đến rồi!”. Ông bà Quỳ cùng mấy bác cao tuổi trong họ đứng dậy bước ra ngõ đón khách. Đoàn nhà trai tíu tít xuống xe. Ông Tuân, bà Bưởi là bố mẹ chú rể và các cô, dì, chú, bác hồ hởi đi trước, phía sau là Toàn xúng xính trong bộ com-plê là lượt phẳng phiu cùng các chàng trai trong đội bê tráp. Sau khi quan khách hai bên đã vào hết, vị chủ tọa tuyên bố buổi lễ ăn hỏi bắt đầu. Từng mâm lễ được nhà trai nhẹ nhàng chuyển sang cho nhà gái. Mỗi lần nhận lễ xong, các cô gái “lại quả” cho các chàng trai từng chiếc phong bao xinh xắn, bên trong đựng tờ tiền lấy may. Chẳng biết thế nào mà một số chàng trai khi đứng ở góc nhà trêu chọc nhau hé mở phong bao ra kiểm tra thì thấy chỉ có hai tờ mười nghìn đồng. Một cậu dong dỏng khẽ nghiêng đầu nói nhỏ vào tai cô gái đứng gần tỏ vẻ chê ít. Nghe xong, cô gái phẩy tay chẳng nói thêm gì.

Mọi việc nhanh chóng trôi qua, người lớn ríu rít trò chuyện, không để ý tới khúc mắc nhỏ nhoi của đám trẻ. Ông Quỳ tiếp tục công việc, đứng dậy thay mặt gia đình nói lời cảm ơn nhà trai, rồi thành kính rút ba thẻ hương thắp lên bàn thờ gia tiên. Hai họ ngồi bên nhau uống nước, trò chuyện rôm rả. Chợt em ruột bà Lệ thì thào nói với chị gái điều gì đó. Bà Lệ nhẹ tay lần giở mấy tấm vải lụa đỏ đậy trên các mâm lễ, gương mặt thoáng biến sắc. Một vài chiếc tráp đựng đồ sính lễ có vẻ cũ kỹ bên bọc chè, tút thuốc lá bị bẹp góc, vài túi hạt sen, hộp bánh su-sê méo mó. Bà Lệ định cho qua vì nghĩ họ nhà trai đi đường xa, lúc vận chuyển xe rung lắc làm đồ lễ rúm ró... Tuy nhiên, bà dì của Dung lại không chịu bỏ qua, kéo tay mẹ chú rể ra một góc to nhỏ trách móc họ nhà trai để đồ cẩu thả khiến sính lễ xộc xệch “mất thiêng”.

Biết mình có lỗi, bà Bưởi rối rít xin lỗi. Tuy nhiên, câu chuyện của hai bà lại lọt tai mấy bà cô, thím trong họ nhà gái. Thế là họ quay sang nói nhà trai. Từ chỗ bàn bạc, trao đổi với nhau sinh ra to chuyện. Một ông chú bên phía nhà trai không chịu nhẫn nhịn, phản ứng lại về mấy chiếc phong bao “lại quả” quá ít. Cứ thế, hai bên lời qua, tiếng lại, sầm sì mặt mũi với nhau. Chỉ khổ hai bạn trẻ Toàn, Dung và bố mẹ chẳng biết nói sao, cứ thanh minh với hết người này đến người kia. Cuối cùng thì cũng ổn thỏa, nhưng buổi lễ ăn hỏi kém phần vui vẻ với những gương mặt sầm sì, bực bội.

Mùa cưới đã đến rộn ràng trên khắp các vùng, miền, thành thị cũng như nông thôn. Không ít trường hợp, chỉ vì hủ tục cưới hỏi rườm rà mà dẫn đến sự cố kém vui trong ngày đại hỉ của đôi trẻ. Mong sao, phong trào cưới hỏi lành mạnh, giản dị, tiết kiệm, vui tươi được nhân rộng ở các địa phương để không còn xảy ra những chuyện đáng tiếc.

PHẠM VIỆT KHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/38143202-chuyen-khong-dang-co-trong-ngay-vui.html